April 26, 2024, 4:04 am

Họa mi năm ngoái…

 

Tôi với vợ chồng Hoa Đại (nhà thơ Trần Kim Hoa và nhà thơ Nguyễn Sĩ Đại) chẳng phải đồng môn, đồng niên, đồng hương… gì gì, nhưng lại là chỗ thân quen, thân thiết dễ đến hơn ba chục năm nay, từ cái hồi anh chị và cậu con trai đầu lòng còn chen chúc trong căn phòng 9 mét vuông trên gác của khu tập thể báo Nhân Dân ở 187 phố Tây Sơn - Hà Nội, đối diện với cây xăng Nam Đồng hiện nay.

 


Nhà thơ Trần Kim hoa ( ảnh trái, bên phải) và nhà thơ Trần SĨ Đại ( ảnh bên phải)

 

Thời ấy, Nguyễn Sĩ Đại đã là nhà thơ có tiếng, còn Trần Kim Hoa lúc đó mới đôi mươi, là “nhân tố mới” trong nhóm thơ Thanh Xuân mà thành viên là những tên tuổi còn vang dội cho đến bây giờ, như: Nguyễn Quang Thiều, Nguyễn Thành Phong, Nguyễn Việt Chiến, Nguyễn Lương Ngọc, Trần Quang Quý, Trần Hòa Bình v.v… Năm 1990, tập thơ đầu tay Nơi em về, tác phẩm in chung của Nguyễn Sĩ Đại và Trần Kim Hoa ra đời, báo hiệu sự xuất hiện một giọng thơ nữ triển vọng. Bạn thơ tin thế và quả đúng như thế. Tròn 30 năm sau, Bên trời - tập thơ thứ năm của Trần Kim Hoa - được trao Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2020.

Nhưng đó là câu chuyện của một hành trình thơ. Còn tôi lại đang muốn nói về hành trình chắt chiu, vun đắp, giữ gìn cho cái tổ ấm của hai nhà thơ tài sắc bên nhau, kể từ cái căn phòng 9 mét vuông hơn ba chục năm trước. Hồi ấy, tôi đã ngoài ba mươi tuổi nhưng vẫn độc thân. Trần Kim Hoa rất vui khi thấy tôi để ý một cô bạn của Hoa, học chuyên văn sau Hoa vài lớp ở trường Phan Bội Châu danh tiếng thành Vinh mà Hoa coi như em gái. Cô bé vừa thông minh, vừa xinh lại hát hay. Học hết năm thứ nhất trường Luật thì cô bạn rẽ ngang sang trường Nghệ thuật Quân đội, nơi cần sắc đẹp và giọng hát của cô hơn. Người như Trần Kim Hoa mà làm mối thì mát tay lắm, thuận buồm xuôi gió luôn, cứ như là trời đã sắp sẵn vậy. Nhưng chỉ một thời gian là tôi ngãng ra. Trần Kim Hoa hỏi vì sao? Tôi thú thật là vì cô ấy xinh quá, tôi không hợp. Hoa xì một phát rõ dài: Anh dở hơi thế?...

Một thời gian sau, anh Đại lại sốt sắng làm mối cho tôi một cử nhân văn khoa lò Tổng hợp Hà Nội, kém Hoa 3 tuổi, cũng đồng hương Hoa Đại, xinh vừa thôi nhưng học cực giỏi, đam mê văn chương, thân quen nhiều văn sĩ và cũng thơ phú tưng bừng… Người ấy thì hợp với tôi quá, gặp là tự nhiên luôn, rồi tự nguyện làm tài xế xe ôm luôn. Nhưng chỉ được một thời gian rồi tôi cũng ngãng ra, Anh Đại hỏi vì sao? Tôi thú thật là cô ấy vừa trẻ, vừa thông minh, lại sắc sảo quảng giao, tôi không hợp. Anh gắt: Cậu dở hơi à? Thế… thì đã làm sao?.. Tôi im lặng, cười méo mó, nghĩ trộm: Bác tự tin chủ quan lắm. Lạy giời trẻ đẹp, thông minh, sắc sảo, yêu thơ phú… nó đừng hành bác lên bờ xuống ruộng!

Lại kể về cái căn phòng 9 mét vuông ở phố Tây Sơn, khi anh chị sinh thêm cháu trai thứ hai thì đã được hoán đổi sang căn phòng khác, có rộng hơn một chút nhưng vẫn không có công trình phụ riêng. Khổ nhất là mỗi lần tắm rửa cho 2 đứa con cứ phải ra xếp hàng trước cửa nhà vệ sinh công cộng, nồng nặc xú uế. Bạn bè mách cho một mảnh đất trước là ao rau muống, trong một ngõ hẻm nhỏ ở phố Đội Cấn. Anh chị bán căn phòng ở phố Tây Sơn, chỉ chồng được nửa tiền, nửa còn lại bạn bè cho mượn. Tiền xây dựng thì huy động tiếp bà con anh em đồng nghiệp. Thế là ước mơ có nhà mặt đất, sinh hoạt khép kín, có bàn viết riêng… đã toại nguyện. Cuộc sống “nâng cấp” được hơn hai chục năm thì gần đây lại được “nâng” lần nữa, khi dự án nhà ở của báo Nhân Dân cách Bờ Hồ 15 cây số về phía Tây Nam, thuộc làng Phương Canh – quận Nam Từ Liêm hoàn thành, anh chị được cơ quan cho mua giá ưu đãi một “biệt thự” liền tường kiểu nhà ống ba tầng rưỡi, mặt sàn gần sáu chục mét vuông, ô tô vào nhà được…

Nhà ở mỗi lần “nâng cấp” có phần khá giả hơn, sự nghiệp và gia đình cũng ngày mỗi tốt đẹp hơn. Cậu con trai cả chọn Phần Lan để đi du học vì thời đó không mất học phí. Tốt nghiệp, cháu sang Đức làm thạc sĩ và hiện nay vợ chồng đều đã có “thẻ xanh” để định cư và làm việc ổn định bên đó. Năm kia chúng nó đã phong chức ông bà nội cho bố mẹ. Cậu thứ đã tốt nghiệp Đại học Giao thông, đi làm và vừa lập gia đình. Anh Đại trước khi nghỉ hưu ở báo Nhân Dân là hàm Vụ phó. Nhiều bài thơ của anh được đưa vào giảng dạy hoặc tham khảo trong nhà trường phổ thông. Anh từng 2 khóa liên tục là Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội, đến Đại hội nhiệm kỳ 2020-2025 thì xin rút hẳn không tham gia bầu cử nữa… Còn Trần Kim Hoa, sau khi từ giã nghề tư pháp, mất một giai đoạn “long đong” vì nhiều nhẽ, rồi cũng sớm ổn định, yên tâm với văn chương và báo chí. Sau nhiều năm làm Trưởng đại diện báo Phụ nữ thành phố Hồ Chí Minh tại Hà Nội, chị gắn bó với công việc mới là Giám đốc Bảo tàng Báo chí Việt Nam và là người có công thúc đẩy Bảo tàng này ra đời, một bảo tàng mới thành lập nhưng có nhiều hoạt động thiết thực và bổ ích. Nói chung, cuộc sống gia đình và sự nghiệp của vợ chồng Hoa Đại đã khác xưa, hơn xưa, chỉ cung cách bên nhau của họ, theo quan sát của tôi thì vẫn như “họa mi năm ngoái” - tên một tập thơ khá ấn tượng của Trần Kim Hoa xuất bản năm 2006. Một lần nghe tôi nói như thế, Trần Kim Hoa thân tình: Trông thế mà cũng không hẳn thế đâu anh ơi. Mọi sắc thái, cung bậc của đời sống, của gia đình đều không xa lạ gì với vợ chồng em… Hạnh phúc luôn là một khát vọng, luôn là một hành trình không dễ dàng của đi và đến… Nghe chí lý lắm! Cơ mà hỏi thật nhé, người như Hoa, ắt nhiều lúc cũng bị “say nắng, bị “sét đánh” chứ? Hoa cười, thú nhận: Em cũng như mọi người thôi! Có điều những lúc ấy trong đầu em thường váng vất ý nghĩ “Mình không có quyền như vậy! Mình đâu phải tuổi 17 nữa!” trước khi có thể trấn tĩnh lại…

Tôi thuật lại chuyện ấy với anh Đại, anh gật đầu và nói thêm: Cuộc đời ai cũng đều có hạnh phúc. Ai cảm thấy không có hạnh phúc là tại người đó chứ không phải tại số phận hay hoàn cảnh. Bởi vì hạnh phúc là một giá trị tinh thần có thật, nhưng mình phải để tâm mà nhận ra nó và nâng niu gìn giữ nó. Mình là đàn ông thì phải là trụ cột trong gia đình, phải đứng vững trước mọi nguy cơ đổ vỡ… Quan niệm của mình là thẳng thắn được với nhau luôn tốt nhất. Nếu có chuyện khúc mắc, điều gì nói được thì nói luôn với nhau cho rõ ràng, điều gì chưa nói được ngay thì phải lựa lúc mà nói, đừng để ấm ức âm ỉ trong người…

Lại cũng rất chí lý, cơ mà đôi khi lỗi không từ phía hai người thì sao? Chẳng hạn như đôi khi tình cờ nghe “xì xào” rằng càng ngày thơ Trần Kim Hoa càng hay, càng hiện đại hơn thơ Nguyễn Sĩ Đại? Tưởng rằng đó là câu hỏi “làm khó” nhau. Nào ngờ anh Đại rất hào hứng dốc bầu tâm sự: Mình cũng có nghe điều đó, nhưng theo mình là chỉ đúng theo góc nhìn nào đó thôi. Mỗi người có một tạng riêng, một lớp bạn đọc riêng. Làm thơ như một sự chia sẻ, cống hiến… chứ không vì tên tuổi, hay giải thưởng. Mình quan niệm, không chỉ thơ mà lĩnh vực nào ai giỏi hơn mình thì mình cũng ngưỡng mộ và học tập. Hai người khác một người ở chỗ có thể học tập, bổ khuyết cho nhau. Cũng có lúc cãi nhau chí tử, không chịu nhau dù một từ, một câu… nhưng dần dần cái hay hơn sẽ tự nó khẳng định. Từ lâu, mình cho rằng, sự lớn lao của người khác không làm mình thấp bé đi mà ngược lại, nó giúp mình biết mà cố gắng phấn đấu hơn. Nói thật nhé, có vợ làm thơ hay cũng ngầm tự hào lắm chứ! Hoa cũng là người làm báo, làm Bảo tàng khá, được tổ chức và đồng nghiệp ghi nhận. Tất nhiên thành công của người này đều có sự đóng góp quan trọng của người kia…

Tôi hoàn toàn tâm đắc với tâm sự của anh. Thân quen nhà Hoa Đại mấy chục năm, tôi nhận thấy điểm tương đồng lớn nhất của cặp đôi tài sắc này chính là sự chân tình, tối giản và… mộc mạc. Anh Đại là “người nông dân kiêu hãnh” thì đã đành, Trần Kim Hoa xinh đẹp thế, quảng giao thế nhưng luôn nền nã kín đáo, không thích diêm dúa, không “máu shoping”, không thích khoe khoang… Tỉ như cái hôm cậu con trai bên Đức đưa lên facebook cái tấm “thẻ xanh”, chị liền inbox bảo con gỡ xuống. Tỉ như cái bộ bàn trà gỗ chắt bóp mua được từ năm 1996 hay 1997 gì đấy, hồi còn ở trên gác nhà tập thể ở phố Tây Sơn, sau hơn một phần tư thế kỷ, qua 3 lần chuyển nhà, mới đây tôi vẫn bắt gặp trong phòng khách của ngôi “biệt thự” mới mua của anh chị ở Tây Nam Hà Nội…

Lại kể về chuyến thăm tân gia sau nhiều lần mời mọc hẹn hò ấy. Tôi nhảy xe bus lên Mỹ Đình, alo kêu anh Đại chạy xe máy ra đón. Đi qua một cái chợ dọc đường, anh bảo tôi xuống đợi chút. Một lúc thấy anh lễ mễ xách ra mấy túi to nhỏ thịt cá, rau củ, gia vị… thứ ngoắc lên xe, thứ đưa tôi cầm hộ. Anh vẫn thường đi chợ và nấu ăn phục vụ nữ sĩ à? Anh Đại cười: Rỗi và tiện thì mần thôi! Mình rất thích đi chợ và nấu cơm dù không phải đầu bếp chuyên nghiệp. Đi chợ, được tiếp xúc với người lao động, gần gũi dân quê… vừa đỡ nhớ làng, vừa hiểu biết thêm cuộc sống để làm báo, làm văn tốt hơn. Đôi khi mình thích ăn gì, thích ăn thế nào… thì tự mua lấy, tự nấu lấy, rất tự do! Hơn nữa, được nấu bữa cơm ngon phục vụ cả nhà cũng vui lắm chứ!

Phải công nhận bữa cơm hôm đó tại nhà vợ chồng Hoa Đại rất ngon. Rượu vào, lời ra, tôi cao hứng ứng khẩu đọc tặng hai người bài thơ, bằng cách ghép tất cả tên 5 tập thơ của Trần Kim Hoa đã xuất bản:

 “Nơi em về”trắng ngần Hoa Đại

 “Quá khứ chân thành”, quá khứ ơi!

 “Lối tầm xuân” gặp người tri kỷ

 “Họa mi năm ngoái” vẫn “Bên trời”…

Mai Nam Thắng


Có thể bạn quan tâm