April 23, 2024, 1:26 pm

Hậu bầu cử giữa nhiệm kỳ ở Mỹ: Bắt đầu cuộc “sống chung về chính trị”

 

Không lấy lại được Thượng viện, chiến thắng của Dân chủ có vị đắng. Tổng thống Trump giữ được căn cứ của ông, nhưng nước Mỹ dường như bị chia rẽ hơn bao giờ hết. Ngay sau bầu cử, Tổng thống Trump đã cách chức bộ trưởng Tư pháp Jeff Sessions. Với một chủ tịch Hạ viện sắt thép như bà Nancy Pelosi, hai năm tới đây sẽ không dễ dàng đối với ông Trump.

Lớp bụi từ cuộc vận động bầu lại Quốc hội giữa nhiệm kỳ chưa tan thì Tổng thống Doald Trump đã hành động mau lẹ. Ngay khi kết quả chưa được công bố chính thức, ngày 7/11/2018, Tổng thống Trump đã cách chức bộ trưởng Tư pháp Jeff Sessions, người vốn thường xuyên bị ông chỉ trích vì đứng ngoài trong cuộc điều tra về nghi vấn Nga can thiệp vào bầu cử Mỹ. Quyết định này lập tức đã dấy lênbầu không khí căng thẳng giữa Nhà trắng và đảng Dân chủ, vừa giành được đa số tại Hạ viện. Như dự đoán, Tổng thống Mỹ luôn gây bất ngờ và áp đặt nhịp độ của ông lên đời sống chính trị. Việc sa thải Jeff Sessions ngay lập tức đã làm thay đổi giọng điệu ôn hoà giữa Nhà trắng và phe Dân chủ.

Bà Nancy Pelosi phản ứng ngay tức thì: “Không thể nói gì khác hơn là về việc cách chức bộ trưởng Tư Pháp, rằng đây lại là một mưu toan trắng trợn, nhằm chấm dứt cuộc điều tra của chưởng lý Mueller”. Bà kêu gọi thông qua ngay một đạo luật nhằm bảo vệ khả năng của chưởng lý để xác định các sự kiện. Tuy được loan báo một cách phũ phàng, nhưng sự ra đi của ông Jeff Sessions không gây ngạc nhiên: bộ trưởng Tư pháp Mỹ thường xuyên bị tổng thống đả kích vì đã tự rút, không phụ trách cuộc điều tra về can thiệp của Nga vào bầu cử Mỹ. Donald Trump thông báo, tạm thời chánh văn phòng bộ trưởng bộ Tư pháp là Matthew Whitacker sẽ thay thế. Ông này trong một bài viết từng cho rằng cuộc điều tra của chưởng lý Mueller đã đi quá xa.

 

Ứng viên đảng Dân chủ Jennifer Wexton giành được ghế quan trọng tại Hạ viện. Ảnh Internet

Nhiều sóng gió hơn là hòa bình

Đa phần các cử tri Mỹ đã đi bỏ phiếu bầu lại toàn bộ Hạ viện, 35 thượng nghị sĩ và nhiều vị trí thống đốc. Kết quả cho thấy, đảng Dân chủ chiếm lại Hạ viện nhưng Thượng viện vẫn nằm trong tay đảng Cộng hòa. Theo thông tin của CBS News về kết quả kiểm phiếu, đảng Dân chủ chiếm đa số ở Hạ viện với ít nhất 221 ghế trên tổng số 435, đảng Cộng hòa chiếm được 198 ghế. Tuy nhiên, Thượng viện Mỹ vẫn thuộc về đảng Cộng hòa, như dự kiến, với 51 ghế, so với 44 ghế của đảng Dân chủ trên tổng số 100 ghế. “Làn sóng xanh” (tức sự trỗi dậy của đảng Dân chủ) chống Trump đã không xảy ra. Tuy nhiên, với đa số của đảng Dân chủ tại Hạ viện, nửa nhiệm kỳ còn lại của vị tổng thống thứ 45 của Mỹ được cho là sẽ khó khăn hơn.

Tổng thống Trump vẫn ca ngợi kết quả bầu cử là “thành công vĩ đại”. Bà Pelosi sẽ là nhân vật quyền lực thứ ba sau Tổng thống và Phó Tổng thống, hứa hẹn “quyền lực đối trọng”. Cho dù đảng Cộng hòa bị mất đa số tại Hạ viện, qua Twitter tối 6/11, ông Trump vẫn cám ơn những người ủng hộ đã cho phép phe Cộng hòa củng cố được đa số tại Thượng viện. Theo người phát ngôn Nhà trắng, Tổng thống Trump đã gọi điện cho lãnh đạo đảng Cộng hòa tại Thượng viện, Mitch McConnell, để chúc mừng về “bước tiến lịch sử” của đảng này. Về phần mình, lãnh đạo đảng Dân chủ tại Hạ viện, bà Nancy Pelosi, 78 tuổi, người vừa tái cử dân biểu với 85,5% phiếu bầu, hứa hẹn sẽ nỗ lực tìm kiếm các giải pháp cho phép xã hội Mỹ đoàn kết lại.

Bà Nancy Pelosi tuyên bố, chiến thắng trong cuộc bầu cử vừa qua tại Hạ viện cho phép ngăn chặn các mưu toan của chính quyền Trump và phe Cộng hòa, tấn công vào chế độ an sinh xã hội, bảo hiểm y tế Obamacare, liên quan đến 130 triệu người thu nhập thấp, chống lại “các thế lực lobby đang ngự trị tại Washington”, cũng như bảo vệ quyền lợi của đông đảo người lao động. Theo giới quan sát, với cá tính cứng rắn, ông Donald Trump rất có thể sẽ tiếp tục làm theo ý mình, điều hành công việc bằng sắc lệnh như ông vẫn thường làm cho đến nay, không cần tìm kiếm đồng thuận ở Quốc hội. Với một chủ tịch Hạ viện cũng nổi tiếng là sắt thép như bà Nancy Pelosi, triển vọng “chung sống chính trị” tại Mỹ rất có thể là sẽ nhiều sóng gió hơn là hòa bình.

 

Những hệ quả nhãn tiền khác

Sau khi có các kết quả sơ bộ, ngay lập tức, tổng thống Mỹ Donald Trump đã gọi điện thoại chúc mừng bà Nancy Pelosi, rất có thể sẽ là chủ tịch Hạ viện Mỹ sắp tới đây. Theo văn phòng của bà Pelosi, ông Trump đã nhắc đến khái niệm “đồng thuận lưỡng đảng” mà bà Pelosi đã gợi lên trước đó trong tuyên bố mừng chiến thắng. Lời nhắc nhở của tổng thống Mỹ nêu bật cục diện chính trị mới vừa mở ra tại Hoa Kỳ, với vị tổng thống thuộc đảng Cộng Hòa sẽ buộc phải “sống chung” với Hạ viện trong tay đảng Dân chủ đối lập, với tất cả những phiền toái tiềm tàng. Theo giới phân tích, nếu trong hai năm vừa qua, tổng thống Donald Trump gần như là có thể tự do tung hoành, do việc đảng của ông kiểm soát cả hai viện Quốc hội Mỹ. Nay với đảng Dân chủ nắm đa số tuyệt đối tại Hạ viện, hành pháp Mỹ sẽ gặp phải nhiều hạn chế trong việc thúc đẩy các chương trình kinh tế, xã hội.

Theo hãng tin Anh Reuters, Hạ viện trong tay đảng Dân chủ có khả năng buộc tổng thống Trump phải công bố thu nhập, điều mà ông vẫn từ chối cho đến nay, cũng như cho mở điều tra về các xung đột lợi ích tiềm tàng giữa Donald Trump tổng thống và Donald Trump doanh nhân. Ngoài ra, Hạ viện cũng có thể thúc đẩy tiến độ các cuộc điều tra về nghi án thông đồng giữa Nga với ê-kíp tranh cử của ông Trump trước đây, một cuộc điều tra đang được công tố viên đặc biệt Robert Mueller tiến hành. Trên phương diện chính sách trong nước, nạn nhân rõ rệt nhất của cục diện chính trị mới tại Mỹ, là dự án xây bức tường dọc biên giới với Mêhicô mà ông từng cam kết khi vận động tranh cử. Vốn đã gặp trở ngại ngay khi đảng Cộng Hòa còn thống trị cả hai viện Quốc hội, đề án này chắc chắn sẽ bị gác qua một bên trong hai năm tới đây. Chủ trương cải tổ thuế, cũng như chính sách bị cho là “tự cô lập” của ông trong lãnh vực thương mại cũng có nguy cơ bị xét lại.

Đó là chưa kể đến khả năng – dù rất xa vời – là ông có thể bị Hạ viện tiến hành thủ tục truất phế, nếu bị xét rằng cố tình cản trở công việc của ngành tư pháp, hoặc thực sự có thông đồng với Nga khi vận động tranh cử vào năm 2016. Theo luật lệ hiện hành tại Mỹ, chỉ cần đa số dân biểu tại Hạ viện đồng ý là thủ tục truất phế có thể được tiến hành. Thế nhưng, để truất phế được tổng thống, cần phải được hai phần ba thượng nghị sĩ tán đồng, điều hiện nằm ngoài tầm với của đảng Dân chủ. Nhìn chung, trước một Hạ viện sẵn sàng bác bỏ các đề nghị của ông, tổng thống Mỹ sẽ bị buộc phải tìm kiếm những thỏa hiệp, điều mà ông luôn luôn từ chối từ ngày bước vào Nhà trắng đến nay.

 

Khởi đầu cuộc chạy đua 2020

Kết quả cuộc bầu cử giữa nhiệmkỳ hôm thứ Ba đầu tháng (6/11) có thể còn là phát súng khởi đầu cho cuộc chạy đua sẽ đầy kịch tính và hết sức tốn kém giữa đông đảo ứng viên tranh giành chức Tổng thống Mỹ năm 2020. Lấy đà từ những thành quả bầu cử chọn đại diện vào Hạ viện Hoa Kỳ, đảng Dân chủ sẽ chuẩn bị cho cuộc đua trong khi chưa có một ứng cử viên dẫn đầu nào nổi bật một cách rõ rệt. Tình huống này xảy ra lần đầu tiên tính từ chiến dịch tranh cử Tổng thống năm 2004. Hơn hai mươi ứng cử viên tiềm tàng, trong đó có cựu Phó Tổng thống Joe Biden và nhiều thượng nghị sĩ, thống đốc, thị trưởng cũng như lãnh đạo doanh nghiệp, đã vận động trong nhiều tháng trời để thu phục các nhà tài trợ và cân nhắc khả năng được đảng Dân chủ đề cử ra đại diện cho đảng trong cuộc đua giành chiếc ghế trong toà Bạch ốc vào năm 2020. Nhân vật đó hầu như chắc chắn sẽ phải đối diện với ông Donald Trump, đối thủ bên đảng Cộng hoà, vị Tổng thống mà mức độ được tán thành về phần lớn vẫn luôn nằm dưới mức 50% kể từ khi lên nhậm chức, tuy rằng trong nôi bộ đảng thế đứng của ông sẽ khiến cho khó có ai trong đảng Cộng hoà có thể thách thức ông để giành sự đề cử của đảng.

Ông Trump là nhân vật phủ bóng lên các cuộc bầu cử giữa kỳ hôm thứ ba tuần trước. Đây cũng là yếu tố thúc đẩy cử tri ủng hộ đảng Dân chủ đi bầu để bác bỏ các chính sách của ông, nhưng cùng lúc cũng là yếu tố thúc đẩy các ứng cử viên Cộng hòa phải cam kết ủng hộ ông, bằng không sẽ đối mặt với phản ứng dữ dội của các thành phần bảo thủ trong đảng.Về phần đảng Dân chủ, đảng này đang chật vật với những câu hỏi về ứng viên nào, cùng với chiến lược và cách tiếp cận nào có khả năng đánh bại được ông Trump vào ngày 3 tháng 11 năm 2020. Dự kiến trong vài tháng tới sẽ có nhiều thành viên đảng Dân chủ sớm nhảy vào cuộc đua. Bất cứ ai nổi lên trong tiến trình dai dẳng để được đảng Dân chủ đề cử ra tranh chức Tổng thống, khởi đầu ở bang Iowa vào đầu năm 2020, sẽ phải trực diện với ông Trump, một đối thủ nặng ký.

 

Chính sách đối ngoại không đổi

Việc đa số ở Hạ viện Mỹ về tay đảng Dân chủ sau cuộc bầu cử giữa kỳ ngày 6/11 vừa qua không làm thay đổi chính sách đối ngoại mà tổng thống Donald Trump đang tiến hành, từ quan hệ với Trung Quốc, Nga, chiến tranh thương mại đến hồ sơ hạt nhân Iran. Kể từ tháng 1/2019, tổng thống Donald Trump bắt buộc phải thỏa thuận với Hạ viện do phe Dân chủ chiếm đa số và phải chấp nhận giai đoạn “chung sống” về mặt chính trị. Với Donald Trump, từ khi lên cầm quyền, chính sách đối ngoại của nhà tỷ phú địa ốc này đã làm thế giới chới với. Không ít quốc gia, đứng đầu là các nước tây Âu, thầm mong quan hệ với Washington sẽ lắng dịu lại. Bắc Kinh, thấm mệt vì chiến tranh thương mại Mỹ-Trung theo dõi sát kết quả bầu cử tại Mỹ. Từ Matxcơva, Putin có lẽ cũng đã quan tâm tới lá phiếu của cử tri Mỹ hơn bao giờ hết.

Nhưng phần lớn các nhà quan sát đều đưa ra một nhận xét chung là Trump tiếp tục con đường mà ông đã vạch ra cho dù đa số tại Hạ viện đã thuộc về đảng Dân chủ, cho dù phe này có nhiều bất đồng với hành pháp trên nhiều hồ sơ. Về hạt nhân Bắc Triều Tiên chẳng hạn, đảng Dân chủ hoài nghi về thực tâm từ bỏ vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng. Trong quan hệ với Nga, đảng này kiên quyết đòi làm sáng tỏ sự thật về nghi án Matxcơva đã can thiệp vào bầu cử tổng thống Hoa Kỳ cách nay hai năm, giúp ông Trump đắc cử. Tuy nhiên, khả năng can thiệp của đảng Dân chủ khá hạn hẹp. Bởi về mặt kỹ thuật, tại Mỹ chính sách đối ngoại thuộc thẩm quyền của tổng thống và trong lĩnh vực ngoại giao, quyền hạn của Thượng viện lớn hơn so với của Hạ viện. Nói cách khác, dù có bất đồng với Donald Trump vì ông rút Mỹ ra khỏi hiệp ước hạt nhân với Iran, nhưng Hạ viện Hoa Kỳ không có khả năng làm đảo ngược tình thế./.

 


Có thể bạn quan tâm