April 20, 2024, 6:57 am

“Hạt giống” lành nơi vùng khó

Cuộc sống luôn là một bức tranh với đủ mọi gam màu. Được sinh ra và có mặt trên cuộc đời này là một điều may mắn. Được sống thật với đam mê, hoài bão cũng sự cống hiến của bản thân đối với những người xung quanh là một sự tri ân. Tôi đã nhận được sự ưu ái của tạo hóa khi được đón nhận sự yêu thương của những đấng sinh thành, của tình chị em và khi trưởng thành được cống hiến tri thức của mình với nghề dạy học quả thực với tôi đó là một điều đặc biết và tự đáy lòng mình tôi nhận thấy mình được hưởng quá nhiều đặc ân.

Em Mùa A Say trong lớp học

Tôi là một cô giáo vùng cao, được công tác giảng dạy ở những ngôi trường khó khăn và đặc biệt khó khăn với tôi kỉ niệm vui cũng nhiều và những kỉ niệm buồn cũng không ít. Tôi yêu những đứa trẻ, yêu sự ngây ngô chân thành của lớp lớp thế hệ học trò. Những ngôi trường tôi dạy có tới 95% là con em đồng bào các dân tộc ở chúng đều có một điểm chung dễ dàng nhận thấy đó là: nhà nghèo, đông con, bố mẹ đa phần dân trí thấp. 14 năm trong nghề, tôi có thật nhiều kỉ niệm với lũ trẻ thế nhưng hình ảnh của cậu học trò nhỏ thó dân tộc Mông, đôi mắt lúc nào cũng cụp xuống buồn rười rượi đã khiến tôi không thể nào quên. Ở em có một cái gì đó khiến người đối diện có cảm giác “ thương hại “ để rồi khi đi sâu vào tìm hiểu về hoàn cảnh gia đình và lí do thỉnh thoảng chỗ ngồi của em bị bỏ trống, em không đến lớp đã khiến một cô giáo – một người đã từng làm mẹ như tôi có cảm giác xót xa xen lẫn sự thương cảm nhưng tận sâu của cảm xúc ấy tôi lại nhận thấy trong tôi là sự ngưỡng mộ.

Mùa A Say là tên của em, năm học 2018 -2019 em lên lớp 6 và là lớp tôi phụ trách môn Ngữ Văn. Qua đồng nghiệp tôi được biết gia đình em là gia đình đạt nhiều cái NHẤT của xã tôi dạy học: Nhà em thuộc hộ nghèo bền vững, cả bố và mẹ em đều bị khuyết tật, và thêm một cái nhất thật buồn của gia đình em đó là nhà em thuộc hộ gia đình đông con nhất xã. Say là anh cả của 5 đứa em. Vì bố em bị câm điếc bẩm sinh lại tật nguyền đôi chân. Mẹ em vừa bị bệnh đau dạ dày mãn tình chưa một lần được đưa đi viện cộng thêm chứng câm điếc lên để duy trì sự sống cho một đại gia đình đông con như nhà em Say đã phải thay bố mẹ làm “ trụ cột “ từ năm em học lớp 5. Để có tiền bố em thường lết vào rừng cố gắng đốn từng cây tre khô, đẵn từng cây rừng đã chết vì thối gốc thành từng đoạn sau đó buộc vào người Say thằng bé tự lôi từng đoạn tre, củi xuống sau đó bố em lại bó vào thành bó để em đem vào bản đổi lương thực, ngày nào mưa gió không có củi đổi thằng bé tự lên đồi hái rau rừng đun lên cả nhà ăn qua ngày. Những ngày mẹ em thấy khỏe trong người, cơn đau bụng không hành hạ chị lại lên nương người ta tìm những cây ngô nào còn sót hạt sót bắp, cả những cây đã bị đốt cháy nếu có bắp bị xém rồi vẫn lấy về đún nấu cho lũ trẻ ăn. Mặc dù gia đình có hoàn cảnh khó khăn như vậy nhưng Say rất cố gắng bám lớp bám trường cùng các bạn đền điểm trường có các thầy cô giáo cắm bản đến dạy. Hôm nào chỗ ngồi của Say trống là cô giáo biết ngay chắc chắn phải là lí do bất đắc dĩ thì cậu học trò nhỏ kia mới không đi học. Lên đến cấp II, biết được hoàn cảnh của gia đình em các thầy cô giáo ai cũng dành cho em một tình cảm “ đặc biệt “. Ngày nắng cũng như ngày mưa, từ bản em tới trường trung tâm phải mất 7km đi bộ, đường đi lại còn nhiều khó khăn nhưng cậu học trò nhỏ vẫn kiên trì tới lớp. Có hôm vắng Say tôi hỏi các bạn cùng bản gần nhà em lí do Say không đi học và câu trả lời tôi nhận được là: “ Mẹ bạn ấy ốm lắm cô ơi, em út bạn còn nhỏ nên Say phải bế em để mẹ nằm “. Quả thực với một đứa trẻ 12 tuổi đã có thâm niên trở thành trụ cột chính của gia đình gần 3 năm khiến tôi không khỏi xót xa. Cũng vì cái nghèo, sự thiếu hiểu biết của bố mẹ em đã khiến em sớm phải bươn trải và trưởng thành hơn các bạn đồng trang lứa. Cảm phục sự hiếu thảo biết nghĩ của em tôi đối với cha mẹ bao nhiêu tôi lại ngưỡng mộ sự hiếu học của cậu học trò nghèo. Đến lớp bị các bạn mang ra trêu trọc cái biệt danh gia đình đông con nhất xã Say chưa bao giờ nổi cáu, em chỉ thể hiện sự bất bình của mình bằng ánh mắt nhẫn nhịn và bỏ đi chỗ khác. Thế rồi, gần cuối năm học Say nghỉ học tới 3 ngày qua bạn cùng bản tôi biết được em út Say mới mất vì bệnh lí. Cùng một vài thầy cô giáo tới thăm nhà, có lẽ người linh hoạt nhất và cũng là người thay bố mẹ trả lời câu hỏi của các thầy cô vẫn là cậu bé Say bé bỏng của tôi. Bố mẹ em chẳng ai biết tiếng phổ thông. Ra vườn thấy có đôi dê đang được cột vào gốc cây. Chúng tôi biết đó là quà của mạnh thường quân tặng gia đình em để gia đình có thể  nuôi chúng biết đâu sau này đôi dê ấy sẽ sinh sôi nảy nở những đứa con. Nhìn đôi mắt buồn của cậu học trò nhưng ở đó vẫn ánh lên sự cương nghị và niềm hi vọng về ngày mai tôi cùng các thầy cô vội quay đi lau những giọt nước mắt. Ngày hôm sau Say lại đến lớp, sự cần cù chịu khó của em chính là một tấm gương để chính tôi cũng như những học sinh khác trong lớp, trong trường soi vào. Các thầy cô giáo nhà trường luôn lấy em là một minh chứng gần gũi nhất, thân thương và thực tế nhất để giáo dục học sinh khác khi các em chưa có sự cố gắng trong học tập cũng như động viên những em có ý định bỏ học giữa chừng. Một mùa xuân mới lại về trên quê hương vùng cao. Khi nhà nhà sắp đón chờ một cái Tết của năm 2020 đoàn viên ấm cúng thì tin dữ lại đến với chúng tôi. Mẹ của Say lại trở bệnh đau dạ dày sau một thời gian dài nhận sự giúp đỡ của cô giáo cấp I từng dạy em thường xuyên mua thuốc và bệnh được đẩy lui. Mẹ ốm, mọi gánh nặng gia đình tiếp tục đặt lên đôi vai cậu bé nghèo khi phải một mình lo cho các em thay mẹ. Vậy mà, khi cả nước đang đồng tâm một lòng chống dịch bệnh Covid – 19 thì mẹ Say mất mất sau một cơn đau dạ dày cấp tính khi mà chưa kịp được đưa tới bệnh viện huyện. Một cuộc quyên góp, ủng hộ gia đình em lại diễn ra. Có lẽ sau nhiều biến cố, mất mát đi những người thân yêu, cậu học trò nhỏ đã ít nói nay lại càng ít nói hơn. Say đến lớp lặng lẽ và thường ánh đôi mắt buồn xa xăm nhưng khi được cô giáo hỏi thăm động viên em vẫn câu trả lời cũ: “ Con vẫn sẽ đi học, sẽ giúp bố nhiều hơn trong việc trông em,…”.

Mới chiều hôm qua, sau đợt nghỉ dịch dài các em học sinh trường tôi lại đến trường đi học. Vừa bước vào lớp tôi lại hướng ánh mắt về phía bàn Say ngồi. Em ngồi đó, hai má ửng đỏ vì thời tiết nóng nực. Hỏi thăm về gia đình thời gian này có gì đặc biệt, Say lại bẽn lẽn thỏ thẻ trả lời cô giáo: “ Bố em bây giờ khó di chuyển vì béo quá không đi lại được,…”. Sau câu nói của thằng bé là tôi biết những khó khăn sẽ nối tiếp khó khăn với cuộc sống gia đình em sau này. Rất may, nhà Say được hưởng chế độ trợ cấp của nhà nước cho đồng bào dân tộc Mông các em ở những bản đặc biệt khó khăn. Nhưng vì bố em không thể đến trường nhận trợ cấp sau các đợt chi trả từ nhà trường nên cô giáo chủ nhiệm của em đã đề đạt nhà trường có cách giải quyết hợp lí bới Say còn quá nhỏ cho việc cầm tiền chi tiêu trong nhà. Hội đồng trường sau khi bàn bạc thống nhất đã đưa ra giải pháp đó là cô giáo chủ nhiệm sẽ đại diện cầm tiền cùng Say sang quỹ tín dụng xã gửi tiền vào đó giúp em. Hàng tháng cô lại cùng Say đi lấy một khoản nhất định để trang trải mua nhu yếu phẩm cần thiết của gia đình… Đầu tháng 7 vừa qua, có dịp lên điểm trường Tà Đứng – Nơi định cư của gia đình cậu học sinh Say bé nhỏ để nghiệm thu cùng các thầy cô điểm trường nơi đây khối 5 sắp bước vào lớp 6. Điểm trường chỉ có 8 em học sinh, một cậu bé ngọng líu ngọng lô đọc không rõ tiếng khiến tôi đặc biệt chú ý. Đó là em trai của Say, thằng bé cũng bị khuyết tật bẩm sinh. Cô giáo chủ nhiệm lớp 5 của em chia sẻ: “ Buồn lắm em ạ, nhà chỉ có thằng cu Say là nhanh nhẹn nhất nhà, thằng bé này bố nó xác định con chỉ học hết lớp 5 vì nó khuyết tật nặng lắm, sau năm học này con sẽ ở nhà cùng bố trông 2 em nhỏ, chỉ cu Say đi học thôi”. Quả thực nếu cứ thuận theo gia đình thì chắc chắn thằng bé sẽ nghỉ học vậy nên thầy hiệu phó phụ trách cấp I của trường đã đến nhà vận động và giải thích thêm cho bố Say hiểu: “ Nếu nghỉ học con còn quá bé, nó chưa biết làm gì, chi bằng bố cứ cho con đến trường học cấp II cùng anh, có anh cùng học con sẽ cố gắng và đi học con còn được nhà nước trợ cấp, gia đình cũng sẽ bớt khó khăn,…”. Năm học mới 2020 – 2021 nhà trường đã làm thủ tục nhập học cho em của Say, cậu bé đã theo anh đi học tại trường THCS Chiềng Sung, cùng anh học cấp II. Mới tuần đầu đi học gương mặt hai anh em vui lắm vì lại được đến lớp cùng bạn bè. Giờ ra chơi thỉnh thoảng Say lại chạy xuống lớp học của em trai để động viên vì biết cậu em nhút nhát. Cuộc sống đã đặt ra cho Say thật nhiều thử thách, nhưng tôi tin em sẽ là một tấm gương cho sự vượt khó, là cậu bé học sinh cương nghị nhất mà bà con là đồng bào dân tộc Mông nơi em sinh ra may mắn có được đồng thời sự cố gắng của em sẽ có sức lan tỏa mạnh mẽ để các em học sinh khác trong bản trong trường coi là một tấm gương để các em tự hoàn thiện mình. Em chính là một hình ảnh đẹp để tôi hay bất cứ ai trong cuộc đời này mỗi khi nhìn vào sự cố gắng của em để thấy rằng mình thật may mắn và sống thật xứng đáng với sự may mắn ấy. Năm học mới 2020 – 2021 mới bắt đầu, nhìn cô giáo chủ nhiệm của Say đang hướng dẫn con về thông báo với cô ruột chuẩn bị hoàn thiện hồ sơ để hai anh em hưởng chế độ của nhà nước dành cho đồng bào dân tộc Mông ở bản đặc biệt khó khăn của xã nhà tôi vừa mừng vừa thương. Mừng vì Say cùng em trai luôn nhận được sự ưu tiên đặc biệt của các thầy cô, thương vì con thật thiệt thòi so với nhiều bạn cùng trang lứa. Bất giác tôi lại nhớ tới  những câu thơ của nhà thơ Lưu quang Vũ: “ Nếu cuộc đời này toàn chuyện xấu xa – Tại sao cây táo lại nở hoa ? “. Nhìn vào sự cố gắng không ngừng của cậu học trò nhỏ càng củng cố thêm cho một cô giáo như tôi về “ phép màu “ sẽ diễn ra sau sự nỗ lực và vươn lên trước khó khăn thử thách.

Phạm Thị Yến

Giáo viên trường tiểu học và trung học cơ sở xã Chiềng Sung – huyện Mai Sơn – tỉnh Sơn La


Có thể bạn quan tâm