April 20, 2024, 10:05 pm

Hiền như rau dại

Người hiền thì tự nhiên hiền. Như rau dại mà dân sành ẩm thực ở ta bây giờ cực hâm mộ. Ngày tôi còn ở trong địa hình Cai Lậy - Mỹ Tho, chúng tôi vẫn thường ăn rau càng cua, bông so đũa, lục bình, rau sam hay rau diệu.

Chúng ngon thiệt tình, nhưng hồi ấy nếu ai bảo tôi chúng là đặc sản tôi sẽ phá lên cười. Ăn, chẳng qua vì không có thức ăn gì khác thay thế, vậy thôi. Càng cua trộn dầu và đậu phộng rang giã vội, so đũa nấu canh chua cá sặt, còn lục bình thì ăn sống chấm mắm kho. Nào ai ngờ, tất cả những món ấy bây giờ thành đặc sản. Vì thế, nên tôn trọng những gì là thực chất, dù chúng hơi hoang dại. Rồi con người sẽ tìm đến chúng, như để thỏa mãn cái khát khao hoang dại của chính mình. Chỉ có điều, những loại rau dại ấy đều rất hiền, rất lành. Bây giờ mới biết, chúng còn rất tốt cho sức khỏe. Con người cũng vậy. Nhiều đứa trẻ ta thấy hơi thật thà, hơi dài dại, nhưng chúng chính là một cái gì tương tự như rau dại. Chúng có một đặc chất là hiền lành. Tự bản thể. Điều đó thực sự quý đối với xã hội. Đừng dạy trẻ con khôn sớm quá. Einstein 5 tuổi mới biết nói, và học cũng không giỏi. Chắc chắn, ông là người rất thật thà. Và rất hóm, rất hài hước. Một trong những tố chất nổi bật ở con người, đó là khả năng hài hước, trong đó khả năng tự trào phải được đánh giá cao nhất. Người biết tự trào là người tự tin và không nghiêm trọng hóa bất cứ thứ gì, là người biết tự nhìn ra những nhược điểm của mình, biết “tự cười” mình. Và nếu nhìn thấy những khía cạnh buồn cười trong một dáng vẻ cứng đơ nghiêm túc hoàn hảo nào đó, có khi là khởi đầu của sáng tạo. Sáng tạo nhiều khi bắt đầu từ những lý do rất cắc cớ, rất tình cờ, rất… không có vẻ sáng tạo gì cả. Cũng như thế, nhiều bài thơ khởi lên từ những “cú lắc” đột ngột và khá vô lý trong đầu, chứ không phải từ những “cảm hứng thần thánh” nào. Nhiều nhà văn nhà thơ hay thần thánh hóa cảm hứng sáng tạo, nhưng từ kinh nghiệm sáng tác của mình, tôi thấy viết một tác phẩm cũng bình thường thôi. Thậm chí còn tầm thường nữa. Vì cái lý do để mình viết ra nó nhiều khi rất… trời ơi. Chỉ có điều, tác phẩm không thể viết ra từ sự uất ức hay ganh ghét, từ sự hám danh hay hám tiền, còn thì nó chấp nhận tất cả những ‘cú hích” khác. Kể cả viết vì... thiếu tiền, nhiều khi vẫn ra tác phẩm hay.

Cây xanh hơn trong ngày mưa. Một lúc nào đó, một câu văn cực giản dị chợt âm vang trong ta. Tôi muốn tìm ra bí mật của sự ngân nga ấy, nhưng quả thật không dễ. Ngày xưa Rimbaud đã tô màu cho những nguyên âm, vì ông thấy trong mỗi âm đơn lẻ ánh lên một màu sắc. Còn với một câu đơn lẻ có thể ngân lên như một hồi chuông ngắn thì ông chưa nói tới. Có thể Verlaine đã mơ hồ nhắc, nhưng không rõ lắm, hệt như những câu thơ không rõ ràng của ông.

Vâng, tôi đã nghe. Lao động không chỉ là vinh quang. Lao động là lẽ sống của đời ta. Hãy lao động, và hãy lắng nghe từ thiên nhiên. Còn nếu được, hãy trò chuyện với một cái cây, một con vật nuôi lành hiền. Ta có thể bắt gặp phần đẹp nhất của đời mình. Ngay ở đó.

Cây xanh hơn trong ngày mưa. Tôi vui vì mình đã nghe được một câu văn bình dị như vậy. Sự giản dị rất thì thầm, nhiều khi vô thanh. Nhưng nghe được nó, là có thể lần tìm tới những đầu mối, những rễ cây, những ngọn suối, những chồi non. Có nhà thơ viết về bầy vịt chạy đồng, anh nghe được tiếng kêu của quả trứng đẻ rớt tại ruộng. Nghe như thế là cùng cực, là siêu… nghe. Ngày đi qua đồng Tháp Mười mùa khô, tôi đã thấy những bầy vịt chạy đồng “kiểu Nam Bộ” mà bà con hay nói với tôi, là cả “trung đoàn vịt chạy đồng”. Nhìn vịt chạy đồng thật thích, chúng vừa bầy đàn vừa cá thể, vừa chạy vừa ăn vừa… chơi, cứ như thể cả mênh mông đồng Tháp Mười là của chúng. Tại sao hồi đó, tôi không nghe được âm thanh những quả trứng đẻ rơi nhỉ ?

Những người làm thơ gợi ý cho nhau rất nhiều. Tôi đã nhận được những gợi ý như thế, nhiều khi từ những nhà thơ trẻ, những nhà thơ chưa nổi tiếng. Bản thân thơ tôi chắc cũng gợi ý được cho một số người. Nhưng gợi được nhiều ý cho nhà thơ nhất, chính là thiên nhiên. Khi nào anh trò chuyện được với thiên nhiên, anh sẽ nghe ra tiếng từng quả trứng vịt đẻ rơi, tiếng bông hoa súng chầm chậm nở giữa đồng bưng, tiếng thở nhẹ của dòng sông đang con nước lớn. Và mùi bùn non lúc nước ròng thỏ thẻ với anh. Với âm giọng phảng phất… mùi bùn. Bây giờ, tôi muốn mình học nghe. Và học nói, sau khi nghe được điều gì đó. Một cái cây rung chuông. Một trái cây thầm hát. Những cành lá xạc xào. Và một quả trứng vịt đẻ rơi kể câu chuyện về chuyến phiêu lưu của mẹ con nó giữa đồng. Chỉ nghe được như thế, đã hạnh phúc.

Nguồn Văn nghệ số 23/2020


Có thể bạn quan tâm