April 25, 2024, 1:37 pm

“Hãy kêu tiếng kêu của ngọn đuốc”!

“Người họa sĩ chọn cái chết trên toan/ Anh nếu là nhà văn, hãy một lần viết như chú ngựa già thổ tuyết trên sa mạc đời mình…”

Thy Nguyên đã xuất bản 7 tác phẩm: 2 trường ca và 5 tập thơ. Gửi là trường ca vừa ra mắt quý II năm 2021(1). Điểm chung của Gửi là 36 ca khúc đều mang đặc điểm chất vấn giữa nhà văn - anh - tôi - chúng ta. Những điều nhà văn - anh - tôi - chúng ta viết, suy ngẫm về ý thức, trách nhiệm của nhà văn có hết trong Gửi. Các điểm nhìn của nhà văn - anh - tôi - chúng ta lúc đồng nhất lúc tách rời lúc phân cặp theo mạch của nhiều câu chuyện: lịch sử, chiến tranh, thiên nhiên, môi trường, tình yêu, dự án, kinh tế, quyền lực, cuộc sống đời thường,… mang đến những trải nghiệm triết luận thú vị của một nhà văn hết sức tâm huyết dốc lòng với văn chương.

Trước hết, nếu xét nhà văn - anh - tôi - chúng ta từ một điểm nhìn thì nhà văn - anh - tôi - chúng ta là sự song trùng phân tách của một con người: NHÀ VĂN. Nhà văn/anh là đại từ nhân xưng ngôi thứ hai, là người đang giao tiếp với tôi, với chúng ta. Tôi là đại từ nhân xưng ngôi thứ nhất số ít, là kẻ đứng trong gương, đang nói, còn nhà văn/anh đứng ngoài gương, lắng nghe. Nhà văn/anh soi vào gương thấy tôi trong đó, vì tôi là ảnh chiếu của người đứng ngoài gương. Do vậy, nhà văn/anh là chủ thể, còn tôi là khách thể. Chúng ta là đại từ nhân xưng ngôi gộp, gộp nhà văn/anh và tôi, cả nhà văn/anh và tôi đều đồng nhất với một công việc, là người viết, là nhà văn.

Trong trường ca của Thy Nguyên, vị trí nhà văn/anh và tôi không cố định. Đa phần chị để tôi tồn tại như một chủ thể. Tôi chỉ người đang nói, và sự nói này bắt đầu từ vị trí bên trong. Tôi luôn ý thức tra vấn, phản biện, lật trở chủ thể nhà văn/anh, trong quá trình giằng xé đó, tôi đã hạ vai trò của chủ thể nhà văn/anh xuống vị trí khách thể, đưa tôi lên vị trí chủ thể. Rất nhiều đoạn Thy Nguyên đánh tráo vị trí chủ thể của nhà văn/anh, như đoạn ở Khúc 2: “Tôi thấy anh đắm dưới sông mình/ Anh đào dưới chân mình/ Anh tô/ Anh vẽ/ Những bất minh nằm ngoài/ Anh nhẩy múa vòng trong/ Anh tin tác phẩm mình đóng đinh loài người/ Còn tôi thấy anh bất động” [tr.7]. Tôi đang tạo một khoảng cách, cách xa nhà văn/anh để phủ định lại cái tôi đang đứng bên ngoài gương (nhà văn/anh). Đã là nhà văn, là người cầm bút, anh phải không ngừng sáng tạo, tìm tòi, đổi mới. Sự “bất động”, đứng ngoài cuộc của anh sẽ bóc mẽ khả năng của anh. Tôi đã chỉ ra những mâu thuẫn giữa hiện tượng và bản chất, nội dung và hình thức, khả năng và hiện thực,… từ trang viết của nhà văn/anh thông qua những góc nhìn: những đứa trẻ mồ côi, số phận bấp bênh trên sông nước; người mẹ ghìm nỗi đau mất con trong chiến tranh vào lòng; tổ tiên, giống nòi nơi con người chôn cuống nhau của mình; nỗi đau cá chết vì dự án formosa; lòng người nhiều khúc khuỷu, tham lam vô đáy; những triều đại còn thổn thức, nhức nhối; nạn phá rừng, hủy hoại môi trường sinh thái; vẻ đẹp thanh khiết của dải đất hình chữ S; những hạ độc giết mòn lẫn nhau của con người; những hài nhi mỏng giòn phận số,… Chất liệu đời sống thực ra không nằm đâu xa, nó ở ngay bên cạnh nhà văn, nhưng nó chỉ thực sự bất tận, trường cửu khi nhà văn thổi hồn mình tình mình vào trong đó và nuôi dưỡng một cách tinh tế, bắt người đọc phải suy ngẫm, trải nghiệm cùng nhà văn.

Nguyên lý “tảng băng trôi” là bảy phần tám chìm và một phần tám nổi, nhưng những gì nhà văn/anh viết hoàn toàn ngược lại, phần nổi nhiều hơn phần chìm, chỉ thấy cái vỏ bọc bên ngoài mà chưa tường tận cái lõi bên trong. Độ lùi vị trí của tôi giúp Thy Nguyên thổ lộ, trải phơi những hạn chế của nhà văn/anh: “Nhà văn/ Hơn en nờ (n) lần/ Anh viết những tầm phào người đời đã xuất chúng/ Vục vào muôn nỗi dân đen/ Chỉ vớt thành váng mà quên cáu chua bỡi lợp” [tr.12]. Trong cái nhìn của tôi, Thy Nguyên đã đặt ra những vấn đề thuộc về trách nhiệm, ý thức của nhà văn, sáng tạo phải “cày sâu cuốc bẫm”, phải biết mình đang viết gì, viết như thế truyền tải đến bạn đọc điều gì. Nếu sáng tạo hời hợt, nhạt nhòa, giả tạo thì cái mà anh làm ra chỉ là phần váng, phần nổi. Đã là nhà văn, không quản ngại vục vào cuộc đời, vục vào nỗi đau, chấp nhận mọi trả giá làm nên giá trị vĩnh cửu cho tác phẩm của mình. Nếu anh biết sợ, ngại trước tác phẩm mình đẻ ra, không chấp nhận sống/tựa vào vai của người khác, biết chọn lựa “vo cơn đau vào xác chữ”, “cày ải tàn giã nỗi đau” của mình, “kêu tiếng kêu của ngọn đuốc” hơn là để “trái tim đeo mặt nạ”, “khô cạn tình thâm”, thờ ơ trước nỗi đau của con người, của cuộc thế, trơ trẻn với “cái vỗ tay dị hợm”, đồng lõa tuột trơn, tin rằng, sự nhận thức tự giác ấy sẽ giúp anh học cách làm người tử tế, tải những triết lí về nhân sinh và xã hội vào trong tác phẩm. “Nhà văn/ Anh dám gọi tiếng gọi của loài mình” [tr.35] hay không, đó là một quá trình tự đấu tranh với bản thân, dấn thân và bản lĩnh với văn chương.

Ngoài ra, Thy Nguyên còn để tôi kiêm nhiệm một vai khác, đứng ở góc độ người đọc nhưng là chủ thể đang nói nói với nhà văn/anh: “Nhà văn/ Trang giấy buồn/ Tôi muốn anh ký thác/ Những buổi sớm mai vào hồn làng/ Như cuộc giao hoan trời đất/ Như ngày mai hòa lẫn núi sông” [tr.58]. Ở đây, Thy Nguyên đã cho thấy vai trò quan trọng của người đọc trước những gì nhà văn viết. Nhà văn viết xong tác phẩm không có nghĩa nhà văn đã kết thúc sứ mệnh của nó, mà cần vào vai người đọc nhìn ngắm, đánh giá lại chính đứa con mà mình sinh ra. Tức là nhà văn đứng ở vị trí cái tôi ở ngoài tác phẩm chứ không phải cái tôi ở trong tác phẩm. Càng cách li với tác phẩm, nhà văn càng xóa dần sự chi phối của tác phẩm đến mình, để có được những thử nghiệm, bài học khách quan hơn.

Ở trường ca Gửi của Thy Nguyên, cấu trúc song hành nhà văn/anh và tôi không chỉ diễn ra trong sự tương phản tôi khác nhà văn/anh mà còn diễn ra trong sự đồng nhất tôi là nhà văn/anh. Lúc này tôi và nhà văn/anh là hai chủ thể đang lắng nghe tiếng nói của hai cái tôi nhà văn bên trong mình. Tách tôi và nhà văn/anh ra làm hai nhưng cùng một góc nhìn, góc nhìn của nhà văn nên vấn đề về sự viết được bàn đến thẳng thắn hơn, nhất là khi cả tôi và nhà văn/anh đều ở trong tâm thế của kẻ tự đánh mất mình, không còn xuất hiện với vai trò chủ thể nữa mà cả hai đã trở thành khách thể, đang chăm chú lắng nghe tiếng nói của chính mình: “Anh viết như bức tử dòng sông/ Tôi viết như người chết đuối/ Chúng ta như tầm gửi mọc trên đá/ Bơ vơ trong thiên hà quyến thuộc/ Bơ vơ ngõ kẻ sỹ/ Bơ vơ bậc thềm liêm sỉ/ Trang giấy buồn/ Coăn queo” [tr.54]. Sự thụ động của cuộc gặp gỡ này đã khéo léo kê cao những đòi hỏi, điều kiện trong sáng tác nghệ thuật. Sự viết không chấp nhận sự ép buộc, chín non, bừng lên phút chốc rồi lụi tàn, nhà văn phải mê đắm, nâng niu từng nỗi buồn, đớn đau, khước từ những thứ làm con người vô liêm sĩ, tha hóa, tìm ánh sáng trong bóng tối, tìm cái thiện trong cái ác, để mãi làm ngọn đuốc cháy hết mình với tình yêu, với con người, với cuộc sống.

Tôi soi ngắm nhà văn/anh, nhà văn/anh lắng nghe tôi, rồi có khi tôi tách xa nhà văn/anh, nhưng chưa đủ, Thy Nguyên còn đẩy sự song trùng điểm nhìn giữa tôi, nhà văn/anh và điểm nhìn của người viết (là chị) về một mối: chúng ta. Tiếng nói của người viết và nhân vật (tôi và nhà văn/anh) tuy hoàn toàn không phải là một, nhưng khá tương hợp trong tác phẩm. Trong 36 khúc, vế “nhà văn - anh - tôi - chúng ta” lặp lại khá nhiều (16 lần) như là điểm nhấn, thể hiện sự trùng khít quan niệm, tư tưởng khi nói về nghề viết. Dạng chất vấn, đối thoại trong trường ca kết hợp với sự di chuyển của điểm nhìn đa tuyến (nhà văn/anh, tôi, người viết), giúp chị dễ dàng xới lật những góc cạnh nội tâm cũng như khẳng định vai trò, sứ mệnh của nhà văn. Khi cài vị thế chúng ta trong sự phản tư, chị viết: “Nhà văn/ Anh/ Tôi/ Chúng ta/ Sũng mong manh trong màu mỡ lòng tham/ Tham sống/ Sợ chết/ Tham bội thực/ Tham men/ Tham đồng tiền… bức tử” [tr.25]. Nhà văn cần phải phán xét, hoài nghi chính mình, vì trong mỗi sự phơi bày, lật tẩy tâm can bao giờ cũng mang đến những giá trị về nhận thức. Khi lấy điểm nhìn tôi truy vấn chúng ta, chị không giấu giếm những mặt đớn hèn của nhà văn: “Tôi biết/ Chúng ta là những kẻ hèn/ Như bãi cá không ướp muối/ Như bãi sình mọc đời cây dại/ Như cánh đồng không nhốt được gió đông” [tr.42]. Chuyển đổi về mặt phản chiếu ở đây chỉ nhằm mục đích nhấn mạnh sự thụ động, lệ thuộc, tự hạ vị thế của chúng ta. Những cuộc tự thú chân thành như thế này sẽ là khớp nối để chị đưa ra những đòi hỏi về phẩm chất, đạo đức của nhà văn: “Nhà văn/ Anh/ Tôi/ Chúng ta/ Bơi tìm bờ thiện” [tr.88]; “Chúng ta như mặt hồ/ Đựng nỗi sầu nhân thế/ Im lặng mãn khai” [tr.77]. Thâu tóm điểm nhìn nhà văn/anh, tôi và người viết về một chủ thể chúng ta, đến đây, Thy Nguyên đã lắng nghe tiếng nói bên trong của chính mình chứ không đơn thuần còn nhìn mình nữa. Đứng ở góc độ này, có thể thấy Gửi vừa có dạng kết cấu dòng ý thức vừa có hơi hướm tính chất tự truyện, nên ít nhiều chi phối đến một số chi tiết, vấn đề trùng lặp trong 36 khúc. Những trăn trở, phản tư trong tác phẩm cũng là những trăn trở, phản tư của chính bản thân chị - một nhà văn. Xét ở một khía cạnh nhất định, sự dung chứa này đi sâu vào quãng viết của chị, do đó trong lời tự thú có một chút bóng dáng tự truyện. Nói về nhà văn nghĩa là chị đang tự nói về bản thân mình. Sự kể này không ở dạng giãi bày đời tư mà ở dạng đi vào chiều sâu nội cảm, tự thú, xét soát thành thật những cơn chấn động khi đối diện với con chữ. Phản tư, phân rã bản thân nhiều chừng nào thì những mảng tối, góc khuất của nhà văn càng hiện rõ bấy nhiêu. Ngẫm ngợi về nghề mà mình đam mê chọn lựa, cho nên dễ thấy sự khúc xạ của nghiệp viết vào trong tác phẩm và từ tác phẩm tác động đến sự viết của chị. Tuy nhiên, thành công của trường ca chính là chị đã tước bỏ những phù phiếm, hư danh của hai từ “nhà văn”, chỉ ra những giới hạn, mặt trái của nhà văn trước những biến động của thời cuộc, tranh đấu cật lực với cái tôi bên trong, khát khao đi đến tận cùng nỗi đớn đau, sự cô độc để làm mới cảm hứng, chất liệu sáng tạo cũng như sức nặng của trí tuệ. Trách nhiệm với nghề thì tác phẩm làm ra mới lấp lánh, vững bền, tác động sâu sắc đến người đọc.

Tấm gương mà Thy Nguyên thiết kế trong Gửi vừa thống nhất vừa đấu tranh, vừa giống nhau vừa khác biệt, khẳng định sự truy đuổi bản ngã, hết lòng với trang viết, với danh từ “nhà văn” của chị. Lao động nghệ thuật là cuộc trưng bày ý thức, trách nhiệm, quan điểm, cá tính, phong cách, nhân phẩm, đạo đức, trí tuệ, nhiệt huyết, tài năng, cật vấn, đào thải,… Gửi vì thế không chỉ là sự sống động của suy tư “nhà văn - anh - tôi - chúng ta” hôm nay mà còn nhắn nhủ, gửi đến các thế hệ mai sau. Là nhà văn, anh phải tự nguyện dự phần vào bể khổ cuộc đời, “Hãy viết bằng ngọn lửa/ Trải cô độc mình bằng ngọn lửa” [tr.15] để truyền cảm hứng cho bạn đọc và tạo dựng những tác phẩm nghệ thuật đích thực.

________

1. Thy Nguyên, Gửi, Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội, 2021.

Nguồn Văn nghệ số 52/2021


Có thể bạn quan tâm