April 25, 2024, 8:24 pm

Hiệu ứng lớn của APEC đối với cả nước

APEC 2017 đã mang tới cho Việt Nam cơ hội tái khẳng định chính sách ngoại giao đa phương, tức là thúc đẩy quan hệ nhiều mặt cùng lúc với nhiều thành viên khác nhau. Riêng về hợp tác kinh tế, Việt Nam đã ký 121 thỏa thuận với tổng trị giá hơn 20 tỷ USD. Điều này đã mở ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp, cuốn hút các doanh nghiêp và tạo sự phấn khởi cho doanh nghiệp và người dân Việt Nam về APEC 2017.

Các nhà lãnh đạo các nền kinh tế APEC họp lần thứ 25 tại Đà Nẵng đã cam kết hành động mạnh mẽ hơn nữa để tạo động lực mới cho hợp tác, nhằm thúc đẩy tăng trưởng bền vững, sáng tạo và bao trùm, tăng cường liên kết kinh tế khu vực, phát huy mọi tiềm năng của các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, tăng cường an ninh lương thực và nông nghiệp bền vững. Tuyên bố Đà Nẵng là một thắng lợi lớn của thương mại tự do, khi các nhà lãnh đạo APEC thể hiện sự ủng hộ tập thể mạnh mẽ đối với hệ thống thương mại đa phương cũng như việc kêu gọi thực hiện đầy đủ bộ quy tắc được đề ra bởi Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Đối thoại giữa các nhà lãnh đạo kinh tế APEC với Hội đồng Tư vấn doanh nghiệp APEC (ABAC) lần thứ Tư.   Ảnh Internet

Việt Nam thành tâm điểm

Các nhà lãnh đạo APEC thể hiện sự ủng hộ mạnh mẽ đối với hệ thống thương mại đa phương và tự do hóa thương mại. Theo ghi nhận của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh, APEC 2017 là dịp đưa quan hệ song phương giữa Việt Nam và các nền kinh tế lớn vươn lên tầm cao mới. Đặc biệt phải kể đến thành công của chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam của lãnh đạo Mỹ, Trung Quốc, chuyến thăm cấp cao của lãnh đạo Chile và Canada. Trong 10 năm qua, cũng theo đánh giá của Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh, có lẽ đây là lần thứ hai, Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 có sự tham dự của hầu hết lãnh đạo cấp cao đến từ các nền kinh tế thành viên.

Việt Nam đã đạt được tất cả các mục tiêu lớn đã đề ra, là nâng cao vai trò và vị thế quốc tế của đất nước, tăng cường và làm sâu sắc hơn quan hệ với các nền kinh tế APEC, kết nối doanh nghiệp Việt Nam với doanh nghiệp APEC và quảng bá tiềm năng phát triển, kinh doanh của Việt Nam. Hội nghị APEC lần thứ 25 đã góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ và đường lối đối ngoại của Đại hội Đảng lần thứ 12 về đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ quốc tế, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, nâng cao hiệu quả đối ngoại đa phương, với mục tiêu cao nhất là duy trì môi trường hòa bình, ổn định, tạo thuận lợi phục vụ sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. Tuần lễ Cấp cao đã tận dụng hiệu quả các hoạt động của APEC trong năm qua để nâng tầm, tạo đan xen lợi ích dài hạn và đưa quan hệ với các đối tác lớn đi vào chiều sâu. Trong dịp này, đã có 2 chuyến thăm cấp Nhà nước của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc và Tổng thống Hoa Kỳ, 2 chuyến thăm chính thức của Tổng thống Chile và Thủ tướng Canada. Đây đều là những chuyến thăm mang tính lịch sử tới Việt Nam và đạt được các thỏa thuận mang tầm chiến lược, mở ra những trang mới cho quan hệ của Việt Nam với các đối tác.

Thông qua việc đón tiếp các lãnh đạo quốc tế như Chủ tịch Tập Cận Bình, các Tổng thống Donald Trump, Putin và Thủ tướng Shinzo Abe, Việt Nam tìm thấy sức mạnh mới trong các mối quan hệ đối tác chiến lược và toàn diện sâu rộng. Việt Nam đã có quan hệ đối tác chiến lược hoặc toàn diện với 16 nước, trong đó bao gồm tất cả 5 thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Theo các nhà quan sát, với việc tổ chức thành công APEC 2017, Việt Nam trở thành tâm điểm chú ý của truyền thông thế giới trong tuần qua. Những kết quả đạt được trong kỳ APEC năm nay không chỉ thể hiện vai trò, vị thế mới của Việt Nam, mà còn cho thấy APEC vẫn tiếp tục là một diễn đàn hợp tác kinh tế khu vực hàng đầu, nơi khởi xướng và thúc đẩy hợp tác, kết nối và hội tụ trí tuệ của khu vực và thế giới.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh cùng các thành viên UBQG APEC tiến hành Tổng duyệt lần cuối cho Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 tại Đà Nẵng. Ảnh Internet

Trong khuôn khổ Tuần lễ Cấp cao APEC 2017, Việt Nam đã quảng bá tiềm năng, cơ hội mới về phát triển, kinh tế, thương mại, đầu tư, dịch vụ, kết nối, du lịch của nước ta. Hội nghị Thượng đỉnh doanh nghiệp APEC đã thu hút con số kỷ lục hơn 2.000 doanh nghiệp, trong đó có khoảng 1.300 doanh nghiệp quốc tế. Hội nghị Thượng đỉnh kinh doanh Việt Nam có khoảng 2.200 doanh nghiệp tham dự, trong đó khoảng 850 doanh nghiệp Việt Nam. Nhân dịp các hoạt động APEC đã có hơn 80 cuộc gặp gỡ, kết nối giữa địa phương với các doanh nghiệp. Nhiều kế hoạch hợp tác kinh doanh giữa các doanh nghiệp đã được hình thành. Tất cả đều thể hiện sự quan tâm của các doanh nghiệp đối với các nền kinh tế trong khu vực và mang theo hiệu ứng lan tỏa về môi trường kinh tế, môi trường đầu tư. Thành công còn được thể hiện qua việc APEC 2017 thu hút sự tham gia của các tổ chức quốc tế lớn như Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB), Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB). Tổ chức thành công APEC đã tạo thuận lợi rất lớn để Việt Nam đảm nhiệm vị trí Chủ tịch ASEAN vào năm 2020, cũng như chứng tỏ vai trò trung tâm của ASEAN tại khu vực cũng như trên trường quốc tế.

Liên quan đến việc Việt Nam muốn Mỹ tiếp tục quan tâm đến thương mại tự do sau khi Mỹ rời khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Tổng thống Donald Trump đã nói với Chủ tịch nước Trần Đại Quang rằng, ông mong muốn thương mại hai chiều "công bằng và đối ứng" mặc dù thâm hụt thương mại Mỹ và Việt Nam đang nghiêng về phía có lợi cho Việt Nam. Việc thực hiện các cuộc hội đàm song phương dưới “chiếc ô” của APEC đã thúc đẩy hơn nữa quan hệ thương mại và kết nối chính trị giữa Việt Nam với các nước. Quan trọng hơn, là chủ nhà APEC, Việt Nam đã tận dụng cơ hội để dẫn dắt hành động đối với vấn đề thương mại bình đẳng đem lại lợi ích cho tất cả các bên.

APEC 2017 đã mang tới cho Việt Nam cơ hội tái khẳng định chính sách ngoại giao đa phương, tức là thúc đẩy quan hệ cùng lúc với nhiều nền kinh tế khác nhau. Về mặt hợp tác kinh tế, Việt Nam cũng đã ký 121 thỏa thuận với tổng trị giá hơn 20 tỷ USD. Điều này đã mở ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp, cuốn hút các doanh nghiêp và tạo sự phấn khởi cho doanh nghiệp và người dân Việt Nam về APEC 2017. Đáng chú ý, các doanh nghiệp Việt Nam – Hoa Kỳ đã ký một loạt thỏa thuận thương mại lên tới 12 tỷ USD, bao gồm: Biên bản ghi nhớ có ràng buộc về Hợp đồng bảo dưỡng động cơ máy bay Pratt & Whitney PW1100G-JM trị giá khoảng 1,5 tỷ USD; Bản ghi nhớ về dự án Kho cảng khí đốt hóa lỏng tự nhiên Sơn Mỹ trị giá khoảng 1,3 tỷ USD; Bản ghi nhớ về Hợp tác cung cấp khí đốt hóa lỏng tự nhiên và Đầu tư thượng nguồn; Hợp đồng mua, hỗ trợ sản phẩm động cơ PW1100G-JM.

Đăng cai kỳ APEC lần này, Việt Nam vừa thúc đẩy thương mại tự do, vừa vạch lộ trình để APEC tiếp tục chứng tỏ là một diễn đàn đa phương đáng tin cậy. Giới phân tích cho rằng với việc Bộ trưởng các nước thành viên đạt thỏa thuận về Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) thay thế cho TPP, Việt Nam đã hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ đầy khó khăn này.

 

Cơ hội lớn cho Đà Nẵng

Về quy hoạch phát triển hạ tầng, Đà Nẵng sẽ tìm thấy được những đối tác lớn như Nhật Bản, Mỹ, Singapore… Đây chính là cơ hội để trong quá trình phát triển các dự án lớn như Xây dựng Cảng Liên Chiểu, di dời nhà ga đường sắt, xây dựng hành lang kinh tế Đông Tây 2. Đà Nẵng sẽ giới thiệu, lựa chọn, hợp tác và thuê các đơn vị tư vấn “tầm cỡ” để các dự án đạt được tính khả thi cao, hiệu quả lớn trong quá trình đưa vào sử dụng. Đối với du lịch, Đà Nẵng đã phát triển mạnh mẽ tuyến đường du lịch kết nối với Hội An và tuyến đường Võ Nguyên Giáp được xem là cung đường “kim cương” của thành phố. Ngành du lịch nắm giữ vai trò chủ lực của thành phố và trong 6 tháng đầu năm 2017, lượng du khách đến Đà Nẵng tăng 72,2% đạt trên 1,2 triệu lượt, với tổng số khách đến Việt Nam tăng khoảng 33,2% so với cùng kỳ năm ngoái, tăng 3,2 triệu lượt.

Tuy nhiên, với tốc độ phát triển chóng mặt như hiện nay với khách sạn, khu vui chơi nghĩ dưỡng thì cung đường này cũng đang quá tải và sẽ bão hòa. Nếu chúng ta khai thác tuyến đường biển Nguyễn Tất Thành kết nối với Huế tạo ra tuyến đường du lịch Huế, Đà Nẵng, Hội An mang tính chiến lược lâu dài và khai thác triệt để du lịch văn hoá của 3 nơi. Để khai thác tốt Đà Nẵng cần kêu gọi hoặc hợp tác với một số đối tác nước ngoài để quy hoạch sao cho phù hợp với văn hóa và tạo ra giá trị cao cho ngành du lịch Việt Nam nói chung và các tỉnh miền Trung nói riêng. Và những “ông lớn” tham gia APEC trong dịp này chính là cơ hội cho tương lai.

Đoàn phu nhân lãnh đạo APEC 2017 đã có chuyến thăm phố cổ Hội An (Quảng Nam). Ảnh Internet

Thông qua APEC 25, Đà Nẵng càng nhận thức được yêu cầu cần có sự phát triển bền vững trong phát triển quy hoạch. Ví dụ huyện Hòa Vang trước đây đa phần là phát triển nông nghiệp, quá trình đô thị hóa và quy hoạch phát triển hạ tầng sẽ ảnh hưởng đến đời sống của người dân. Đà Nẵng cần có bài toán cho người dân vùng giải tỏa. Tại sao không phát triển mạnh nông nghiệp công nghệ cao ở khu vực này? Bởi nếu người dân được hướng dẫn quy trình trồng trọt, xây dựng thương hiệu sản phẩm, có đầu ra cho sản phẩm thì chắc chắn người dân sẽ làm rất hiệu quả và chúng ta cũng không phải nhập khẩu nông sản đâu xa mà được cung cấp ngay tại thành phố mình. Các nhà hàng, resort, người dân đều sử dụng do chính thành phố trồng thì chúng ta không sợ thiếu nguồn cung. Để làm được đó, thì hội nghị cấp cao APEC cũng chính là cơ hội để học hỏi, tìm kiếm những nhà đầu tư mạnh về lĩnh vực nông nghiệp như Thái Lan, Úc…

Cuối cùng, cơ hội từ hội nghị cấp cao APEC đó là ngành Công nghệ Thông tin. Đây là một ngành còn non trẻ tại Việt Nam nhưng theo tôi đó sẽ là ngành phát triển bền vững trong tương lai. Như tổng thống Donal Trump đã có lời trích dẫn trong bài phát biểu: “Sinh viên Việt Nam là một trong số những sinh viên giỏi trên thế giới”. Nếu chúng ta xây dựng hệ thống đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, có những chính sách thông thoáng về đầu tư để thu hút vốn, tạo môi trường tốt để giữ chân các chuyên gia tư vấn, nhà khoa học…, Đà Nẵng phải đạt được những tiêu chí cơ bản đó thì mới có thể phát triển được những ngành có hàm lượng chất xám cao và phát triển bền vững. Sau APEC 25 có thể tin rằng nếu tầm nhìn đủ lớn, quyết tâm đủ mạnh từ chính quyền, doanh nghiệp thì việc Đà Nẵng trở thành trung tâm phát triển Công nghệ Thông tin tại Việt Nam và châu Á là điều có thể làm được

Các nhà lãnh đạo chụp ảnh lưu niệm trong trang phục APEC Việt Nam 2017. Ảnh VGP

Có thể bạn quan tâm