March 29, 2024, 7:09 am

Hồ Chí Minh với văn hóa, văn nghệ

Là người mác xít, là nhà cách mạng, Hồ Chí Minh luôn luôn xem hoạt động văn hóa văn nghệ như một hoạt động cải tạo, sáng tạo thế giới ở con người. Văn nghệ không có một mục đích tự thân. “Văn hóa, văn nghệ cũng như mọi hoạt động khác, không thể ở ngoài, mà phải ở trong kinh tế và chính trị”. “Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy”. Đây là tư tưởng cơ bản, nhất quán ở Hồ Chí Minh. Là sự tiếp tục phương châm làm thơ, tác giả tự đề ra cho mình, trong Nhật ký trong tù (1943):

Nay ở trong thơ nên có thép

Nhà thơ cũng phải biết xung phong

 

Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện với học sinh Trường Nghệ thuật Sân khấu Trung ương ở Khu Văn công Mai Dịch, Hà Nội.    Ảnh T.L

 

Tư tưởng về tính nhân dân cũng là nội dung xuyên suốt trong các bài nói, bài viết của Hồ Chí Minh, qua cách Bác đặt ba câu hỏi cho công việc Viết. Đó là Viết cho ai? Viết để làm gì? Viết như thế nào? Trong đó câu hỏi Viết cho ai? được đặt ở hàng đầu, như trong Sửa đổi lối làm việc, năm 1947; trong Cách viết, năm 1952; và trong bài nói chuyện tại Đại hội Hội nhà báo lần thứ III, năm 1962.

Đó cũng chính là điều Bác tự đòi hỏi nghiêm khắc ở bản thân mình. Và do vậy, có thể thấy quá trình 50 năm viết, kể từ Yêu sách của nhân dân An Nam (1919) đến Di chúc (1969) của Hồ Chí Minh là cả một bài học quý, cả một kho kinh nghiệm.

Nguyễn Ái Quốc viết bằng tiếng Pháp, tiếng Trung Quốc, và có lúc tiếng Nga, tiếng Ý… trước khi viết bằng tiếng Việt, vì sự cần thiết muốn cho nhân loại hiểu thực chất những vấn đề của thế giới thuộc địa trong đó có Việt Nam. Dẫu vậy không bao giờ tác giả nguôi quên niềm khao khát, nung nấu viết tiếng Việt cho quần chúng còn bị đày đọa, lầm than ở Tổ quốc mình. Cùng với bản Yêu sách của nhân dân An Nam bằng tiếng Pháp gửi Hội nghị Vécxay năm 1919, Nguyễn Ái Quốc còn viết thêm một diễn ca bằng tiếng Việt có tên là Việt Nam yêu cầu ca dài 56 câu, để cho bất cứ ai là người Việt cũng đều có thể hiểu được… Năm 1922, sau khi ra tờ Le Paria bằng tiếng Pháp, Nguyễn còn muốn làm thêm tờ Việt Nam hồn bằng tiếng Việt cho đồng bào trong nước và những người Việt xa xứ đọc. “Cũng vì nghĩ thế. Tôi muốn làm ra. Một báo tiếng ta. Cho đồng bào đọc”.

Từ 1941, sau khi về nước làm báo Việt Nam độc lập, Bác đã viết trên 30 Bài ca Việt Minh, như Hòn đá to, Nhóm lửa, Ca bính lính, Ca sợi chỉ… cực kỳ giản dị, dễ hiểu để cho đồng bào các dân tộc vùng căn cứ địa ai đọc cũng hiểu  được. Cuối 1941 đầu 1942 Bác viết Lịch sử nước ta, với mở đầu: “Dân ta phải biết sử ta”; một diễn ca dài 208 câu thâu tóm 4000 năm lịch sử oanh liệt của dân tộc. Sang 1943, trong 14 tháng bị giam ở các nhà lao Quảng Tây – Trung Quốc, Bác đã viết 135 bài thơ bằng chữ Hán trong Ngục trung nhật ký như một chân dung tự họa về mình. Hai năm sau, ngày 2/9/1945, Bác thay mặt 25 triệu đồng bào đọc Tuyên ngôn độc lập, công bố chủ quyền của dân tộc Việt Nam cho toàn thế giới biết… Vậy là chỉ trong hơn 4 năm, từ 1941 đến 1945, sự nghiệp viết của Bác đã được trải rộng và dồn nén trong những tác phẩm kết tinh những giá trị cao nhất trong lịch sử văn chương Việt.

Vẫn một nội dung, một đề tài nhất quán trong tất cả những gì Bác viết. “Về nội dung viết, mà các cô các chú gọi là “đề tài” thì tất cả những bài Bác viết chỉ có một “đề tài” là: chống thực dân, đế quốc, chống phong kiến, địa chủ, tuyên truyền độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội”… Nhưng biến hóa và linh hoạt biết bao từ một Bản án chế độ thực dân Pháp đến Nhật ký chìm tàu; từ Đường Kách mệnh đến Bài ca sợi chỉ; từ Hòn đá to, đến Lịch sử nước ta; từ Tuyên ngôn độc lập đến một khổ thơ tứ tuyệt như Nguyên tiêu, Đi thuyền trên sông Đáy… Rõ ràng với mỗi đối tượng, ở mỗi tình huống, mỗi hoàn cảnh, Hồ Chí Minh đều có một cách nói riêng. Nhưng hiệu quả cuối cùng của văn chương Hồ Chí Minh là ai cũng hiểu được. Từ một vị đại trí thức đến người dân còn mù chữ.

Nhấn mạnh tầm quan trọng của công chúng, của hiệu quả, nên cái bệnh, cái hại thường được Hồ Chí Minh nêu và nhắc đi nhắc lại với sự gay gắt ít thấy là viết không cho quần chúng xem. “Họ viết, họ vẽ để họ xem thôi”… “Tục ngữ nói “đàn gảy tai trâu”, là có ý chê người nghe không hiểu. Song những người tuyên truyền mà viết và nói khó hiểu thì chính người đó là “trâu”…”. Đây chính là điểm quy tụ cho ta hiểu tính nhân dân ở nội dung Bác viết, và tính nhân dân theo quan niệm Bác đề ra. Chú ý đến công chúng, Bác nêu cao ý nghĩa phục vụ của văn thơ. Văn thơ ấy quần chúng phải hiểu và yêu mến, như ý kiến Lênin đòi hỏi ở một nền văn học vô sản.

Có cần nêu thêm: chính nét đặc sắc ở văn thơ Hồ Chí Minh là sự ngắn gọn, giản dị. Và khi nói đến kinh nghiệm viết, Bác cũng yêu cầu ngắn gọn, giản dị, tránh khoe khoang, tránh bệnh sính dùng chữ, dùng tiếng nước ngoài. Dài dòng, dây cà ra dây muống. Khó hiểu, khó nghe… Cần ngắn gọn, giản dị, vì lẽ văn chương phải đến với quần chúng, phải được quần chúng hiểu.

Một lẽ nữa: Hồ Chí Minh là người mà toàn bộ tâm hồn và tính cách toát lên sự giản dị. Nhưng đây là một sự giản dị không dễ có. Giản dị như sự kết tinh của mọi vẻ đẹp. Như ánh sáng trắng là hòa sắc của bảy màu.

Từ cách giải quyết đúng đắn và linh hoạt hai vấn đề cơ bản trong mối quan hệ văn nghệ và chính trị, văn nghệ và công chúng, ta sẽ thấy Hồ Chí Minh là người quan tâm và thực hiện triệt để sự gắn bó giữa nội dung tư tưởng và hình thức nghệ thuật. Nội dung nào hình thức ấy. Và cần thêm một vế thứ ba, như một sự kiểm nghiệm cho mối quan hệ ấy: sự tiếp nhận của quần chúng.

Bác nêu: nội dung chân thật và phong phú, hình thức trong sáng và vui tươi.

Bác kêu gọi: miêu tả cho hay, cho chân thật và cho hùng hồn.

Bác đòi hỏi: sự ngắn gọn, giản dị, dễ hiểu.

Chân thật, tức là nói sự thật, không tô vẽ. Nói cả mặt hay và dở. Phải có khen, cũng phải có chê.

Nói chân thật là nói cả sự đúng mực, khen hay chê đều phải đúng mực.

Bác yêu cầu: văn chương phải hay, văn chương cần một hình thức trong sáng, vui tươi, khiến cho quần chúng chưa xem thì muốn xem, xem rồi thì có bổ ích.

Ở mỗi dịp gặp gỡ, trò chuyện, phát biểu, với giới văn hóa, văn nghệ, Hồ Chí Minh cũng thường quan tâm đến vấn đề trau dồi phẩm chất của người nghệ sĩ. Điều này rất quan trọng vì chính bản thân mục tiêu của công tác văn hóa, văn nghệ, như Bác nói là đào tạo con người. Người nói câu nói nổi tiếng: “Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội trước hết phải có con người xã hội chủ nghĩa” chính là người hiểu hơn ai hết vai trò của văn hóa, văn nghệ; và do vậy, luôn đặt một yêu cầu cao cho sự tu dưỡng của người nghệ sĩ. Việc trau dồi đạo đức cách mạng là yêu cầu Hồ Chí Minh thường nêu chung cho mọi người. Nhưng với công việc của người nghệ sĩ nói chung cần có thêm một sự cụ thể hóa, cho phù hợp với yêu cầu làm người, lại vừa gắn bó với yêu cầu nghề nghiệp. Trong mỗi dịp đề cập về vấn đề này, Hồ Chí Minh đều nói tóm tắt hoặc có mở rộng khía cạnh này khía cạnh khác, nhưng quan niệm của Bác là nhất quán: “Muốn hoàn thành nhiệm vụ được tốt thì chúng ta phải học tập, chúng ta phải trau dồi tư tưởng, trau dồi nghệ thuật, đi sâu vào quần chúng”.

*

Ở mọi thế hệ nhà văn và nghệ sĩ Việt Nam, kể từ sau 1945, dường như tất cả, không trừ ai, đều ít hoặc nhiều, trực tiếp hoặc gián tiếp có hạnh phúc lưu giữ những kỷ niệm thiêng liêng về Bác Hồ kính yêu và những kỷ niệm đó trở thành nguồn sức mạnh cho suốt hành trình nghề nghiệp và cuộc đời mình. Đó là kỷ niệm của họa sĩ Diệp Minh Châu về những ngày được sống cùng Bác ở Việt Bắc, được vẽ chân dung Bác và nơi Bác ở; Là Tú Mỡ, “nhà thơ bình dân”, như cách Bác nói, trong một tiết mục chèo, được Bác khuyến khích: “Chèo thì phải chèo cho vững”; Là Nguyễn Nho Túy và Ngô Thị Liễu, sau đêm diễn tuồng Chị Ngộ, được Bác khuyên: “Nghệ thuật của cha ông hay lắm, tốt lắm! Cố mà giữ gìn. Nhưng chớ có gieo vừng ra ngô”; Là 4 câu thơ Bác gửi lại Huy Cận, khi nhà thơ tặng Bác tập thơ Bài thơ cuộc đời (1963):

Cảm ơn chú biếu Bác quyển thơ

Bác đã xem qua suốt mấy giờ

Muốn Bác phê bình thật khó nhỉ!

Bài hay xen lẫn với bài vừa

Nhà thơ đã phóng to bốn câu, đóng khung trang trọng để treo trong phòng khách; và thường không quên nhắc nhủ bạn bè đến thăm: “Mong các vị cứ theo tinh thần Bác mà nhận xét thơ tôi nhé!”.

Đã có một quyển sách dành riêng cho câu chuyện này, ghi lại 80 kỷ niệm của các nhà văn, nhà thơ, nghệ sĩ, mang tên Bác Hồ với văn nghệ sĩ, do Lữ Huy Nguyên sưu tầm và biên soạn; Nhà xuất bản Tác phẩm mới, in năm 1980. Nhân đây tôi chỉ muốn lưu ý một nhận xét nhỏ: Hồ Chí Minh không nhận mình là nhà văn nghệ, nhưng tất cả các ý kiến của Bác về “chuyên môn” đều khiến ta ngạc nhiên về sự chân xác một cách giản dị, bởi Bác là người am hiểu mọi lĩnh vực nghệ thuật. Ở mỗi ý kiến của Bác, trong hình thức ngắn gọn, và tự nhiên, đều thấy sự hàm chứa biết bao kinh nghiệm của cả một đời từng trải.

Cũng cần phải nói thêm, ở người cách mạng và nhà thơ Hồ Chí Minh, có một sức hút riêng, thật đặc biệt. Với sức hút đó, Bác đã tập hợp và dẫn dắt biết bao thế hệ trí thức, nhà khoa học, người làm công tác văn hóa, văn nghệ đi vào con đường cách mạng. Hẳn rồi còn phải đi sâu thêm vào sức hút đó, nó là hạt nhân, là từ trường, là vùng phát sáng lớn để tạo nên sự đồng tâm, nhất trí, tạo nên mối giao cảm vĩ đại - vốn là nét đặc trưng cho đời sống tinh thần của dân tộc Việt Nam thế kỷ XX.

_________

1. Thư gửi các họa sĩ nhân dịp Triển lãm hội họa năm 1951

2. Sách Về công tác văn hóa, văn nghệ, Nxb.Sự thật; 1971 

3. Sách đã dẫn, tr.48

Nguồn Văn nghệ số 20/2020


Có thể bạn quan tâm