March 29, 2024, 12:15 pm

Hiểu thấu di sản để không “tôn tạo quá tay”

Không phải ngẫu nhiên mà trong lịch sử bảo tồn và phục hồi di tích trên thế giới có sự tham gia của những nhà khảo cổ học, lịch sử học, triết học và lý luận, những kiến trúc sư và họa sỹ. Việc phục hồi và bảo tồn tại các nước có sự nghiệp bảo tồn di sản văn hóa phát triển tới trình độ cao, người ta thường cho rằng bảo tồn về bản chất mang tính hàn lâm và bác học. Tại Việt Nam, cho đến nay, việc phục dựng và bảo tồn di sản, di tích chỉ được xem như một lĩnh vực và một nghiệp vụ văn hóa, nên công tác bảo tồn, phục dựng di sản thường xuyên rơi vào tình trạng “tôn tạo quá tay”... thay vì hiểu thấu các di sản và nỗ lực ứng xử với chúng trên nền tảng và tiếp cận văn hóa.

Theo Luật Di sản: Bảo vệ di sản văn hóa không chỉ là nghĩa vụ, mà còn là trách nhiệm của mỗi cá nhân, mỗi tổ chức xã hội để giữ gìn vốn tài sản quý giá đó cho đời sau. Song, trên thực tế, với những gì đang diễn ra trong đời sống di sản, như sự tàn phá của thời gian, bom đạn trong chiến tranh và của chính mục tiêu phát triển kinh tế trong thời bình và hội nhập, nhiều di sản, di tích lịch sử bị hủy hoại hoặc xuống cấp… đã trở thành thách thức không nhỏ cho cuộc chiến bảo vệ những giá trị văn hóa cho muôn đời sau.

HIỂU THẤU DI SẢN - KHÓ HAY DỄ?

Tại Hội thảo khoa học “Những vấn đề đặt ra trong hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa” do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức mới đây, Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương cho biết: Những thập kỷ qua, ngành di sản đã công nhận được hơn 3.500 di tích cấp quốc gia, hơn một vạn di tích cấp tỉnh và thành phố. Số lượng ấy ngày càng tăng. Và đã đến lúc rà soát lại danh mục các di tích đã được công nhận. Việc xác định thật chính xác các giá trị cho di tích tạo cơ sở tin cậy để ứng xử phù hợp với nó.

Công tác bảo tồn, phục dựng di sản, di tích, về lý thuyết là vậy, nhưng thực tế, với quan niệm, bảo tồn di sản, di tích chỉ được xem như một lĩnh vực và một nghiệp vụ văn hóa, khiến cho nhiều năm qua tình trạng di tích, di sản có niên đại hàng trăm, thậm chí hàng nghìn năm tuổi trở về… một tuổi chỉ sau quá trình tôn tạo, phục dựng trong sự tiếc nuối mà không thể cứu vãn. Người ta đổ lỗi cho hệ thống quản lý di sản, di tích được thực hiện quá lỏng lẻo, nhiều di sản, di tích sau khi được công nhận, được vinh danh thì trả về cộng đồng, vô hình chung bị hiểu lầm là cộng đồng có quyền quyết định số phận của di sản. Thực ra, việc trả di sản, di tích về cộng đồng là một chủ trương hoàn toàn đúng, nhưng việc duy trì những giá trị văn hóa lịch sử, nghệ thuật của di tích, di sản nên được xem là tối quan trọng và phải được trao cho những người thấu hiểu di tích, di sản và có kiến thức về bảo tồn di sản, tránh những hệ lụy đáng tiếc xảy ra. Đặc biệt, gần đây, phong trào nông thôn mới diễn ra sôi động trong cả nước, nhiều địa phương hiểu theo nghĩa là bê tông hóa nông thôn, “granite hóa” di tích... xảy ra khá phổ biến. Hệ lụy từ sự lệch chuẩn nhận thức của chính người dân đã làm mất đi di tích, di sản của địa phương mình. Mới đây, số phận của Cầu Ngói chợ Thượng (tỉnh Nam Định) là một ví dụ đau lòng cho sự thiếu hiểu biết về kiến thức lịch sử, văn hóa của chính quyền và người dân nơi đây. Việc bảo tồn Cầu Ngói chợ Thượng, nằm trong chương trình “Mục tiêu phát triển văn hóa giai đoạn 2016-2020” được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hỗ trợ 200 triệu đồng để tu sửa phần mái đã xuống cấp. Theo ngành dọc, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Nam Định giao UBND xã Bình Minh tiến hành tu sửa phần mái (thay ngói, rui, mè cũ) theo đúng hình mẫu được lưu trong hồ sơ di tích. Tuy nhiên, trong quá trình tu sửa, chính quyền địa phương nhận thấy phần cổng bắc xuống cấp nên vận động kinh phí xã hội hóa trát lại rồi sơn màu giả đá. Phần bậc thang bằng gạch cũng được lát lại bằng đá xanh. Việc làm phát sinh này là do chính quyền địa phương tự ý, không báo cáo. Chính vì vậy, Cầu Ngói chợ Thượng, sau quá trình tu bổ đã mang một diện mạo hoàn toàn mới so với vẻ vốn có suốt 300 năm qua.

Làm mới di tích, thậm chí “xóa sổ” di tích vốn là câu chuyện không mới xảy ra thường xuyên trong ngành di sản, nhưng lạ ở chỗ, ngành di sản, hay cao hơn là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vẫn không thể tìm ra giải pháp hữu hiệu nhằm ngăn chặn tình trạng này tiếp diễn, ngay cả khi Luật Di sản đã có hiệu lực. Nhiều người cho rằng, mức phạt, thậm chí khung hình phạt dành cho việc xâm hại di tích còn quá nhẹ, chưa đủ sức răn đen, thậm chí trong không ít trường hợp hình thức xử lý chỉ dừng lại ở phạt cho có. Đơn cử vụ việc gần đây xảy ra tại thủ đô Hà Nội, đơn vị quản lý Trạm phát sóng Bạch Mai tự ý phá bỏ một phần công trình này khi Sở Văn hóa – Thể thao Hà Nội và Đài Tiếng nói Việt Nam đang phối hợp lập hồ sơ trình UBND thành phố Hà Nội công nhận là “Di tích lịch sử văn hóa”. Sự việc chỉ dừng lại khi người dân có những phản ánh lên các cơ quan hữu quan, nhưng đáng tiếc, một gian  của trạm phát sóng đã bị đập bỏ  hoàn toàn, không thể khôi phục.

Câu chuyện của Cầu Ngói chợ Thượng hay Trạm phát sóng Bạch Mai chỉ là  hai trong rất nhiều vụ việc di tích bị xâm hại được dư luận, báo chí công khai, còn biết bao di sản, di tích đã bị bức tử từ những người thiếu hiểu biết về văn hóa, lịch sử mà không thể kêu cứu. Nếu như cầu Ngói chợ Thượng được xây dựng vào thế kỷ 18, có kết cấu “thượng gia, hạ kiều” khá độc đáo, thì Trạm phát sóng Bạch Mai ngoài giá trị lịch sử còn có giá trị về mặt kiến trúc, với những chi tiết rất hiếm có trong nhiều công trình kiến trúc cổ thời Pháp ở Hà Nội còn sót lại. Đây đều là những báu vật cần được lưu truyền cho hậu thế

CHUẨN HÓA NGUỒN NHÂN LỰC - AN TOÀN CHO DI TÍCH?

Nhiều ý cho rằng việc chuẩn hóa nguồn nhân lực phục vụ công tác tôn tạo, bảo quản di sản di tích; lực lượng đầu tiên quyết định độ an toàn của di sản, di tích, sẽ kịp thời phát hiện và đề xuất những giải pháp có lợi cho sự an toàn khi di sản, di tích bị xuống cấp. Đồng thời nguồn nhân lực được chuẩn hóa cũng có thể đáp ứng yêu cầu tu bổ, tôn tạo di sản, di tích, hạn chế tối đa tình trạng “tôn tạo quá tay”… Những lo lắng nói trên hoàn toàn có sơ sở, trước thực tế có quá nhiều di sản, di tích sau khi đón nhận bằng công nhận, vinh danh đã bị bỏ mặc cho địa phương quản lý, khiến cho di sản, di tích bị biến đổi theo thời gian và chịu sự tác động khách quan từ con người.

Sự tồn tại của di sản, di tích trong cuộc sống không chỉ như một chứng nhân lịch sử mà còn là một thành tố quan trọng góp phần vào sự phát triển kinh tế của địa phương nơi sở hữu di sản, di tích. Trong khoảng mươi, mười năm trở lại đây, du lịch gắn với chuỗi di sản, di tích đã trở thành một phần không thể thiếu của nền công nghiệp không khói này. Tuy nhiên để mục tiêu phát triển kinh tế hài hòa và quay trở lại phục vụ di tích, di sản vẫn còn là bài toán khó, bởi hầu hết địa phương có di sản, di tích chưa thực sự đưa ra được những hướng đi cụ thể, dài hơi trong bảo tồn và phát huy giá trị của di sản, di tích. Chính vì vậy, trong thời gian tới đây, việc chuẩn mực hóa những người đảm trách công tác quản lý di tích, chuyên nghiệp hóa những người đảm trách công tác tu bổ di tích, từ cán bộ kỹ thuật đến người thợ. Chuẩn hóa và chuyên nghiệp hóa sẽ bảo đảm cho di sản văn hóa của dân tộc đất nước được an toàn.

Nguồn Văn nghệ số 50/2020   


Có thể bạn quan tâm