April 19, 2024, 3:58 pm

“Hoa điểm trường” vùng cao

Tá Đứng là một trong 5 bản đặc biệt khó khăn của xã Chiềng Sung huyện Mai Sơn tỉnh Sơn La. Con đường từ thị trấn miền núi vào tới trung tâm của xã Chiềng Sung mất 20km đường đồi núi quanh co khúc khuỷu. Từ trung tâm xã các thầy cô điểm trường Tá Đứng còn phải đi tiếp 6km đường đa phần là đường đất mới lên được tới điểm trường của bản khó khăn này. Toàn bộ bà con dân bản là người dân tộc Mông. Đến với Tá Đứng những ngày đầu đông sương mù giăng giăng bốn phía, cái lạnh đến thấu da cắt thịt tê tái lòng người nhưng những khó khăn do thiên nhiên hay cuộc sống kinh tế còn đầy thiếu thốn của bà con dân bản nơi đây không làm “nguội” đi sự cố gắng của biết bao nhiêu thế hệ thầy cô bám trường bám bản và trong số những thầy cô đầy nhiệt huyết cho sự nghiệp trồng người với phương châm gửi gắm tri thức vào tâm hồn đầy thơ ngây của lớp trẻ tiểu học có một “bông hoa điểm trường” luôn là đoá hoa đi đầu trong công tác giáo dục. Cô là tấm gương sáng cho các đồng nghiệp noi theo, cho biết bao thế hệ trẻ em vùng cao yêu quý cô giáo ấy mang tên: Cấn Thị Ngọc Thuyên.

Cô giáo Cấn Thị Ngọc Thuyên

Cô giáo Thuyên sinh năm 1964, về công tác tại trường tiểu học Chiềng Sung I từ năm 1988. Với hơn 30 năm công tác trong ngành giáo dục huyện Mai Sơn từ ngày còn là cô giáo trẻ nay sắp đến tuổi về hưu cô luôn dành trọn tâm huyết, tình yêu thương vô bờ bến cho không ít lớp trẻ xã nhà. Nhận sự tín nhiệm của các cấp lãnh đạo trường thâm niên là cô giáo cắm bản của cô nhiều hơn hẳn so với số năm cô được đứng lớp tại cụm trung tâm. Bản Tá Đứng là một trong những bản được xếp vị trí số 1 vì nghèo nhất trong các bản nghèo của xã. Cả bản có tới 90% phụ huynh không biết tiếng Việt, lại là cô giáo của trẻ ở lứa tuổi vừa từ mầm non lên tiểu học, với cô kỷ niệm vui cũng nhiều mà kỷ niệm buồn thấm đẫm nước mắt cũng không ít. Công tác giảng dạy nhiều năm ở bản Tá Đứng cô Thuyên trở thành người đỡ đầu “bất đắc dĩ” cho một gia đình người Mông nơi đây. Gia đình đó bố chúng bị khuyết tật đôi chân không đi lại được, lại còn bị câm, mẹ bị câm điếc bẩm sinh. Bao năm bám nương làm rẫy cái nghèo vẫn hoàn nghèo lại đông con nhất xã. Nghe cô kể lần đầu tiên đến nhà cô bị bất ngờ, hình ảnh đập vào mắt cô là một người đàn ông đang cố gắng đốn từng cây tre khô, từng cây rừng thành từng đoạn sau đó buộc vào người đứa con chính là học trò lớp cô chủ nhiệm và thằng bé tự lôi từng đoạn tre, củi xuống. Hình ảnh thằng bé nhỏ thó đang kéo lê từng cây củi nặng nhọc khoé mắt cô cay cay. Trong nhà mẹ thằng bé đang nằm co ro ở một xó, ôm bụng khuôn mặt nhăn nhó, người gầy rộc không có tí sức sống nào, hỏi bọn trẻ mẹ bị sao bọn trẻ cũng chỉ biết nói “mẹ ốm như thế lâu rồi”. Tìm hiểu thêm qua dân bản thì được biết nhà đó chồng tên Mùa A Chông, vợ là Hàng Thị Ia. Nhà nghèo nhất bản, vợ vừa bị câm điếc lại còn bị bệnh đau bụng 8 năm nay rồi. Nhà nghèo không có nổi hạt gạo, cứ ăn tết xong tầm tháng 3 trở đi mẹ chúng lại lên nương người ta tìm những cây ngô nào còn sót hạt sót bắp, cả những cây đã bị đốt cháy nếu có bắp bị xém rồi vẫn lấy về đun nấu cho lũ trẻ ăn qua ngày… Còn đứa lớn trong nhà đang lấy củi ngoài kia, nó cũng được coi là trụ cột chính về “làm kinh tế” của cả gia đình, vừa lấy củi cùng bố bó vào thành bó đem vào bản đổi lương thực với người ta, không có củi đổi thằng bé tự lên đồi hái rau rừng đun lên cả nhà ăn qua ngày…. Thấy quá thương cho hoàn cảnh của cậu học trò nhỏ khi gia đình như vậy, cô Thuyên đã báo cáo lên nhà trường vận động các thầy cô trong hội đồng quyên góp mỗi người một ít để lũ trẻ có sách vở bút thước và quần áo đến trường. Còn cô tự đưa người vợ câm điếc ấy ra bệnh viện huyện khám bệnh cô tự bỏ tiền túi mua thuốc đem về theo chỉ dẫn của bác sĩ đối với người bị bệnh đau dạ dày và để cẩn thận hơn cô tự tay chia từng liều thuốc cho vào từng túi nhỏ ghi rõ ràng thời gian uống, dặn dò cẩn thận đứa lớn để thằng bé cho mẹ uống thuốc đúng liều. Rất may trong gần 5 năm qua chỉ có duy nhất năm ngoái mẹ thằng bé bị đau lại và cũng vẫn cô là người đi mua thuốc cho mẹ chúng uống. Từ đó đến nay cũng gần 5 năm cô Thuyên là người hàng tháng xuống xã lấy hơn bốn trăm nghìn tiền chế độ hộ nghèo, người khuyết tật cho gia đình 8 miệng ăn, rồi tự cô mua gạo và các nhu yếu phẩm cần thiết mang về cho gia đình sinh hoạt. Thế nhưng, với số tiền ít ỏi ấy làm sao trang trải đủ cho nhu cầu của một gia đình đông con. Cô Thuyên lại “làm cầu nối” với em gái cô đang làm hiệu trưởng của một ngôi trường ở Hà Nội xin sự giúp đỡ. Em gái cô sau khi nghe chị kể về hoàn cảnh đáng thương của gia đình người Mông đông con, khuyết tật ấy cũng đã chung tay cùng chị vận động một số thành viên của nhà trường và hàng năm các thầy cô với phương châm “một nắm khi đói bằng một gói khi no” đã đều đặn gửi 6 triệu tiền mặt để cô Thuyên thay mặt gia đình tự đi mua gạo. Lũ trẻ từ đó cũng không bị đói hay ăn rau rừng thay cơm như trước. Mặc dù nhận được sự giúp đỡ từ nhiều người nhưng cô giáo Thuyên vẫn trăn trở suy nghĩ: “Không thể chỉ cho họ con cá mãi được mà phải đưa họ cái cần câu để họ tự lo cho cuộc sống của mình”, cô đã bàn với chồng ý định muốn mua một đôi dê tặng cho gia đình để họ chăn thả, biết đâu sau này đôi dê đó sẽ sinh sôi ra nhiều con dê con khác và sẽ là nguồn thu ổn định của gia đình. Tán thành với ý kiến của vợ, chồng cô đã cùng cô đi mua đôi dê giống tặng cho hai vợ chồng nọ với mong muốn họ lấy đó làm động lực để phát triển kinh tế. Cần mẫn như một con ong làm mật năm này qua năm khác cô như người thân ruột thịt của cả một gia đình nghèo ấy. Chứng kiến từng đứa trẻ ra đời và những đứa trẻ ấy cô lại trao cho chúng cái chữ chỉ với một mong muốn trồng người không khác gì trồng một cái cây, phải chăm sóc vun xới cho chúng từ nhỏ thì cái cây ấy mới có sức sống bền bỉ chống chọi với sự khắc nghiệt của thời gian. Cô nghĩ đơn giản “mình gieo hạt lành sẽ được giống tốt”. Năm học này mặc dù không còn đứng lớp ở bản Tá Đứng nhưng hàng tháng cô Thuyên vẫn là “trụ cột” lo từng cái ăn cái thiếu thốn của gia đình kia.

Năm học 2018-2019 với cương vị trưởng khu bản Cao Sơn, một điểm trường sát bản Tá Đứng. Thấy điểm trường mình dạy có tới 5 trẻ có hoàn cảnh khó khăn, thuộc diện hộ nghèo lại còn bị khuyết tật bẩm sinh, 2/5 trẻ bị khuyết tật về trí tuệ. Còn lại 3 trẻ bị bệnh tan máu bẩm sinh. Nhiều lần cô Thuyên cùng các cô giáo đến tận nhà phụ huynh yêu cầu gia đình có trẻ khuyết tật đưa con đi giám định tại bệnh viện huyện để được hưởng chế độ của nhà nước hàng tháng, nhưng kết quả là con số không. Bởi họ nghèo quá không thể có tiền đưa con đi khám, có gia đình bố mẹ đều về xuôi làm công nhân trẻ phải ở với chị mà chị chúng cũng chỉ học cấp II. Lại có những nhà mẹ chậm chạp về trí tuệ, bố lại mắc tệ nạn xã hội bỏ bê con cái... Mỗi gia đình một hoàn cảnh trong khi hạn định của nhà nước để làm hồ sơ cho trẻ cũng sắp hết, cô Thuyên lại cùng đồng nghiệp bàn bạc điện về xin ý kiến lãnh đạo trường và cuối cùng đưa ra quyết định cô cùng Ban Giám hiệu và các cô giáo nơi đây bỏ tiền túi bỏ thời gian lần lượt đưa từng trẻ ra bệnh viện khám làm giám định để trẻ được hưởng chế độ gần 1 triệu đồng hàng tháng nhà nước cấp. Đến nay sau bao cố gắng của cái công việc “vác tù và hàng tổng”, cả 5 trẻ ở điểm trường khó khăn ấy đều được hưởng chế độ của nhà nước trợ cấp. Với cô Thuyên cũng như các thầy cô giáo làm việc thiện không có nghĩa là mong muốn được nhận sự cảm ơn của người thân học trò mình mà các thầy cô đều mong muốn việc mình làm sẽ làm vơi đi ít nhiều sự thiệt thòi mà những đứa trẻ ngây thơ ấy đang phải trải qua.

Có câu “cho đi là còn mãi”, tôi nghĩ cái “còn mãi” mà cô giáo Thuyên và những thầy cô điểm trường nơi đây nhận được chính là niềm hạnh phúc, tình yêu thương mọi người được đón nhận từ những cô bé cậu bé học trò, hay lớn hơn là tình cảm hồn hậu chất phác mà bà con dân tộc gửi trao. Những món quà lớn ấy không gì có thể sánh được bởi tình cảm là món quà vô giá mà mỗi một con người nhỏ bé trong xã hội to lớn này có thể gửi trao cho nhau và trong cuộc sống này nếu có: “một tấm lòng cho đi sẽ có một cuộc đời ở lại”, bởi “điều gì đến được trái tim đều xuất phát từ trái tim”. Cám ơn cô, một cô giáo vùng cao, tấm lòng nhân ái của cô sẽ khiến những mảnh đời “khuyết” tìm thấy hy vọng về một hạnh phúc “tròn” trong cuộc đời này.

Nguồn Văn nghệ số 09/2020


Có thể bạn quan tâm