April 25, 2024, 8:02 am

Hạt cơm*

Hạt Cơm là con gái của Lưu Nói Lắp. Lưu Nói Lắp tên gọi Lưu Bát. Lưu Bát nói lắp, nên người ta trước mặt thì gọi ông ta là Lưu Bát, còn sau lưng thì gọi ông ta là Lưu Nói Lắp.

Lưu Nói Lắp đã mất vợ, chỉ còn con gái là Hạt Cơm, hai cha con nương tựa vào nhau. Ông ta mở một quán ăn vặt ở khu Ngã ba sông, chỉ bán độc một món là bánh canh. Ở sau lưng, người ta lại gọi món bánh canh của ông ta là “món nói lắp”.

Lưu Bát nói lắp ghê gớm, nên việc đón khách đặt món trong quán đều giao cả cho Hạt Cơm đảm đương.

Từ khi còn nhỏ, lúc mắt chỉ vừa đủ nhìn được mặt bàn, Hạt Cơm đã giúp cha mình bưng bát, quét dọn, bê ghế, kê bàn, tiếp đón khách ăn, làm cho đến năm mười chín tuổi, vẫn tiếp tục làm. Bây giờ cô làm việc còn vì một chuyện, ấy là để dành của hồi môn cho chính mình. Hàng xóm có ông đồ họ Quách dạy trường tư, thấy Hạt Cơm là cô gái tốt bụng, giỏi giang, ngoan ngoãn lại chân chỉ, nên muốn hỏi làm dâu, cho con giai mình. Thầy đồ Quách biết gia cảnh nhà Lưu Bát cũng khó khăn, nên không để Lưu Bát phải bỏ tiền, nhưng gả con gái đi làm dâu sao có thể không cho của hồi môn? Thế nên phải gắng sức mà làm để kiếm thêm chút tiền.

Quán hàng ăn của Lưu Bát nằm ở chỗ giao cắt giữa hai con phố nhỏ bên sông, rất đông người qua lại, quả là một địa điểm tốt để mở cửa hàng. Ông ta chỉ có một gian nhà để ở, bên ngoài dựng lán bắc nồi kê bàn, lại sắp mấy bộ bàn ghế nữa, thế là thành một cái quán nhỏ. Ngày hè là quán ăn tại chỗ, mùa đông quay chiếu bên ngoài, ngăn gió lạnh, lại là một tiệm đồ ăn vặt.

Bánh canh chẳng qua là dùng bánh tráng nướng cắt nhỏ rồi nấu lên, bên trên bthêm chút gia vphliu. Nhưng người Thiên Tân làm món ăn vặt cũng rất động não, đồ ăn không đắt lại dễ ăn đến no đến đã thì thôi. Quán ăn nhỏ của Lưu Bát tuy đến cái tên gọi cũng không có, nhưng cả ngày người ra kẻ vào rất ít khi được rảnh rỗi. Bên sông nên rất đông những chân sào, phu khuân vác, cứ đói là lại vào gọi một bát, ăn uống xì xoạp ngon lành, no rồi thì đi.

Một hôm, có hai người mặc áo chùng tới quán, những cái quán nhỏ, tiệm con thế này, rất ít khi có những khách hàng ăn vận như thế tìm đến: quần áo sang trọng, da dẻ trắng trẻo mịn màng, đưa chân chỉ tay đều rất nho nhã. Cái vẻ nho nhã ấy, chẳng phải học mà được, đặc biệt là vị khách dáng người dong dỏng hơi gầy, mi thanh mục tú, nét mặt tươi cười, lại còn quay nhìn khắp bốn phía xung quanh không biết chán, thấy cái gì cũng đều như mới mẻ hiếu kỳ. Họ là người buôn bán ư? Không giống. Những người buôn bán đều ra bộ hào phóng, ăn to nói lớn lắm. Nói họ là học trò, thì lại không sát thực, đặc biệt là người cao gầy kia, tay cầm một cây quạt, lúc xòe ra, khi gập lại, làm bằng gỗ đàn hương, gắn tua ngù, một mặt đề thơ, một mặt có tranh, vô cùng sang trọng.

Hai người bước vào quán, chọn một cái bàn sát phía ngoài. Hạt Cơm lập tức chạy vù tới trước bàn nhanh như một con chim nhỏ, hỏi họ muốn ăn gì, ăn bao nhiêu. Người cầm quạt ngước nhìn Hạt Cơm, ánh mắt sáng lên. Hạt Cơm vốn là một cô gái ai thấy cũng yêu mến. Chớ tưởng chẳng phải là khuê nữ nhà đại gia, chẳng phải là cành vàng lá ngọc, chẳng tô son điểm phấn, dẫu không có hoa dung nguyệt mạo, muôn xinh ngàn đẹp, nhưng Hạt Cơm lại thanh nhã thuần khiết tựa như một cái cây con, một bông hoa nhỏ, một chú chim, một con thỏ vậy. Ngày ngày làm việc, chẳng yếu chẳng gầy, phơi nắng giãi gió, vẻ mặt hồng hào. Lớn lên bên cha, luôn là con gái ngoan. Tiếp đón khách hàng, đều ôn hòa chu đáo. Nhìn bộ dạng cô gái ấy, rõ ràng là một người con gái đất Thiên Tân chính cống, duy có khóe mắt cong cong, cái mũi hơi hếch, cùng cái cằm hơi nhọn là lộ ra một chút dáng vẻ con gái Giang Nam. Người ta bảo mẹ của Hạt Cơm là người Dương Châu.

Hạt Cơm áo thô đai vải, dải thắt lưng bằng vải đỏ bạc màu buộc ngang eo, búi tóc đen nhánh quấn trên đỉnh đầu, cái trâm cài là một cành đào đang có hoa, nhưng vẻ thuần khiết tự nhiên ấy, thì những trâm vàng trâm bạc trên thế gian này đều phải chịu thua ở hạng dưới.

Hai vị quan khách vừa chọn món ăn xong, Hạt Cơm tức khắc bưng bánh canh lại. Người cầm quạt hỏi cô:

“Cô nương, ta thấy bao nhiêu người ra kẻ vào thế này, mỗi người gọi một món khác nhau, mà cô đều nhớ được rõ ràng, không bị nhầm lẫn ư?”

“Cha tôi nói, nếu để tâm thì không nhầm lẫn được.” – Hạt Cơm nói.

Người cầm quạt gật đầu, nói: “Câu này rất hay.” Ông ta thuận miệng ăn một miếng, lại nói – “Món bánh canh này của nhà cô mùi vị rất đặc biệt, so với lần trước ta ăn trong thành thì ngon hơn nhiều.”

“Là do cha tôi làm rất kỹ. Bột gạo phải nấu cho thật sánh đều vừa độ, nướng bánh phải vàng tới không để cháy, hành, rau, ớt đều được cha tôi tuyển lựa kỹ càng. Nếu như các ngài ăn thấy điểm nào không hợp khẩu vị, tôi sẽ đi nói với cha tôi.” – Hạt Cơm nói.

“Khó mà trách được cha cô, một món ăn vặt thế này mà còn dụng tâm dụng lực đến vậy.” 

“Cha tôi bảo, món ăn không đắt thì khẩu vị càng không thể để không ngon. Không ngon thì khác nào lừa tiền của người ta.”

Hạt Cơm nói xong, mỉm cười rời đi, khiến người cầm quạt ấy rất lấy làm tán thưởng. Đúng thực là người tốt vốn đều ở trong dân chúng mà ra.

Một lát thì hai người ấy ăn xong, người cầm quạt bảo người đi cùng với mình lấy ra hai mươi đồng tiền đồng để lên mặt bàn. Hạt Cơm đến dọn bát thu tiền, vừa thấy số tiền nhiều gấp mười lần giá hai bát bánh canh, vội vàng xua hai bàn tay nhỏ trắng hồng, liên tục nói không thể nhận được. Người cầm quạt nhất quyết đưa cho bằng được, rồi quay người định đi. Hạt Cơm chỉ còn cách gọi cha ra.

Ai ngờ, Lưu Bát ra rồi cũng xua tay không nhận. Ông ấy vốn bị nói lắp, càng gấp, càng muốn nói, càng nói không ra câu. Người cầm quạt chợt hỏi Lưu Bát: “Ta nghe thấy ông gọi con gái là Hạt Cơm, vậy chứ tên thật của cô ấy là gì?”

Lưu Bát nghe xong chỉ lắc đầu.

Gặp những lúc Lưu Bát không nói nổi ra câu, thì Hạt Cơm đều phải trả lời thay cha. Cô bảo:

“Tôi không có tên thật gì khác, chỉ gọi là Hạt Cơm thôi.”

“Cái tên Hạt Cơm này thật đặc biệt, vì sao lại gọi là Hạt Cơm?”

Hạt Cơm nhíu chặt hai mày, tựa hồ có điều khó nói muốn giấu, nhưng thấy đối phương thành tâm hỏi han, cuối cùng cô cũng nói ra. Vốn là khi Hạt Cơm ra đời, mẹ cô bị khó sinh, bụng không được ăn gì, người chẳng có sức, tưởng chừng cô sắp phải kẹt lại, bị chết trong bụng mẹ đến nơi. May sao cha cô cạo dưới đáy nồi được mấy hạt cơm, đút cho mẹ cô ăn, nên mới sinh được ra cô. Sinh xong thì mẹ cô đã lực tận khí tuyệt qua đời. Cha cô cảm tạ những hạt cơm đã cứu được một mạng cho cô nên mới gọi cô là Hạt Cơm.

Hạt Cơm nói đến đó thì nghẹn ngào không nói nên lời, nước mắt tuôn rơi.

Người cầm quạt lấy làm cảm động, bèn nói với Lưu Bát: “Ta rất mến cô bé này, nên sẽ nhận nó làm con gái nuôi. Ta biết chút tiền ngày hôm nay nhất định hai người sẽ chẳng chịu nhận, vậy ta sẽ thu lại là được. Sau này, nếu các người gặp phải chuyện gì khó xử, thì cứ việc đến tìm ta. Ta ở trên kinh thành.”

Hạt Cơm nói: “Kinh thành rộng lớn như vậy, biết tìm ngài ở đâu?”

Người cầm quạt ngẫm nghĩ hồi lâu, rồi cười bảo: “Các người cứ tìm nhà nào có bậc thềm cao nhất, tìm thấy nhà có bậc thềm cao nhất thì sẽ tìm thấy ta. Nếu những kẻ canh cửa không cho ngươi vào, thì ngươi đưa cái quạt này ra cho chúng xem …”  - ông ta đưa cây quạt quý trong tay cho Hạt Cơm, bảo – “… thì chúng tất sẽ để ngươi vào gặp ta.”

Nói xong, hai người cáo từ rồi đi.

Câu chuyện ấy nghe như chuyện đùa, nhưng cây quạt trong tay thì rõ ràng là thật. Xem kỹ nan quạt thấy được chạm khắc tinh xảo, lại còn bọc ngà đính ngọc, chẳng phải quạt thường. Hai người ấy là ai nhỉ? Nhìn bộ dạng vô cùng phú quý, nhưng những người như vậy làm sao lại đến cái quán ăn cỏn con này mà ăn bánh canh, lại làm sao chịu nhận Hạt Cơm – đứa con gái nhà nghèo này làm con gái nuôi? Chuyện này chẳng thể đem hỏi ai được. Hai cha con họ không biết chữ, những chữ đề trên quạt đều chẳng đọc được. Họ cũng không dám đem câu chuyện không đâu vào đâu này nói với người ngoài, thậm chí là cả với ông đồ họ Quách “thông gia” ấy họ cũng không dám nói, chỉ còn biết đem cái quạt cất kỹ đi một chỗ, khi nào có việc cần thì mới nói sau.

Một năm sau, Hạt Cơm vẫn chưa lấy chồng, còn chưa gom đủ tiền hồi môn. Hai cha con sau khi bàn đi tính lại với nhau bèn cùng lên kinh thành, đi tìm người cha nuôi không biết họ tên ấy của Hạt Cơm. Mục tiêu trong lòng vô cùng rõ ràng: cứ đi tìm xem nhà nào có bậc thềm cao nhất. Nhưng khi hai cha con đến được kinh thành rồi, đi suốt ba ngày trời, đến hoa mắt chóng mặt, mà kinh thành khắp nơi đều có những nhà với bậc thềm cao, biết tìm thế nào? Hạt Cơm rất thông minh, bảo cha: “Cha ạ, chúng ta phải đếm bậc thềm thôi. Không đếm thì biết làm sao biết được nhà nào có bậc thềm cao nhất?” Thế là hai cha con đi đếm bậc thềm ở kinh thành, đếm đến ngày thứ bảy, cuối cùng đếm đến một tòa nhà sâu sân rộng, bậc thềm cao nhất, ngoài cửa có rất nhiều quân lính vác đao cầm thương đang đứng. Lưu Bát ngóng nhìn tòa nhà, hít sâu một hơi nói: “Cha mẹ ơi! Đây đừng có là nhà của hoàng thượng đấy nhé!”

Hạt Cơm không sợ. Đi tìm cha nuôi thì có cái gì mà sợ? Cô tiến lại nói với đám lính, rằng mình muốn gặp cha nuôi. Việc cô vừa nói, nghe cứ kỳ lạ như mắt mọc ở mũi, lại tựa như vô căn vô cứ, người ta nghe xong đều không hiểu ra sao. Nhưng khi cô lấy cái quạt ra thì rõ ràng là thật rồi. Quan binh canh cửa thu lấy cây quạt, hỏi rõ ràng xem Hạt Cơm đang ở chỗ nào tại kinh thành, rồi bảo cô quay về đó đợi tin.

Hai cha con Hạt Cơm ở quán trọ nhỏ đợi đến trưa ngày thứ ba mà vẫn chưa có tin tức gì. Sau khi ra ngoài ăn cơm trở về thì thấy ông chủ quán trọ chạy lại đón hỏi họ đã gây ra chuyện gì ở kinh thành, rồi lại nói: vừa có bốn viên quan sai đến tìm họ, không nói là vì việc gì, nhưng trông bộ dạng dữ dằn lắm.

Hai cha con trước nay chưa từng có việc với quan binh, nên vừa nghe thấy vậy đã sợ đến run người. Vốn cái chuyện nhận con gái nuôi năm ngoái đã thấy kỳ quặc lắm rồi, chớ để lại gây họa nữa. Hai cha con bàn bạc với nhau, rồi vội vã trả phòng quay về Thiên Tân.

Kinh thành cách Thiên Tân hơn hai trăm dặm, hai cha con Hạt Cơm không dám bắt xe, cũng không đi đường lớn mà đi đường nhỏ, suốt ba ngày mới về tới nhà. Đến nhà, lại nghe láng giềng nói: Hôm trước có người của nha môn huyện đến tìm họ, lại nói bất kể ai trông thấy họ cũng phải mau chóng báo quan ngay. Lưu Bát cảm thấy dường như quan phủ đã có thông báo cho tìm bắt họ. Hàng xóm lại hỏi hai cha con họ đã phạm vào việc gì, nhưng họ không nói được rõ ràng, chẳng phải chỉ có Lưu Nói Lắp sợ hãi đến nói không ra lời, mà ngay cả Hạt Cơm cũng không nói được rõ. Hơn nữa cứ vướng đến việc quan là họa vô cùng, tình hình hiện nay rất đáng sợ, chi bằng “ba mươi sáu chước chước chuồn là hơn”.

Lưu Bát nói, một người dễ nấp, hai người khó ẩn, nhà người cô của Hạt Cơm có chị họ xuất gia đi tu trong một am ni cô nhỏ ở phía tây thành, bốn bề là nước, rất vắng vẻ, bèn đưa Hạt Cơm đến đó ẩn nấp, còn mình thì trốn trong nhà một người họ hàng xa ở trấn Lô Đài.

Nhưng sự tình không dừng lại ở đó. Nghe nói, một hôm bỗng có toán người của quan gia, khua chiêng gõ trống kéo tới bên ngoài am ni cô ở phía tây thành, đến trước cửa họ bèn bắc thang lên treo biển ngạch cho am. Biển gỗ nền xanh ba chữ vàng: “Hoàng Cô Am”, viết rất ngay ngắn trang trọng. Hoàng cô là ai? Là chị em của Hoàng thượng chứ gì nữa. Toán người ấy còn khiêng đến một cỗ kiệu, một viên quan lên tiếng rằng: Đương kim hoàng thượng muốn đón Hạt Cơm vào cung.

Chẳng ai hiểu là chuyện gì cả.

Cổng am lạch cạch mở ra, từ bên trong một ni cô chừng hơn bốn mươi tuổi, đã xuống tóc quy y, mặc bộ cà sa giản dị bước ra, nhưng không phải Hạt Cơm. Bà nói, trong am chỉ có một mình mình, còn cô nương tên gọi Hạt Cơm ấy chỉ tá túc ở đó mấy hôm, đã được cha mình đón đi rồi. Còn đi đâu thì chỉ có trời biết đất biết mà thôi.

Từ đó, am ni cô nhỏ ấy có tên là “Hoàng Cô Am”, biển ngạch của hoàng thượng treo, chẳng ai bỏ xuống được. Nhưng vì sao lại gọi là “Hoàng Cô” thì dần dà đã chẳng có ai giảng giải được rõ ràng cả.   

Châu Hải Đường dịch

_______

1. Rút từ tập Tục Thế Kỳ Nhân, Tao Đàn và NXB Hội Nhà Văn xuất bản tháng 7 năm 2022

Nguồn Văn nghệ số 44/2022


Có thể bạn quan tâm