April 19, 2024, 6:21 am

Hiện tượng Phạm Tiến Duật

 

Ngày 4/12 Hội Nhà văn Việt Nam đã tổ chức kỳ niệm 10 năm ngày mất nhà thơ Phạm Tiến Duật. Buổi lễ có sự tham dự của Ban chấp hành Hội, đồng nghiệp, và gia đình nhà thơ. Tại lễ kỷ niệm, bên cạnh sự ghi nhận những đóng góp của nhà thơ Phạm Tiến Duật trong dòng chảy văn học nước nhà, nhiều nhà văn, nhà thơ đã ôn lại những kỷ niệm như một lời tri ân với người đã khuất. Vannghe xin giới thiệu đến bạn đọc bài viết của nhà thơ Trần Ninh Hồ  "Hiện tượng Phạm Tiến Duật" để thêm một cách nhìn mới hơn, toàn diện hơn về nhà thơ Phạm Tiến Duật.

Kính thưa các chị , các anh và các bạn, thưa tất cả các bạn đọc của nhà thơ lớn Phạm Tiến Duật!

Trong lời thưa mở đầu cho bài viết nhỏ này, tôi có thể dùng một đại từ chung: Tất cả các bạn đọc của nhà thơ Phạm Tiến Duật là dường như đã đủ mọi thân tình mà không sợ chủ quan.

Vâng. Thưa đúng là như vậy. Bởi lẽ không có một ai ngồi đây, dù đã bốn thế hệ sát cánh hơn một nửa thế kỷ qua, chúng ta đều nối nhau đọc Phạm Tiến Duật qua đài phát thanh, truyền hình, qua các giọng ngâm và hát. Đọc anh qua báo, qua các trang sách khổ to khổ nhỏ. Trên các tổng tập lớn anh đều được chọn in nhiều nhất mà các nhà biên tập không phải quá băn khoăn khi đã chọn in Phạm Tiến Duật hơn mười bài rồi mà một Trần Ninh Hồ nào đó chỉ có ba hoặc bốn bài. Và từ mấy mươi năm ấy cho đến tận bây giờ, rất thành thật, chính tôi và chắc là không ít các thi sĩ đồng thời với anh cũng không gặp những băn khoăn như vậy.

Tại sao thế? Người ta có thể có nhiều lý giải về hiện tượng văn học này, nhưng có một lý giải mà tôi tin rằng các bạn đọc của anh, và có thể kể đến những nhà lý luận phẩm bình thơ khó tính nhất cũng dễ nhất quán, ấy là cái con người riêng tư có cái tên Phạm Tiến Duật ấy đã không ngừng gắn chặt đời mình với đất nước nhân dân chúng ta đến cả những giây phút chót cuộc đời qua những tháng ngày gian truân nhất, trước tất cả sự hung bạo nhất của đạn bom, chất độc hóa học của kẻ thù xâm lược, những mưu hèn kế bẩn của những kẻ “nội xâm” trong chiến tranh và cả trong hòa bình, khắc phục hậu quả chiến tranh, xây dựng lại đất nước.

Nếu trong chiến tranh Phạm Tiến Duật viết: “Hoa cúc đắng biết lòng mình đang đắng/ Trổ hoa vàng dọc suối để ong bay” thì ngay giữa hòa bình, trước những ngổn ngang của hậu chiến, của duy lý bao cấp, của tích lũy tham tàn con buôn, nhóm lợi ích nào đó khiến nhân dân đau khổ thì Phạm Tiến Duật có nhiều bài viết đầy xót thương giận dữ của một người chiến sĩ. Đấy là những khắc khoải trước “chợ lao động” không ít những thương binh, trước rất nhiều những em bé đánh giầy lang thang hay rất nhiều những lang thang khác bởi lẽ “không nơi về ăn tết”, không có chỗ trong các học đường bắt đầu buôn văn bán chữ, trước hàng trăm triệu ha rừng bị quy hoạch khống, bị lâm tặc, cát tặc tràn lan…

Sau tiếng bom tàn bạo của chiến tranh, của tham lam ích kỉ đến lạnh lẽo, vô cảm, Duật lại ngẫm lại “tiếng chuông chùa ” của nhuững cô thanh niên xung phong. Duật lại hỏi tôi khi cùng ban thơ với Duật: “Đọc Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Khải, Đỗ Chu mới viết “con thuyền từ xa” “cách mạng” “mảnh vườn xưa hoang vắng”… chưa. Đến xem kịch của Lưu Quang Vũ với tao đi. Phùng Khắc Bắc thằng lính đông nam bộ với mày đấy, nó có tập thơ “một chấm xanh” rất hay. Điềm nó cũng rất ngẫm ngợi, dằn vặt để có được một tập thơ mỏng “Ngôi nhà có ngọn lủa ấm” ra năm ngóai. Có nhiều chi tiết rất đời. Thế quái nào mà hồ sơ đi xin một xuất sữa cho con bé mới sinh nhà nó có tới hơn 10 con dấu đỏ. HưữThỉnh đang viết trường ca Biển, sau những tự hào trước biển chiến thắng nó đã băn khoăn rất nhiều trước sự trầm luân của biển. Nó có những câu thơ tưởng như rất lành nhưng cũng không ít lo âu trước sự lạnh leõ, vô cảm của thương trường, nhân thế: Còn chút lửa hoa dong riềng cuối dậu/ Sợ một ngày sương muối xuống mang đi. Còn Vũ Quần Phương lại lo khác, hắn bảo những thay đổi chỉ đổi thay rồng phượng/ Bãi lau già ra hoa. Còn chú Khoa nó đã bắt đầu có một thế giới người lớn của nó khi mở ra đủ điều trong văn xuôi “chân dung và đối thoại” “trò chuyện cùng thượng đế” gì đó còn đang nháp. Kì này tao chấm nó giải nhất về thơ Hoàng Sa, Trường Sa mày nhất trí không”

Trước những góp gom, lượm lặt của Duật như thế về bạn bè, mới đầu tôi không để ý lắm, nhưng rồi thấm dần, có những khắc giật mình khi Duật gò lưng cho tập tản văn “Kim cương bất hoại”

Ừ thì cũng phải tìm được cái gì đó bất biến/ ứng vạn biến chứ. Còn biết làm sao. Thế mới biết Duật không quên một ai khi trong lòng anh luôn có những điều đáng nhớ.

Vậy mà đã mười năm rồi, nhưng sao tôi vẫn còn như cảm thấy có lẽ lát nữa dắt xe ra tôi sẽ thấy Duật vẫy tay ra hiệu hãy đi theo cái ba bét ta màu đỏ của anh ta rồi ngồi với nhau ở một gốc cây hay quán xá nào đó.


Có thể bạn quan tâm