March 29, 2024, 2:49 am

Học nơi đất khó

                                                                

Chân ướt chân ráo vào sở Giáo dục & Đào tạo tỉnh Thái Nguyên chúng tôi đặt vấn đề ngay muốn tìm hiểu hệ giáo dục mầm non, Tiểu học và Trung học cơ sở vùng khó khăn nhất của tỉnh nhà. Cán bộ sở cho hay từ đêm qua tới suốt sáng nay mưa to kéo dài đi vùng sâu sẽ rất khó khăn, khuyên nên để một hai ngày tới. Tôi đưa ra cái lý: “Thày trò vẫn đi trên những cung đường đó suốt mùa mưa. Chẳng lẽ mấy ông nhà báo không đi nổi thì ngượng quá?” - “Vậy thì xin giới thiệu với các anh chị đến Võ Nhai – huyện khó khăn nhất của tỉnh”. Không nhận lời mời cơm trưa với sở, chúng tôi lên đường trong lắc rắc mưa, tới giáp trưa thì tới huyện lỵ. Cơm xong đã gần 2 giờ chiều. Phòng giáo dục cho biết không thể đi vào trường vùng xa, bởi tới nơi học sinh đã tan học chiều nên sắp xếp cho một trường gần. Sáng mai sẽ đi trường Tiểu học & Trung học cơ sở Làng Mười và điểm trường Cao Biền là nơi xa nhất.

 

KHÓ KHĂN CỠ NÀO?

Rất may ngày hôm sau dừng mưa, nhưng mây đen vẫn vần vụ. Trường Làng Mười chỉ cách thị trấn 21km, ô tô đi được 15km còn 6 km phải đi xe ôm, qua cung đường không dành cho những người thần kinh yếu. Trong 6km ấy có tới 5 ngầm dốc lên dốc xuống đang thi công ngổn ngang sỏi đá lầy lội chằng chịt ổ voi, ổ trâu, ổ lợn. Nhiều chỗ chỉ lọt đúng một lốp xe, 2 bên là đá cuội nhẵn bóng. Chỉ cần chệch lốp một tý là xe vật xuống đường ngay; những vũng nước sâu ngập nửa bánh xe đục ngầu phải đưa bánh xe vào chính giữa gờ ga nhích từng cm phòng lốp trúng mỏm đá trơn xe quay ngang mất lái là ăn vạ với bùn đất; kinh nhất là nơi tiếp xúc giữa đường và ngầm thường là một rãnh sâu, một bên đá trơn, một bên là những phiến đá nhỏ lát ngầm đầy rêu. Tài ôm phải dừng lại về số 1, vê ga nhẹ và xòe 2 chân ra đẩy hỗ trợ để bánh trước bật lên mặt ngầm. Nếu không cứng tay lái là làm mồi cho hà bá trong dòng chảy đang cuồn cuộn kia. Hai ông nhà báo “hơi bị thừa cân” cỡi trên ngựa sắt mặt tái mét ôm chặt eo xế ôm, nhồi lên dập xuống những cú đau điếng xương cụt. Hai tài ôm lực lưỡng, cơ bắp cuồn cuộn mà đánh vật hết gần 1 giờ rưỡi, chậm hơn người đi bộ, mới tới.

Còn điểm trường Cao Biền thì trong 4 tiêu chí: điện, đường, trường, trạm y tế mới chỉ có trường, thiếu 3 tiêu chí. Đường không gập ghềnh nhưng dốc 35 tới 40 độ. Cứ ngược dần lên tới đỉnh cao 1.000 mét nơi điểm trường đóng, hầu như quanh năm sương phủ. Có đoạn đi xe ôm, đoạn cuốc bộ mồm mũi thi nhau thở. Sóng di động phập phù lúc có lúc mất.

Vào những nơi ấy mùa mưa với các bác đồng bằng, đô thị ai đi cũng phải lè lưỡi, hoa mắt. Nhưng với thày cô thì đó là chuyện nhỏ, đi về trong ngày 10-20km là chuyện bình thường. Theo các thầy cô thì cái khó nhất là vận động con em đến trường, duy trì sĩ số, việc nâng cao chất lượng dạy và học. Vùng này có tới trên dưới 90% là đồng bào Dao, Mông, Cao Lan, Tày, Nùng nên nhận thức về việc cho con em đi học chưa thấy cần thiết: “Học cái chữ không ra ngô sắn, lên nương liền tay mới có cái ăn” nên ban đầu “có thầy, có trường nhưng chưa có trò buồn lắm” cô La Thị Thảo hiệu phó trường Tiểu học & Trung học cơ sở Xuất Tắc than thở. Những ngày ấy cô tay xách nách mang chai nước, kẹo bánh, trái cây đi 5-6km vào bản xa qua dốc, suối đến rũ đôi chân. Nhưng nhìn thấy cô phụ huynh bỏ đi không tiếp tức đến phát khóc. Có được học sinh nhưng duy trì sĩ số khó không kém. Một số em vì ở quá xa không đến kịp giờ học, không tiếp thu đầy đủ bài dẫn đến học kém nên bỏ học. Vào các dịp tế nhất, thanh minh, mùa vụ cũng bỏ vài buổi giúp bố mẹ thu hoạch lúa, ngô, trông em, thầy cô chỉ nói nặng một tý là tự ái bỏ học. Khái niệm “dạy dỗ” có lẽ rất đúng ở đây.

Cô Vi Thu Huyền giáo viên dạy giỏi ta thán: “Khổ nhất là các em mới bước vào lớp 1. Do ảnh gưởng phát âm tiếng dân tộc mình nên việc phát âm sai, lẫn lộn thanh sắc, nói ngọng là phổ biến. Từ đó dẫn đến viết sai chính tả nhiều. Vì vậy phải triệu tập các em đến sớm hơn khai giảng 1 tháng để làm quen với chữ cái, tập phát âm. Một từ cô phải làm mẫu nhiều lần mới tàm tạm.”

Ở miền xuôi, thành phố phụ huynh đóng góp khá lớn để xây dựng cơ sở vật chấ, mua trang thiết bị cho trường. Ở vùng này tỷ lệ đói nghèo từ 40 đến trên 60% có tiền đâu mà hỗ trợ? Có chăng phụ huynh chỉ giúp cho ngày công san ủi tạo mặt bằng và cây que, nứa lá dựng lớp, đóng bàn ghế tạm là đã quý lắm rồi. Để phát triển xây các phòng chức năng đầy đủ tìm đâu ra mặt bằng ở cái nơi hai bên là vách núi này? Nên đạt tiêu chí của bộ thật khó thay?

 

THÀNH QUẢ CỦA ĐỔI MỚI

Trường lớp mái bằng xi măng cốt thép chắc chắn; phòng học mát quạt trần, sáng sủa, bàn ghế đạt chuẩn; vôi ve sáng màu, sân trường có cây bóng mát, có cây cảnh, có hoa , có trường còn có mái vòm rộng… nhiều trường ở đồng bằng bắc bộ, nam bộ có mơ cũng chưa được. Tất cả là nhờ các chính sách của nhà nước ưu tiên cho vùng sâu, vùng xa, vùng đồng báo dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn theo Chương trình 135 từ những năm 90 cuối thế kỷ trước. Điện, đường, trường, trạm đi trước rồi từng bước bổ xung những cái còn thiếu. Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, tổ chức xã hội, cá nhân…nhiều ít hỗ trợ thêm mới có được hôm nay.

Nhớ lại bữa cơm chiều Bí thư, Chủ tịch huyện Dương Văn Tiến cho biết: Tổng thu trên toàn huyện chỉ 6%, còn lại 94% là từ trung ương rót về cho chi thường xuyên của huyện, tỷ lệ nghèo và cận nghèo có nơi lên tới 70% đủ thấy cái nghèo, cái khó của dải đất nằm trong vùng thủ đô kháng chiến. Thực ra Võ Nhai không xa, sát thủ phủ Thái Nguyên. Đường giờ đã tốt đi từ Hà Nội đi lên chỉ mất chưa tới nửa ngày đường, nhưng “gần nhà nhưng xa ngõ”. Huyện nằm lọt thỏm giữa những dãy đá vôi trùng điệp của vòng cung Đông Sơn kéo từ Lạng Sơn, Bắc Cạn sang. Không có các khu đô thị, nhà máy, xí nghiệp, doanh nghiệp thì nhỏ và nghèo, đường xá trắc trở xa các quốc lộ, không có tiềm năng gì đáng kể…nên các doanh nghiệp lớn không nghé mắt tới.

Quay lại với giáo dục. Nhờ nguồn lực to lớn từ trung ương, các trường tách ra lập trường, điểm tường mới học sinh không phải đí xa 5-10km nên ít bỏ học. Các em xa trường 2-5 km con hộ nghèo được nhà nước hỗ trợ miễn hoàn toàn học phí ( hộ cận nghèo giảm 50% học phí ); mỗi em mỗi tháng trong niên học được chu cấp 15kg gaọ, 556.000 đồng tiền ăn, 139.000đ tiền thuên nhà trọ, 100.000đ chi phí học tập. Cô Nông Thị Năm, hiệu phó trường Làng Mười gắn bó với mái trường từ ngày đầu tiên nay sắp nghỉ hưu miệng tươi, mắt lấp lánh niềm vui: “Nếu không có chính sách nhà nước giáo dục miền núi, vùng dân tộc thiểu số không bao giờ ngóc đầu lên nổi.” Học sinh vui vẻ, thầy cô sung sướng. Phụ huynh phấn khởi vì mỗi năm 2 lần đến trường nhận gạo và tiền hỗ trợ, do đó tích cực đưa con em đến trường dù này mưa to gió lớn. Với gia đình nghèo mỗi năm có thêm 7-8 triệu quả một mòn quà không dám mơ ước, là cứu cánh khi thất mùa, giáp hạt. Ngay cả những em khuyết tật, thiểu năng trí tuệ cũng mơ ước xin được đi học như em Hoàng Văn Thanh, Mã Văn Trường vào lớp 1. Các thầy cô phải tìm chỗ trọ cho các em ở sát trường. Em Thành ở cùng chị gái học lớp 4. Đáng mừng là em rất chăm chỉ, được chị phụ đạo thêm Trường đã có thể đọc thông viết thạo. Phổ biến trong lớp các em nói tiếng phổ thông nhưng giờ ra chơi, ngoài trường nói tiếng dân tộc và ngại tiếp xúc với các cô, ngại phát biểu xây dựng bài. Do vậy các thầy cô phải động viên, khuyến khích để các em mạnh dạn nói tiếng Việt, tâm sự hoàn cảnh gia đình, những khó khăn và nguyện vọng của mình để có kế hoạch giúp đỡ.

Với học sinh dân tộc, miền núi trước đây ở những trường thị xã, thị trấn có điều kiện các em từ lớp 6 mới bắt đầu học ngoại ngữ. Nay thì vùng sâu các em được học từ lớp 3. Tôi đã trực tiếp dự khoảng 15 phút giờ giảng anh văn lớp 4 của thầy Kiểm trường Làng Mười. Thầy cho các em nghe câu hỏi qua băng do người nước ngoài phát âm chuẩn, sau đó các em trả lời. Tôi kiểm tra đôi ba em các câu đơn giản như: Em tên gì? Bố mẹ em làm nghề gì? Em có mấy anh, mấy chị? Em có thích học tiếng anh không?... các em đều trả lời đúng, có điều giọng hơi lơ lớ chưa chuẩn, nhưng thế là cũng mừng lắm rồi.

Với các thầy cô nhờ có mạng Internet và công cụ thông tin nên tiếp cận được với kiến thức mới, tham khảo phương pháp dạy, soạn bài trên máy tính cá nhân, dạy có màn hình…đỡ đi nhiều công sức và tiệm tiến dần với mặt bằng giáo dục chung, bớt đi sự chênh lệch trình độ so với đồng bằng, đô thị. Có thể thấy sự dạy và học nơi xa xôi, khó khăn miền núi, dân tộc thiểu số đã khởi sắc, đang được hưởng thành quả của đổi mới và phá triển đất nước một cách rõ rệt.

 

MẤY ĐIỀU “LĂN TĂN”

Đã nhiều năm nay, đặc biệt rộ lên gần đây là tình trạng bạo lực học đường, trò đanh nhau, phụ huynh bênh con đánh thầy cô, cô thầy phạt học sinh bằng các hình thức vô văn hóa, lợi dụng tình dục… là điều rất lo lắng của xã hội. Nhìn chung các thầy cô rất bức xúc nhưng cho biết ở những vùng sâu dân tộc nơi đây những hiện tượng đó chưa xảy ra. Đồng bào chân chất, thật thà, các cháu chưa chịu ảnh hưởng nhiều “văn hóa Interne” có nhiều độc hại. Đó là mặt thuận lợi, là điều đáng mừng. Tuy vậy trường vẫn dành một phần giờ học, ngoại khóa, giờ chào cờ sáng thứ 2…để nhắc nhở các em theo yêu cầu của bộ đưa vào chương trình học. Đồng thời vận dụng hướng dẫn cho các em phòng chống đuối nước, đi qua khe suối, phòng rắn cắn…và tuyên truyền cho phụ huynh biết để luôn nhắc nhở con em

Các thầy cô rất buồn và phiền lòng khi trên báo chí, tivi đăng tải những hiện tượng đó đã ảnh hưởng lớn tâm lý thày cô. “Con sâu làm rầu nồi canh”, vài chuyện cá biệt đã trở thành dư luận, làn sóng tiêu cực, trong khi hàng ngàn tấm gương tận tụy, tâm huyết, trách nhiệm của các thầy cô rất ít được nêu gương, tuyên truyền?

Điều cuối cùng là một số địa phương cho một loạt cô hợp đồng bị cho nghỉ dạy, loại ra ngoài biên chế một số cô không đủ chuẩn đã gây nên nỗi lo lắng, dao động tư tưởng thầy cô đã gắn bó với trò thân yêu gần nửa cuộc đời. “Cái chết không được báo trước”, đùng một cái các cô bị “mất dạy”. Có nơi thầy cô muốn vào biên chế phải đút lót hàng chục, hàng trăm triệu cho lãnh đạo ngành, chính quyền địa phương? Vì vậy rất mong chính quyền địa phương có kế hoạch tập huấn, bồi dưỡng cho thầy cô nghiệp vụ, phương pháp giảng dạy mới; giải quyết cho các thầy cô đã hợp đồng quá lâu được vào biên chế để họ yên tâm và phát huy năng lực và sáng tạo trong giảng dạy.

Chắc vẫn chưa hết tâm tư, nhưng giờ học cuối cùng sắp kết thúc. Chúng tôi xin phép thầy cô cho được kết thúc cuộc trao đổi. Khách chủ nhìn nhau dùng dằng chưa muốn chia tay giống như liền anh liền chị quan họ, tới bến thuyền rồi quay lại đi lên đi xuống chưa thỏa tâm tư. Ra khỏi phòng làm việc bắt tay tạm biệt, ra sân trường lại dừng lại bắt tay, ra tới cổng trường lại bắt tay lần nữa. Cái tình người dân tộc, miền núi mới chân thành, thắm thiết và quý hóa khiến người ra đi cảm động. “Sang năm các anh lại lên thăm trường chúng em nhé!” thầy cô nhắn gửi. Nhưng trả lời mới khó làm sao! Nói khó có cơ hội lên thì làm hỏng cái tình. Hứa sẽ lên ư? Đã chắc đâu đi được? Thì chỉ biết cám ơn và gật gậ cái đầu để thầy cô vui lòng chứ nào dám thốt nên lời?

Nguồn Văn nghệ số 21/2019                                                            


Có thể bạn quan tâm