April 19, 2024, 7:48 am

Hiểu đúng xã hội hoá để có những tác phẩm nghệ thuật đỉnh cao

 

Ngày 19/12, tại Hà Nội, Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương đã tổ chức Hội thảo khoa học toàn quốc “Nhìn lại quá trình xã hội hóa các hoạt động văn học, nghệ thuật ở Việt Nam từ khi ban hành chủ trương đến nay”. Hội thảo có sự tham dự của ông Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, ông Vũ Đức Đam, Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, cùng nhiều đại diện lãnh đạo các ban, ngành, tổ chức Trung ương. PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương, PGS.TS Phan Trọng Thưởng, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương; nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội văn học, nghệ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, cùng trên 250 đại biểu là các nhà văn, nghệ sỹ, nhà nghiên cứu lý luận phê bình… cũng có mặt tham dự

Hội thảo đã nghe 15 trong tổng số 70 tham luận đề cập quá trình xã hội hóa trong các lĩnh vực cụ thể như: nghệ thuật biểu diễn, điện ảnh, sân khấu, văn học, xuất bản, âm nhạc…

 

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại Hội thảo

Nhận diện bất cập.

Năm 1997, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 90/CP, đây được xem là dấu mốc quan trọng của tiến trình xã hội hoá các hoạt động văn học nghệ thuật ở Việt Nam. Sau 21 năm vận hành, dưới tác động của chủ trương xã hội hoá, hoạt động văn học nghệ thuật đã có những thay đổi khá toàn diện. Phó Thủ tướng Vũ Ðức Ðam ghi nhận, chủ trương xã hội hóa của Ðảng và Nhà nước ta nhằm mục đích huy động thêm các nguồn lực xã hội đầu tư cho hoạt động văn học, nghệ thuật; nâng mức hưởng thụ các sản phẩm văn hóa tinh thần cho nhân dân; tăng cường vai trò của các hội nghề nghiệp và trách nhiệm của cả hệ thống chính trị. Trải qua hơn 20 năm thực hiện đã khẳng định chủ trương này là đúng đắn và mang tính tất yếu; tuy nhiên giữa mục tiêu đặt ra và diễn biến thực tiễn đã bộc lộ nhiều bất cập cần được nhận diện, phân tích thấu đáo để có những bổ sung, điều chỉnh phù hợp. Do đó, Phó Thủ tướng mong muốn qua hội thảo, Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương có nhiệm vụ đúc kết, đề xuất tham mưu cho các cơ quan chức năng của Ðảng và Nhà nước trong việc xây dựng chiến lược phát triển văn hóa đất nước trong giai đoạn tới.

Với tinh thần dân chủ, phát huy trí tuệ tập thể, trách nhiệm cao trước sự nghiệp văn hoá nghệ thuật, các nhà nghiên cứu, các nhà quản lý, các chuyên gia khoa học, nhà báo và văn nghệ sỹ từ các cơ quan, tỉnh, thành, các lĩnh vực hoạt động văn học nghệ thuật trên cả nước đã tập trung trao đổi, thảo luận xung quanh 3 vấn đề chính: Hiểu đúng việc xã hội hóa; Phân tích thực tiễn, chỉ ra những thành công và hạn chế, tổng kết và đúc rút các bài học kinh nghiệm; Đề xuất các kiến nghị, giải pháp tiếp tục hoàn thiện chủ trương, cơ chế chính sách xã hội hóa và dự báo xu hướng, vận động, phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ tiếp theo.

Theo nhà thơ Hữu Thỉnh, Xã hội hóa với văn nghệ sĩ là tài năng được thừa nhận, tác phẩm được thừa nhận, tạo được tiếng vang với công chúng và có sức sống lâu dài. Xã hội hóa làm ra cả nghìn CLB thơ, nhưng tôi đọc thì không có bài thơ nào hay, có sức sống lâu dài. NXB Hội nhà văn có 1.125 đầu sách được phát hành trong 1 năm nhưng chất lượng thì như thế nào? Chúng ta có cả một vườn sản phẩm được gọi là văn hóa nhưng thực chất văn hóa được bao nhiêu? Tôi hoan nghênh xã hội hóa nhưng không thể vì vài đồng tiền mà quên đi giá trị tác phẩm. Tác phẩm phải đi vào lòng người, đấy mới là xã hội hóa cao nhất.

Cùng trăn trở về sự thiếu vắng những tác phẩm đỉnh cao trong đời sống văn học, nghệ thuật, đạo diễn Đặng Nhật Minh chia sẻ, trong suốt hơn 20 năm thực hiện quá trình xã hội hóa văn học, nghệ thuật và cả khi luật Điện ảnh ra đời vào năm 2016, những xáo trộn trong đời sống điện ảnh vô cùng lớn, những gì không quy định trong luật, tức là không cấm thì người ta có thể làm thoải mái. Đơn cử, phim ngoại được nhập vào Việt Nam tràn làn, làm như vậy, chẳng khác nào giết chết nền điện ảnh Việt Nam. Những lần ngồi trong hội đồng duyệt phim, tôi thấy thương cho thế hệ trẻ Việt Nam phải xem những bộ phim nhập ngoại như vậy. Tôi đã nhiều lần đề nghị nên nhập khẩu có chọn lọc nhưng cho tới nay, các bộ phim “bom tấn” của nền điện ảnh này, nền điện ảnh kia vẫn vô tư xuất hiện tại các rạp chiếu phim.

Xã hội hóa các hoạt động văn học, nghệ thuật là một chủ trương lớn, đúng đắn và cần thiết được khẳng định trong các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, nhất là các nghị quyết về văn hóa, văn nghệ thời kỳ đổi mới. Thực hiện chủ trương đó, Chính phủ đã thể chế hóa bằng các nghị quyết, chỉ thị, nghị định và các văn bản quy phạm pháp luật nhằm tạo hành lang pháp lý cho hoạt động này được thuận lợi và đúng đắn. Việc ban hành chủ trương lớn này của Đảng đã đáp ứng được đòi hỏi khách quan của thực tiễn, từng bước lan tỏa trong đời sống và tạo được sự tham gia rộng rãi của các lực lượng trong xã hội trong phát triển văn học nghệ thuật. Song tính đến thời điểm hiện tại chủ trương xã hội hóa đã bộc lộ không ít bất cập, thậm chí nảy sinh tâm lý ỷ lại tại không ít cơ quan sự nghiệp công lập. Chưa kể nhiều đơn vị, tổ chức kinh tế, xã hội còn lợi dụng xã hội hoá để thực hiện những mục tiêu kinh tế . Chính vì vậy, trong một số trường hợp cụ thể, những lĩnh vực cụ thể cần phải nâng cao các thiết chế văn hoá để đưa hoạt động xã hội hoá về đúng bản chất và ý nghĩa đích thực của nó.

 

Để xã hội hoá không phải là bao cấp

Theo NSND Lê Tiến Thọ, Chủ tịch Hội Nghệ sỹ Sân khấu Việt Nam, việc thực hiện xã hội hóa trong lĩnh vực sân khấu chưa hiệu quả. Tư duy bao cấp còn nặng nề, nhất là trong các đơn vị nghệ thuật công lập. Đồng tình với NSND Tiến Thọ, TS. Phạm Quang Long, nguyên Giám đốc Sở VHTT Hà Nội cho biết, đã xuất hiện tâm lý chờ đợi tại các đoàn nghệ thuật, các hãng phim ở góc độ nhà đầu tư nào chịu bỏ tiền ra đầu tư. Khi duyệt tác phẩm, Hội đồng nghệ thuật chỉ quan tâm xem tác phẩm đó có phạm quy về chính trị mà bỏ qua chất lượng tác phẩm. Vì thế, những thứ nghệ thuật rẻ tiền, ít hàm lượng nghệ thuật vẫn xuất hiện nhan nhản. Và người thiệt nhất từ sự bất cập đó chính là khán giả. Họ không được thụ hưởng các sản phẩm văn hóa có chất lượng.

Thực tế, trong đời sống nghệ thuật, khán giả đã không ít lần phải tiêu thụ những sản phẩm nghệ thuật kém chất lượng, những chương trình ca nhạc mang nặng yếu tố giải trí mà không có giá trị nghệ thuật. Điều này diễn ra thường xuyên đã khiến cho một bộ phận giới trẻ trở nên mất phương hướng, chạy theo những trào lưu âm nhạc thần tượng phản cảm. Bên cạnh đó là những phi vụ làm ăn kinh tế núp bóng nghệ thuật cũng xuất hiện ngày một nhiều hơn lmf meôms bức tranh nghệ thuật đương đại. mà chuyện về cổ phần hoá Hãng phim truyện Việt Nam kéo dài trong nhiều năm qua là một ví dụ điển hình cho việc xã hội hoá các đơn vị nghệ thuật hoạt động chưa hiểu quả. Sự lựa chọn chủ đầu tư, định giá thương hiệu và những tài sản liên quan đã không được nhìn nhận đúng mức đã khiến cho niềm tin của nghệ sĩ bị giảm sút, vô hình chung kéo lùi bước tiến của nghệ thuật.

Đứng trên góc độ quản lý, TS Ngô Phương Lan, Cục trưởng Cục Điện ảnh cho rằng: Xã hội hóa các hoạt động điện ảnh là phù hợp với xu thế phát triển chung của xã hội. Tuy nhiên, nó cũng đem đến nhiều hệ lụy. Các nhà sản xuất tư nhân khi đầu tư hoặc huy động vốn làm phim thường nhằm mục đích thu lãi, vì vậy, hầu hết phim đều thuộc dòng giải trí, thương mại. Xã hội hóa sản xuất phim cũng kéo theo sự lệch chuẩn đánh giá tác phẩm trên báo và các trang mạng, nhất là khi nhà sản xuất và nhà làm phim dùng mọi hình thức để PR phim đến mức lố bịch, hoặc cạnh tranh đến mức tiêu diệt nhau. Đây có thể xem như một “vấn nạn” mà truyền thông thời “xã hội hóa” đóng vai trò dẫn dắt…

Dù quá trình xã hội hóa văn học, nghệ thuật còn nhiều bất cập nhưng suy cho cùng, không thể quay lại thời bao cấp. trong nhiều vấn đề còn tồn tại của xã hội hóa văn học, nghệ thuật, bao trùm lên tất cả là nhận thức của các nhà quản lý, của những người làm công tác văn hóa còn chưa đúng, đã dẫn đến những hệ lụy đáng tiếc. Do vậy, trong một chừng mực nhất định, hội thảo đã gióng lên tiếng chuông cảnh tỉnh hướng về các hoạt động văn học, nghệ thuật đã và đang được xã hội hóa. Về thực trạng suy thoái đạo đức, về các hiện tượng đáng báo động trong xã hội có một phần đóng góp từ việc buông lỏng quản lý văn hóa. Và nhiệm vụ của cơ quan quản lý, của các văn nghệ sĩ hiện nay chính là định hướng các hoạt động văn hoá nghệ thuật không đi lệch hướng, bảo vệ các thiết chế văn hoá thông qua những tác phẩm nghệ thuật có giá trị không chỉ về tư tưởng nghệ thuật mà còn mang giá trị văn hoá truyền thống, để đời sống nghệ thuật được phát triển đúng với những gì vốn có, lành mạnh, hướng đến chân-thiện-mỹ và không còn những hạt sạn dù rất nhỏ trong món ăn tinh thần của người dân hiện nay.

 


Có thể bạn quan tâm