April 24, 2024, 12:18 pm

Hình tượng Bác Hồ trong nghệ thuật sân khấu Việt Nam

Nghệ thuật cải lương được khẳng định xuất hiện từ năm 1918, tính đến nay đã trên một thế kỷ (1918-2020). Nhưng chỉ từ sau Cách mạng tháng Tám 1945, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, trải qua cuộc kháng chiến thần thánh 9 năm chống thực dân Pháp, hòa bình được lập lại trên miền Bắc, dưới sự lãnh đạo của Đảng, các đơn vị nghệ thuật sân khấu được thành lập và hoạt động trong ngôi nhà chung là Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, thì nghệ thuật cải lương mới thực sự phát triển một cách rực rỡ…

 

Nghệ sĩ Tiến Hợi đã hàng nghìn lần vào vai Bác Hồ trong suốt 40 năm làm nghệ thuật

 

Suốt một thế kỷ tồn tại, phát triển với không ít những khó khăn, thách thức, nghệ thuật cải lương Việt Nam đã tạo nên một phong cách độc đáo, có diện mạo, bản sắc, phong cách riêng: Đậm đà cốt cách dân tộc, trữ tình, đằm thắm, nhưng lại bắt kịp những nét tiên tiến, hiện đại của cuộc sống hôm nay. Qua hàng ngàn tác phẩm lớn, nhỏ, cả những tiểu phẩm, trích đoạn mẫu mực, nổi tiếng; từ các đề tài lịch sử, dân gian, dã sử, huyền thoại, nước ngoài… cho đến các đề tài đương đại; phản ánh và ghi lại cũng như đã làm nên những tác phẩm lớn, với những thành công nhất định, để lại những tình cảm tốt đẹp trong lòng công chúng yêu cải lương trên cả nước. Đặc biệt với đề tài Chủ tịch Hồ Chí Minh, thì thành công của vở diễn Người công dân số một của Nhà hát Cải lương Việt Nam (được dàn dựng ngay sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng 30/4/1975), tham dự Hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc - Hải Phòng năm 1980 (lần đầu tiên được tổ chức sau ngày đất nước hoàn toàn thống nhất); là một trong những thử nghiệm rất đáng được ghi nhận... Đó là hình ảnh Bác Hồ xuyên suốt qua những chặng đường lịch sử của dân tộc với khí phách và tâm hồn Việt Nam… nhưng không phải bằng những mảnh ghép minh họa đơn giản, sơ lược; trái lại, tập thể nghệ sĩ của Nhà hát - từ vai chính đến vai phụ… đều mang hết tài năng của mình để cố gắng khắc họa một hình ảnh của Bác: vừa anh hùng, vĩ đại, nhưng lại hết sức giản dị, gần gũi với quần chúng, nhân dân - bởi đây là tác phẩm thử nghiệm đầu tiên, công phu, tâm huyết về nghệ thuật thể hiện hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh trên sân khấu cải lương… Sau thành công với vở diễn này, 30 năm sau, năm 2005, với một tập thể chủ yếu là các nghệ sĩ trẻ, Nhà hát Cải lương Việt Nam lại thành công với một thử nghiệm mới, đó là Liên khúc Sử thi Hồ Chí Minh, đẹp nhất tên Người, dựng nên hình tượng Bác Hồ trải qua ba giai đoạn lịch sử: Phần I - người thanh niên Việt Nam Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước năm 1911, cùng những hoạt động sau đó của Người trên đất Pháp vào những năm đầu thế kỷ XX, Bác đã là một nhà báo lớn, tờ Người cùng khổ, Le Paria, với nhiều bài viết sắc sảo đầy tính chiến đấu, cùng những vở kịch, tranh minh họa, tranh châm biếm đả kích bọn đế quốc, thực dân, đã khẳng định tên tuổi của Người trong giới báo chí tại Pháp. Phần II - Bác Hồ tại chiến khu Việt Bắc chỉ đạo cuộc kháng chiến chống Pháp từ 1946 đến 1954, và cuối cùng, Phần III là hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh với Lời kêu gọi nổi tiếng ngày 17/7 năm 1966 trong cuộc chiến đấu chống Mỹ cứu nước: “Chiến tranh có thể kéo dài 5 năm, 10 năm, 20 năm, hoặc lâu hơn nữa. Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, xí nghiệp có thể bị tàn phá, song nhân dân Việt Nam quyết không sợ! Không có gì quý hơn độc lập, tự do. Đến ngày thắng lợi, nhân dân ta sẽ xây dựng lại đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn!”... Cũng trong khoảng thời gian này, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Nhà hát Trần Hữu Trang đã chuyển thể kịch bản Đêm trắng sang sân khấu cải lương. Tác phẩm đã được đông đảo khán giả phía Nam hết sức yêu thích, bởi tính quyết liệt, hấp dẫn của vở diễn đã mang lại những nhận thức mới mẻ về tấm lòng bao dung độ lượng, nhưng cũng rất nghiêm khắc của Hồ Chủ tịch, đối với những kẻ có chức, có quyền, nhưng chỉ nghĩ đến sự hưởng thụ cá nhân mà quên đi cả lợi ích chung của dân tộc.

Nghệ thuật sân khấu thể hiện hình tượng Bác Hồ là một thử thách về tài năng sáng tạo vô cùng hấp dẫn, nhưng cũng đầy những khó khăn, thử thách to lớn với người nghệ sĩ. Bởi, Bác Hồ là Danh nhân văn hóa kiệt xuất, Anh hùng giải phóng dân tộc, Lãnh tụ vĩ đại của Đảng và nhân dân Việt Nam - nhưng lại là một con người vô cùng giản dị, một tâm hồn thanh cao, trong sáng - tượng trưng cho tâm hồn Việt Nam… Vì thế, sau cải lương là nghệ thuật tuồng truyền thống với vở Không còn con đường nào khác của Nhà hát Tuồng Việt Nam. Tiếp đó là tác phẩm Sáng mãi niềm tin của Nhà hát Tuồng Đào Tấn. Cả hai vở diễn này, tuy không mô tả một cách cụ thể quãng đời hoạt động của Bác, nhưng đã mang lại những cảm xúc tươi mới cho nghệ thuật Tuồng truyền thống với đề tài hiện đại. Cùng với những cảm hứng nghệ thuật của cải lương và tuồng, nghệ thuật chèo dân gian đồng bằng Bắc bộ đã tái hiện hình tượng Bác Hồ trong Đêm trăng huyền thoại (Đoàn Chèo Thái Nguyên), và đặc biệt là vở Những vần thơ thép của Nhà hát Chèo Việt Nam. Cũng với ý tưởng thể hiện hình tượng Bác Hồ trên sân khấu dân ca, Trung tâm Bảo tồn và phát huy Dân ca Ví, Giặm Nghệ An đã dàn dựng vở Người ra đi từ câu hò ví, giặmLời Người, lời của nước non. Cùng một nhà hát, cùng một phong cách kịch hát xứ Nghệ, nhưng mỗi vở diễn lại tìm riêng cho mình một nét thể hiện khác nhau về nghệ thuật, vì thế được đông đảo khán giả không chỉ vùng quê Nghệ Tĩnh ưa thích, mà công chúng trên cả nước cũng nồng nhiệt đón chào, bởi tính dung dị, ngọt ngào của Ví, Giặm, khi thể hiện vẻ đẹp tâm hồn Chủ tịch Hồ Chí Minh - một người con của quê hương Xô viết!

Tuy nhiên, công bằng ghi nhận, việc thể hiện hình tượng Bác Hồ trên sân khấu kịch nói, là có nhiều thành công nhất, để lại những ấn tượng mạnh mẽ và hiệu quả nghệ thuật nhất trong lòng đông đảo công chúng. Từ tác phẩm hoành tráng Bài ca Điện Biên (Nhà hát Kịch Việt Nam) - Kỷ niệm 30 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (1954-1984, mà trong đêm khai mạc, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã tới xem và cổ vũ anh chị em nghệ sĩ rất nồng nhiệt); cho đến Lịch sử và nhân chứng của Đoàn Kịch Hải Phòng. Đặc biệt là vở Đêm trắng do Đoàn Kịch Quân khu II, Nhà hát Kịch Việt Nam và Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang cùng dàn dựng, đã mang đến một cách nhìn mới mẻ hơn, khi thể hiện hình tượng lãnh tụ trên sân khấu. Những vở diễn thể hiện hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh trên sân khấu Việt Nam hiện đại, đã để lại rất nhiều cảm xúc đẹp đẽ trong lòng công chúng yêu sân khấu - bởi hình tượng Bác Hồ kính yêu đã được thể hiện bằng tất cả tâm huyết và tài năng của người nghệ sĩ!

Nguồn Văn nghệ số 20/2020


Có thể bạn quan tâm