April 20, 2024, 3:03 pm

Hoa của mỗi cây

 

Bà Tám lại đánh con Lựu gần gãy chân. Yến ôm Lựu chạy một mạch trong đêm tìm hiệu thú y. Con Lựu ngừng kêu rên, tới lượt Yến khóc ròng suốt đoạn đường. Tiết trời đầu xuân lạnh ngắt, Yến quên mặc áo khoác song nó không cảm thấy gì. Nó quên cả dừng lại than mệt dù mồ hôi vã ra như tắm. Trọng lượng con chó ngày một đè nặng lên đôi tay Yến. Đoạn đường trước mặt mờ đi nhưng bàn tay không rảnh để quệt dòng nước mắt nhòe nhoẹt. Đèn xe rọi thẳng vào mắt, Yến chau mày, hơi giật mình rồi nhận ra người quen.

            “Sao vậy Yến?”

            “Thầy Nhạc, cứu con Lựu”

            “Lên xe đi thầy chở”

            Cả hai đi gần nửa tiếng đồng hồ, may mắn tìm được một hiệu thú y 24/7. Yến ngưng khóc khi nhìn bác sĩ băng bó cho con chó nhỏ. Trong tư thế khoanh tay, nó dùng móng bấu chặt vào phần thịt trên bắp tay để lại những dấu hằn sâu hoắm. Con Lựu tỏ ra biết chuyện, nằm yên dưới đôi tay vỗ về của bác sĩ. Đứng tuốt phía sau chứng kiến toàn bộ cảnh ấy, thầy Nhạc thở dài. Thầy đã có một ngày rất dài và mệt ở trường với lũ học trò nghịch như quỷ sứ và ở quán cà phê để hoàn tất nốt thủ tục ly dị với vợ cũ – người mà đám bạn thầy gọi là một con quỷ đích thực. Thầy nhìn con chó nằm trên bàn, thấy nhớ cái giường của mình ở nhà. Bấy giờ một giấc ngủ ngon là ưu tiên số một.

       Số tiền trong ví thầy Nhạc vừa đủ trả cho lần chữa trị này của con Lựu. Bác sĩ nói nó còn phải quay lại kiểm tra vài lần. Yến ôm con Lựu trong lòng, ngước nhìn thầy bằng vẻ cả quyết.

            “Con sẽ trả tiền lại cho thầy. Mẹ con sắp gởi tiền về, con sẽ nhờ anh Bờm lấy trước khi bà Tám cất hết”

            “Chuyện đó tính sau nhé Yến. Giờ thầy chở con về. Muộn rồi”

            Lần đầu trong cả buổi, Yến hơi nhoẻn miệng cười. Thầy Nhạc không quá trông đợi vào điều gì khi đã quen với những cảnh này. Thầy mừng vì hôm nay người bị thương không phải Yến. Mặc dầu xem ra nỗi đau mà con chó nhỏ phải gánh cũng gây cho Yến cơn đau như trên thịt da mình. Ánh mắt của cô bé mười một tuổi nói thế.

            Sau khi cửa đóng then cài, thầy Nhạc trút bỏ bộ đồ tây bước vào nhà tắm. Thầy ước gì đám muộn phiền cũng như mớ bụi bẩn trên người, chỉ qua vài lần gội rửa đã trút đi sạch sẽ. Nhưng áp lực trường lớp và những trò nghịch ngợm vô cớ của lũ học sinh vẫn ở đó đợi thầy những ngày kế, sự thật rằng người vợ cũ đã dùng hết mánh lới thủ đoạn để lấy đi của thầy hơn phân nửa tài sản bao gồm cả căn nhà chung vẫn rành rành ra, và việc từ một giáo viên thành đạt phải sống trong xóm trọ dành cho người thu nhập tầm trung cũng không thể chỉ một, hai lần tắm gội là thay đổi được. Thầy bước ra khỏi phòng tắm, thở dài ném cái khăn lau lên giường. Chí ít thì giấc ngủ vẫn là thứ không ai cuỗm đi được của mình, thầy Nhạc nghĩ, mắt sắp díu lại tới nơi.

            Cạch. Một tiếng động vang lên đi kèm theo vài âm thanh lọc xọc, lọc xọc. Cánh cửa sổ phòng thầy Nhạc được đẩy sang một bên. Bóng người lách vào nhanh như một con sóc.

            “Thầy thức khuya thế?” Cô gái nửa đứng nửa ngồi trên thành cửa sổ, tỉnh bơ hỏi chuyện.

            “Tôi sắp ngủ”

            “Đợi tí. Chờ bạn em mang chìa khóa phòng sang”

            “Lại bỏ quên à?” Thầy Nhạc thở dài. “Tôi nên tập thói quen chốt cửa sổ thì hơn”

            “Nên thế thầy ạ.” Cô gái chép miệng. “Trước khi ngủ hay đi ra ngoài phải khóa cửa nẻo cẩn thận. Bạn em mới bị trộm vào lỉnh mất cái máy tính bảng và bộ trang sức chục triệu thằng bồ tặng. Xã hội đảo điên lắm”

            “Tôi không nói chuyện đó”. Thầy Nhạc nhỏ tiếng phân trần. Đã là lần thứ ba, thứ tư gì đấy cô hàng xóm tự ý xông vào nhà thầy và hành xử như thể đấy là gian sinh hoạt chung của cả khu trọ. Cô sống một mình ở căn phòng sát bên. Ban ngày gần như chẳng bao giờ thấy mặt vì cô vác máy ảnh đi chụp suốt. Cô có một cái mặt rất kỳ lạ, nói đẹp không đẹp nhưng nói xấu không đành. Mắt to nhưng một mí, các chi tiết còn lại trên gương mặt đều bé tí tạo nên một tổng thể hơi kém hài hòa. Đã thế còn thêm mái tóc tự cắt ngắn cũn và xuống màu xơ xác mà cô tự nhận trông như mớ lông chó. So với vẻ ngoài thì tính tình cô còn kỳ lạ hơn. Tính cô còn lâu mới được gọi là xởi lởi, rất khó để bắt gặp cô hầu chuyện người khác trong trạng thái vui vẻ mà cơ mặt không cau lại hay cặp mắt không ra chiều phán xét dữ dội (sau này thầy biết nguyên do là vì cô cận thị nhưng lười đeo kính). Ấy thế mà ai cô cũng tiếp chuyện được và cô đặc biệt thích kiếm chuyện với thầy Nhạc. Nhớ buổi đầu thầy mới dọn tới, đang mệt phờ người giữa gian nhà ngổn ngang đồ đạc cô đã gõ cửa xông vào nói là làm quen hàng xóm mới. Cô tiện tay nâng chiếc máy treo trên cổ mà chụp ngay khoảnh khắc thầy đang ngớ người trước sự thân thiện lạ lùng của láng giềng. Rồi không nói không rằng cô tháo máy ảnh đặt lên kệ sách, tự ý dở một thùng đồ của thầy và hỏi mấy món này nên cất ở đâu.

            “Nhi à, hôm nay tôi mệt lắm”. Thầy Nhạc ngồi chống cằm trên bàn làm việc, thở dài lần thứ một trăm trong ngày.

            “Em đã nói đừng gọi em là Nhi. Em tên Nhi Ngờ. Phải gọi đúng như thế ạ”

            Ngờ là chữ viết tắt tên của mẹ cô. Cô lấy tên Nhi Ngờ làm nghệ danh trong công việc nhiếp ảnh và về sau người quen đều gọi cô theo tên ấy.

            “Thầy mới cứu khổ cứu nạn cho Yến đúng không? Nó vừa gặp em ngoài cổng”

            “Tiện đường nên giúp”

            “Thầy tốt thật.” Nhi Ngờ chép miệng. “Người tốt khó hạnh phúc lắm thầy ạ”

            “Tôi biết, tôi đang cảm nhận rõ lắm đây”

            “Nhưng người gặp được người tốt thì hạnh phúc. Thầy có cảm nhận được điều đó luôn không?”

            Thầy Nhạc không biết nên cười hay lại bật ra một tiếng thở thườn thượt trước câu nói ấy. Thực chất thầy chưa từng ham cái danh xưng “người tốt”, như bao con người bình thường cố sống cố chết để có một cuộc đời thư nhàn dễ chịu, thầy cũng chỉ muốn gặp được người tốt và sống hạnh phúc. Song rất nhiều giai đoạn trong đời, thầy Nhạc có cảm giác thế giới này đang cố sống cố chết chống lại mình. Kết hôn năm hai lăm tuổi, thầy Nhạc vẽ ra tương lai đầm ấm với một mái nhà hoàn chỉnh hai quả tim vàng, mơ về tiếng bước chân trẻ con chạy giỡn xung quanh khi cha soạn giáo án, mẹ gấp mớ đồ trẻ con cho vào tủ. Được non một năm chung sống thì vợ thầy thình lình thông báo không muốn có con vì cô nghe đâu được rằng trẻ con sẽ sinh ra vô vàn rắc rối khó lường. Giấc mộng con cơ hồ mẻ một góc. Một thời gian sau thầy được chuyển về trường tốt hơn nhờ thành tích xuất sắc ở chỗ dạy cũ, nào ngờ lại không hợp tính với ban giám hiệu nên được chỉ định đảm nhận những lớp ngỗ nghịch nhất, thành tích lẹt đẹt nhất. Trong khi đồng nghiệp miệt mài xun xoe nịnh hót cấp trên thì với thầy mỗi ngày là một trận căng não để cố chu toàn cái nghiệp nhà giáo vì niềm an ủi ở đây là lương rất khá, đủ để vợ thầy tha hồ nhảy việc và chọn làm những gì cô thích mà không chịu áp lực kinh tế. Đáng lý thầy đã có được hơn sáu mươi phần trăm trong khoản mộng ước về một cuộc đời ổn định thì một lần nghe giúp điện thoại cho vợ mới vỡ lẽ cô đang có nhân tình.

            “Mẹ kiếp. Con đàn bà không ra gì!”. Bạn thầy lớn tiếng trên bàn nhậu, bảo thầy nên rủa xả vợ bằng toàn bộ sự cuồng nộ trong lòng nhưng bấy giờ thầy nhận ra mình đã bị chính giấc mơ vắt kiệt. Thầy có thể mắng nhiếc cuộc đời, miệt thị những kẻ hút máu mình nhưng thầy chọn cách lẳng lặng xếp cất đi cơn mộng từ thời niên thiếu, lui về góc cô độc và yên tĩnh của người trưởng thành.

            “Thầy muốn xem ảnh em chụp hôm nay không?”. Nhi Ngờ nhảy hẳn khỏi cửa sổ khi thấy dáng vẻ trầm ngâm của thầy Nhạc.

            “Làm như tôi có lựa chọn khác”

            Cô hơi cười, nheo nheo cặp mắt một mí. Hai mái đầu kê hơi gần nhau, cùng dõi theo những bức ảnh lướt qua trong máy. Nhi Ngờ nói đây là loạt ảnh thuộc “của hiếm”, hoàn toàn tình cờ gặp được. Thầy Nhạc đồng ý, nếu những cảnh cô chụp lại được lên kế hoạch từ trước thì quả thực thế giới không còn chỗ cho thầy nữa.

            “Tận hai xe cứu hỏa thầy ạ. Mà phải hơn hai tiếng đồng hồ mới dập tắt lửa. Xe cứu thương đến rồi đi nườm nượp như là xe ôm công nghệ”. Cô tặc lưỡi nhấn nút, hết ảnh này đến ảnh khác chạy qua. Những cột khói cao nghêu, xám đặc như mây mù. Mặt ai cũng không giấu vẻ bàng hoàng, hoảng hốt. “Có ông chú đến hỏi em, giữa cảnh ấy mà còn tâm trí chụp liệu có thấy mình vô tâm lắm không. Thầy nói xem”

            “Em có thể làm gì hơn, ý em là vậy chứ gì?” Thầy Nhạc khẽ lắc đầu. “Mỗi người có một quan điểm và phương thức riêng. Nhưng mà em chụp những cảnh này làm gì?”

            “Vì ký ức, thầy ạ”. Cô nhấn sang một bức ảnh khác. Người lính cứu hỏa trong bộ đồng phục kín bưng và khuôn mặt dính đầy tro than đang dìu một cậu thiếu niên xem chừng đã kiệt sức ra khỏi đám cháy. Hai tay cậu ôm chặt con mèo lông vàng. Nhi Ngờ không nhấn tiếp, cả hai nhìn mãi vào cảnh ấy. Đoạn cô tắt máy, đặt lên bàn và di chuyển về phía cửa sổ. “Thời gian trôi đi, tất cả đều có khả năng bị cuốn phăng vào quên lãng. Việc em làm là thu thập chứng cứ cho những bất hạnh, khổ đau, vui sướng, cho lòng vị tha và sự tàn bạo tồn tại trên đời. Em ghi lại thời thanh xuân của người này và nét già cỗi của người khác. Tất cả đều từng và đang xảy ra, em không muốn có gì bị quên đi”

            “Người ta thật sự muốn nhớ mình từng xấu xí, buồn khổ hay bất hạnh à?”

            “Sao lại không?” Nhi Ngờ nhướng mày, nhún vai, cho hai tay vào túi quần jeans. “Tất cả đều là chứng cứ của hạnh phúc sau này, em tin thế”

            “Em lạc quan hơn tôi nhiều”

            “Thầy không tin đến cuối cùng người ta sẽ hạnh phúc ư?”

            “Tôi không còn nghĩ về mấy chuyện đó nữa, Nhi ạ. À không, Nhi Ngờ. Với tôi mỗi ngày đều rất mệt và chẳng có vẻ gì là ngày mai sẽ sáng trưng như một cảnh đầu xuân. Sau một ngày, tất cả những gì tôi muốn làm là đánh một giấc thật sâu để có đủ năng lượng cho ngày tiếp theo. Nhưng hết con chó nhà này bị thương, người kia hết tiền đến người nọ bỏ quên chìa khóa. Đến một giấc ngủ còn khó như vậy…”

            “Thầy luôn có quyền từ chối, thầy biết chứ?”. Cô leo trở lại lên bậc cửa sổ trong tư thế như mới trèo vào khi nãy. “Ai cũng được phép nói ‘không’ khi họ thật lòng không muốn. Miễn tiếng ‘không’ chưa cất lên, thầy vẫn còn muốn cho người khác cơ hội nhận lấy lòng tử tế của mình”

            “Người tử tế chẳng bao giờ nói ‘không’ hả?”

            “Có chứ. Đó là lúc họ chọn tử tế với chính bản thân trước”

            Thầy Nhạc có cảm giác mình chỉ hiểu được chút chút những gì cô hàng xóm nói. Thầy không biết liệu đó có phải do khoảng cách thế hệ hay môi trường làm việc hằng ngày, mỗi lần trò chuyện cùng nhau thầy đều thấy hệ tư tưởng của cô gái trẻ rất khác lạ. Với khuôn mặt đầy những nét khó gần, cô nói những chuyện về cuộc đời nghe nhẹ bẫng như không. Đôi khi thầy tự hỏi người như cô có bao giờ cảm thấy tuyệt vọng và chán ghét cuộc đời cùng cực, hay những khoảnh khắc ấy với cô cũng trở thành chứng cứ của hạnh phúc về sau.

            Đêm ấy thầy Nhạc ngủ không sâu và thức dậy với một cái đầu nặng trĩu.

            Hai ngày liền không ai làm phiền thầy Nhạc. Thế giới trở nên khá yên ắng song khó mà nói là dễ chịu. Hằng ngày thầy vẫn gặp cảnh Bờm chở Yến và con Lựu từ phòng khám thú y về. Bờm hơn Yến bảy tuổi, theo thầy để ý thì trong ngôi nhà ấy Bờm là người ít động tay động chân với Yến nhất, còn lại ai cũng từng được thầy trông thấy cầm roi quật vào chân con bé. Bà Tám là em ruột bà ngoại quá cố của Yến và Bờm. Trong hai đứa trẻ mồ côi cha sống nhờ nhà bà Tám, có vẻ Bờm được lòng cả nhà hơn. Cậu đi đâu, làm gì, với ai cũng không bị người khác hoạnh họe. Thậm chí nhiều lần thầy Nhạc nghe thấy Bờm mới là người lớn tiếng. Yến từng nói anh trai tuy nóng tính nhưng rất thương mình, nếu không có Bờm hẳn đời sống của con bé đã khổ sở hơn chục lần. Con chó Yến nuôi cũng chịu cảnh tương tự.

            “Thầy Nhạc, hôm nay anh Bờm đi mua xe với bạn. Thầy chở con với Lựu đi được không?”

            Ngày thứ ba, Yến gõ cửa phòng thầy thỏ thẻ. Con Lựu nằm phục dưới chân, trông đã khá hơn.

            “Bữa nay chích thuốc lần cuối đó thầy. Tuần sau mới tái khám”

            Giáo án đã soạn gần xong, xấp bài kiểm tra cũng chưa cần trả vội, thầy Nhạc thay quần dài rồi chở hai đứa ra phòng khám cũ. Các bác sĩ thao tác rất nhanh, con Lựu vẫn ngoan như mọi khi. Loáng cái đã xong. Yến toan móc tiền trả thì thầy Nhạc cản lại.

            “Mẹ con gởi tiền về rồi hả?”

            “Dạ, thầy. Anh Bờm đưa cho con năm trăm ngàn. Con còn nhiêu đây, vừa đủ trả luôn”

            “Rồi tiền đâu con ăn sáng, mua đồ linh tinh nữa?”

            “Sáng con chiên cơm ăn cũng được. Đâu sao, thầy”. Yến nhe răng cười. “Lựu khỏe rồi con tính tiếp”

            Thầy Nhạc rút nhanh từ ví ra một tờ giấy bạc gởi cho người thu ngân, nhướng mày gọi Yến bế con Lựu đi về.

            “Tính cái gì mà tính”. Thầy vừa ngồi lên xe vừa nguýt dài. “Để tiền mua đồ ăn đi. Sau này có nhiều tiền rồi mới tính, nghe không?”

            Yến cun cút vâng dạ, ôm con Lựu ngồi sau. Một tay vuốt vuốt lưng vỗ về con chó, nó hỏi sao thầy tốt với người như nó. Thầy Nhạc đâm ngạc nhiên hỏi lại người như nó là người ra làm sao.

            “Con đâu làm được gì, thầy thấy đó, thầy Nhạc. Học hành lẹt đẹt, nấu cơm cũng dở, chưa kiếm ra tiền. Bà Tám nói con là đồ ăn bám không biết thân biết phận. Ít ra anh Bờm còn đem tiền về, con chẳng biết làm gì hết”

            “Con nhớ mẹ không?”

            “Có chứ, thầy. Ngày nào con cũng nhớ. Mẹ gọi về câu đầu tiên con nói vô điện thoại là con nhớ mẹ lắm”

            “Vậy đâu phải con không làm được gì”. Thầy Nhạc cười. “Mẹ con đi xa làm ăn vất vả, vì biết con ở nhà thương nhớ mẹ nên mẹ mới càng gắng hơn. Chỉ cần con vẫn khỏe, anh con khỏe là đủ. Làm được gì hay không là chuyện của người lớn”

            “Làm người lớn mệt lắm hả thầy?”

            “Ừ. Nên cần những người như con cổ vũ đó”

            Xem chừng Yến nghe ra được điều gì, bèn nghĩ ngợi lâu lắc, tay ngưng vuốt con Lựu mấy nhịp rồi bỗng lên tiếng.

            “Vậy thầy cố lên. Con cổ vũ cho mẹ và thầy luôn”

            “Cố lên”. Thầy Nhạc lẩm nhẩm trong cổ họng. Từng có một thời thầy nói và nghe câu này nhiều lần, một câu cổ vũ giản đơn mà đẹp đẽ. Từ bao giờ thầy không còn được ai vỗ vai nói hai tiếng “cố lên” nữa? Người trưởng thành hình như không nói thế với nhau. Họ chỉ giỏi làm nhau phiền lòng.

            Con Lựu chạy cà nhắc bằng ba chân theo Yến vào nhà. Bà Tám vừa thấy mặt Yến đã buông tiếng càu nhàu, nhác thấy bóng thầy Nhạc bà mới thôi, gương mặt ra chiều không hài lòng.

            Tuần lễ tiếp theo đối với thầy Nhạc và khu xóm trọ có vẻ yên tĩnh. Thủ tục ly dị của thầy Nhạc đã được lo xong xuôi. Người đầu ấp tay gối một thời với thầy giờ chính thức thành vợ cũ. Cô giữ căn nhà, bộ sofa màu dưa cải cả hai cùng ưa thích, gần như toàn bộ đồ nội thất đi kèm bao gồm cả cái tivi lớn ở phòng khách. Thầy chỉ được cái tivi đời cũ to sụ như thùng các-tông nhưng theo một góc nhìn nào đó thầy cảm thấy nó ướm vừa vặn với chỗ ở mới. Chí ít thầy cũng mang theo được hai món mình rất thích là cái ghế dựa chân gỗ đi theo bàn làm việc và cái chảo chống dính thầy ưa dùng để rán trứng. Lần đầu tiên đứng nhìn nơi ở mới với đầy đủ nội thất mình giành được, thầy Nhạc không khỏi thấy tức cười. Rồi thầy đứng giữa nhà cười đến non mười phút. Ba mươi năm sống và làm việc cật lực, thầy Nhạc bước vào một chặng đời mới với khối tài sản chất vừa một căn phòng chưa tới bốn mươi mét vuông. Chẳng khác nào một trò đùa tai ác xảy ra sau cái búng tay của gã yêu tinh.

            Lần hiếm hoi Nhi Ngờ gõ cửa phòng thầy thay vì trèo qua lối cửa sổ. Cô hỏi nhà thầy có phấn viết bảng hay không.

            “Đợi chút để tôi tìm”. Thầy nhớ mang máng mình cất một hộp phấn trắng trong cái thùng chứa dụng cụ. Trong lúc thầy Nhạc đi kiếm thì cô hàng xóm tiến vào nhà quan sát một lượt.

            “Phòng thầy giờ khang trang phết”

            “Gia tài của tôi còn bấy nhiêu”

            “Lúc trước thầy giàu lắm à?”

            “Không. Nhưng chắc chắn là hơn bây giờ”

            “Chắc thầy tiếc lắm”

            “Hẳn rồi”

            “Nhưng bây giờ thầy có thể được tự do, thầy biết đấy”

            “Không, tôi không biết”. Thầy Nhạc nhớ hộp phấn chỉ loanh quanh đâu đó nhưng càng tìm càng không có dấu tích gì của nó.

            “Khi người ta có một căn nhà, người ta có thêm nỗi sợ một ngày nó mất đi. Tài sản càng nhiều nỗi sợ càng lớn. Nó giống như một cái nhà ngục tinh thần. Thầy càng phấn đấu để trở nên giàu có, chất đầy thêm tài sản vào hòm kho báu của mình, những chấn song sẽ dày và chắc hơn. Thầy hình dung được điều em đang nói chứ? Những thứ đó tỉ lệ thuận với nhau. Nhưng bây giờ thầy không có gì cả, thầy hoàn toàn tự do”

            “Tôi đâu muốn tự do theo lối ấy. Tôi muốn có một mái nhà tiện nghi, một cuộc sống bình thường với những lo toan thường tình. Nó gọi là ổn định”

            Nhi Ngờ chép miệng. Cô còn trẻ, một cuộc đời ổn định có lẽ chưa nằm trong dự tính.

            “Thầy hãy nghĩ thêm về chuyện này. Ngay lúc này thầy đang tự do, đồng nghĩa với việc thầy muốn làm gì cũng được. Hãy nghĩ về những chuyện bấy lâu thầy rất muốn nhưng không thể làm vì bị mấy chấn song kềm giữ”

            “Phấn của em đây”. Cuối cùng thầy cũng tìm ra, thở phào vì tạm thoát khỏi cuộc đối thoại. “Em cần nó làm gì?”

            Cô nói mình đang dạy Yến học. Con bé sắp thi cuối kỳ. Nếu không được học sinh khá nó sẽ bị bà Tám buộc thôi học vì lãng phí tiền của. Ngoài gia đình bà Tám thì không ai muốn chuyện đó xảy ra. Bờm nghỉ học từ đầu năm lớp Mười, cậu chớ hề muốn em gái nối gót mình lăn lộn vào đời quá sớm. Số tiền cậu kiếm được vẫn chưa đủ đảm bảo con đường học vấn của Yến, mấy năm nay hai anh em ngoài đợi tin mẹ thì chỉ có thể ngửa tay xin tiền người bà con đã bớt mà mặn với những thành viên bất đắc dĩ trong nhà.

            “Không phải em rất bận à?”

            “Đó là sự ưu tiên, thưa thầy”. Nhi Ngờ nháy mắt cười. Cô hiếm khi trả lời người khác theo một cách bình thường. Có hoặc không, đúng hay sai, chúng dường như quá nhạt nhẽo trong thế giới tự do của cô. “Em chọn giúp Yến trước cái đã. Đâu ai thật sự bận đến thế”

            “Sao tôi có cảm giác em muốn tôi can dự vào việc này nhỉ?”

            “Thầy nghĩ xem”

            Cô bật ra một tiếng cười nhỏ rồi chạy biến về phòng. Kể từ hôm đó hầu như mỗi chiều đi ngang qua phòng Nhi Ngờ thầy Nhạc đều nghe tiếng cô dạy học cho Yến. Theo như thầy nghe lỏm được thì cô chẳng khi nào dạy theo một quy chuẩn nhất định. Mới nghe cô giảng văn chương chữ nghĩa đó đã thấy hai cô trò ríu rít nói tiếng Anh với nhau. Chốc chốc lại nghe tiếng Yến cười khúc khích. Từ nhỏ tới lớn thầy Nhạc chưa từng biết việc học lại vui nhộn đến vậy, nhất là khi kỳ thi đã rất gần. Với thầy học hành là trách nhiệm, nghĩa vụ của con người, không học ở trường thì học ở cuộc đời, và việc đó phải đi liền với sự nghiêm túc thay vì niềm vui. Nhưng kỳ lạ, một hôm Yến gặp thầy Nhạc trước cổng, hào hứng khoe nó mới có con điểm tám đầu tiên trong môn tiếng Anh.

            “Con thích môn ấy chứ?”. Thầy hỏi.

            “Con chưa biết. Nhưng con không sợ nữa. Chị Nhi Ngờ nói con chỉ cần gắn bài học với một chuyện gì là sẽ nhớ lâu hơn. Chỉ cho nhiều ví dụ hay lắm nghe thầy. Tuần trước chỉ dạy con một câu về thì tương lai đơn. ‘This city will break your heart, but that’s okay.’ Thầy biết nó nghĩa là gì không?”

            “Thầy muốn nghe con dịch hơn”

            “Dạ. Câu đó nghĩa là thành phố này, thành phố mình đang sống đó thầy, rồi nó sẽ làm tụi mình buồn lắm nhưng mà không sao hết. Thầy biết vì sao không?”

            Thầy Nhạc lắng tai nghe.

            “Chị Nhi Ngờ nói tại vì sẽ còn nhiều thì tương lai khác, trong đó mình có thể đặt những câu khác theo ý mình muốn”

            Thầy Nhạc đứng ngẩn ngơ cả buổi, sau cùng rời đi với câu nói vô thưởng vô phạt rằng Nhi Ngờ hẳn là giáo viên giỏi và thầy mong Yến học hành chăm chỉ. Tuy nhiên sau lần đó những điều Yến nói cứ mắc kẹt trong đầu thầy. Khu nhà trọ có gần mười căn, đều có người ở. Thầy Nhạc không giao thiệp hết, thực chất thầy ngạc nhiên vì mình bỗng nhiên dính líu với gia đình của Yến và cô hàng xóm sát vách làm nghề nhiếp ảnh. Trước giờ thầy nghĩ, mỗi nhà mỗi cảnh, đèn nhà ai nấy rạng nên chẳng ai cần xen vào cuộc đời người khác. Nhưng mối liên kết kỳ lạ của thầy Nhạc với những con người này ngày một trở nên tự nhiên như mưa rơi, họ biết nhiều hơn về nhau và từ lúc nào thật sự muốn biết nhiều hơn về nhau.

            Một ngày thầy trở về từ buổi họp trên trường, tuy không mệt rã rời nhưng muốn chợp mắt một giấc. Bước ngang qua phòng Nhi Ngờ, thầy thấy cô để cửa mở, bên trong là hai cô trò đang gãi tai với bài toán lũy thừa. Bất chợt có điện thoại, thầy đứng nép sang một bên nghe máy. Vợ cũ thông báo cô mới tìm được và soạn sẵn một thùng sách gồm những cuốn thầy ưa thích mà quên mang theo, bảo thầy tranh thủ sang lấy. Thầy nhớ mấy cuốn sách đó, đều của những tác giả thầy ngưỡng mộ nhất đời. Liếc nhìn vào trong thấy Nhi Ngờ đang lật tung mấy quyển sách bài tập tìm cách giải, đột nhiên thầy muốn bật cười, bèn nở ra nụ cười dễ chịu và nói vào điện thoại.

            “Em cứ giữ đó. Khi nào rảnh anh qua lấy. Giờ anh có ưu tiên khác”

            Tự nhiên như một vị khách quen thuộc, thầy gõ nhẹ lên cửa hai tiếng rồi bước vào, ngoắc Yến lại bảo nó dọn sách vở ra trước hiên nhà mà học vì Toán là môn tủ của thầy.

            “Từ giờ tới kỳ thi thầy kèm Toán cho Yến. Cô giáo của con không phải cái gì cũng giỏi”

            “Thật hả thầy Nhạc?”. Mắt nó sáng rỡ, hết nhìn thầy lại quay sang nhìn Nhi Ngờ đang toét miệng cười.

            Trước hiên nhà mùa xuân mát rượi, thầy Nhạc quên cả thay sơ mi mà xắn tay áo lên tận khuỷu, chỉ cho Yến cách gắn những phép tính với những thí dụ giản đơn nhất trong cuộc đời. Mỗi khi giao xuống một bài tập thầy Nhạc đều hơi hé miệng cười, đầu gật nhẹ và nói ra từ khóa ma thuật: “Cố lên!”

 

      Nguồn Văn nghệ 40/2019     


Có thể bạn quan tâm