April 26, 2024, 6:32 am

Hiểu căn tính dân tộc và bề sâu tâm thức

 

A. P. Chekhov từng khẳng định: “Nếu người cầm bút không có lối đi riêng thì người đó không bao giờ là nhà văn cả”. Đó thật sự là một nan đề với những người cầm bút khi việc tạo cho mình một lối đi riêng đã khó, không giẫm lên bước chân của chính mình lại càng khó khăn hơn, nhất là với những cây bút được mệnh danh “lúc nào cũng đang viết” như Hồ Anh Thái.

Vậy mà, mỗi lần Hồ Anh Thái cho ra đời tác phẩm mới, cầm trên tay những trang sách, người đọc lại như được lãng du qua những vùng đất chữ khác nhau, từ cuộc sống ồn ào của Hà Nội hiện đại (Cõi người rung chuông tận thế) sang không gian Ấn Độ cổ đại với vẻ đẹp thẳm sâu của cái nôi văn hóa loài người (Đức Phật, nàng Savitri và tôi) đến đời sống của du học sinh Việt ở trời Âu (Những đứa con rải rác trên đường)… Mỗi tác phẩm của Hồ Anh Thái, cũng do vậy, thường có sự cách tân, thay đổi về kết cấu, bút pháp và dung chứa những tư tưởng, cách nhìn mới về nhân sinh và nghệ thuật.

Lần này, tiểu thuyết Năm lá quốc thư khai thác một mảng đề tài mới: hoạt động của những sứ quán, những nhà ngoại giao Việt Nam. Tiểu thuyết có kết cấu gồm năm phần tương ứng với số lá quốc thư mà năm đại sứ Việt Nam phải trình cho nguyên thủ các nước bạn. Người kể chuyện đứng ở điểm nhìn toàn tri kể về trải nghiệm của nhân vật “Anh” theo suốt hành trình của năm lá quốc thư với biết bao thăng trầm, biến cố, hợp tan… Xuyên suốt câu chuyện, tác giả liên tục cấy ghép vào nhiều văn bản ở các thể loại khác, từ điện ảnh, thi ca, âm nhạc đến võ đạo, báo chí, tiểu luận… Do vậy, cuốn sách là một sáng tạo nghệ thuật nhưng đồng thời cũng dung chứa một vốn tri thức uyên bác về nhiều lĩnh vực. Chính điều này đã làm thay đổi liên tục khẩu vị của người đọc qua từng trang văn, làm hoạt động đọc không đơn thuần chỉ thưởng thức thẩm mỹ mà còn là tích lũy tri thức và bồi đắp văn hóa.

           

1.

Tiểu thuyết Năm lá quốc thư chứa đựng những trải nghiệm, vốn sống của hơn ba mươi năm làm việc trong ngành ngoại giao của tác giả. Cuốn sách cung cấp những cái nhìn gần gũi về ngoại giao, từ chuyện trọng đại như xử lý những vấn đề mang tầm quốc gia, làm đại sứ hòa bình giữa hai dân tộc, cho đến chuyện đời tư, sinh hoạt hàng ngày và cả những ẩn ức giới tính khi một thời phải sống cuộc sống “đã có gia đình nhưng vẫn độc thân” của các viên chức sứ quán. Tác giả đã khéo léo đưa vào câu chuyện nhiều tình tiết, sự việc để giúp người đọc có cái nhìn khái quát và chi tiết về công việc, lễ nghi cũng như chuẩn mực trong giao tiếp, ứng xử của người làm công tác ngoại giao. Chẳng hạn, trong sắp xếp vị trí, nguyên thủ nước bạn luôn ở phía bên phải nguyên thủ nước chủ nhà, vì “bên phải là bên thể hiện lòng kính trọng”. Trên bàn tiệc, chủ chính và khách chính ngồi đối diện nhau, xa dần về phía đầu bàn là các chức vụ nhỏ dần. Tuy nhiên, người phụ nữ chức vụ nhỏ nhất không bao giờ phải ngồi đầu bàn, vì đó là phép lịch sự ngoại giao. Có những câu chuyện như vị tổng thống cố tình cúi xuống làm động tác thắt lại dây giày khi quốc ca của chính quyền ông bị tấu sai thành quốc ca của chính quyền đã bị lật đổ, hay bà Kollontai - đại sứ đầu tiên của chính quyền Xô Viết ở Na Uy đã hỏi tất cả những người có mặt trong một bữa tiệc ngoại giao: “Tôi đố các vị, giữa hai chân tôi là cái gì?” khi bị xếp ngồi ở góc bàn trong bữa tiệc. Đó có thể xem là những kinh nghiệm ứng xử mẫu mực và quý giá cho bất kỳ một nhà ngoại giao nào trong công tác của mình.

Không chỉ dừng lại ở chỗ đúc rút những kinh nghiệm xử lý tình huống và kiến thức chuyên ngành ngoại giao, Hồ Anh Thái còn trình bày một cách khá hệ thống tư tưởng ngoại giao của riêng mình. Đó là quan niệm mỗi nhà ngoại giao đồng thời cũng là một nhà văn hóa. Ông chối từ quan niệm cho rằng khi nhà ngoại giao “giỏi ngoại ngữ là giỏi tất cả”. Ngoại ngữ chỉ là yêu cầu quan trọng đầu tiên, phía sau vốn ngoại ngữ, nhà ngoại giao phải có một vốn văn hóa sâu dày, phải trả lời được những câu hỏi về văn hóa các dân tộc. Như vậy vị cán bộ ngoại giao phải thực sự là một người am hiểu sâu sắc về văn hóa, phải là một nhà văn hóa để có được “sự nhạy cảm cần thiết trong công việc”.

Nhìn vào lịch sử, nhân loại không bao giờ quên từ năm 146 trước Công nguyên, khi bị nhập vào đế quốc La Mã, người Hy Lạp, với văn hóa của mình, đã đồng hóa ngược kẻ chinh phục. Còn nhà ngoại giao, chỉ khi trở thành một nhà văn hóa, người ta mới thực sự phát huy sức mạnh của hàng vạn binh mã trong hoạt động của mình. Đó phải chăng là quan niệm, ước vọng của Hồ Anh Thái về một hình mẫu nhà ngoại giao Việt Nam thời hiện đại?

 

2.

Trong từng tác phẩm của mình, Hồ Anh Thái đều có phương thức khái quát hiện thực riêng. Với tiểu thuyết Năm lá quốc thư, tác giả dùng thủ pháp lấy “điểm” để trình bày “diện”. Tiểu thuyết lấy điểm tựa ngoại giao để từ đó đi đến khái quát những vấn đề nhức nhối của toàn xã hội, như nạn tham nhũng, trù dập cán bộ cấp dưới, lạm dụng tài sản công và thời gian hành chính, thực tế nhiều cán bộ mong muốn làm đối ngoại chỉ để tận dụng điều kiện vật chất dành cho đối ngoại, không bảo đảm năng lực chuyên môn và kinh nghiệm nghề nghiệp cũng như trải nghiệm văn hóa.

Không dừng lại ở đó, Hồ Anh Thái, trong cuốn sách của mình đã không ngần ngại đề cập hành vi rút ruột ngân sách nhà nước của các vị công chức. Như việc cán bộ đối ngoại vào nhà hàng, khách sạn nước bạn mua hóa đơn khống về thanh toán, làm ảnh hưởng đến quốc thể trong mắt người nước ngoài. Những hội nghị, hội thảo không có thật hoặc vô bổ để lấy tiền ngân sách. Bằng những câu chuyện như hư như thực, tác giả đã cho người đọc thấy vấn nạn xuất phát từ lòng tham đã phổ biến đến mức “không ai thấy hổ thẹn” bởi “bao trùm mọi cấp, mọi nơi”. Tinh thần đó được tác giả khái quát một cách dí dỏm, khúc chiết nhưng cũng đầy xót xa: tham tán có nghĩa là “tham lam và tán phét”, đại sứ đặc mệnh toàn quyền khi ở trên nước bạn rất có thể sẽ trở thành “đại sứ bạt mạng toàn quyền” – không phải tất cả nhưng cũng không phải là hiện tượng hiếm có. Nghiêm trọng hơn, có cả những người lợi dụng quyền miễn trừ kiểm tra hành lý để buôn hàng cấm, dẫn tới kết cục ngã ngựa đắng cay, gây tổn hại đến danh dự dân tộc.

Như vậy, từ ngoại giao, Hồ Anh Thái đã phác họa nên một bức tranh xã hội rộng lớn hơn. Và, tác giả cũng không ngần ngại chỉ ra nguyên nhân quan trọng tạo ra những người tham lam và tán phét, bạt mạng toàn quyền chính là cơ chế, “cái cơ chế nó làm cho người ta phải dối trá với nhau”. Chính thói xấu tham lam của rất nhiều người Việt khi đặt vào trong một cơ chế cho phép con người dối trá đã biến nhiều cán bộ công chức trên đất nước này trở thành “lũ bồ nông háu đói”, thản nhiên moi móc hết ruột gan đất nước mình đánh chén, chỉ để đổi lấy “một bữa no”.

 

3.

Nhà văn, thông qua tác phẩm của mình, phải thực sự góp phần chấn chỉnh những thiên lệch của xã hội và khích lệ những phẩm hạnh thanh cao trong mỗi con người. Nửa cuối thế kỷ XX, đời sống văn học khu vực Đông Á háo hức với Người Trung Quốc xấu xí của Bách Dương, một cuốn sách của người Trung Quốc phê phán mạnh mẽ thói xấu trong tính cách người Trung Quốc. Người đọc Việt Nam vẫn mong ước, đến bao giờ ở ta mới có được một tác phẩm mang tinh thần “nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật” về tính cách, văn hóa của người Việt như thế, để từ đó khơi gợi khát vọng tráng kiện bản thân mình, dân tộc mình? Lần này, qua tiểu thuyết Năm lá quốc thư của Hồ Anh Thái, người đọc sẽ tìm thấy những luận điểm phản tư một cách nghiêm khắc về những giới hạn trong văn hóa Việt, tính cách Việt. Từ đó, mỗi người sẽ chọn cho mình một phương thức vượt lên những giới hạn, góp phần đưa cộng đồng đến với những giá trị cao đẹp hơn.

Hồ Anh Thái đã chỉ ra giới hạn đầu tiên của người Việt là thiển cận trong tư duy, luôn mang tinh thần ăn xổi ở thì ngắn hạn trước mọi thứ. Với những cán bộ, sự thiển cận này được cụ thể hóa thành tư duy nhiệm kỳ. Đó chính là lý do làm cho họ đi nhiều mà không hiểu rộng, đi vòng quanh thế giới nhưng vẫn không có được tầm nhìn khái quát, chỉ nhìn đời qua cửa kính ô tô, chỉ có thể có được tầm nhìn không quá ba mươi sáu tháng. Bởi vậy, vị đại sứ nhiệm kỳ sau thường “phủ nhận những gì thuộc về nhiệm kỳ trước”, sẽ thay mới mọi thứ có thể thay được, sẽ sắm mới mọi vật dụng trong sứ quán để được hưởng lợi từ kinh phí mua sắm và khẳng định gu thẩm mỹ của vị đại sứ trước là thấp. Nhưng với những công việc khó khăn, nhiêu khê như sửa chữa sứ quán đã xuống cấp thì họ hầu như chỉ cố gắng chung sống với sự xuống cấp cho qua thời hạn ba năm của nhiệm kỳ rồi đi nơi khác. Tư duy nhiệm kỳ chi phối bởi tinh thần ăn xổi ở thì sẽ vô cùng nguy hại cho tổ chức, cho quốc gia. Nếu quá trình xây dựng cơ quan, tổ chức và quốc gia như chăm sóc vườn cây, thì người làm vườn đến sau phải có nhiệm vụ chăm sóc, gìn giữ những cây đã được người đi trước trồng lên và trồng thêm cây mới. Ở đây, tư duy nhiệm kỳ đã khiến người nhiệm kỳ sau chặt bỏ tất cả để trồng lại, và hậu quả là, trong bất kỳ lĩnh vực nào, người Việt thật khó có được những khu rừng với những cây di sản cổ thụ lưu thiên cổ. Tiểu thuyết Năm lá quốc thư, do vậy, thực sự là một lời cảnh tỉnh về tính thiển cận của người Việt và những hệ lụy mà nó gây nên cho cộng đồng.

Với thủ pháp liên văn bản, tác giả đã đưa vào tiểu thuyết những tiểu luận phân tích sâu sắc về thái độ, cái nhìn thiên kiến trước “cái khác” của người Việt. Chẳng hạn, đó là ám ảnh cơm Việt trong mỗi người khi xa xứ. Nỗi thèm cơm khi ra nước ngoài “thành một thứ thèm thuồng khao khát đến mức quay quắt gay gắt”. Ám ảnh cơm Việt với khát khao quay về bên đống rơm, bếp lửa làng quê là cánh cửa chặn đứng người Việt đến để hiểu và yêu thương những cái ngoài ta, khác ta. Bởi không thể thấu hiểu và yêu thương cái khác, người Việt luôn giữ thái độ kỳ thị với tất cả những điều khác mình. Trong ẩm thực, người Việt “ăn gì của người ta cũng không vừa miệng, ăn gì cũng chê…” Tác giả đã thẳng thắn chỉ ra: chính thái độ “khư khư bám giữ những gì cố hữu của mình, coi cái của mình là nhất, dè dặt và cảnh giác với cái mới” đã biến người Việt trở thành một “thực khách chưa trưởng thành - immature diner”. Khi chưa trưởng thành trong văn hóa ẩm thực nói riêng và văn hóa nói chung thì người Việt vẫn còn là những cá nhân chưa hoàn thành trong hành trình hội nhập và khẳng định văn hóa quốc gia.

Để một dân tộc có thể đứng vững và vươn lên trước những đợt sóng của quá trình toàn cầu hóa, mỗi con người trên đất nước này nhất định cần vượt qua thái độ kỳ thị và cái nhìn thiên kiến về những cái khác mình, ngoài mình, từ đó mới có thể học hỏi, tiếp thu và hội nhập. Đó phải chăng là mong ước thẳm sâu của nhà văn trong những trang sách của mình?

Văn hóa chính là cái còn lại sau khi tất cả đã bị bụi thời gian phong kín. Một tác phẩm văn chương được triển khai từ cái nhìn văn hóa sẽ cần được tiếp cận nhiều lần, trên nhiều bình diện khác nhau để khám phá những tầng sâu tư tưởng. Theo nghĩa đó, tiểu thuyết Năm lá quốc thư của Hồ Anh Thái là cuốn sách thực sự đáng để đọc, nếu mỗi người muốn hiểu về căn tính dân tộc cũng như bề sâu tâm thức chính mình.         

 

Nguồn Văn nghệ số 16/2019


Có thể bạn quan tâm