March 28, 2024, 9:55 pm

Hối lỗi

Nguyễn Trãi và Nguyễn Xí xuất thân khác nhau, Trãi là nho gia, con Xí là con ở trong gia đình Lê Lợi, được giao nuôi một đàn chó săn. Xí yêu chó, hàng ngày đánh đàn cho chó nghe, dần chó hiểu ý người, rất tinh khôn, nghe điệu đàn của chủ là biết lao vào con mồi, hay lùi lại. Lợi thấy Xí được việc, lại trung thành, hứa mai này dựng cờ tụ nghĩa, sẽ cho Xí làm chỉ huy đánh giặc. Lợi không nuốt lời, ngay sau ngày hội thề Lũng Nhai, Lợi là trang chủ, cho Xí là một trong các vị công thần, được cầm quân.

Khi Xí có vị thế của một tướng quân, thì Trãi mới từ Thăng Long tìm đến Lam Sơn dâng Bình Ngô sách, xin đứng dưới cờ Bình Định Vương. Là người thông tuệ, sáng láng, Trãi được Lợi tin dùng, cho ở bên mình, gọi là minh sự, gần gũi bàn bạc việc quốc sự sớm tối.   

Minh họa của PHẠM HÀ HẢI

Ngay sau hội thề Lũng Nhai, đội quân của chủ tướng Lê Lợi chia nhỏ, giao cho các vị tướng quân tìm đánh quân Minh bằng những trận phục kích ở dọc đường từ Thanh Hóa đến Thuận Hóa. Có trận thắng to, chém mấy trăm giặc, xách thủ cấp về quân doanh báo công. Cũng có trận nghĩa quân thua, một lúc mất ba trăm tay giáo. Trận thua là do bị kẻ làm phản dẫn đường cho giặc đánh tập hậu, bắt được cả gia đình vợ con Lê Lợi, đòi chủ tướng ra hàng để chuộc. Nhưng chủ tướng không ra hàng, dù bị địch vây bốn phía. Trong lúc suy vi, chủ tướng thu vét được mấy trăm quân kéo lên núi Chí Linh lập chiến lũy phòng ngự. Địch có bốn vạn quân, nhưng không đám lên núi vì sợ bị phục kích, mà chia quân bao vây. Ba tháng phòng ngự trên núi, nghĩa quân phải giết cả ngựa ăn thay cơm, uống nước gio cỏ gianh thay muối. Tình thế một mất một còn, Lê Lai xin chủ tướng được đóng thế, mặc hoàng bào, cưỡi ngựa, chỉ huy một trăm tay gươm tất cả đều thề sẵn sàng chết vì chủ tướng, lao vào chia cắt vòng vây của giặc. Lê Lai bị giặc giết. Bọn giặc Minh lại tưởng đã giết được chủ tướng Lê Lợi nên hô quân bỏ vòng vây, rút về đồng bằng vì không thể ở vùng núi lâu hơn được nữa. Thừa thế, Lê Lợi đôn quân bám theo, đánh vài ba trận, tước khí giới và lấy lương thực, thoát khỏi cảnh đói dài liền mấy tháng.

Sau khi rút khỏi núi Chí Linh, Lê Lợi và các thủ lĩnh lại tương kiến về bước đi tiếp theo của nghĩa quân Lam Sơn. 

Nhìn vào thực lực, chỉ còn lại mấy trăm quân ốm nhom trong tay, lương thảo cạn kiệt, nên nhiều tướng, trong đó có Xí chủ trương lấy núi cao rừng sâu che chở, tuyển thêm quân, thục luyện chờ thời. Riêng Trãi nghĩ ngược lại. Trãi nói để lớn mạnh nhanh thì phải đưa quân về đồng bằng. Trãi giải thích việc nhân nghĩa cốt ở yên dân. Quân điếu phạt trước lo trừ bạo.

Nói xong, thấy nhiều tướng lĩnh ồn ào Trãi lại chắp tay xin được nghe chỉ giáo.  

Lê Lợi hỏi:

“Dấy quân ư? Lúc này quả là Lợi tôi chưa đám nghĩ như vậy”

 Trãi tâu:

“Bẩm minh công, Trãi tôi tìm đến Lam Sơn là chỉ mong minh công khởi binh dẹp giặc phục quốc. Nếu không được như vậy, Trãi này không biết nói thế nào”

Nguyễn Chích đứng dậy, giọng gay gắt :

“Người đã đọc thiên kinh vạn quyển, há sao không biết chim muốn bay phải đủ lông, đủ cánh. Nay Lam Sơn mới nhóm họp các anh hùng, tráng sĩ cũng vừa chiêu tập, lại trải qua vận hạn ở núi Chí Linh, sao có thể dấy binh đọ với chục vạn quân Minh? Không biết ta, biết người làm sao khởi binh được!”

Lê Sát phụ thêm:

“Ý thần cũng là ý của tướng quân Nguyễn Chích”.

Lê Lợi vẫn ôn tồn, quay sang Trãi:

“Xin cho Lợi tôi nghe tiếp”.

 Trãi tâu :

“Trãi tôi nghe nói ở Ngân Sơn các túc hạ tay không đào hào đắp lũy, chống giặc ròng rã đã bao năm, làm giặc khiếp vía, binh sĩ càng ngày càng thêm đông đảo. Vậy xem ra túc hạ vì thù giặc mà dàn trận, rồi lông cánh sẽ mọc dần, chứ ngồi đợi thì bao giờ mới bay lên đươc?”

 Xí nói chen ngang:

“Nói hay lắm. Mưu sĩ nói hay lắm. Xí tôi xin được mạo muội hỏi mưu sĩ, quân ta ít, nhân tài còn thưa thớt, nên lâu nay lấy rừng sâu, núi cao làm giáp che trở. Điều này chắc tiên sinh đã biết. Nay khởi binh rời nơi núi rừng che chắn, một nhúm người mà kình với mươi vạn quân Minh? Như vậy, há phải trứng chọi đá để tự diệt mình?”

 Trãi vẫn không đổi ý:

“Trãi tôi trộm nghĩ, nhân tài còn thưa thớt, nhưng đã có nhiều nanh hùm, vuốt hổ. Lại có chủ tướng Lê Lợi tài đức hơn người, lòng son dạ sắt, nếu so mũi giáo, đường gươm chẳng thua gì ngũ hổ tướng của Lưu Bị”.

Nghe Trãi giãi bày, Lê Lợi gật đầu hài lòng:

“Quả là tiên sinh biết rõ việc Lam Sơn như việc trong nhà… Lợi này vẫn còn e, quân ta thật chưa sung sức”.

 Trãi nói:

“Ta khởi binh vọt pháo đầu, đánh trước để bọn Hoàng Phúc, Mã Kỳ lúng túng trở tay. Nhưng quân ta chưa đủ mạnh thì phải đánh lâu dài, thắng bằng cơ mưu, mạnh bằng nhân nghĩa. Nhân sẽ giúp ta từ yếu thành mạnh. Nghĩa giúp từ ít ra nhiều. Khởi binh, xuống đồng bằng trước khi đánh thành chiếm đất, phải lo thu phục lòng người… Đó là ngụ ý của Trãi tôi, xin minh công chỉ bảo”

 


Có thể bạn quan tâm