April 25, 2024, 9:13 pm

Học trò ngày nay đang bị thử thách quá sức

 

Thực sự là các bậc phụ huynh ngày nay gặp rất nhiều khó khăn trong việc giáo dục con cái. Trong một buổi họp hội Cha mẹ học sinh của trường THPT huyện X, nhiều bà mẹ còn mơ hồ chưa nói được mình muốn con mình là người thế nào, thậm chí có nhiều người lệch lạc coi giá trị tiền bạc là giá trị duy nhất và là thước đo của sự thành đạt. Một số rất đông ước mơ con mình học giỏi để sau này làm ra nhiều tiền, để đổi đời, để ăn sung mặc sướng, để có xe hơi nhà lầu…, để mà nở mặt nở mày với bà con hàng xóm, để thoát cái mặc cảm nghèo hèn…

Ảnh minh họa bài viết

Về mặt lý luận giáo dục, việc đề cao sự hữu ích và tính hiệu quả là ý tưởng chính của Thực dụng luận. Đây là hệ thống lý luận gắn liền với truyền thống duy lý phương Tây, vốn rất thành công ở xã hội Mỹ, thường được những người có chút ít ăn học viện dẫn theo nghĩa hẹp và tiêu cực để ủng hộ cho xu hướng “học nhằm mục đích hái nhiều tiền hơn”.  

Ý kiến đó, nếu chiếm đa phần trong giới phụ huynh, thì quả thật đã để một khoảng trống rất lớn trong mục đích truyền đạt của nhà trường. Và ngay cả thầy cô giáo, những người được đinh ninh là sợi dây chính nối kết ba môi trường giáo dục cũng sa vào thế lúng ta lúng túng. Cũng là lý tưởng, tiêu chuẩn, quan điểm nhưng để cho thế hệ đang bước vào đời, những con người trung tâm của sự học ấy, tiếp nhận, suy nghĩ và sử dụng tự do kiến thức khi đã trưởng thành đòi hỏi mục tiêu giáo dục ngay từ đầu phải thực sự gắn với cuộc sống, là chính cuộc sống nhưng đồng thời phải duy trì và phát triển theo sự văn minh của nhân loại.

Trong bối cảnh nền giáo dục Việt Nam đang trăn trở để đổi mới hiện nay, chúng ta cần hiểu rõ Thực dụng luận hơn bao giờ hết, tránh tình trạng khái niệm bị méo mó, sai một ly đi một dặm, để rồi lại một lần nữa nhắm mắt dò đá qua sông.

Tuổi học trò tỉnh lẻ của bọn tôi ngày trước thường gắn với những thứ rất buồn cười, cái đám bông xuyến chi trăng trắng dọc đường đi học chẳng hạn. Mấy nhỏ gái lãng mạn cứ dừng lại ngắt ép vào vở, không phải ép để lấy xác hoa khô như kiểu ép lá thuộc bài mà là mê mẩn với cái dấu hoa nâu nâu trên trang trắng. Thế mà những trò vụng dại buồn cười ấy lại trở thành thứ người ta không thể quên khi nhớ đến tuổi học trò, chúng tôi nhắc đến bông xuyến chi như cách học trò thành phố nhắc đến “thời áo trắng”, “thời mộng mơ” vậy đó.

 Tuổi học trò thích làm người lớn nhưng lại dị ứng với những quy định, những “trầm trọng hóa vấn đề”. Cái gì đó thật nhẹ nhàng khiến cảm xúc xuất hiện lại dễ được tiếp nhận hơn. Một khi thói quen tinh thần được điều chỉnh (kể cả được điều chỉnh ở gia đình bằng bề dày văn hóa) thì dần dần những anh chàng, cô nàng học trò ấy sẽ tự chỉnh tất cả để đồng hóa với cộng đồng, với xu hướng văn minh của nhân loại.

  Nếu nói “thời bông xuyến chi” là thời cắp sách đến trường của bọn học trò nhà quê chúng tôi thì quả thật ngày nay những “đám bông xuyến chi” ấy đang bị ném vào những cơn bão chồng chéo lên nhau.

 Cơn bão phương tiện truyền thông giúp cho việc truyền đạt và tiếp nhận dễ dàng hơn, nhanh hơn nhưng cũng đã làm cho năng lượng bị chuyển hướng khá nhiều, tức là tổn thất về sức mạnh và suy nghĩ lẫn lộn.

 Cơn bão những cuộc cải cách, cải tiến giáo dục và những công văn “khó hiểu” (chẳng hạn công văn 4612/ BGDDT-GDTrH khó hiểu ở chỗ vừa yêu cầu “bổ sung cập nhật những thông tin mới phù hợp thay cho thông tin cũ” lại vừa yêu cầu “tuyệt đối không dạy những nội dung ngoài sách giáo khoa”) làm cho cả thầy cả trò rơi vào tình trạng e dè, gượng gạo, xoay vòng như gà mắc tóc. Một hệ quả nữa là việc chạy theo thành tích bề ngoài và sự sốt ruột về tính thống nhất của phương pháp đã giới hạn khá nhiều về sự phát triển trí óc của học sinh.

Cơn bão thứ ba là quá trình đi vào xã hội hóa giáo dục đã tạo ra sự bất bình đẳng trong giáo dục, ít ra là trên đường đi của nó hiện nay. Tôi không dám nói hệ thống trường công được giao phó “trọng trách” gánh cái gánh số đông học trò nghèo nhưng quả thật những trường tư được đầu tư tốt hơn cả về cơ sở vật chất lẫn năng lực con người tạo ra sự thụ hưởng giáo dục tốt hơn cho học trò con nhà giàu có.

Và cơn bão thứ tư thuộc về căn tính thời đại, nhất là ở những nước đang phát triển như đất nước chúng ta. Nhịp sống nhanh dần làm cho các mối quan hệ trở nên ít bền vững hơn, thậm chí dẫn đến tình trạng các quan hệ trở nên mong manh, lỏng lẻo. (Giữa cha mẹ và con cái, giữa thầy và trò, giữa ba môi trường giáo dục, giữa phương pháp và nội dung truyền thụ…)

Ở đây, tôi chỉ xin đề cập đến khả năng tinh thần của học trò, một khía cạnh làm nên giá trị lớn lao của giáo dục, thì quả là học trò ngày nay đang bị “thử thách” quá sức. Cứ như thế này kéo dài thì có thể nói rằng: Cả một thế hệ đang bị ném vào bão! Tất nhiên trong hoàn cảnh đó, sự bất lực của các bậc phụ huynh, dù tâm huyết đến đâu, cũng là điều dễ hiểu và cảm thông. Và cả những nhà giáo dục, những người hoạch định con đường đi quan trọng nhất của một dân tộc, một đất nước lẽ nào lại cùng kiểu ép những những cánh xuyến chi trắng muốt chỉ để lấy những cái dấu nâu nâu trên giấy?!

 

* Tên bài viết do Vannghe online đặt


Có thể bạn quan tâm