April 20, 2024, 1:13 am

Hệ giá trị văn hóa Việt Nam và các tiêu chí phù hợp trong giai đoạn mới

Hệ giá trị của một nền văn hóa phải dựa trên nền tảng những căn tính, tính cách dân tộc, truyền thống văn hóa lâu đời của dân tộc, tầm vóc văn hóa của dân tộc đó.

Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng 2019. ẢNh Internet

Hệ giá trị văn hóa gắn bó mật thiết với văn hóa chính trị quốc gia, tập quán kinh tế, lối ứng xử văn hóa trong xã hội; lý tưởng sống, nhân sinh quan, thế giới quan của tầng lớp có vị thế xã hội, đảm nhận chức năng dẫn đạo trong xã hội. Nó cũng liên quan đến luân lý, đạo đức nhà nước và gia đình, mà như Hêghen từng quan niệm: Nếu luân lý nhà nước, luân lý gia đình bị xuống cấp thì xã hội đang suy thoái. Hệ giá trị văn hóa có thể biến đổi do thời thế, xã hội thay đổi, nhưng thời nào mà các tiêu chí tốt đẹp của một hệ giá trị cụ thể được tôn trọng, làm lẽ sống của mọi người từ lãnh đạo đến công dân thường thì chắc thời đó là thịnh trị. Ngược lại, nếu người ta thay các tiêu chí tốt, đúng của hệ giá trị cũ bằng tiêu chí mới nhưng không khả dụng (chưa nói là sai, không dẫn đạo xã hội) thì thời đó đang có vấn đề hoặc gặp thách thức phải giải quyết sớm… Ví dụ tiêu chí cao thượng, trọng danh dự, kỷ luật cao trong hệ giá trị văn hóa võ sĩ đạo - Samurai Nhật hiện vẫn được nước Nhật, xã hội tôn sùng là một trong những kinh nghiệm cần học tập trong việc duy trì các tiêu chí hay của hệ giá trị văn hóa cũ. Một số tiêu chí của hệ giá trị văn hóa Nho giáo được Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc sinh thời rất ưa chuộng. Trong 5 tiêu chí của quân tử: Nhân, Lễ, Nghĩa, Trí, Tín và 4 điều tâm niệm của kẻ sĩ: Trung, Hiếu, Tiết, Nghĩa được Bác thu gọn thành Nhân, Trí, Dũng, Liêm và Bác nêu thành yêu cầu rèn luyện của cán bộ. Điều đáng nói là Bác không thiên về kiểu “áp dụng” máy móc, gò bó mà Bác thiên về hướng “Vận dụng” có tính chủ động, chọn lọc và sáng tạo hơn.

Đã có rất nhiều học giả trong, ngoài nước bàn về các vấn đề liên quan với hệ giá trị văn hóa Việt Nam. Nhà văn hóa Đào Duy Anh trong Việt Nam văn hóa sử cương từng nói đến 7 đặc tính cơ bản của người Việt, mà chúng tôi cho là nên tham chiếu để làm căn cứ để xây dựng các tiêu chí cho hệ giá trị văn hóa Việt. Đó là, người Việt có: Sức ký ức (trí nhớ) tốt, thiên về nghệ thuật và trực giác; Ham học, thích văn chương; Ít mộng tưởng (thiết thực); Sức làm việc khó nhọc (cần cù) ở mức độ ít dân tộc bì kịp; Giỏi chịu đựng gian khổ và hay nhẫn nhục; Chuộng hòa bình, song ngộ sự thì cũng biết hy sinh vì đại nghĩa; Khả năng bắt chước, thích ứng và dung hòa rất tài. Còn sử gia Trần Văn Giàu trong cuốn Giá trị tinh thần của dân tộc Việt Nam cũng nêu lên 7 đặc tính lớn đặc thù cho người Việt Nam là: Yêu nước, cần cù, anh hùng, sáng tạo, lạc quan, thương người, vì nghĩa.

Nói đến Việt Nam nhiều người nhấn mạnh ngay đến các giá trị xoay quanh việc lớn “Dựng nước và chống ngoại xâm”. Hai việc đó luôn gắn bó với nhau suốt nhiều thế kỷ. Về địa chính trị ta ở cạnh những láng giềng cả lớn và nhỏ với nhiều bối cảnh phức tạp, có nước từng xâm lấn ta nhiều lần và gây khó khăn về chủ quyền. Về truyền thống văn hóa ta có nhiều điểm sáng như yêu nước thương nòi, uyển chuyển, nhưng cũng có nhiều hạn chế do phương thức sản xuất tiểu nông chi phối và các lý do khác nên còn rơi rớt các biểu hiện: thích sĩ diện, đố kị, ưa bình quân chủ nghĩa kiểu “xấu đều hơn tốt lỏi”, các mẹo vặt cầu lợi trong ứng xử kiểu “gắp lửa bỏ tay người”, “qua cầu rút nhịp”… Về kinh tế, do chiến tranh liên miên, người Việt không có truyền thống trọng thương nên ta chưa thành công trong việc xây dựng được các mũi nhọn kinh tế mạnh có thể chi viện cho văn hóa nói chung và hệ giá trị văn hóa nói riêng. Trên thực tế, do mấy chục năm đất nước ta trải qua chiến tranh, mọi nhân tài, vật lực chủ yếu tập trung cho tiền tuyến để giải phóng đất nước, nên việc xây dựng bài bản, chính thức về các tiêu chí cho hệ giá trị văn hóa Việt Nam, đưa vào đời sống ở nước ta chưa được đầu tư đúng mức. Sau chiến tranh, hơn 30 năm tiến hành công cuộc Đổi mới, chúng ta thu được nhiều thành tựu trên nhiều lĩnh vực, nhưng nếu nhìn thẳng vào thực tế thì đất nước gặp không ít thách thức và khó khăn, ở đây nếu chỉ xét về văn hóa và tiêu chí hệ giá trị văn hóa cũng thấy nổi lên khá nhiều mặt tiêu cực đang được báo đài, xã hội quan tâm mạnh mẽ. Nhiều vụ việc con người bị tha hóa, chạy theo lối sống buông thả, hưởng thụ vô văn hóa; luân thường đạo lý bị xúc phạm; các biểu hiện tham nhũng, chạy chức quyền, mua bằng cấp tràn lan… chính là văn hóa cơ chế, hệ giá trị văn hóa không chuẩn mực, đáng báo động. Vậy có người sẽ hỏi: Các điều khoản luật pháp, Quy ước, dư luận báo chí và dư luận cộng đồng có thay cho Tiêu chí của Hệ giá trị văn hóa không? Vì luật pháp có thể chế tài, còn dư luận thì ai chẳng sợ mang tiếng xấu? Xin thưa; Chẳc chắn là không thay thế được. Bởi vì chỉ khi con người tự giác, coi trọng văn hóa, văn hóa và các giá trị văn hóa đã thấm sâu vào suy nghĩ, hành xử thì họ mới tuân theo các tiêu chí giá trị đúng đắn một cách tự nhiên, không ép buộc (có người có học vấn, bằng cấp cao, có người chức lớn chưa hẳn là có văn hóa cao: ví dụ vua quan nhà Nguyễn thời Tự Đức cắt đất hàng Pháp là không có văn hóa trọng danh dự, không yêu nước). Trong các mục tiêu giáo dục có mục tiêu cung cấp tri thức, tạo nền tảng văn hóa cho con người; góp phần đào tạo con người luôn quan tâm cộng đồng, biết xây dựng chuẩn hệ giá trị văn hóa đúng đắn cũng vậy. Nhà khoa học, nhà cải cách giáo dục Đức Hambold ngay từ thế kỷ XIX đã cho rằng: Cần xây dựng Đại học - văn hóa với người thầy như là nhà văn hóa, khai mở, truyền thụ để cho học trò trở thành người có văn hóa tự khắc họ sẽ yêu nước, hành xử đúng đắn. Không nên quá quan trọng hóa môn Triết và môn Luật (như thời trước đó) mà chú trọng môn văn học để con người hướng tới cảm thụ văn hóa, bồi dưỡng tính nhân văn… Ngay thời phong kiến ở phương Đông nói chung và nước ta nói riêng, trừ những kẻ thất phu, tiểu nhân, còn ai cũng noi theo các tiêu chí: Uy vũ bất năng khuất; Phú quý bất năng dâm; Bần tiện bất năng di. Và xã hội rất tôn sùng 5 tiêu chí coi là điều thường nhật, chuyện “bình thường, tự nhiên” của xã hội, đó là “Ngũ thường” (Nhân, lễ, nghĩa, trí, tín). Đã là người nam nhi tử tế thì “Giữa đường thấy sự bất bình chẳng tha”. Ai cũng giữ nếp nhà, sống ngay thẳng, dù gặp khó khăn: “Giấy rách phải giữ lấy lề”, giữ khí tiết vì cho rằng: “Trúc dẫu cháy, đốt ngay vẫn thẳng; Ngọc nát còn hơn giữ ngói lành”. Dĩ nhiên là hạng hèn kém trong xã hội thì có triết lý khác về hệ giá trị văn hóa, họ cho rằng: “Quân tử nhất ngôn là quân tử dại. Quân tử nói đi nói lại là quân tử khôn” hoặc trong khi nhiều kẻ trí giả mong học hành mở mang trí tuệ để “giúp nước cứu đời”, chú ý mọi nơi, mọi lúc rèn mình suốt quá trình “Tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ” thì  rất đông sĩ tử thời xưa tâm niệm Học để đỗ đạt “làm quan để có mũ cao áo dài, vinh thân, phì gia, thoát ly các hoạt động thực tiễn; coi nhẹ kinh doanh, công thương, sản xuất lưu thông….”[2].

Ngày nay, đất nước ta đã thống nhất toàn vẹn lãnh thổ, đang từng bước tham gia hội nhập quốc tế. Bối cảnh quốc tế đang có nhiều biến chuyển quan trọng: Toàn cầu hóa kinh tế đã lan sang các lĩnh vực khác, trong đó có văn hóa, nhiều hiện tượng như giao lưu hợp tác văn hóa; tiếp biến, hỗn dung văn hóa; xâm lăng văn hóa; chiếm đoạt thị trường văn hóa; đồng hóa văn hóa; giao thoa văn hóa… xảy ra phức tạp, đa dạng, ảnh hưởng đến sự phát triển chính trị, kinh tế, văn hóa- xã hội các quốc gia, khu vực. Trong đó “Quá trình giao thoa văn hóa là một quá trình học tập và tiếp biến các giá trị văn hóa. Mỗi nền văn hóa đều những có giá trị đặc sắc riêng. Với các nước nhỏ và chậm phát triển, muốn theo kịp trào lưu phát triển của thời đại để không tụt hậu, không có một con đường nào khác là phải sử dụng tối ưu phép lợi thế của nước đi sau”[3].

Là nước đi sau, chúng ta hiện đi theo con đường kinh tế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước và kinh tế thị trường có nhiều mặt tích cực nhưng rất nhiều tiêu cực ảnh hưởng tới giá trị văn hóa nói riêng. Làm thế nào để khắc phục được các tiêu cực đó? Làm thế nào để người lãnh đạo và người dân nước ta đồng thuận, niềm tin ngày một củng cố? Làm thế nào để mọi người cùng thống nhất cơ bản, tự giác hướng theo những giá trị văn hóa tốt đẹp, khả thi, bền vững, hợp quy luật? Về xây dựng con người mới cho xã hội hiện đại, Nghị quyết TƯ 5 (BCH khóa VIII) của Đảng và nhiều văn bản khác đã đề cập khá rõ, nhưng việc quy định ra hệ giá trị văn hóa chuẩn để cả xã hội noi theo thì các ngành chức năng mới dừng ở một số Hội thảo, diễn đàn.

Do vậy, trước hết về mặt học thuật cần đặt vấn đề rõ ràng việc Xây dựng hệ giá trị văn hóa mới. Đó là việc làm cần thiết, mang tính thời sự.

Bàn về xây dựng hệ giá trị văn hóa, TS. Giáp Văn Dương cho rằng: “Cái mới, chưa chắc đã là cái tiến bộ. Và cái cũ, cũng chưa hẳn là cái lạc hậu hoàn toàn. Chưa kể, xã hội có bao nhiêu người thì có bấy nhiêu thang giá trị khác nhau”; “Sử dụng những giá trị phổ quát làm thang giá trị chủ đạo sẽ giảm được sự phức tạp trong quá trình định chuẩn và tránh được những hậu quả khôn lường do chọn phải những thang giá trị lạc hậu làm chuẩn cho xã hội”[4]. Cần mạnh dạn nhìn thẳng vấn đề cốt lõi của mọi xã hội là: có một thứ tinh thân thần văn hóa được dùng với từ ngữ khác nhau, chi phối hệ giá trị văn hóa mà xã hội đó phải lựa chọn. Ví dụ ở phương Tây thời phong kiến và thời tư bản (ngày nay một số nước vẫn nhìn nhận như trước), họ nói đến tinh thần quý tộc, bình dân và lưu manh, trong đó tinh thần quý tộc (Với phẩm chất chính là đạo nghĩa, thành tín, trách nhiệm. Gọi là quý tộc không phải theo nghĩa được phong tước Công, Hầu, Bá, Tử, Nam; có nhiều của cải, nhiều quyền lực, mà là vì họ có một tinh thần cao quý, sử sách xưa nay gọi đó là tinh thần quý tộc) được xã hội coi là tinh thần dẫn đường cho xã hội. Một số nước phương Đông chịu ảnh hưởng phần tích cực của Nho giáo, chủ yếu tôn trọng tinh thần của “trượng phu, quân tử” luôn phò chính diệt tà, ái quốc, vị dân, trung hiếu lễ nghĩa, liêm chính…Thời hiện đại họ bổ sung các giá trị về tính kỷ luật, cộng sinh, nhân ái…v.v để phù hợp thực tại. Còn những nước trải qua đấu tranh giải phóng dân tộc, đi lên Xã hội chủ nghĩa, đã có những thời gian lấy giá trị dám xả thân vì độc lập dân tộc; chịu đựng gian nguy, khó khăn vì dân, vì chính đảng cách mạng… làm thước đo đảng viên và hệ quy chiếu giá trị văn hóa rộng ra cho xã hội. Nhưng đến thế kỷ XXI này, khi đời sống xã hội có nhiều biến đổi phức tạp, các mạng khoa học kỹ thuật tác động mạnh đến xã hội; con người, văn hóa, thiên nhiên, thế giới…ở trong mối quan hệ đan chéo, ảnh hưởng lẫn nhau mạnh hơn, nhanh hơn ở các thế kỷ trước rất nhiều, thì mọi quốc gia đều phải xem xét việc luôn hoàn thiện hệ giá trị văn hóa (dù ít hoặc nhiều) để giữ cho xã hội lành mạnh, phát triển đúng hướng và nước ta không phải là ngoại lệ. Các hoạt động bề nổi rộng lớn như xây dựng Gia đình văn hóa, tiêu chuẩn Nông thôn mới, công nhận Di tích văn hóa…là cần thiết nhưng cần có các bước đi tiếp cụ thể, định lượng rõ và mang tính chiến lược lâu dài, bởi phấn đấu đạt các chuẩn đó rồi phải gắn với các mục tiêu dài hơi, bền vững nếu không thì chỉ có giá trị ở một thời kỳ ngắn mà lâu dài chưa thể hiện đầy đủ hiệu quả thực tế. Đó là chưa kể các Di tích đạt chuẩn được UNESCO công nhận, nhưng không phải vĩnh viễn, nếu không phát huy được hiệu quả thì danh hiệu đó đã đúng với mong muốn của xã hội chưa?

Theo tôi có thể xây dựng một bộ tiêu chí của hệ giá trị vừa kế thừa được các tiêu chí trước đây (đã tồn tại và có tác dụng tích cực), vừa phù hợp điều kiện đất nước hôm nay và phù hợp với xu thế của thế giới, thời đại lại ngắn gọn, dễ nhớ.

Thứ nhất,  trước hết phải có bộ tiêu chí hệ giá trị văn hóa phổ quát chung cho toàn xã hội. Vì là phổ quát, nên có thể lấy tiêu chí mà nhiều nước phương Đông, trong đó có nước ta mọi công dân hàng ngàn năm đã noi theo và Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng từng rất tâm đắc. Đó là: Nhân, Lễ, Nghĩa, Trí, Tín, Dũng, Liêm, Khiêm; Kết hợp cùng các tiêu chí khác hỗ trợ như: Tâm chính, ý thành, chí kiên, sự cẩn, lịch thiệp, nhân văn, dân chủ, cao thượng, thành tín, đạo nghĩa, trách nhiệm.

Thứ hai, Đối với phái nữ thì các tiêu chí là: Công, dung, ngôn, hạnh, tinh tế, duyên dáng, nhu thuận, đảm đang, bình đẳng

Thứ ba, Đối với những người có vị trí lãnh đạo thì ngoài hệ tiêu chí phổ quát cần thêm: Tâm sáng, tầm xa, tuệ sáng, tài cao, vì dân vì nước, trình độ văn hóa quốc tế; Với tiêu chí đặc thù là: Lo trước lo thiên hạ, vui sau cái vui thiên hạ.

Tóm lại, việc nghiên cứu để xây dựng tiêu chí hệ giá trị văn hóa Việt Nam cần được thúc đẩy mạnh mẽ và sau khi được cơ quan chức năng thống nhất, ban hành rồi phải có biện pháp quảng bá trong, ngoài nước để mọi người Việt Nam hưởng ứng, thực hiện. Phải coi đây là việc làm của mọi ban ngành, của cả hệ thống chính trị, làm sao để dần dần, mọi thành viên xã hội noi theo, coi là tiêu chí đánh giá đúng sai, thiện ác, hay dở, tốt xấu, giỏi kém của mỗi cá nhân và thấm sâu thành nhận thức thành tư duy, hành động tự giác của các công dân. Nếu làm đúng, bài bản và lâu dài thì quá trình này sẽ có tác dụng góp phần cho việc triển khai các Nghị quyết của Đảng, chính sách Nhà nước và tạo sự đồng thuận xã hội, thúc đẩy nền văn hóa Việt Nam phát triển, quốc gia thịnh vượng, mọi công dân hành xử tích cực, hình ảnh đất nước cùng con người Việt Nam ngày càng tốt đẹp, mọi người Việt Nam luôn cố kết không phân tâm để luôn hướng đến chân- thiện- mỹ và các giá trị chuẩn khác, bảo vệ sự trường tồn với quốc gia, dân tộc. Đồng thời phải có những chiến lược hỗ trợ tích cực, cụ thể để hệ giá trị được xã hội nhanh chóng chấp nhận. Đó là ngoài những biện pháp hành chính, quảng bá của phương tiện đại chúng nên vận dụng các sản phẩm văn học, điện ảnh, âm nhạc (những món ăn tinh thần quan trọng, có tính sáng tạo gắn với chân thiện mỹ cần thiết với mọi xã hội). Văn học khuyên con người nên sống như thế nào, vì thế theo tôi trước hết cần “đặt hàng” cho văn học nhiệm vụ xây dựng những hình tượng hình mẫu đời sống có chất liệu từ những danh nhân như Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi, Đặng Dung, Đào Duy Từ, Nguyễn Du, Nguyễn Trường Tộ…và tiếp theo là dùng điện ảnh để khắc họa thành tấm gương thấm vào tâm khảm mọi người.

 


[1] PGS.TS, Giảng viên Cao cấp Học viện Ngoại giao; Nguyên Vụ trưởng, Tham tán Công sứ- P.Đại sứ Việt Nam tại Na Uy

 

[2]Lê Thanh Bình, Một số vấn đề QLNN Kinh tế, văn hóa, giáo dục trên thế giới và Việt Nam, Nxb. Chính trị QG, Hà Nội 2009, tr. 340.

[3] Lê Thanh Bình (CB), Giao thoa văn hóa và chính sách ngaọi giao văn hóa Việt Nam, Nxb. Chính trị QG, H. 2012; tr. 45- 46.

[4] Giáp Văn Dương, Tạp chí Tia Sáng 25/05/2015

Nguồn Văn nghệ số 38/2019


Có thể bạn quan tâm