April 20, 2024, 5:11 pm

Hoa Dẻ trên ba lô

 

Câu chuyện bắt đầu từ buổi tôi đến thăm Yên, một cựu chiến binh vốn là chiến sĩ cũ trong tiểu đội do tôi làm A trưởng cách đây gần 50 năm. Anh đã đưa ra cho tôi xem một kỷ vật. Và kỷ vật ấy đã khiến tôi phải bàng hoàng, sửng sốt trâng mắt nhìn. Rồi ngớ ra. Rồi thẫn thờ. Từ gáy tôi như có cái gì đó rần rần chạy xuống sống lưng…

 Đó chỉ là một bông hoa Dẻ khô đã úa sẫm màu thời gian cùng với mảnh giấy nho nhỏ có ba chữ "Em đợi anh" viết tay bằng mực tím cũng đã nhòa nhòe gần như không đọc nổi. Cả hai được ép trong ni lông và đặt vào cái hộp mê ca một cách trân trọng.

Mắt tôi nhòe nhớ lại những ngày khi mà… đóa hoa Dẻ này còn vàng tươi.

Cũng xin phép cho tôi được viết hoa danh từ Dẻ chỉ trong phạm vi bài viết này. Và trước khi tiếp tục câu chuyện, tôi xin nói trước về cây Dẻ hoa Mai Sưu.

 Có lẽ bởi cây hạt Dẻ Mai Sưu quá đỗi nổi tiếng nên người ta thường quên đi hoặc ít nhắc đến cây Dẻ hoa Mai Sưu, một loài cây cũng trùng tên là Dẻ. Đây là loài cây bụi nhỏ, thuộc họ na cùng với móng rồng, ngọc lan, hoàng lan. Lá và hoa của cây Dẻ hoa rất giống với hoàng lan kể cả màu sắc và hình dạng. Chỉ khác là cây hoàng lan thì cao to, thân gỗ lớn, còn cây dẻ hoa Mai Sưu lại luôn là cây bụi la đà ở bên bờ suối hay sườn đồi, bên đường đi. Tôi cũng đã thấy cây Dẻ hoa mọc ở những nơi khác. Nhưng có lẽ cây Dẻ hoa Mai Sưu có hoa nhỏ hơn và hương thơm hơn.

 Hoa Dẻ là loài hoa dại có năm cánh hoa vàng ươm như ánh trăng mùa thu. Hoa dẻ thơm nồng nàn hơn cả hoa bưởi, hoa cau. Có điều, mùi hương hoa Dẻ lại là thơm dịu thật đặc trưng, không hề giống cái mùi sực nức của hoa hoàng lan. Đó là mùi hương tinh túy, thanh khiết của núi rừng. Một mùi hương dễ chịu nhưng đầy cuốn hút, thoang thoảng mà thật lắng đọng, lâu bền. Chính vì thế mà những bông hoa Dẻ ép để trong chỗ kín có thể thơm đến cả hàng chục năm trời.

Cách đây gần 50 năm, chúng tôi là quân của trung đoàn 568, huấn luyện ở vùng rừng núi Mai Sưu. Đó là những ngày bộ đội sống bên hoa Dẻ. Dường như suốt trong hơn nửa năm trời, cứ mỗi sáng ra, từng bông hoa Dẻ lại chúm chím nở nụ cười màu vàng cốm chào đón những người lính áo xanh. Khi ấy, đi bất kỳ doanh trại nào ở khắp trung đoàn 568 đều có thể thấy cây hoa Dẻ. Hương hoa Dẻ thơm thao trường. Thoảng đưa bước hành quân với những sọt rèn đeo nặng đá núi. Hoa Dẻ ru êm giấc ngủ người lính trẻ. Hoa Dẻ ép vào phong thư gửi người thương. Hương hoa Dẻ thơm quẩn quanh cả vào nỗi nhớ nhà….

Hoa Dẻ thật thân yêu, gần gũi với người lính chúng tôi là vậy.

 Rồi thấm thoắt đợt huấn luyện nửa năm trời vụt qua đi. Đơn vị tôi được lệnh chuẩn bị hành quân vào phương nam. Chúng tôi sắp phải rời xa ngôi lán trại mà tự bàn tay mình đẵn cây dựng khung, chặt tre dàng cắm trẫy, nhào bùn rơm trát vách mà thành tổ ấm chung. Chúng tôi phải xa cái tổ ấm chung ấy để lên đường vào tiền tuyến đúng vào mùa hoa Dẻ nở rộ. Hương thơm hoa Dẻ tỏa đến nao lòng. Chưa đi đã nhớ!

Đêm cuối. Vào quãng nửa đêm. Cả tiểu đội tôi nôn nao không ngủ được. Tất cả đều trằn trọc trên sạp nứa với biết bao chộn rộn.  Hương hoa Dẻ vẫn vương vương thoảng vào.

Chiến sĩ Trương Văn Tập bỗng rón rén đến bên giường tôi thủ thỉ:

- A trưởng ơi! Anh Đại ơi! Ra hít hà hoa dẻ đi!

Tôi chưa nói gì thì Khôi (người cùng quê Kiên Thành, Lục Ngạn với Tập) nằm bên làu bàu bằng cái giọng khàn đặc:

- Đúng là trẻ con! Hít với chả hà…

Vậy nhưng, ngay sau đó chính Khôi, người tân binh "già" nhất tiểu đội vì đã có vợ con lại cười hì hì và giục chúng tôi:

- Ừ! Thằng Tập thế mà lãng mạn ra phết! Đúng đấy A trưởng ơi! Chúng ta ra ngửi hoa Dẻ lần cuối đi. Có khi ngửi hoa Dẻ xong chúng mình lại ngủ được, lấy sức mà ra chiến trường cũng nên.

- Phải đó! Chúng mình ra bờ suối đi…

Bỗng chốc cả mười hai cái đầu trong tiểu đội cùng nhỏm dậy và đồng tình.

Thế là cả tiểu đội ra bờ suối. Ai nấy hít hà hoa Dẻ theo cách riêng của mình. Khôi tham lam ôm cả một vồng cây Dẻ hoa rồi chùm cả đầu vào đó. Nghĩa khẽ khàng, nhè nhẹ nâng một bông Dẻ mà quyệt khẽ vào má rồi nhiu nhiu mắt, nghiêng đầu đưa mũi nghênh sang bên này lại nghênh sang bên kia trông thật điệu vợi…

*

Hôm sau, chúng tôi hành quân vào chiến trường.

Những nghĩ sẽ phải xa hoa Dẻ. Những nghĩ hương hoa đại ngàn Mai Sưu chẳng bao lâu sẽ chỉ còn đằm vào ký ức. Ai hay, một bất ngờ đã đến để cho hoa Dẻ và hương thơm của nó còn theo bước hành quân của chúng tôi vượt Trường Sơn mà vào tận chiến trường xa. Thậm chí, hoa Dẻ còn vương theo đến những bước chân cuối cuộc đời của những người chiến binh…

Đó thật là một điều kỳ diệu. Một phép tiên.

"Phù thủy" lại chính là các cô gái xinh tươi thuộc chi đoàn thôn Đồng Giàng, đơn vị kết nghĩa với đại đội tôi khi ấy. Lúc chúng tôi làm lễ tuyên thệ lên đường thì các cô ấy bất ngờ ùa đến, tay cô nào cũng ôm theo một bó hoa Dẻ vàng tươi, thơm lừng vừa hái trên rừng quê. Các cô gài hoa Dẻ lên từng chiếc ba lô đang đeo trên vai những chiến sĩ. Mỗi chùm hoa dẻ gài vào ba lô đều có kèm theo một mảnh giấy nho nhỏ với ba chữ "Em đợi anh" nắn nót viết bằng mực tím, nét nghiêng rất nữ tính.

Chẳng biết kịch bản dễ thương này do ai đạo diễn nhưng đúng là đã đưa đến cho tất cả đại đội tôi một cảm xúc thật mãnh liệt. Quả đúng là lính tráng chúng tôi thật tồ. Không một ai nghĩ ra việc gài hoa Dẻ lên ba lô đế hành quân mặc dù ai cũng thuộc bài hát "Hoa dẻ trên ba lô" của nhạc sĩ Lưu Ba, người quê huyện Tân Yên, hiện ở trung đoàn bộ trung đoàn 568 sáng tác. Lại còn cái mảnh giấy nho nhỏ mang nội dung đầy tính tượng trưng và động viên chúng tôi kia nữa chứ. Biết là không cụ thể "Em" là ai? "Anh" là ai? Nhưng cũng vẫn cứ nao nao trong lòng. Các chiến sĩ đều cảm giác cô gái gài hoa là người yêu của mình. Ngoài chùm hoa gài lên ba lô, có cô gái nào đó còn tặng riêng cho một anh chiến sĩ chiếc khăn mùi xoa, cuốn sổ tay gói hay ép một nhành hoa Dẻ.

Chỉ những chùm hoa Dẻ rừng đơn sơ thôi mà khiến không gian bỗng thật nồng ấm và thiêng liêng một cách lạ lùng.

Tất cả đại đội tôi cùng các cô gái địa phương cùng cất vang tiếng đồng ca:

Anh bước đi trên đường một ngày nắng đẹp

Những bông hoa Dẻ nở trên ba lô

Ôi những bông hoa màu nắng quê hương

Đây núi rừng Hà Bắc yêu thương

 

Hoa trên ba lô anh

Những chiều hành quân

Bông hoa quê hương

Khắp rừng, khắp núi

 

Qua bao gian lao

Hoa vẫn tươi màu

Đi lên! Đi lên!

Trong lòng luôn nhớ.

Dâng chiến công đầu

Hoa nở thành sao…

Vừa hát chúng tôi vừa rảo bước hành quân ngay sau đó. Các cô gái ở chi đoàn Đồng Giàng kết nghĩa cũng đưa tiễn chúng tôi đến gần chục cây số ra tận đỉnh Đèo Me.

Thế rồi, các cô gái thân yêu của chúng tôi đành dừng lại ở đỉnh đèo mà vẫy tay theo bộ đội. Cả đoàn quân cùng ngoái lại. Cả đoàn quân đều vẫy tay, vẫy tay cho đến khi tất cả khuất dần, khuất dần vào xa xanh…

Nước mắt đã trào ra…

Những chùm hoa dẻ của các cô gái trên ba lô vẫn còn theo chúng tôi hành quân vào tận Bãi Hà (Vĩnh Linh). Đến đây thì lá, cành và hoa đều đã héo đi nhưng hương thơm vẫn còn vương vương. Khi ấy, chúng tôi lại bắt chước các cô gái mà vặt những đóa hoa Dẻ trên những nhành khô rồi gói vào thứ gì đó, cất đáy ba lô hoặc mang trên ngực áo cho thơm.

Hoa Dẻ Mai Sưu đã vào chiến trường cùng chúng tôi như thế.

*

Xin kể tiếp với bạn đọc về cuộc hành trình hay có thể gọi là số phận của những chùm hoa Dẻ rừng Mai Sưu khiêm nhường, mỏng manh, khô héo đi rồi vẫn còn tỏa hương. Mà cả khi chẳng còn tỏa hương được nữa thì những cánh hoa ấy vẫn cứ để lại vấn vương …

Tôi còn nhớ là khi đã vào đến vùng Tây Nam Huế. Nghĩa là sau mấy tháng trời hành quân mà những bông hoa Dẻ trong ba lô, ngực áo chúng tôi vẫn còn thơm. Một chiến sĩ đã cho mấy bông hoa dẻ khô đó vào trong  bao ni lông rồi hơ lửa, nhíp chặt lại. "Thử bọc thật kín thế này xem nó sẽ còn thơm đến bao giờ?"

Rất nhiều đồng đội tôi cũng làm theo cách ấy.

Vậy là đại đội tôi mà từ cấp trung đội trở xuống đều là người Bắc Giang được biên chế vào đại đội 5 của K4 Anh hùng thuộc tỉnh đội Thừa Thiên. Chúng tôi đóng quân trong một khu rừng mà trước đây vốn là đại ngàn hùng vĩ, rậm rạp với vô vàn những cây cổ thụ to lớn cả vòng tay ôm. Nhưng chúng đã bị chất độc hóa học của Mỹ vặt trơ thân cành, chết đứng từ lâu rồi. Bây giờ cả rừng cây đại thụ chỉ còn là những gốc cành trơ xương khua vào bầu trời với nỗi tang thương đầy ám ảnh. Ở trong khung cảnh một xác rừng như thế này chúng tôi lại nhớ thao thiết rừng Mai Sưu xanh thăm thẳm, từng là cái nôi thời quân ngũ của của hàng vạn đồng đội E. 568 của tôi. Chúng tôi lại thèm được hít hà hương hoa Dẻ biết bao.

Rồi đêm ấy trăng lên. Một đêm trăng đầu tiên ở chiến trường, trong rừng cây trụi lá như ma quái song lại có cả chút gì đó thật kỳ ảo. Chắc là khó ở đâu có một đêm trăng lạ đến thế này. Không ngờ lại chính là đêm mười sáu, vầng trăng tròn vành vạnh vẫn sáng trong một các vô tư trên vòm trời không gợn mây. Ánh trăng khiến cho những cành cây chết khô càng nổi bật, dương lên trời như những bàn tay xương xẩu chới với kêu than không lời…

Nhưng chính trong cái cảnh cô liêu ấy mà vầng trăng lại như tròn trịa, sáng trong và đẹp một cách rạng ngời. Chúng tôi đã đứng, ngồi dưới những gốc đại thụ không lá mà ngước lên bầu trời. Rất nhiều anh chàng đem hoa Dẻ khô và mảnh giấy "Em đợi anh" ra ngắm dưới ánh trăng.

Nơi đại đội 5 chúng tôi chốt là đồi Ba Mỏm, bên kia núi Chuồi. Đêm đêm nhìn xuống, thành phố Huế sáng đèn như ngay ở phía dưới.

 Khi ấy, đối phương ở một điểm cao đối diện. Chỉ cách chúng tôi chừng vài trăm mét đường chim bay. Nhưng lúc đó vào giữa năm 1973, khi mà Hiệp định Pa-ri đang được thực thi nên hai bên vẫn còn hòa hợp.

Chúng tôi đã liên lạc với đối phương và cùng nhau xây dựng một "Nhà hòa hợp" ở vào khoảng giữa chỗ hai bên đóng quân. Thực chất đây như một câu lạc bộ làm quen giữa chúng tôi và những người lính cộng hòa. Mỗi tuần, hai bên tổ chức giao lưu văn nghệ hòa hơp một buổi vào thứ 7. Ăn chung một bữa cơm hòa hợp vào thứ 5. Và đó không ngờ là những cuộc gặp gỡ cởi mở, chân thành. Đến nỗi chỉ ít lâu sau chúng tôi thân nhau, tin và quý nhau. Những món ăn đã lâu ngày chưa được ăn như thịt lợn, thịt gà, cá tươi mà họ đem từ Huế lên khiến chúng tôi rất thích. Còn lính cộng hòa lại khoái lương khô 701, 702 của bộ đội ta vô cùng. Thậm chí, có anh lính cộng hòa còn xin dành đem về cho cụ cố ở nhà. Khi những người lính cộng hòa về nghỉ phép, bộ đội ta gửi họ mua đài, mua khăn voan ở dưới Huế họ vẫn đem lên đàng hoàng. Qua tâm sự thì thấy mọi người lính cộng hòa đều không thích chiến tranh, không muốn đánh nhau. Họ nói chỉ cấp tiểu đoàn là luôn huých họ đánh và lấn chiếm…

Trong một buổi liên hoan Văn nghệ hòa hợp. Không hiểu vì lý do gì mà Yên, chiến sĩ của tôi đã đem bông hoa Dẻ ép khô ra khoe với một người lính cộng hòa. Thế rồi, họ nói với nhau nhiều chuyện lắm. Xem ra tâm đầu ý hợp. Cuối cùng dẫn đến việc người lính cộng hòa năn nỉ muốn mua bông hoa dẻ ép khô đó với một cái giá nào đó. Thì ra, anh ta là người chơi sưu tầm. Yên đã đưa ra một cái giá ngất ngưởng mà cậu ta nghĩ như thế là đánh đố. Ai ngờ, với bông hoa dại đã khô, anh lính cộng hòa đồng ý mua bằng cách đổi 100 chiếc khăn voan, kèm theo một con búp bê biết nhấp nháy mắt. Hồi ấy bộ đội ta rất thích khăn voan và búp bê biết nhấp nháy mắt vì đó là những món quà rất hiếm mà ngoài Bắc chưa thấy bao giờ. Và như thế là một khối tài sản khổng lồ của một anh bộ đội binh nhì rồi.

 Song Yên đã lưỡng lự. Cậu ta chạy sang tôi thì thầm:

- Thủ trưởng ơi! Em thấy sao ấy. Chỉ bông hoa dại ép khô mà mình lấy của họ nhiều thế sao? Mà cho thì em tiếc. Vật kỷ niệm mang mãi từ Bắc vào.

- Thế cậu còn bông nào nữa không?

- Còn một bông ép với "Em đợi anh"! Hì hì!

- Thế thì bán đi! Áy náy mình bán đắt thì chỉ lấy một cái khăn voan thôi. Có gì mà phải lăn tăn mãi thế!

- Không! Em sẽ tặng cho người ta. Được không anh?

Tôi gật đầu:

- Cũng hay đấy!

Bông hoa Dẻ rừng Mai Sưu đã trở thành một vật sưu tập quý hiếm ở một bảo tàng tư nhân nổi tiếng ở Huế trong hoàn cảnh đó. Nghe nói nó còn được bán sang tận Ca Na Đa sau ngày miền Nam được giải phóng ít lâu.

*

Sau thời gian hòa hợp thì đến đầu năm 1974, hai bên lại choảng nhau.

Chẳng biết trong những người lính cộng hòa như Bút, Tụy, Hiên… đã từng thân thiết với chúng tôi có ai bị trúng đạn AK, B41 hay DKZ của chúng tôi không? Liệu có phải chính họ đã dội pháo lên điểm chốt của chúng tôi, quẳng US, nã cối cá nhân, bắn hàng loạt tiểu liên M16, khiến không ít đồng đội tôi bị thương và hy sinh?  

Tôi không thể nào quên và suốt đời ám ảnh khi Khôi bị một quả đạn cối cá nhân xuyên từ phía sau ra trước. Ngực anh vỡ toang và những mảnh hoa Dẻ khô tung ra, bay tả tơi trộn cùng máu đỏ. Chúng tôi đã vừa khóc vừa lượm từng mảnh nhỏ hoa Dẻ Mai Sưu, thậm chí cả những mảnh li ti để chôn theo anh.

Còn rất nhiều đồng đội tôi phải ngắm bông hoa kỷ niệm từ cõi bên kia như thế. Cuộc chiến ở vùng Tây Nam Huế trên vùng đất các huyện  Phú Lộc, Phú Vang, Hương Thủy, Nam Đông thuộc tỉnh Thừa Thiên hồi ấy cực kỳ khốc liệt. Bởi các cánh quân chủ lực lúc đó không tác chiến qua đây.

 Đại đội 5 của tiểu đoàn K4 phải đương đầu với một lực lượng quân địch gấp mình vài chục lần. Quân ta chốt giữ cố định trên những đỉnh cao. Quân địch thì ngày đêm cứ theo tọa độ mà liên tục nã pháo, dội bom và tấn công theo kiểu biển người từ phía dưới với pháo binh và máy bay trợ chiến. Nhiều lúc chúng còn vây tròn quân ta ở trên đỉnh. Các điểm chốt của ta cứ thay nhau hết lớp này đến lớp khác giữ chốt rồi mòn mỏi hy sinh và bị thương rất nhiều. Những chiến sĩ trong tiểu đội tôi như Nghĩa, Khôi, Ba, Chề… đã hy sinh trong những ngày này. Tiểu đội tôi 12 người thì hy sinh 7. Còn lại toàn bộ bị thương. Người bị thương nặng nhất, cụt một chân, một tay và mù cả hai mắt là Trương Văn Tập.

Có trường hợp hạ sĩ Nguyễn Văn Hiền (người xã Khám lạng, Lục Nam) ban đầu cho rằng mất tích. Nhưng sau được cơ sở của ta cho biết là anh bị địch bắt trong khi bị thương rất nặng và bất tỉnh.  Địch đã lấy ra từ ngực áo anh gói nilông. Đúng vào lúc một cố vẫn Mỹ đang vừa sì sồ vừa nghiêng ngó, cầm trên tay, nheo nheo mắt chăm chú nhìn vào chùm hoa Dẻ khô thì Hiền Bừng tỉnh. Anh kêu thét lên "trả tao!" rồi choàng dậy, vồ giật lấy gói ni lông ép chùm hoa Dẻ từ tay cố vấn Mỹ. Một phát súng lục khô đục khiến Hiền quay đơ một vòng  rồi gục xuống. Tay người chiến sĩ vẫn ôm chặt gói nilong vào ngực. Cơ sở của ta cũng không rõ bọn địch đã lấy đi chùm hoa Dẻ hay đã chôn nó theo người liệt sĩ.

Cuộc chiến ác liệt như vậy mà các chiến sĩ vẫn giữ được kỷ vật nhỏ nhoi.

Tất nhiên là không phải tất cả ai trong chúng tôi cũng giữ được những bông hoa Dẻ khô ấy. Nhưng cũng có đồng đội tôi đã đem được về đến quê hương. Số ít đã về đúng nơi hẹn ước và họ nên vợ nên chồng. Có người khi chưa kịp đem kỷ vật sang thì đã nghe tin cô ấy đã lấy chồng… có con. Người lính buồn, thất vọng nhưng lại chẳng ra thất tình…

Rưng rưng nhìn kỷ vật trong hộp kính từ tay đồng đội. Hình ảnh những chùm hoa vàng tươi màu nắng cài trên ba lô người lính gần nửa thế kỷ qua lại hiện ra mồn một…

 Ngẫm ra, kỷ niệm bao giờ cũng là vô giá.

Nguồn Văn nghệ số 1+2/2019

                                                                                                                  

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 


Có thể bạn quan tâm