April 20, 2024, 8:38 pm

Họ đã chiến đấu vì danh dự

Đề tài công nhân và người lao động vốn là thế mạnh quen thuộc và xuyên suốt quá trình sáng tác văn xuôi của nhà văn Nguyễn Quốc Hùng và anh đã thu được thành công ít nhiều. Nhưng đến tiểu thuyết thứ tư của mình, Mộ đá ngang lưng trời, Nguyễn Quốc Hùng lại rẽ sang một đề tài hoàn toàn khác­ – đề tài chiến tranh và người lính. Cuốn tiểu thuyết này ra đời sau khi trận chiến Vị Xuyên đã kết thúc được ba mươi năm và đó cũng là quãng thời gian mà tác giả, một người trực tiếp cầm súng nơi chiến trường này, trở về sống đời bình thường sau quân ngũ. Với anh, những kí ức vẫn còn vẹn nguyên, sự xúc động về tình đồng đội vẫn còn dồn nén trong tâm trí, thúc giục bản thân anh phải tái hiện khúc bi tráng của chiến trường qua trang viết. Ai từng biết đến những trận đánh Vị Xuyên (Hà Giang), ai từng biến đến sự khốc liệt của địa danh từng được ví như “cối xay thịt” này, đọc cuốn tiểu thuyết của Nguyễn Quốc Hùng, hẳn khó cầm nước mắt.

Tiểu thuyết gồm 3 phần, mỗi phần đều có khúc Vĩ thanh riêng, liên kết và xuyên suốt. Tác giả dày công khắc họa hàng chục nhân vật lấy nguyên mẫu từ những người đồng đội, cùng nhau đi qua những cơn mưa rừng xối xả, những cơn bão đạn bỏng rát, những trận chiến bên bờ sinh tử. Từng diễn biến tâm lý, sinh hoạt thường ngày của những người lính Vị Xuyên, từng phút từng giây của cuộc chiến được Nguyễn Quốc Hùng tường thuật lại khá chi tiết và chân thật, đến mức người đọc có cảm giác như đang cùng các chiến sĩ bấm chân trên những dốc núi trơn trượt, bết đất đỏ và còn có thể nghe thấy tiếng ầm của đạn, pháo, tiếng rung của đất núi và đá nơi biên giới Hà Giang ngày ấy. Ngay phần mở đầu, Nguyễn Quốc Hùng bộc bạch: “Tôi viết cuốn sách này bằng kí ức của tôi và của nhiều đồng đội khác”. Chính là người trong cuộc nên tác giả giúp bạn đọc hiểu thấu đáo về cuộc sống, sinh hoạt và tư tưởng của người chiến sĩ trên mặt trận này. Những địa danh như “đồi thịt băm” hay “lò vôi thế kỉ” và nhiều cái tên khác mà những ai từng quan tâm tới mặt trận Vị Xuyên đã biết tới, nay thông qua cuốn tiểu thuyết, bằng những câu chuyện, những hình ảnh xác thực được tác giả phản ánh, bạn đọc lại thêm dịp có thể hiểu là tại sao có những cái tên nghe khủng khiếp như vậy.

Những chiến sĩ tham trận đánh Vị Xuyên trong chiến tranh biên giới phía Bắc những năm 1984-1989 được nhà văn Nguyễn Quốc Hùng khắc họa qua tiểu thuyết Mộ đá ngang lưng trời với dáng vóc hiên ngang, khí phách kiên cường, đã vì danh dự mà hy sinh xương máu bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc. Danh dự của con người, danh dự người chiến sĩ trên trận chiến này được tác giả nhiều lần nhắc tới. Tâm trạng của người lính trước khi vào trận chiến sinh tử động viên nhau: “- Sợ chứ. Ai chả sợ. Nhưng một khi chấp nhận là người lính tức là chấp nhận nguy hiểm, chấp nhận hy sinh, cái đấy nó át cái sợ đi thôi. Không biết ở tuổi cậu có thấy ấm ức trong lòng, còn cái danh dự nữa, nó vào cướp nhà mình thì mình phải chiến lại, có thấy thế không?

- Dạ!

- Danh dự đấy!”

Khi những người lính xung phong, quyết tử với kẻ thù, thì triết lý sống ấy thật giản dị như:“C trưởng nhìn đội hình đơn vị rồi hô to: - Vì danh dự, vì truyền thống của quân đội ta, tất cả anh em tiến lên!

Những bóng người bật dậy lao thẳng lên phía trước”.

Và còn cái danh dự quyết không để đánh mất, đó là làm xấu hình ảnh của người chiến sĩ trước kẻ thù thâm độc.

“Sư trưởng:

- Đúng đấy. Tin thế nào được bọn cướp đất ấy. Nếu nó không bắn thì cũng chụp ảnh anh em mình cầm cờ trắng, rồi tung tin ra thế giới bộ đội mình đầu hàng. Lúc đấy sống không bằng chết…”

Đó là danh dự mà người lính phải vượt qua, phải mò mẫm trong đêm tối để tìm lại thân xác đồng đội đã hy sinh. Bắt gặp tình tiết này bạn đọc dễ xúc đọc và trân trọng về tính nhân văn của những người chiến sĩ nơi vào sinh ra tử. Khi đọc trang viết này, tôi có hỏi về độ chính xác của tình tiết ấy và được Nguyễn Quốc Hùng xác nhận đấy hoàn toàn là sự thật, đó là tình người.

Danh dự không đơn giản như hành động của người lính trên chiến trường. Để có được danh dự hiện hữu ấy không dễ. Nguyễn Quốc Hùng lý giải: “Danh dự! Nó chẳng có hình hài gì cho ta nhìn thấy để làm theo và nó đe chẳng ai sợ. Cái biên giới mong manh của danh dự ai cũng có thể bước qua dễ dàng. Cũng như đường biên giới trên kia, những cột mốc hữu hình nhỏ nhoi không đủ mạnh để ngăn giữ kẻ xâm lược huống chi chỉ là những đường vạch trên tấm bản đồ”. Phải là người trong cuộc mới có thể rút ra được cái triết lý vẻ vang ấy. “Đến hôm nay Huy mới nhận ra, danh dự hiện hữu trong chuyện ở lại hay quay về của người lính lớn lắm. Không biết có phải vì danh dự mà mình ở lại?”. Người chiến sĩ hiểu rằng “Giá trị của danh dự cũng chỉ mình định giá được mà thôi”.

Và còn nhiều câu chuyện về danh dự nữa, nhà văn không nói ra nhưng người đọc cũng hiểu. Ví như, người cha bắt đứa con đào ngũ phải quay lại đơn vị, nơi chiến sự ác liệt đang diễn ra, đó chính là danh dự của gia đình trước xã hội.

Những nhân vật như Hoàng “dở”, Huy, Cường, B trưởng Păn, Thắng, Diện, Tuấn, Chiến, D trưởng Thanh, Cư, Chính… đưa người đọc cùng tham gia những trận hành quân, đối mặt với tuyến lửa nơi biên giới phía Bắc trong trận đánh Vị Xuyên năm ấy. Cuộc chiến tranh nào cũng ác liệt và có không ít sự hy sinh mất mát. Nhưng mỗi cuộc chiến tranh đều có đặc thù riêng của nó. Nét riêng biệt của cuộc chiến mà Nguyễn Quốc Hùng đề cập là, đất nước ta khi đó giữa chiến tranh và hòa bình chỉ cách nhau “một cái barie sơ sài bằng tre của trạm vệ binh làm giới tuyến.” Hãy nghe một đoạn đối thoại: “- Mà này, sao mấy hôm nay không thấy pháo bắn nhỉ? - Dạ, ngày lễ hai bên tạm ngừng bắn. - Thế à. Mấy hôm pháo không bắn cũng buồn…”. Không biết những con buôn đón hàng lính chốt mang xuống ở ngay trạm barie giới tuyến quân sự có biết, sau mỗi tiếng nổ của quả đạn pháo bao nhiêu bộ đội ta ngã xuống mà họ lại lấy đó làm vui.

Hay câu chuyện trên chuyến xe khách có những người lính nghĩa vụ vừa trải qua một cuộc chiến khốc liệt được xuất ngũ. “- Lính biên giới gì, tôi thấy năm sáu ông chung nhau một cái ba lô lộn không đầy. Tôi đi biên giới nhiều, thấy thằng nào xuống, ba lô cũng chật căng hàng. Là lính như các ông thì biên giới làm chó gì, mất thời gian của đời người…. Huy muốn nói mà không nói được. Muốn trút giận mà không trút được. Rằng ông biết gì về cuộc chiến bọn tôi vừa trải qua. Rằng thân xác năm thằng khẩu đội cối sáu của A thằng Ánh thêm cả cánh tay thằng Phọng nữa chưa đủ căng ba lô…”.

Tại sao có đoạn đối thoại này? Bởi vì, đất nước ta thời gian ấy vừa lo phát triển kinh tế vừa phải gồng mình bảo vệ đường biên giới cha ông đã gây dựng từ hàng ngàn năm. Kinh tế khó khăn đã khiến không ít người quên đi một chấm nhỏ trên bản đồ, đó là mấy xã nhỏ bé của huyện Vị Xuyên - tỉnh Hà Tuyên khi ấy đang diễn ra những trận đánh khốc liệt khiến không ít những chiến sĩ nghĩa vụ của ta ngã xuống.

Chiến tranh và hòa bình khi đó chỉ cách nhau một cái barie mong manh nữa. Đó là, đã có việc tiêu cực đối với những kẻ đào ngũ. Nguyễn Quốc Hùng thẳng thắn đề cập tới vấn đề này trong tiểu thuyết. Vậy thì phần lớn những chiến sĩ nghĩa vụ năm ấy còn trụ lại được, dũng cảm ôm súng xông lên để bảo vệ Tổ Quốc chính là họ đã vì danh dự. Họ là những người anh hùng - như cách nói của người lính Vị Xuyên năm ấy - “những thằng” hy sinh là “những thằng” dũng cảm nhất. Với bút pháp chân thực, thông qua việc kể lại những tình tiết, chi tiết của cuộc chiến, tiểu thuyết Mộ đá ngang lưng trời mang tới bạn đọc những giá trị nhận thức mới về một lát cắt lịch sử cách đây chưa lâu để làm nên một bài học giáo dục về lý tưởng cách mạng cho thế hệ trẻ ngày nay trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Phải là người trực tiếp chiến đấu trên mặt trận Vị Xuyên, nhà văn Nguyễn Quốc Hùng mới phát hiện chi tiết độc đáo:

“- Thế mày nhìn qua khe đá nhỏ thế kia, quan sát hết sao được…

Nó cự lại gay gắt:

- Khe đá nhỏ, người khác không nhìn thấy hết nhưng tôi quen rồi, từ ngày lên chốt toàn nhìn qua khe đá, đã lần nào bị sao chưa!”

Chỉ những người trong cuộc đã trải qua không ít lần nhao người nằm tránh pháo mà chưa một lần nhìn thấy người lính nằm tránh pháo thế nào thì với diễn viên diễn xuất trong phim làm sao có thể diễn cho đúng. Nghệ thuật không chỉ đòi hỏi về vốn sống mà còn cần tài năng của người nghệ sĩ nhiều lắm. Hoặc như, những bí ẩn của người lính được lý giải. “Không mệnh lệnh. Không người dẫn đường. Không ai nói với nhau câu nào… Bước chân của đoàn binh tự dẫn lối chắc chẳng sai đường”. Cả cuốn tiểu thuyết là bộ sưu tập về những kiến thức sát thực của chiến tranh biên giới phía Bắc với những hình ảnh khác biệt, cụ thể nhưng đầy ấn tượng về người lính, những linh cảm nhậy bén, đôi khi liều lĩnh của những người sẵn sàng xả thân nơi biên cương Tổ Quốc.

Sau khi xuất ngũ, những người lính Vị Xuyên lặng lẽ trở về đời thường, tiếp tục cống hiến, góp sức trong nhiều lĩnh vực của đời sống. Nhiều người trong họ còn luôn ám ảnh tháng ngày sống, chiến đấu cùng đá nơi cổng trời Hà Giang năm ấy. Trở về thời bình họ hiền quá, tưởng chừng đã trải qua những ngày tháng hào hùng, những gian khổ hy sinh, thì họ sẽ được thanh thản nghỉ ngơi nơi quê nhà với chế độ đãi ngộ thỏa đáng. Nhưng chưa hẳn thế, công việc sau khi xuất ngũ không được như mong muốn, cuộc sống còn bề bộn khó khăn. Đó đây còn còn áp lực do sự sự thờ ơ của không ít người do chưa hiểu rõ về bản chất chính nghĩa của trận đánh, về phẩm chất cao đẹp của những người lính từ biên cương trở về. “- Đang đi ở sân, nghe tiếng sấm đoành một tiếng, thế là nó nhào xuống nằm sấp ở khe bể nước. Thần kinh nặng!

Huy lẳng lặng quay đi. Pháo bắn! Tiếng hô bật lên trong tâm thức Huy”

Những người lính trở về âm thầm hoàn thành tốt công việc được giao. Và niềm vui được quây quần bên nhau cùng "uống chén rượu mừng nhà mới" cũng âm thầm. Bởi những người lính bước ra từ chiến trường khốc liệt hơn ai hết hiểu rõ giá trị của cuộc sống và trân trọng giá trị ấy.

Trong tiểu thuyết Mộ đá ngang lưng trời, nhà văn Nguyễn Quốc Hùng muốn người đọc cảm nhận được tính tự sự trong câu chuyện bằng cách, sau mỗi biến cố của cuộc đời quân ngũ là có một khúc vĩ thanh. Tác giả muốn dùng cách sắp đặt đối xứng này để so sánh giữa quá khứ và hiện tại, để thông suốt thời gian trong mạch chuyện. Và tư tưởng của cuốn tiểu thuyết được thể hiện qua cách xắp đặt đối xứng ấy. Tuy nhiên, những khúc vĩ thanh chưa đủ độ nặng để cân xứng với câu chuyện về người lính trên chiến trường dễ khiến bạn đọc lầm tưởng đây chỉ là tác phẩm viết về chiến tranh đơn thuần.

Viết về số phận của người lính Vị Xuyên, tiểu thuyết Mộ đá ngang lưng trời của Nguyễn Quốc Hùng là tác phẩm phản ánh trực diện và chân thực nhất về cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc 1979-1989. Hy vọng cuốn tiểu thuyết này góp phần để sự kiện Vị Xuyên không bị thời gian khỏa lấp, phần nào đền đáp hy sinh của những người lính năm ấy./.

Nguồn Văn nghệ số 1+2/2019


Có thể bạn quan tâm