April 26, 2024, 2:23 am

Hóa thành hạc trắng bay cao

Trong những ngày vừa qua, trên khắp các phương tiện truyền thông đại chúng, mạng xã hội và cả trong đời sống của hàng ngày của người dân, sự kiện đau thương về hai chiếc máy bay của Không quân Nhân dân Việt Nam gặp nạn trong khi làm nhiệm vụ đã trở thành tâm điểm của sự quan tâm, của những lời cầu nguyện, và của cả những nỗ lực tìm kiếm bất kể ngày đêm, bất kể thời tiết khó khăn, bất kể những hiểm nguy đang rình rập… Bi kịch bắt đầu từ sáng ngày 14/6, máy bay Su-30MK2 số hiệu 8585 cất cánh từ sân bay Sao Vàng biến mất trên vùng biển Nghệ An khi đang thực hiện nhiệm vụ… Tiếp đó đến trưa ngày 16/6, máy bay CASA 212 mang số hiệu 8983 cũng đột ngột mất liên lạc trong quá trình tìm kiếm Su-30MK2…

Sự trở về của thiếu tá Nguyễn Hữu Cường (39 tuổi, Phó phi đội trưởng phi đội 1, Trung đoàn 923, phi công trên chiếc Su-30MK2) ngày 15/6 đã thắp lên niềm tin và hi vọng cho đồng bào cả nước. Tuy nhiên điều may mắn ấy đã không đến với những người còn lại. Đến ngày 17/6, thượng tá Trần Quang Khải cũng trở về, nhưng là trở về với đất mẹ. Còn lại 9 chiến sỹ trên chiếc CASA 212 thì vẫn bặt vô âm tín..

Ngóng chờ các anh, cả triệu người hằng đêm trằn trọc, lo lắng trào nước mắt. Trái tim quặn thắt mỗi lần nhớ tới những mảnh vỡ từ máy bay và tư trang của phi hành đoàn đã được trục vớt. Cả dân tộc vẫn đang hướng trái tim về biển cả, lòng thầm nguyện một phép màu…

Sáng nay, 20/6, Quân chủng Phòng không không quân đã tiến hành nghi lễ truy điệu Đại tá Trần Quang Khải (Anh vừa được truy phong quân hàm Đại tá) tại Nhà tang lễ Quân khu 4 (Nghệ An). Chiều ngày  20/6, đồng đội và người thân trong gia đình sẽ đưa anh về mai táng tại quê nhà ở Bắc Giang.

Sự hy sinh vì đất nước của các anh đã để lại nỗi nhớ thương xa xót trong lòng tất cả mọi người. Dường như trong mất mát này, mỗi người dân Việt Nam như xích lại gần nhau hơn, ứng xử có trách nhiệm hơn với con người và đất nước mình. Các nhà văn, nhà thơ cũng từ đau thương ấy mà cất lên những tiếng lòng…

Báo Văn nghệ xin giới thiệu bài viết của nhà thơ Nguyễn Ngọc Phú và nhà thơ Nguyễn Hữu Quý, là hai trong số rất nhiều bài viết, rất nhiều tâm tư về nỗi đau này…


Văn nghệ

TỔ QUỐC VÀ BẦU TRỜI

   Nguyễn Ngọc Phú

Tôi nhớ có một bộ phim Liên Xô về chiến tranh thế giới thứ hai khá xúc động: “Khi đàn Sếu bay qua”. Ví những chiến sỹ hồng quân hy sinh giống như đàn Sếu vẫn đập cánh giữa bầu trời tự do. Vẫn sống trong ánh mắt dõi theo của bao người thân trên mặt đất. Và nhà văn Bảo Ninh – tác giả của tiểu thuyết “Nỗi buồn chiến tranh” nổi tiếng cũng đã có từng truyện ngắn khá ám ảnh về một bà mẹ khi bay từ Bắc vào Nam qua địa phận cầu Hàm Rồng (Thanh Hóa) đã bất ngờ bày ra bàn thờ và châm lửa đốt nhang khiến cho kíp bay và hành khách hốt hoảng. Thì ra ở địa danh này đứa con thân yêu nhất của mẹ là một phi công đã hy sinh trong trận không chiến với máy bay Mỹ. Anh với chiếc máy bay như một quả tên lửa đâm thẳng vào máy bay của địch và tan thành mây khói. Mẹ ao ước qua vùng trời này thắp hương để tưởng niệm con mình. Bởi bầu trời chính là tổ quốc của các anh.

Một nhà thơ đã từng viết “Đất nước hết chiến tranh – Vẫn chưa nguôi báo động”. Vẫn còn những cơn báo động trong cuộc sống đời thường của thời hậu chiến. Vẫn còn những hy sinh oanh liệt. Hy sinh trong chiến tranh đã là một tổn thất lớn lao nhưng hy sinh trong thời bình tổn thất này lại càng nhân lên gấp bội. Những ngày này cả nước bàng hoàng, xúc động nghẹn lòng trước sự ra đi của phi công thượng tá Trần Quang Khải. Cánh én và anh đã vĩnh viễn rời khỏi bầu trời thân yêu trong khi làm nhiệm vụ. Bầu trời của anh cũng có những cánh đồng mây ngổn ngang như cánh đồng làng Bắc Giang quê anh, như cánh đồng Nghệ An nơi anh hy sinh đang vào mùa gặt. Rơm thì vẫn thơm, nắng thì vẫn vàng mà sao nỗi lòng se thắt. Mây trắng hay dải khăn tang trắng rối bời. Và cuối chân trời tháng 6 âm ỉ những cơn giông. Những cơn giông không có chớp giật mà quặn lòng mà oi bức mà ngột ngạt. Giông trời hay giông lòng người, giông từ âm âm đất mẹ. Khoảng cách giữa bầu trời và mặt đất tuy xa nhưng những cánh bay én bạc cất lên từ đường băng - đường băng không chỉ xây từ bê tông mà từ lòng người từ niềm tin khát vọng đã rút ngắn lại. Các anh bay trong biên giới của tổ quốc mình. Trong vòng tay của đất mẹ thân thương. Cánh bay của anh như cánh diều ngày xưa đã từng chao liệng. Và biển - màu xanh của biển, màu xanh của trời, màu xanh của hy vọng cũng hóa vào nhau da diết. Thế mà biển hôm nay xanh đến xót lòng. Biển hôm nay sâu đến thót lòng. Biển mặn hơn như đã từng mặn với những cuộc chiến đấu để bảo vệ từng tấc đất tấc đảo. Cũng như cánh bay của các anh để giữ yên lành từng tấc đất tấc trời của tổ quốc. Khi rơi biển đã đón anh vào lòng cạnh hòn đảo mang tên hòn Mắt. Đôi mắt đảo chong chong  trong đêm cũng như bao đôi mắt chong chong trắng đêm để tìm kiếm anh, để đón anh về với đất mẹ… Nhưng cánh dù lẽ ra phải nở bung thành cánh phao cho anh lại vô tình gói anh lại. Tôi cứ nghĩ trong rối bời dây nhợ chằng chịt, phút cuối cùng người phi công quả cảm này sẽ nhìn lên bầu trời khô ráo, nắng nung hút kiệt sức người và anh đã thốt lên trên  đôi môi nứt nẻ: “Nước”. Nước ngọt - nước của giếng làng -  nước của đất - Đất Nước!.

Đọc tên anh tôi lại cứ nghe âm vang tên của một danh tướng đời trần: Trần Quang Khải! Đồng đội đón anh về trong hàng tiêu binh, trong tiếng kèn trầm hùng của bài “Hồn tự sỹ”. Lá cờ Tổ Quốc có ngôi sao như ngôi sao trên cánh bay ôm anh vào lòng. Đó cũng là cánh dù cuối cùng đưa anh vào cõi không gian bất tử. Gia đình anh, làng quê Bắc Giang mất đi một người con, người chồng, người cha. Đất và người Nghệ An tiễn anh về quê như tiễn một người thân yêu nhất. Đồng đội anh từ nay vắng một cánh bay quả cảm. Nhưng trong lòng mọi người anh vẫn đang bay như “Đàn én bay qua bầu trời nước Việt” mỗi khi xuân về. Én bạc vẫn trong đội hình chiến đấu, vẫn trong đội hình biên đội huấn luyện của mình. Mây vẫn còn kia hình bóng của anh. Biển vẫn còn kia sâu thẳm lòng  anh. Anh đã hóa thân vào tổ quốc cho “Thêm một lần Tổ Quốc đã sinh ra” (Thơ Nguyễn Việt Chiến) khi anh và bao đồng đội nữa đã hy sinh quên mình “lặn” vào bầu trời thân yêu Tổ quốc .

Lễ đón thi thể phi công Trần Quang Khải tại cảng Hải Đội 2 Bộ đội biên phòng Nghệ An.

Ảnh Hải Bình.

CÁC ANH ĐANG Ở ĐÂU?

 (Gửi tới đồng đội làm nhiệm vụ trên máy bay CASA 212 đang bị mất tích)

Nguyễn Hữu Quý

Các anh đang ở đâu

giữa biển trời thăm thẳm

trong từng con sóng trắng

ngấm nỗi buồn non sông?

Các anh có biết không

bao trái tim nghẹn thắt

ôi, những ngày nước mắt

chảy về nơi xa khơi!

Bay đi tìm đồng đội

sao các anh chưa về

xót xa từng mảnh vỡ

trôi trên biển lênh đênh…

Hết ngày lại đến đêm

ngóng trông dài dằng dặc

lẽ nào, hy vọng tắt

các anh ơi, các anh!

Còn đây những ấm lành

trong ngôi nhà hạnh phúc

chiếc bàn con ngồi học

bữa cơm chiều vợ trông

Còn đây những dòng sông

nặng phù sa của mẹ

dấu chân thời thơ bé

còn lưu vào câu ru

Trời đã sắp mùa thu

cúc vàng và nắng mật

đồng đội chờ gặp mặt

sao các anh chưa về?

Đường bay còn dang dở

những cánh đồng trên cao

không phải ngày giông bão

bất ngờ tai họa gieo…

Cái giây phút ngặt nghèo

giấu bao điều khuất lấp

định mệnh sao đắng chát

các anh đang ở đâu?

Ảnh Quý Phương

Có thể bạn quan tâm