April 24, 2024, 3:43 am

Hội nhập văn hoá trong xã hội hôm nay

 

Việt Nam đã trải qua hai mươi năm hội nhập quốc tế. Trong suốt hai mươi năm đó, việc hội nhập quốc tế đã đem lại cho chúng ta không ít những thành tựu đáng tự hào. Bên cạnh việc đẩy mạnh hội nhập kinh tế thì vấn đề hội nhập văn hóa cũng được chú trọng và thúc đẩy.

 

Ảnh Internet

“Văn hóa” vốn là một khái niệm trừu tượng, mơ hồ. Ở Việt Nam, khái niệm văn hóa cũng được định nghĩa rất khác nhau. Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng “Vì lẽ sinh tồn cũng như mục đích của cuộc sống, loài người mới sáng tạo và phát minh ra ngôn ngữ, chữ viết, đạo đức, pháp luật, khoa học, tôn giáo, văn học, nghệ thuật, những công cụ cho sinh hoạt hằng ngày về mặt ăn, ở và các phương thức sử dụng. Toàn bộ những sáng tạo và phát minh đó tức là văn hóa”. Với cách hiểu này, văn hóa sẽ bao gồm toàn bộ những gì do con người sáng tạo và phát minh ra… Còn cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng thì đã từng cho rằng văn hóa là “một lĩnh vực vô cùng phong phú và rộng lớn, bao gồm tất cả những gì không phải là thiên nhiên mà có liên quan đến con người trong suốt quá trình tồn tại, phát triển, quá trình con người làm nên lịch sử… (văn hóa) bao gồm cả hệ thống giá trị: tư tưởng và tình cảm, đạo đức với phẩm chất, trí tuệ và tài năng, sự nhạy cảm và sự tiếp thu cái mới từ bên ngoài, ý thức bảo vệ tài sản và bản lĩnh của cộng đồng dân tộc, sức đề kháng và sức chiến đấu bảo vệ mình và không ngừng lớn mạnh”… Tựu trung lại, văn hóa là sản phẩm do con người tạo ra, là những giá trị to lớn về mặt tinh thần, tư tưởng, tình cảm, đồng thời giữa các nền văn hóa phải có sự giao thiệp, tiếp thu, học hỏi lẫn nhau, không ngừng bày trừ những điều tiêu cực trong nền văn hóa của quốc gia, dân tộc. Sự “tiếp thu cái mới từ bên ngoài” chính là biểu hiện của hội nhập văn hóa.

Xưa nay, số đông người Việt Nam chưa dám nhìn thẳng vào những hạn chế (thói xấu) của mình. Tư tưởng bảo thủ luôn hiện hữu và chi phối nhiều mặt trong đời sống. Ông cha ta từ thuở khai thiên lập địa đã một mực cương quyết: Ta về ta tắm ao ta/ Dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn”

Bởi suy nghĩ ca dao là trí khôn muôn đời của nhân dân, những bài học mà ca dao mang lại đều sâu sắc và hoàn mỹ, thế nên quan điểm “Ta về ta tắm ao ta” mỗi ngày một phổ biến hơn trong đời sống con người. Cũng vì suy nghĩ đó nên số đông người Việt Nam không dám mở rộng lòng mình nhìn ra thế giới, không chịu tiếp thu những điều hay lẽ phải, những thành tựu văn hóa bên ngoài. Điều này cũng dễ hiểu bởi người Việt Nam chịu ảnh hưởng to lớn từ văn hóa Nho giáo, Phật giáo và Đạo giáo, cùng với những điều kiện xã hội, điều kiện sinh thái khác biệt hoàn toàn với các quốc gia phương Tây. Lối sống khép kín và thái độ tôn thờ, ý thức bảo vệ đến bảo thủ những giá trị văn hóa trong đời sống của người Việt. Những nguyên nhân sâu xa đó tự bao giờ đã trở thành bức tường rào vững chải ngăn chặn những luồng văn hóa mới từ bên ngoài chảy vào Việt Nam.

Những năm gần đây, người Việt Nam có vẻ phóng khoáng, cởi mở hơn trong việc tiếp thu những luồng văn hóa mới mà vẫn nỗ lực giữ lấy bản sắc văn hóa Việt Nam, không để cho những tinh hoa văn hóa dân tộc bị mai một. Một tín hiệu đáng mừng người Việt Nam đã dũng cảm nhìn nhận những thói xấu trong tính cách, những điểm tiêu cực trong văn hóa, dần dần khỏa lấp hạn chế bằng cái mới, cái hiện đại. Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII (năm 1998) đã đưa ra chiến lược phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc cụ thể, sáng suốt. Từ sau Hội nghị Ban chấp hành lần năm, nền văn hóa Việt Nam đã khởi sắc, ánh lên những gam màu tươi mới. Trong thời đại hôm nay, Việt Nam đã hòa mình vào dòng chảy hội nhập văn hóa với các nước, sẵn sàng giao lưu văn hóa với các nước trên thế giới, xây dựng đời sống tinh thần văn minh, tiến bộ và lành mạnh. Việt Nam đã ký kết rất nhiều những hiệp ước song phương, đa phương về văn hóa với các nước, các tổ chức quốc tế. Những tiền đề trên góp phần mang màu sắc mới vào đời sống văn hóa của người Việt Nam, tạo cơ hội thuận lợi để nhân dân ta hiểu thêm về văn hóa nước bạn, đời sống tinh thần giàu có, phong phú, khơi dậy nhiều giá trị nhân văn trong đời sống cộng đồng.

Nền văn hóa Việt Nam được hình thành từ lâu đời, song hành cùng bề dày lịch sử vẻ vang của dân tộc. Đó là sản phẩm của trí tuệ cha ông ta thuở trước dày công xây đắp. Nguyễn Trãi trong Bình Ngô đại cáo đã từng hào sảng tuyên bố:

“Núi sông bờ cõi đã chia

Phong tục Bắc Nam cũng khác”

Phong tục” - ấy chính là biểu hiện của văn hóa nước Nam (tức Việt Nam ngày nay) tồn tại sánh ngang cũng phương Bắc (tức Trung Quốc), một nền văn hóa vững chải và riêng biệt, không thể lẫn lộn với bất kỳ quốc gia nào được. Vì vậy mà trong quá trình tiếp thu văn hóa, người Việt Nam vẫn còn những lo ngại, nhất là sự lai căng, “Tây - Tàu - Ta nhố nhăng”. Bên cạnh việc tiếp thu văn hóa, nước ta cũng không ngừng giới thiệu văn hóa của dân tộc mình đến bạn bè quốc tế bằng nhiều hình thức. Ở thành phố Hồ Chí Minh, Lễ hội Áo dài đã diễn ra sáu mùa, được đông đảo các nhà thiết kế Áo dài Việt Nam tham gia, gây ấn tượng với bạn bè quốc tế. Ở Đà Nẵng, Lễ hội Pháo hoa quốc tế Đà Nẵng diễn ra lần đầu năm 2008 tạo điểm nhấn về văn hóa - du lịch, nâng cao đời sống tinh thần cho người dân, quảng bá vẻ đẹp của Đà Nẵng nói riêng, Việt Nam nói chung đến bạn bè quốc tế. Ở Tây Nguyên, Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuộc (Buôn Ma Thuộc cà phê Festival) được tổ chức tại tỉnh Đak Lak mang tầm vóc cấp quốc gia, quảng báo hình ảnh cây cà phê nổi tiếng Việt Nam đến bạn bè trong nước và ngoài nước. Đặc biệt, cuộc thi Duyên dáng Áo dài Việt Nam tại Châu Âu năm 2017 do Hội Phụ Nữ Leipzig, CHLB Đức tổ chức đưa tà Áo dài Việt Nam ra tầm quốc tế… Hoạt động quảng bá, giới thiệu văn hóa ra nước ngoài cũng như tiếp thu, học hỏi văn hóa nước bạn đem lại nhiều thành tựu đáng kể - niềm tự hào của người dân Việt Nam.

Tuy nhiên, vấn đền Hội nhập văn hóa cũng có những mặt hạn chế đáng báo động. Lối sống phóng khoáng, tự do (theo cách của người phương Tây) vô tình khiến đạo đức của một bộ phận người Việt Nam xuống cấp trầm trọng. Trào lưu sống thử đang lan rộng trong giới trẻ Việt Nam. Nếu người Việt Nam xưa xem trọng chữ “trinh”, “trinh tiết”, “tiết hạnh” thì số đông người trẻ ngày nay xem nhẹ chuyện tình dục, sống buông thả, “ăn cơm trước kẻng” rồi đổ lỗi cho sự ảnh hưởng của văn hóa phương Tây. Có vẻ như bốn chữ: “Công - Dung - Ngôn - Hạnh” mà cha ông xưa dùng để đánh giá phẩm chất của một người phụ nữ, ngày nay bị rẻ rúng. Thật chất, “tứ đức” là điều cần có ở một người phụ nữ, tuy nhiên tùy vào mỗi giai đoạn lịch sử, mỗi hoàn cảnh mà “tứ đức” cần được điều chỉnh đôi chút cho phù hợp nhưng vẫn giữ được cái chuẩn mực vốn có chứ không phải là đánh mất, xóa hẳn đi. Hiện tượng văn hóa bị “lai căng” mà người Việt Nam thường gọi là “Tây - Tàu - Ta nhố nhăng”, hỗn tạp diễn ra ngày càng nhiều, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến những tinh hoa văn hóa vốn có. Trong giao tiếp, một số người đã đệm tiếng Anh, tiếng Pháp vào trong tiếng Việt, họ thể hiện bản thân quá đà khiến câu nói Tây không ra Tây mà Ta không ra Ta. Việc “sáng tạo” ngôn ngữ, từ mới mà ta thường gọi là “Ngôn ngữ tuổi teen”, “teen code” vô tình đánh mất đi sự trong sáng vốn có của tiếng Việt. Những tệ nạn xã hội xuất hiện ngày càng nhiều là mối lo ngại cho các nhà lãnh đạo, những người cầm cân nảy mực. Đứng trước cánh cửa Hội nhập văn hóa, bên cạnh những mặt tích cực còn gây ra nguy cơ đánh mất các chuẩn mực văn hóa tốt đẹp được cha ông ta sáng tạo và giữ gìn từ ngàn đời nay.

Cần phải làm gì trước vấn đề Hội nhập văn hóa? Lãnh đạo nhà nước đóng vai trò chủ chốt, luôn luôn trong tâm thế của một người - đi - trước, mạnh dạn loại bỏ những luồng thông tin độc hại, xấu xa trước khi những thông tin ấy đến với nhân dân. Những kẻ phản động sẵn sàng xuyên tạc văn hóa nước nhà, xuyên tạc chính trị, làm xấu hình ảnh của đất nước, vì vậy, trước khi tiếp thu bất cứ nguồn thông tin nào chúng ta cũng cần giữ một cái đầu tỉnh táo, suy xét kỹ càng, thận trọng. Văn hóa lấy con người làm gốc. Đất nước phát triển là đất nước có bề dày văn hóa, có bản sắc riêng, con người sống văn minh, nhân ái. Bởi thế, chúng ta phải nỗ lực giữ gìn “cái gốc” của người Việt Nam, bảo vệ những chuẩn mực đạo đức tốt đẹp, những giá trị nhân văn cao quý. Sẵn sàng tiếp cận văn hóa nhân loại trên tinh thần: tiếp thu, học hỏi cái mới, bày trừ mặt hạn chế, vì một nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc.

 


Có thể bạn quan tâm