April 23, 2024, 8:51 pm

Hình ảnh mẹ trong hai nhà thơ Nga

A.Pushkin (1799-1837), Sergei Esenin (1895-1925) là hai nhà thơ lớn trong số rất nhiều nhà thơ lớn đã góp phần tạo nên sự vĩ đại của nền thơ ca Nga từ cổ điển đến hiện đại. Và, như một nét đặc trưng của tất cả các nhà thơ lớn thuộc mọi nền thơ ca dân tộc, di sản thơ của hai nhà thơ Nga đã dựng lên trước người tiếp nhận những chân trời bề bộn: bề bộn về tư tưởng, bề bộn về đề tài, bề bộn về nội dung phản ánh, bề bộn về những khám phá nghệ thuật... Nhưng trong sự bề bộn – không phải ai cũng giống ai – ấy, dường như họ lại xóa bỏ những khoảng cách thời gian để gặp nhau ở một nốt lặng thi ca trong trẻo và đầy xúc động: lòng kính trọng, tình yêu hướng về người mẹ.

A.Pushkin (1799-1837)

A.Pushkin, như nhiều cuốn sách viết về ông cho biết, sinh ra trong một gia đình qúy tộc mà mọi người đều nói tiếng Pháp và bận rộn với những sinh hoạt thượng lưu hơn là việc chăm sóc con cái, vậy nên ngay từ ấu thơ ông đã gần gũi với bà nhũ mẫu Arina Rodionovna – người đầy tớ nông nô, hơn là với mẹ đẻ của mình. Ông học tiếng mẹ đẻ không phải từ mẹ đẻ, mà là từ nhũ mẫu. Sau này, khi bị Sa hoàng lưu đày ở làng Mikhailovscoye, A.Pushkin tiếp tục sống với nhũ mẫu một thời gian và chịu nhiều ảnh hưởng tự nhiên tích cực của bà. Có thể nói, bà lão nông nô hiền lành ấy là một nguồn sáng trong ngôi nhà qúy tộc. Tuy thất học nhưng bà thuộc lòng không biết bao nhiêu truyện cổ tích, thơ ca dân gian, thành ngữ, tục ngữ; bà am hiểu những tập tục cổ truyền, những nghi lễ hội hè chốn thôn quê. Và tất cả cái kho báu ấy đã được “rót” vào Pushkin, được nhà thơ thiên tài hấp thu, biến nó thành một phần trong năng lượng sáng tạo cường tráng của mình. Chính vì thế dễ hiểu tại sao Pushkin viết nhiều và viết rất đằm thắm về nhũ mẫu:

 “Mẹ thân thiết trong những ngày cơ cực/ Nguồn mến thương nâng bước đời con!/ Rừng thông thăm thẳm cô đơn/ Ngóng con ngày tháng mỏi mòn mẹ trông/ Trong phòng khách bên song cửa sổ/ Như người canh, thương nhớ mênh mang/ Tay già lần mũi kim đan,/ Như đang đếm bước thời gian chậm buồn/ Mẹ thẫn thờ nhìn đường thăm thẳm/ Lối cổng vào bỏ vắng từ lâu/ Buồn thương, linh cảm, lo âu/ Lại càng chất nặng thắt đau ngực già...

(Gửi mẹ nuôi – Thúy Toàn dịch) 

Nhà thơ gọi nhũ mẫu của mình là “Mẹ thân thiết trong những ngày cơ cực/ Nguồn mến thương nâng bước đời con” – nội cách gọi ấy cũng đã cho thấy bà nhũ mẫu chiếm một phần quan trọng thế nào trong cuộc đời của ông: đó là nguồn sức mạnh tinh thần giúp ông vượt qua sự áp chế của cường quyền, vượt qua nỗi run sợ trước máy chém và nhà tù để thực hiện vai trò của một nhà thơ yêu nước và chiến đấu, một “người gieo giống tự do trên đồng vắng” (tên một bài thơ của Pushkin). Hình ảnh bà mẹ trong bài thơ hoàn toàn là hình ảnh được chiếu trên nền sự tưởng tượng của tác giả: mẹ ngóng con mỏi mòn, mẹ lần mũi kim đan như đếm bước thời gian, mẹ thẫn thờ nhìn đường xa thẳm... Tưởng tượng, nhưng đồng thời đó cũng là niềm tin, và chỉ có thể có niềm tin chắc chắn như vậy khi đứa con ở xa luôn nghĩ về mẹ hướng về mẹ bằng một tình yêu tuyệt đối!

Còn khi ở gần thì sao? Một buổi chiều mùa đông, khi ngoài trời bão tuyết dữ dội, thì ở trong nhà:

... Nỗi buồn tăm tối bao la/ Phủ kín căn nhà dột nát/ U già ơi, sao héo hắt/ Sao U chẳng nói nên lời/ Hay tiếng thở than ngoài trời/ Day dứt làm U mệt lả?/ Hay guồng sợi quay rời rã/ Rầm rì ru U ngủ quên?/ U già của tuổi thơ con/ Bạn của đời con cực khổ/ Uống đi U, vài ngụm nhỏ/ Trái tim có bớt ưu phiền?/ U hát con nghe bài hát/ Về con chim biển bình yên/      U hát con nghe bài hát/ Cô em quẩy nước dịu hiền...

(Chiều đông – Bằng Việt dịch)

Là những câu hỏi của con với U già, những câu hỏi thật ân cần và dịu dàng, tạo một sự tương phản hoàn toàn với cái dữ dội của thiên nhiên bên ngoài. Nhà thơ một lần nữa khẳng định bà nhũ mẫu (U già) là “bạn của đời con cực khổ”. Và, mặc cho bên ngoài gió bão rít lên ghê rợn; trong nhà tiếng hát của U già vẫn cất lên, những bài hát có “con chim biển bình yên” và “cô em quẩy nước dịu hiền”. Đó chính là những bài dân ca Nga, những suối nước mát ngọt mà nhũ mẫu đã mang từ nguồn của nó tưới tắm cho tâm hồn nhà thơ vĩ đại. Bài thơ này, có lẽ Pushkin làm trong, hoặc sau thời gian ông sống ở làng Mikhailovscoye cùng với nhũ mẫu. Và chúng ta có thể tin rằng, bà lão nông dân thất học ấy chính là người đối thoại đầu tiên của Pushkin, là thính giả đầu tiên của thi phẩm tuyệt vời ấy.

Sergei Esenin (1895-1925)

Sergei Esenin ra đời sau khi “mặt trời của thi ca Nga” (Pushkin) đã lặn hơn nửa thế kỷ. Ông là thi sĩ của một nước Nga khác, một thời đại khác, một khí hậu văn hóa đã rất khác nếu so với Pushkin. Ông không còn cái tự tin đi về phía nhân dân, gánh sứ mệnh là người đại diện cho nhân dân để chống lại áp bức như Pushkin (Tôi cứ gào lên là tôi thân thiết với nhân dân/ Nhưng ở đây thơ tôi chẳng ai cần/ Cả tôi nữa, cũng chẳng còn cần thiết). Ông không có một bà nhũ mẫu để làm một thi ảnh người mẹ như Pushkin. Nhưng ông có một thân mẫu tuyệt vời, một bà mẹ nông dân, một bà mẹ Nga điển hình của sự yêu thương và tấm lòng bao dung. Tuy vậy, khi viết về mẹ, dù rất đằm thắm dịu dàng, song những tình cảm u sầu cay đắng cũng đã kịp ngấm trong thơ ông. Một trong những bài thơ hay nhất về mẹ của Esenin được viết năm 1924, một năm trước khi nhà thơ tự vẫn, có nhan đề “Thư gửi mẹ”. Ngay ở hai khổ đầu bài thơ đã là một sự giả định, phân vân, không chắc chắn:

Mẹ còn sống chăng thưa Mẹ?/ Con cũng còn sống đây, xin chào Mẹ của con!/ ánh sáng diệu kỳ vào lúc chiều hôm/ Xin cứ toả trên mái nhà của Mẹ/ Người ta viết cho con rằng Mẹ/ Phiền muộn lo âu quá đỗi vì con/ Rằng Mẹ thường đi đi lại lại trên đường/ Khoác tấm áo choàng xưa cũ nát” (Thư gửi Mẹ – Anh Ngọc dịch).

Thực tế, như chúng ta biết, quãng thời gian này Esenin sống phóng túng hình hài ở Moscova, ông ngập mình trong cái không gian đô thị - mà vốn dĩ ông rất dị ứng - với những tửu quán, những tiệc tùng, những mối tình cuồng loạn, và sự bế tắc tư tưởng. Ông ở rất xa mẹ, rất xa quê hương Riazan thân thiết, và sự xa cách ấy cũng đã rất lâu. Vì thế, với sự nhạy cảm thi sĩ, ông tưởng tượng về sự tưởng tượng của người mẹ suốt cả cuộc đời hết lòng lo lắng cho con:

Trong bóng tối chiều hôm xanh ngắt/ Mẹ mãi hình dung chỉ một cảnh hãi hùng/ Có kẻ nào vừa đâm trúng tim con/ Giữa quán rượu ồn ào loạn đả”.

Có thừa sự tỉnh táo để tự nhận thức rằng sự lựa chọn con đường đi trong đời của mình, cách sống của mình, và giờ đây là sự xa cách biền biệt, tất cả những điều ấy đem lại cho mẹ không gì khác ngoài nỗi lo âu phiền muộn triền miên, Esenin đã gửi vào trong “Thư gửi mẹ” giọng điệu hối lỗi của một đứa con đãng tử trước mẹ hiền:

Con có đâu be bét rượu chè/      Đến nỗi chết mà không nhìn thấy Mẹ/ Con vẫn như xưa đằm thắm dịu dàng/ Vẫn như xưa chỉ một niềm mong ước/ Sớm thoát khỏi nỗi buồn đau trĩu nặng/ Để trở về với mái nhà xưa/ Con sẽ về khi vào độ xuân sang/ Mảnh vườn ta trắng cây cành nảy lộc”.

Yêu thương và hối hận, đó là hai trạng thái cảm xúc chạy suốt Thư gửi mẹ của Esenin. Về mặt nào đó, chính ở bài thơ viết về mẹ, viết cho mẹ này, Esenin đã tự bộc lộ những mâu thuẫn giằng xé quyết liệt trong con người tinh thần của ông, bộc lộ tấn bi kịch của sự tuyệt vọng trước những giá trị tưởng như vĩnh hằng trong đời sống. Ông xin mẹ – và hẳn đây là điều khá bất ngờ đối với một người phụ nữ nông thôn Nga ngoan đạo:

Chỉ có điều mẹ nhé, mỗi ban mai/ Đừng gọi con như tám năm về trước/ Đừng thức dậy những ước mơ đã mất/ Đừng gợi chi những mộng đẹp không thành/ Đời con nay đã thấm nỗi nhọc nhằn/ Đã sớm chịu bao điều mất mát/ Cũng đừng dạy con nguyện cầu. Vô ích!/ Với cái cũ xưa, không quay lại làm chi”.

Tất cả đã trở nên mất giá, tất cả chỉ là hư ảo trong cái nhìn cuộc đời của Esenin. Duy có một điều là giá trị thường hằng với nhà thơ, đó là mẹ: “Chỉ Mẹ là nguồn vui, ánh sáng diệu kỳ/ Chỉ mình Mẹ giúp đời con vững bước” (Ta hãy nhớ lại câu thơ của Pushkin: Mẹ thân thiết trong những ngày cơ cực/ Nguồn mến thương nâng bước đời con). Bài thơ kết lại bằng bốn câu:

Hãy quên đi những lo âu, Mẹ nhé/ Đừng buồn phiền quá đỗi về con/ Mẹ chớ đi đi lại lại trên đường/ Khoác tấm áo choàng xưa cũ nát”.

Xin mẹ đừng lo âu buồn phiền, xin mẹ chớ đi đi lại lại trên đường với tấm áo choàng xưa cũ nát, nhưng có lẽ, hơn ai hết, Esenin là người biết rằng lời cầu xin ấy sẽ không bao giờ trở thành hiện thực. Bởi, bà mẹ không thể ngừng yêu thương và lo lắng cho đứa con mình rứt ruột đẻ ra; bà không thể không bồn chồn khi nó rời vòng tay mình, lao vào sóng gió cuộc đời với cái thiên chức thi sĩ cao cả nhưng đầy bất trắc. Bài thơ mở ra với hình ảnh mẹ “...đi đi lại lại trên đường/ Khoác tấm áo choàng xưa cũ nát” và kết thúc cũng bằng hình ảnh ấy. Có thể nói, đó không phải là một thi ảnh đẹp, nhưng là một thi ảnh gây xúc động, và càng xúc động hơn khi nó “thấm nhiễm” tính chất và cường độ cảm xúc mà tác giả bộc lộ trong bài thơ. Xin mạnh dạn được khẳng định rằng, thật ra, những thi ảnh mẹ có thể găm lại được trong trí nhớ người đọc như vậy vốn không nhiều!

Tự cổ chí kim, từ Đông sang Tây, nhân loại đã nói nhiều, thậm chí quá nhiều, về vai trò tối quan trọng của người mẹ trong đời sống, trong lao động sáng tạo nghệ thuật của người nghệ sĩ (Gorky: Đời thiếu Mẹ hiền, không phụ nữ/ Anh hùng, thi sĩ hỏi còn đâu?). Đó là chân lý hiển nhiên, không có gì phải bàn cãi. Nhưng vấn đề là, để người mẹ trở thành hình tượng nghệ thuật có sức lay động mạnh mẽ, truyền được sự xúc động qua nhiều thế hệ người thưởng thức, người mẹ ấy cần phải được “lọc” qua tình yêu chân thành và tài năng lớn của người sáng tạo. Bà nhũ mẫu của A.Pushkin, bà mẹ của S.Esenin và nhiều bà mẹ khác đã có được cái may mắn – phải nói là “may mắn” – như vậy. Và đó cũng là cái may mắn người đọc, may mắn của thơ ca khi có được những bài thơ thật hay từ Người Mẹ, về Người Mẹ!

Nguồn Văn nghệ số 11/2020     


Có thể bạn quan tâm