March 29, 2024, 7:18 am

Hoa lộc vừng bên sông

Phú nhìn xuống tay mình. Đã bốn giờ chiều.Đứng đợi đò dọc về làng Mòi hơn tiếng đồng hồ đò mới tới.Dòng sông mênh mông, nắng cuối ngày ngút cả tầm mắt. Xa xa, bãi ngô, bờ tre… Phú bật cúc áo ngực, những ngọn gió phả vào mặt, vào tai, vào cổ mát rượi. Phú thấy mình hơi chùng xuống, người nhũn lại sau cả đoạn đường dài từ Hà Nội về.

Đứng trước dòng sông, Phú thấy một dòng sông nữa đang trôi trong mình, đó là những mảng kí ức tưởng như lãng quên đang trở lại.Ngày ấy, Phú vừa tốt nghiệp đại học, háo hức khám phá, nhiệt tình, lãng mạn, được phân về làng Mòi nghiên cứu, thiết kế một cây cầu bắc qua sông.Thế mà đã nhiều năm nay, Phú bẵng biệt nó, không trở về.

Đò ghé bến, chị lái đò khéo léo cho vào tận sát mép mớn nước. Cắm sào, buông dây neo để khách bước lên không ướt. Khác với xe ô tô, đò phải lên nhẹ nhàng. Chị lái đò nhắc: “Mọi người cẩn trọng giúp một chút nhé”. Chỉ thế thôi, không bao giờ dám nói tới chữ “lật đò”.Trong lúc ấy, con sào vẫn được găm chắc đợi mọi người.Phú bước lên. Thoáng nhìn, Phú thấy chị lái đò dường như vẫn dành sự ưu ái cho người có bộ áo quần chỉn chu, vai đeo cặp đựng laptop, giày đen bóng lộn. Không nói ra nhưng chị lái đò và khách về làng Mòi hôm ấy ai cũng đoán Phú là người từ nơi khác đến.

Dù đã bước lên đò khá nhẹ nhàng nhưng sóng chiều vỗ mạnh, nước dềnh từ người lên trước đã làm ướt một chiếc giày đen lẫn một đoạn ống quần.Phú hơi nhíu mày, vẻ khó chịu.Chị lái đò vẻ áy náy nở nụ cười làm lành: “Chú thông cảm nhé”. Nói đoạn, chị quay mũi thuyền rẽ về hướng làng Mòi.Phú tìm vị trí ngồi để nhìn rõ hai bờ sông.Chiều nay đò đông hơn mọi hôm, chở hơn hai chục người, cả đàn ông, đàn bà và trẻ em đi học về. Chị lái đò phân bua: “Bao năm rồi dân làng Mòi vẫn thế. Người cứ sinh sôi, trẻ con nhiều hơn người lớn. Vậy mà dự án cây cầu mơ ước giờ mới bắt đầu”. Chị lại cười: “Bà con yên tâm nhá, còn ngồi đò dọc dài dài”. Miệng nói, còn một tay chị giữ mái chèo, tay kia vuốt nhẹ mấy hạt mồ hôi bết những sợi tóc mai đã điểm bạc. Gương mặt rám nắng ẩn chứa những nhọc nhằn, khắc khổ.Phú lại mang máng nhớ gương mặt cô lái đò đã đưa anh và đoàn công tác về bến làng Mòi năm nào.

Ngày ấy, tốt nghiệp loại ưu Đại học Xây dựng, Phú chập chững vào đời.Những tưởng chân trời mở ra cho một thanh niên tri thức mà không phải đi lên tuyến đầu biên giới. Đi làm công trình chưa được bao lâu, Phú được lệnh nhập ngũ trong đợt tổng động viên. Phú tức tối lắm vì rất ghét phải đi nghĩa vụ quân sự. Mấy thằng bạn vỗ vai: “Nhất xanh cỏ, nhì đỏ ngực ông ơi! Đời trai có gì đâu?”Nhưng Phú không muốn thế.Vin cớ nhà mình đã có nhiều người tham gia quân ngũ, đã cống hiến hi sinh cho đất nước. Nên từ đầu, Phú chọn nghề xây dựng, được đi đó đây, miễn không phải cầm súng. Thế mà vẫn không thoát được, vẫn phải nhập ngũ, phải lên trước hòn tên mũi đạn là sao? Bởi vậy, Phú muốn nổi loạn, muốn gây sự đánh nhau với một ai đó, bất tuân lệnh hoặc cãi nhau với chỉ huy, muốn quấy quả để được ra quân sớm.

Vào lính, Phú được biên chế về đơn vị công binh, đi khắp đó đây xây cầu đường bộ, thiết kế thi công những tuyến đường trọng điểm biên giới. Trong những lần xa sự quản lí đơn vị, Phú dính kỉ luật trong quan hệ quân dân. Năm năm sau, Phú ra quân và trở lại nghề xây dựng.Phú cưới vợ.Vợ Phú người khác làng, cũng làm cùng ngành. Vợ chồng Phú có với nhau hai cậu con trai. Đứa lớn đã tốt nghiệp phổ thông trung học, đứa em học lớp tám.Từ kĩ sư tư vấn thiết kế, Phú lên phó phòng, trưởng phòng, rồi giám đốc một công ty xây dựng lớn ở Hà Nội.Công việc bận bịu nhưng Phú thấy mãn nguyện. Năm tháng trôi đi như dòng sông…

*

Sau trận ốm giã từ tuổi bốn chín, Phú thấy trong người thường xuyên bất an. Nhiều đêm mộng mị, giấc ngủ chập chờn. Một đêm đầu hè, có giấc mơ đè nghẹt, Phú thấy con trai mình vừa vào hè đi chơi với đám bạn, mấy đứa rủ nhau xuống sông Hồng tắm rồi tụt xuống hố cát chết đuối ngay nơi công ty Phú múc cát về xây dựng. Trước lúc chìm nghỉm, thằng bé con đưa tay vẫy vẫy… Ngồi trong con Land Cruiser bóng lộn, Phú gào như điên loạn mà vợ Phú ngồi bên cạnh vẫn lặng im. Phú vật vã, khóc thành tiếng, đấm tay vào ngực thùm thụp. Vợ hốt hoảng lay gọi. Phú choàng bật dậy, mồ hôi đầm đìa...

 Phú không dám kể cho vợ nghe về giấc mơ khủng khiếp của mình, nhưng từ đó cho đến sáng, sự ám ảnh khiến Phú không tài nào ngủ lại được. Ngồi uống cà phê trước cổng cơ quan, tay trợ lí phán: “Dạo này trông anh phờ phạc quá, mắt trũng sâu”. Phú thừa nhận mình vẫn ăn, uống tốt nhưng kém ngủ, đồng hồ sinh học không được như trước đây. Đi khám bác sĩ không phát hiện ra bệnh gì, chỉ nhận được lời khuyên: “Ngoài tuổi năm mươi, con người ta có những đột biến về sức khỏe”.

Tối đến, vợ Phú lo lắng bảo: “Mấy năm không thấy anh nghỉ phép, nay sắp xếp nghỉ ngơi vài tuần, đi khám thêm vài nơi nữa. Em mua thuốc Bắc về sắc anh uống nhé”.Phú ậm ừ qua chuyện rồi lấy cớ đi nằm. Mãi không ngủ được, Phú vớ cuốn sách, bất ngờ đọc được câu: “Con người ta lúc mạnh nhất cũng chính là lúc yếu nhất. Lúc mạnh nhất sẽ bộc lộ những điểm yếu nhất”.Phú giật mình nghĩ mông lung về mồ mả ở quê, hay món nợ nào từ tiền kiếp?Mồ hôi lại vã ra như tắm.Không lẽ hồi vận đã đến điểm dừng? Không lẽ may mắn đã buông bỏ mình? Những lần nhận được dự án béo bở, rồi được tung hô, được đàn em cung phụng, được cấp trên đề đạt, cất nhắc. Những lúc ấy, bọn đàn em bảo: “Tuổi anh thời điểm này đang vào độ chín”. Phú cười cười tự đắc.Nụ cười đôi khi bí hiểm của Phú như muốn tỏ rõ năng lực sức khỏe của mình trước anh em, nhưng trong lòng mung lắm.Ngẫm nghĩ nhiều nỗi nhưng chưa khi nào nghĩ về tới cô gái làng Mòi.

Chuyến trở về làng Mòi lần này chỉ mình Phú biết.Ra đi, Phú không lời nào thông báo cho vợ con hay.Ở cơ quan, chỉ biết Phú cắt lịch đi công tác xa một chuyến vào miền Trung. Những ý nghĩ khi rời rạc chắp vá, khi liền mạch, theo dòng nước miên man… Thuận gió, đò lướt nhẹ hơn.Mái chèo không ì ạch như lúc mới rời bến nữa.

Đò xuôi dòng, người lái chỉ cần cầm lái khéo cũng đủ chạy. Phú quan sát trên đò, từng nhóm nhỏ ngồi tụm lại trò chuyện. Thực ra, những người làng Mòi thường thế, chưa biết người lạ con nhà ai, đi đâu về, cứ thấy áo quần bảnh bao, thẳng thớm, vai đeo túi xách… thì họ lùi ra, nhường chỗ cho người sang trọng hơn.

Cũng đúng thôi, người làng Mòi quanh năm buôn bán đò giang sông nước, làm đồng ruộng, cần gì phải chỉn chu. Họ lấm lét nhìn Phú rồi nói nhỏ vào tai nhau: “Người ấy là con ai? Ở đâu về?”Nếu đã nhận ra người quen nào đó cùng làng, người ta mới bắt chuyện và giữa họ mới xôm lên được. Và thường, sau vài ba câu chuyện, khi đò tới bến cũng là lúc gần như cả làng râm ran biết con cái nhà ai ở đâu về. Còn Phú, rõ ràng Phú là người nơi khác đến. Phú chỉ thấy mỗi chị lái đò là ngờ ngợ.Chưa nhìn thấy ai quen nên không bắt chuyện, cũng không muốn làm quen với ai. Tính Phú xưa nay thế!

*

Trong lúc ngồi ngắm hai bờ sông, Phú xoãi hai tay chống ra đằng sau, cảm giác chạm phải người một cô bé. Đúng, đó là một cô bé trạc mười ba mười bốn tuổi, tóc mây hoe vàng, đôi mắt đen láy và nụ cười tươi hồn nhiên. Cô bé cựa quậy ngước nhắc Phú: “Chú cứ duỗi chân ra cho thoải mái. Ngồi đò dọc không ngồi bằng mãi được đâu!” Nhìn đôi mắt lóe sáng rực như có hai hột lửa của cô bé, Phú thấy lạnh sống lưng, mồ hôi lại túa ra, nghĩ ngay đến đôi mắt cậu con trai thứ hai của mình lúc đuối nước trong giấc mơ. Rất giống. Cô bé mặc chiếc áo màu xanh thẫm, cài chiếc nơ xanh ngọc bích. Màu xanh nhạt nhòa như sương khói dòng sông.

Không ngồi chắp bằng nữa, Phú với tay cầm mạn thuyền đu người về phía trước. Cô bé lại nhắc: “Chú cứ ngồi thẳng lưng cho đỡ mỏi”. Lần này, Phú lại làm theo như một phản xạ tự nhiên. “Chắc chú đi đường xa về?” Phú im lặng rồi thầm nghĩ: “Sao cô bé giống bà cụ non vậy nhỉ, chuyện gì cũng biết?” Phú hỏi: “Bé tên gì?” Gió bạt qua tai Phú: “Lành!”. “Lành, một cái tên rất ấn tượng bé à!” Phú nói như tiếng gió mơ hồ giữa lòng sông mênh mông.

Sông chiều xuôi dòng mát rượi.Cảm giác ngồi cạnh bé Lành đem lại cho Phú chút thư thái, bình yên. Cô bé Lành huyên thuyên đủ thứ chuyện. Bắt đầu chuyện về con sông. Phú hỏi: “Sao mà cháu biết nhiều thế!” Lành chỉ cười khì khì, không nói. Đôi mắt mơ hồ…  “Con sông này bắt nguồn từ mấy nhánh nhỏ dãy Đông Trường Sơn về hợp lưu một điểm trước khi đổ ra biển xanh. Trong những nhánh sông đó có dòng hơi đục, một dòng trong.Về tới làng Mòi, các nhánh hòa vào nhau thành màu xanh nhờ nhợ”. Doi cát nhô ra phần giữa sông xưa kia chỉ là một dải cát nhỏ. Sau nhiều năm vần vũ gió mưa, bão lụt, doi cát tích tụ lớn dần lên giống như một ốc đảo! Phú vẫn chăm chú lắng nghe.Gió bờ sông khơi gợi những hoang hoải đời người, nơi một miền quê mà Phú đặt chân đến. Lành kể tiếp: “Lúc đầu, người làng chỉ chèo thuyền ra doi cát trồng trọt hoa màu. Dần dần, có người đến ở rồi lập xóm lập làng, gọi là làng Mòi”.Trước đây chưa có một nhà ngói nào, chỉ nhà tranh, vách nứa. Thời kì sau cách mạng tháng Tám, làng Mòi là nơi nuôi giấu cán bộ dưới những địa đạo bờ tre, những căn hầm bí mật, trà trộn vào người làm đồng ruộng, nương bãi. Việc cơ động qua lại làng Mòi không hề dễ dàng. Địch đã nhiều lần đánh phá, muốn xóa sổ và lập căn cứ tại làng Mòi nhưng không dễ gì thực hiện được.

Một đêm không trăng, quân Pháp dùng tàu chiến ra định đánh úp.Những lũy tre quanh làng là chiến lũy. Đạn pháo phạt ngang thân tre, bật tung lên nhiều búi tre nhưng không xóa được quân dân làng Mòi trong lòng đất. Họ tỉnh táo, kháng cự quyết liệt.Tàu bị bắn cháy, địch chết vô số kể.Người làng Mòi và bộ đội cũng chết.Máu nhuộm đỏ cả khúc sông.Nhiều đứa trẻ vô tội trở thành oan hồn, nên dòng sông này thiêng lắm.Vì thế dân làng Mòi lập một miếu thờ ngay bến sông.Cứ đến ngày rằm và mùng một, người ta sắm lễ vật ra cúng tế.Thường vào rằm tháng Giêng, dù trời trong xanh nhưng khúc sông khi nổi sóng lại lắc rắc mấy hạt mưa, có khi mưa to, mây nước vần vũ.Từng đàn cá vẫy vùng.Có người đoán cá chép ngược dòng để hóa rồng, có người nói cá chày mắt đỏ từng đoàn chiêm bái thủy thần ngã ba sông.Người ta cũng chỉ đoán mò vậy thôi chứ chưa ai nhìn thấy cá gì để gọi tên. Mấy cụ trong làng nhắc nhở không ai được đánh bắt vì đó là lúc đoàn cá đang rước thủy thần về miếu!

Phú thấy lạnh sống lưng khi nghe nhắc đến những người đuối nước chết trôi dạt  trên bến sông. Hầu như khúc sông này năm nào cũng có người chết trôi.Có năm hai ba đứa trẻ, có năm là phụ nữ.Chưa có ông bà lão nào chết đuối ở khúc sông này.Có người vô tình trượt chân bị nước cuốn trôi, có người trẫm mình vì oan khuất nào đó.

Chuyện cô Lí làng Mòi bị đuối nước trong làng còn nhiều mối ngờ lắm.Thời ấy, người làng Mòi ai cũng biết bơi, nhưng không ai bơi giỏi bằng cô Lí. Nhà Lí sát ngay bờ sông. Ông bà Loan sinh ra ba chị em gái. Cô Lan đầu lòng, ít học. Mười sáu tuổi, đã nhập hợp tác xã chèo đò dọc.Lí là gái út, xinh xắn, bụ bẫm, biết bơi từ sớm trên những quãng sông rậm rì cỏ lau, cỏ lác, cỏ nùng.Cho trâu tắm, cắt cỏ chăn trâu, không khúc sông nào Lí không biết tới.Người làng Mòi vì đi lại đò giang cách trở nên bơi rất giỏi.

*

Năm mười bảy tuổi, môi Lí mọng đỏ, gò ngực không mặc yếm đã vun cao vời vợi như thách thức ánh trăng. Gương mặt Lí thanh tú thánh thiện, làn da sậm, vóc người tròn lẵn, nhanh nhẹn như thân hình con cá chày mùa nước lũ. Mắt Lí đẹp gợi buồn như một bông hoa lộc vừng bên sông, luôn là tâm điểm chú ý của trai làng Mòi. Những đêm trăng sáng, trai làng Mòi mở giọng hò đưa đẩy. Lí chưa để ý đến ai trong số họ, kể cả những trai làng khác mò theo đò dọc về làng hò ghẹo tán tỉnh cho đến khi có đoàn cán bộ về khảo sát xây cầu làng Mòi.

Trong khát khao giải thoát nỗi nhọc nhằn, chỉ cần nói đến xây cầu là dân làng Mòi sướng run lên rồi.Mà sướng cũng phải thôi, bởi bao năm họ gần như bị cách li với trung tâm phố huyện, cách li với thế giới văn minh vì thiếu vắng cây cầu. Trẻ em thất học, người lớn lam lũ đầu tắt mặt tối. Nghe đâu từ khi đoàn khảo sát về làng, Lí đã phải lòng chàng kĩ sư đẹp trai trong đoàn. Đó là người đàn ông có đôi mắt một mí, dong dỏng cao, cặp lông mày hơi xếch, lưỡng quyền cân đối.Các cụ làng Mòi thường nói, đàn ông tướng mạo thế là lắm tài nhưng nhiều tật.Lí nào đâu để ý đến.Đặc biệt, chàng trai còn biết thổi sáo, học hát ví vẹo và hò đối của làng Mòi khá nhanh.

Chiều chiều, cán bộ đoàn khảo sát ra bờ sông tắm. Thả trâu bên bờ sông, Lí như bị thôi miên vào chàng trai có làn da trắng, bụng thon, bơi lượn trên dòng như con rái cá, khác hẳn với những anh chàng đen đúa, ngỗ ngược trong làng. Ông bà Loan đương nhiên cũng mừng vui khấp khởi về việc xây cầu. Nhưng khi biết Lí hay thơ thẩn bờ sông, lân la bên lán trại đoàn khảo sát để thả trâu, ông bà nhắc nhở con gái thì Lí nói: “Họ nhờ con chỉ giúp đoạn sông nào có nước xoáy, đoạn nào không thôi. Ai cũng mơ ước làng mình có cây cầu qua sông, sao không giúp họ?”Lí lí sự thế nên ông bà Loan đành chịu. Thực tế, chỉ lòng Lí mới hiểu điều gì đang ngún lửa bên trong, tiếng đàn đêm đêm réo rắt đã làm run rẩy trái tim bé bỏng của đứa con gái mới lớn. trong khi đó, con mắt tinh đời của Phú đã đớp ngay được ánh mắt ngây thơ, run rẫy, cái nóng bừng bừng e thẹn trên gương mặt Lí. Phú cũng nhận thấy cơ hội ngàn vàng đang đến với mình.

Đoàn khảo sát ở làng Mòi mấy tháng. Các bước khảo sát hoàn tất và đi vào thiết kế, dự toán kinh phí xây dựng. Đây là công trình cấp tỉnh, nghe nói chính phủ Pháp sẽ đầu tư. “Vì có yếu tố nước ngoài nên phải được thẩm định chặt chẽ và chờ đợi phê duyệt dự án. Bà con cứ chờ đợi.” Trưởng đoàn khảo sát giải thích ngắn gọn  như thế trước khi rời khỏi làng Mòi.

*

Nằm vài tháng rồi nhổ neo. Khi đoàn khảo sát rời khỏi làng Mòi thì cái bụng của Lí có gì đó đang quẫy đạp. Lí biếng ăn, biếng ngủ, cổ cứ cao dần lên, nôn ọe liên hồi. Bà Loan nhận biết sinh hoạt của con gái thất thường, bà gặng hỏi thì Lí giấu biệt chưa cho biết ai tác giả, bà đau khổ không kém bất kì một người mẹ nào có con gái lỡ dở. Bà than khóc: “Thế là con giết thầy mẹ rồi con ơi! Bôi gio trát trấu vào mặt thầy mẹ rồi con ơi!” Lí cũng đau khổ tột cùng.Lí mong cây cầu nhanh chóng được xây dựng.Lí mong người ấy trở lại làng Mòi.Nhưng người đi rồi như bóng chim tăm cá, mất hút góc biển chân trời, không một lời nhắn, dòng địa chỉ để lại.

Nỗi buồn không biết tỏ cùng ai. Đến ngày khai hoa nở nhụy, bé gái chào đời. Ông bà Loan ngậm ngùi lo cho con gái sinh con, nuôi cháu. Khốn thay, Lí chửa hoang mang tiếng và liên lụy đến cả gia đình.Kể từ ngày cô em út lỡ làng, không một trai làng nào tìm đến chị em nhà Lí nữa. Cay cực, ngẫm ngợi mông lung, trận bão lũ mùa tiểu mãn dữ dội năm ấy đi qua, khi nước bờ sông rút xuống thấp, Lí mang áo quần ra sông giặt, trượt chân xuống bến, bỏ lại đứa con gái đỏ hỏn cho ông bà Loan với nỗi oan khuất phụ tình.

Chuyện Lí chết trôi lan nhanh ra cả làng. Người thì bảo Lí trượt chân bên bờ lũ dữ cuốn trôi. Người lại bảo Lí thất tình nghĩ quẩn mà gieo mình xuống dòng sông. Người thì nói thủy thần về bắt người con gái gieo rắc nhơ nhớp cho làng… chẳng biết đâu mà lần. Người làng Mòi đỏ đuốc tìm hai ngày hai đêm mà vẫn không thấy. Cuối cùng họ cũng vớt được Lí ở cuối đụn cát, tay còn nắm chặt chiếc áo đứa bé sơ sinh. Mái tóc dài đen nhánh sau tấm lưng thon ngày nào vẫn kẹp chặt chiếc nơ cài tóc màu xanh ngọc bích. Nếu không có mái tóc dài ấy quấn vào gốc cây sung trồi trên đụn cát thì không biết Lí trôi về đâu.

Đám ma Lí được hơn năm thì ông bà Loan lần lượt về với tổ tiên. Chị gái thứ hai của Lí ngoan ngoãn nhất nhà vừa ngoài hai mươi tuổi không chịu đựng được điều qua tiếng lại dị nghị của người làng, nên đã theo về làm lẽ cho ông phó cối làng Thượng đã hai đời vợ. Còn chị Lan vẫn làm nghề chèo đò dọc của hợp tác xã, ở vậy hương khói cho ông bà Loan và nuôi cháu gái là con của Lí. Mười ba tuổi, cô bé mới học hết lớp năm. Hôm đầu tiên nghỉ hè, cô bé xin phép theo chúng bạn đi mò hến bãi cát bồi. Một đứa trong nhóm trượt chân sa vào hố sâu nước xoáy khi những tàu hút cát vừa rời đi khỏi, mấy đứa thất thần lao ra cứu bạn. Bốn đứa trẻ chết ba, trong đó có con của Lí.

*

            Lành dừng lại như để lấy hơi kể tiếp trong khi tai Phú ù đặc, đầu ong ong, chống chếnh, người chơi vơi không trọng lượng, toàn thân run lên như cơn sốt, như có một gì đó trói chặt, bóp nghẹt trái tim. Tiếng Lành kể càng lâu càng như tiếng gió bạt, cứ thun thút, rì rào từ bãi ngô bờ sông lao xao bên tai Phú.

            Hoàng hôn buông trên sông tím rịm, trời sâm sẩm tối.Những đám lục bình dật dờ như những bóng ma đuối nước trên mặt sông.Gió từ lòng sông thổi lên mát lạnh, quất từng cơn rát buốt trong lòng, tái tê cả một khúc sông.Gió thổi mà lưng Phú ướt đẫm mồ hôi.Nước mắt Phú chực rơi, buồn lặng.Lâu lắm rồi Phú mới thấy mặn chát quanh khóe miệng như thế.Chưa bao giờ Phú nghĩ tới mình lợi dụng lòng tốt của người đời. Chưa khi nào Phú nghĩ sự chiếm đoạt của mình là trò bỉ ổi để lại hậu quả lớn như vậy cho thân phận một con người. Phú chỉ hoan hỉ với những gì mình làm được cho sự nghiệp của bản thân, cho vợ con. Có lẽ bởi vậy, kí ức muốn quên, muốn không tồn tại nhưng không được.Đến lúc này, Phú thấy rõ sự dằn vặt trên bước đường đời đã đi qua làng Mòi cứ lớn mãi.

            Đò cập bến. Khách đi đò đã lên bờ, Phú vẫn ngồi lặng yên trên thuyền, hai tay  bấu chặt lấy mạn, mặt gục xuống, đầu tóc rũ rượi. Thấy lạ, chị lái đò găm sào buộc neo xong đi về phía người khách lạ: “Đò tới bến rồi đó. Sao chú không lên bờ?” Phú không nói được gì mà chỉ khoanh tay trước ngực cho đỡ run. Chiếc kính tròng đen cài trước ngực đã vỡ từ lúc nào, những mảnh kính vỡ đâm vào ngực Phú. Mấy giọt máu thấm cả ra ngoài chiếc áo sơ mi. Trong đầu Phú dường như có ngàn vạn con ong bay về nhảy nhót vây kín những chuỗi hoa lộc vừng trổ bông chiều buông bên bến sông làng Mòi. Diệu ảo, rõ ràng, nhập nhòa, chơi vơi, mộng mị, Phú linh cảm điều gì đó rất xa xôi, nhưng lại rất gần gũi ngay trước mặt mình, gắn bó với mình. Phú muốn dứt khỏi cảm giác này mà không sao dứt được.Những mảnh kí ức vỡ vụn, cố tình lãng quên trong Phú thức dậy.Người Phú rệu rã, chân khuỵu xuống.Miệng khát khô, bụng cồn cào nhưng không phải là đói, là khát.

*

Rời khỏi bến đò, Phú đến bên một gốc cây to quá tầm người ôm. Đó là cây sung già cỗi, đứng im lìm tỏa bóng xuống dòng sông. Phú nhớ lại chính bên gốc cây sung này anh em đoàn khảo sát thường để quần áo trước khi xuống tắm. Đêm đến, trai gái ra đấy chơi, Phú đã thổi sáo, học cách hò vií vẹo.Tiếng sáo của Phú gieo vào lòng Lí những lời như cánh hoa lộc vừng trước gió rơi khẽ xuống dòng sông.Để rồi khi sương non lạnh xuống, đêm đã già, trăng đã chếnh choáng say phía bãi ngô. Đôi tay rắn chắc của Phú đã dối lừa trên bờ vai Lí, tấm thân con gái như lên cơn sốt, hơi thở dập dồn, hổn hển. Bản năng người con gái bừng tỉnh, yếu ớt phản đối những cơn đam mê man trá ập vào môi, vào mắt, vào người mình, liên hồi.Lí cố gắng đẩy Phú ra khỏi người mình, dứt khoát.Nhưng lời gió của Phú làm cho người con gái làng Mòi ít học gục ngã trước ước vọng cây cầu bắc qua sông, gục ngã vào người Phú bỏng rát, tê dại, man trá.Lí đeo vào cổ Phú vòng hoa lộc vừng làm chứng.Phú cài lên mái tóc đẫm sương đêm của Lí chiếc nơ xanh màu ngọc bích thay lời tỏ tình. Hương hoa lộc vừng thơm chua ngút cả khúc sông. Nhưng dòng nước thẫm xanh, bãi bờ thơ mộng đã xóa nhòa hương hoa lộc vừng ngay sau đêm trăng sáng ấy. Chàng kĩ sư trẻ đã đánh rơi vòng hoa lộc vừng lấm tấm đỏ theo dòng nước về xuôi với một nụ cười chiếm đoạt bí hiểm mãn nguyện.

Làng Mòi đã lên đèn.Người lái đò trở về nhà. Phú vẫn đứng lại bên gốc sung già tư lự, rồi lê những bước đi nặng nề, chống chếnh. Thực ra là Phú đang bước đi theo bóng cô bé Lành trên đò. Cô bé dẫn Phú theo mãi mấy con ngõ quanh co bên viền bờ sông. Khi đến hàng dâm bụt, bóng cô bé mất hút. Phú nhìn quanh quất, hốt hoảng giữa nhập nhoạng tối rồi cất tiếng gọi to: “Lành ơi! Lành!” Khoảng không tĩnh mịch, tối om. Chó sủa lây rây từ nhà này sang nhà khác. Định thần lại, Phú thấy trước mặt mình căn nhà le lói ánh đèn. Phú bước vào.Chó ngừng sủa. Người đàn bà cầm đèn loa lóa trước mặt Phú hỏi: “Ai?” Phú cất tiếng trả lời rồi hỏi thăm nhà cô bé Lành. Phú không thể ngờ chị chủ nhà chính là người lái đò. Chị Lan cũng ngớ người trong giây lát rồi ôm lấy ngực, nức nở vì lâu lắm rồi không ai nhắc đến tên cô bé Lành nữa.

Phú đứng lặng trước ban thờ hồi lâu. Nơi ấy đặt bài vị, những tấm di ảnh ố vàng. Hai người già, một người trẻ và bé gái trạc mười ba tuổi. “Xin cho tôi được phép thắp mấy nén hương.” Giọng Phú run run. Chủ nhà đưa bật lửa. Bó hương trên tay bắt đầu cháy, Phú cúi lạy và lầm rầm những tiếng nhỏ trong cổ họng. Khi Phú cắm hương lên từng bài vị, một ngọn gió từ cửa sông thổi giật, luồn qua mái hiên lợp ngói vẩy cá đến bên ban thờ. Bó hương trên tay bùng cháy thành ngọn lửa, những đốm lửa rơi vương lên áo quần Phú làm thủng lỗ chỗ. Toàn thân Phú như tê dại.

Hai năm sau, trong đoàn người về dự lễ khánh thành cầu qua làng Mòi, có một người đàn ông từ trên chiếc Land Cruiser bước xuống, tay cầm lễ vật, hương hoa tiến vào miếu bờ sông. Sau khi cúi lạy bái lễ, người ta thấy người đàn ông rẽ vào nhà bà Lan, đặt lên ban thờ một ít tiền nhưng bà Lan đưa tay ngăn lại: “Một đời tui làm nghề lái đò dọc chưa bao giờ nhận tiền khách. Ai thơm thảo thì gửi lòng mình vào ngôi miếu thờ bên sông. Miếu làng Mòi không chỉ đón nhận tâm linh, mà vì những người còn sống chú à”.Phú bật khóc, khóc to thành tiếng. Những tiếng khùng khục ứ nghẹn trong cổ họng, trong nỗi ân hận muộn màng. Bên ngoài bờ sông, gió dựng sóng quất ràn rạt một cơn dông đang sắp đổ xuống. Gió đẩy đưa những hạt bụi mưa lẫn trong đám lá hoa lộc vừng xào xạc như bóng người con gái bên cầu làng Mòi nhòa nhòa bay bay…/.

Nguồn Văn nghệ số 27/2018

 

 

 

 


Có thể bạn quan tâm