April 24, 2024, 6:57 am

Hết tết rồi, thời lại Tết

 

Về quê ngày cuối năm, tôi ghé thăm nhà bác trưởng họ vốn là thầy giáo dạy tiếng Trung, về hưu đã mươi năm có lẻ. Bác mời uống nước vối tươi hái từ cây vối Tổ. Cây vối thân sần sùi mốc trắng bên bờ ao năm sào, thời còn đi học vỡ lòng lũ học trò thường trèo lên cành la bứt quả vối nhét căng túi quần  đem đến lớp làm quà. Thời gian như chớp mắt Bụt, thoắt đã hơn nửa thế kỷ.

 

Ảnh internet

 

Nhân nhắc tới hai chữ thế kỷ, bác trưởng họ đắn đo: “Hôm rồi chú có theo dõi Đại hội Đảng lần thứ 19 của Trung Quốc không? Cái bài diễn văn của ông Tập Cận Bình dài tới hơn ba vạn chữ nhưng có nhiều điểm nhấn. Có tới 26 lần ông nhắc đến từ “siêu cường”, hoặc “cường quốc”. Trong đó điểm nhấn quan trọng nhất là ở việc xác định thời đại. Họ đang tập trung xây dựng chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc thời đại mới. Theo ý tôi, thế kỷ mới rồi sẽ chẳng để lại gì nếu không dựng nên một thời đại mới” .

Chà, ông anh già, thầy giáo của tôi. Chuyện gì thầy cũng lảy ra một triết lý như  lặn vào da vào thịt.

Tôi đáp: “Đúng vậy, trước đó họ đã bàn đến “một vành đai, một con đường”, thực chất đó là con đường tơ lụa thời đại mới rồi, con đường ấy bao gồm cả đất liền và biển cả để xây dựng một cường quốc thịnh vượng hàng đầu thế giới. Nhưng đó là chuyện người, còn chuyện ta thì sao bác?”.

Trưởng họ không phải suy nghĩ lâu, chắc hẳn lâu nay bác đã chiêm nghiệm về điều này. Rằng có nhiều điểm ta cũng đã nhìn rõ, đã xác định, khác chăng chỉ ở cách diễn đạt. Tỷ dụ như kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa chính là đặc sắc của ta. Tỷ dụ như họ có “Bốn toàn diện” thì ta cũng có “Ba đột phá chiến lược”. Tỷ dụ như như họ tập trung “đả hổ diệt ruồi” thì ta cũng bắt tay vào “đốt lò” như bác Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói. Tôi thấy là sang nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng, việc chống tham nhũng đã làm đến nơi đến chốn, làm đến cùng, không phải tránh ai, né ai, dù đương chức hay đã “hạ cánh”. Có anh Bí thư Thành  ủy tuổi còn trẻ nhưng do làm quan tắt mà mắc vào khuyết điểm lộng hành, giẫm chân cả vào nguyên tắc, rồi nhận nhà, nhận xe ô-tô doanh nghiệp biếu tặng, Trung ương đã xem xét, ra quyết định cách tuốt các chức vụ. Làm như thế là mạnh tay đấy! Chú thử nghĩ xem, có biết bao nhiêu mối quan hệ nhằng nhịt chung quanh cái ghế ấy, vậy mà ta vẫn làm được. Đúng là lò đã nóng lên rồi. Nhưng cũng đang có tình trạng trên nóng dưới ấm, hoặc là dưới lạnh. Tôi thấy bây giờ nhiều việc địa phương cứ đẩy cả lên Chính phủ, lên Thủ tướng. Lẽ ra tỉnh, huyện có thể làm nhưng họ ngại động chạm, vậy là “trân trọng kính mời” Ủy ban kiểm tra Trung ương, Thanh tra Chính phủ về xem xét, xử lý. Nơi nào cũng tránh né, đùn đẩy như thế thì Trung ương làm sao đủ sức làm. Thủ tướng nói xây dựng chính phủ kiến tạo, chính phủ hành động, vậy cấp bộ, cấp tỉnh thì sao, có kiến tạo, hành động theo bổn phận của mình không?

Bác trưởng họ xem chừng rất thông chính sách mới, rằng lúc này đây nông nghiệp phải đi vào sản xuất hàng hóa lớn để tham gia thị trường và chuỗi giá trị toàn cầu. Nhưng ông bỗng thở dài, dẫn việc “cơn bão lợn” hồi đầu năm 2017. Bỗng đâu thịt lợn bán rẻ như cho cũng chẳng ai mua. Lúc giá lợn hơi xuống thấp nhất chỉ có 17 nghìn đồng một cân.  Cả làng cả tổng bị một phen điêu đứng. Làng này mấy hộ chăn nuôi có máu mặt, nhà ba - bốn tầng,  phải đóng cửa trốn biệt vì nợ nần chồng chất. Tiền vay ngân hàng để xây chuồng trại, để mua thức ăn chăn nuôi cứ lãi mẹ đẻ lại con. Vợ chồng nhà Chức ở xóm Đông nợ nhiều nhất nghe đâu đến ba tỷ đồng, phải bán hết cả xe con, xe tải đến ti-vi, cát-sét. Bà con ta đâu biết vì sao thịt lợn lại ế ẩm như thế. Hóa ra là do ông bạn vừa nhắc đến ở trên ông ấy đóng cửa không mua nữa. Nhà nước của họ lo chuyện đại cục, còn cái tiểu cục gì gì đó thì ai mà lường. Lỗi cũng tại  bà con mình làm ăn tự phát, thấy thiên hạ làm ăn nhớn thì mình cũng gắng làm theo. Làm ăn thất bát, vỡ nợ rồi mới hay chả có “chuỗi” nào, chả  có ai che chắn cả. Thế không phải trên nóng dưới nguội là gì?  Lâu nay tôi vẫn  tâm đắc câu này: Tiếng nói hay nhất là tiếng nói của hành động. Cho đến giờ thì thấy hành động vẫn là điểm yếu chí tử trong việc thực thi chính sách của  ta. Bây giờ thì dân đang nghe ngóng, có nuôi lợn nữa không, có nuôi bò thịt, bò sữa, có trồng dưa vàng trong nhà lưới nữa hay không. Phát triển sản xuất mà không nắm được thị trường, không có ông chủ nào đứng ra bảo lãnh lúc tiêu thụ thì chả khác nào đẩy thuyền chở tiền chở của ra sông, may rủi tất tật nhờ vào ông giời.

Chuyện nóng ở nông thôn còn phải kể đến việc tích tụ, tập trung đất đai. Đã một thời ta chia nhỏ ruộng để dễ giao cho hộ nông dân tự chủ. Nhưng nay lên sản xuất lớn, từ khâu làm đất đến cấy hái, thu hoạch đều dùng máy rồi, ruộng nương nhỏ vanh vánh như ống tay áo thì làm sao lớn nổi. Tích tụ đang còn là chủ trương thì đã thấy hiển hiện trước mắt những cánh đồng bị bỏ hoang. Nông dân bỏ ruộng vì mất mùa được giá, được mùa mất giá, vì thời gian nông nhàn quá nhiều mà ngành nghề thì ít. Thế là cánh trẻ kéo nhau ra thành phố, nơi phố như mắc cửi người vây lấy người, tìm kế sinh nhai. Từ lái xe tắc-xi, xe ôm đến thợ mộc, thợ nề, đánh giầy, đồng nát...  Thành ra “ly nông không ly hương” bao năm rồi vẫn chỉ là một câu khẩu hiệu.

-Thế theo ý bác phải làm sao để  khẩu hiệu này thành hiện thực? Tôi hỏi bác trưởng họ.

-Phải thúc mạnh cái anh làng nghề chú ạ! Làng nghề là đặc sắc công nghiệp đồng chiêm chứ đâu. Làng nghề ở Hà Nam thì có tới hàng trăm. Lụa Nha Xá, trống Đọi Tam - Duy Tiên; gốm Quế-Kim Bảng; thêu ren-Thanh Liêm, Bình Lục... rồi vô số làng nghề nổi tiếng từ lâu, nhưng có nguy cơ thất truyền. Rượu làng Vọc quê mình cũng xoay sở đủ cách để vươn ra tiêu thụ toàn quốc, rồi xuất khẩu, nhưng mà khó, bởi chỉ riêng nghề nấu “rượu nút lá chuối”  chung quanh khu vực Hà Nam Ninh trước đây đã có lắm anh tài như Rượu Bèo-Duy Tiên, rượu Kiên Lao-Xuân Trường, Nam Định, rượu Kim Sơn-Ninh Bình... Cho nên khi xác định đơn vị đạt tiêu chuẩn nông thôn mới người ta băn khoăn chuyện này là đúng, rằng ở xã ấy, huyện ấy phải có tổ hợp tác hoặc hợp tác xã hoạt động có hiệu quả. Sinh ra cái hợp tác xã cho có phong trào, hợp tác hợp tộ chỉ có cái vỏ, hàng ế, xã viên đói thì tôi loại anh khỏi diện nông thôn mới.

Điều này thì tôi đã nghe các nghệ nhân làng nghề trống Đọi Tam giãi bày. Rằng ngành nghề ở nông thôn đang có chiều hướng nơi thừa nơi thiếu. Nơi thừa vì tiền công của người lao động nhẹ như bấc, chả ai  tha thiết nối nghề cha ông. Nơi thiếu vì là nghề mới, dễ kiếm việc hơn, lại hưởng tiền tươi thóc thật. Chả thế mà ông Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH đã nói tại hội nghị toàn quốc về công tác đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn, có xã có tới 600 người đăng ký học nghề… hoạn lợn. Trong “cơn bão” lợn tan đàn vừa qua mà giả sử chừng ấy người được học nghề thì thật là công toi.

Phát triển ngành nghề ở nông thôn vẫn xoay quanh ba thứ khó: Khó về vốn, khó về xây dựng và phát triển thương hiệu, khó về đội ngũ thợ nghề kế tiếp. Tỉnh Hà Nam đã có nghị quyết về phát triển làng nghề từ rất sớm, nhưng làng nghề thì vẫn cứ loay hoay ở quy mô nhỏ.  Thế là cái vòng luẩn quẩn tiếp tục diễn ra. Không chỉ ở quê ta mà ở hầu khắp các tỉnh đồng bằng sông Hồng, số người ly nông vẫn tăng lên.

Ngày Tết nói về cái khó, cái đang tiếp tục phải làm với bộ óc năng động không chỉ là suy nghĩ của lớp người cao tuổi như bác trưởng họ của tôi mà còn là tâm tư của lớp trẻ. Đương nhiên, chính là lớp trẻ đang ngược xuôi tìm lối ra trên mảnh đất  đã nuôi mình khôn lớn. Tôi đã gặp  sau lũy tre xanh những kỹ sư nông nghiệp. Họ làm quản lý hoặc trực tiếp lao động trong các khu công nghiệp. Họ lập doanh nghiệp nhỏ để sản xuất, tạo việc làm tại chỗ. Hỏi nguyên nhân nào thúc đẩy, họ nói giữa dạ mình: Làm việc gì cũng phải ráng hết sức bác ạ, phải bắt cái óc làm việc liên tục. Cố nhiên đừng chỉ lo ráng sức kéo dây mà phải xem cái dây ấy đang buộc vào đâu. Bây giờ toàn tỉnh đã có hơn 36 nghìn lao động đang làm việc tại các khu, cụm công nghiệp, trong số đó có khoảng 30 nghìn người là lao động tại chỗ, là những người không phải “li hương”.  Đi liền với công nghiệp là dịch vụ, du lịch phát triển theo. Sự phát triển năng động  ấy đã góp phần tăng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh lên đến gần 5000 tỷ đồng. Nhưng thu vẫn chưa đủ chi. Đó là một điều đáng trăn trở. Câu hỏi của mùa xuân vẫn là: Bao giờ thì chúng ta giàu hơn để có thể tự cân đối và tiến tới có đóng góp cho Trung ương?

Tam nông còn nhiều câu hỏi lớn! Câu hỏi dành cho những người đứng mũi chịu sào, dành cho chính mỗi người dân đồng chiêm thời hiện đại. Cần đề cao trách nhiệm cá nhân, nhất là đối với người lãnh đạo. Chịu trách nhiệm trước Đảng, trước Dân có nghĩa là dám làm người đi trước, mở một con đường cho người sau, hoặc biết tự lựa chọn, không nên chịu ảnh hưởng tuyệt đối vào người đi trước. Một chủ trương đúng, hợp lòng dân  sẽ biến thành điểm sáng trong thực tiễn. Điểm sáng ấy là đời sống nhân dân, bớt nghèo đi, giàu lên cả về vật chất và tinh thần. Chứ nông thôn bây giờ không ít nơi nhà cao tầng san sát chả khác phố trong làng nhưng đáng lo là thuần phong mỹ tục mai một. Không chỉ có phản văn hóa, mà còn có cả những điều, những việc dưới văn hóa, là những cái mờ mờ ảo ảo, âm u và vô cảm, làm nhạt phai những dấu ấn, phong vị văn hóa, văn minh của nền nông nghiệp trồng lúa nước.

Thời hiện đại sao vẫn nao nao nhớ cảnh quê thanh bình, nao nức trong thơ xưa của Cụ Nguyễn Khuyến: “Năm ngoái, năm kia đói muốn chết/Năm nay phong lưu đã ra phết/Thóc mùa, thóc chiêm hãy còn nhiều /… Hễ hết Tết rồi, thời lại Tết!”.

Nguồn Văn nghệ số 6+7+8/2018


Có thể bạn quan tâm