April 25, 2024, 1:34 am

Hát cho mây nước biết

                                                       

Vào những ngày này, khi Trung Quốc lại đưa tầu thăm dò dầu khí vào Bãi Tư Chính, lãnh hải thiêng liêng thuộc phía Nam Quần đảo Trường Sa, tôi lại nhớ đến Trần Đăng Khoa, với những tác phẩm viết về một vùng sóng gió này. Đúng như Trần Đăng Khoa nói, đây là vùng thiêng liêng nhất, mong manh nhất, vất vả gian nan nhất. Nếu đất nước có những biến động thì chắc chắn sẽ bắt đầu từ miền sóng gió khốc liệt này.

Hãy cùng tìm vẻ đẹp của bài thơ Lính đảo hát tình ca trên đảo để cảm nhận sự mới mẻ này trong thơ Trần Đăng Khoa khi anh rời xa “góc sân” để đến với “khoảng trời” đầy bão tố - Trường Sa và Biển Đông.

 Có thể nói, Trường Sa luôn là sự trăn trở đối với mỗi người Việt Nam yêu nước dù ở trong nước hay ở bất kỳ bến bờ nào trên trái đất. Nằm trong tầm ngắm của Trung Quốc, Trường Sa chưa bao giờ bình yên. Nói điều này để thấy được những vất vả của người lính đảo khi đang phải nắm trong mình trọng trách lớn lao là bảo vệ vững chắc vùng lãnh hải đầy dữ dội của đất nước này. Vất vả là thế, khó khăn là thế, nhưng sự lạc quan chưa bao giờ tắt trong ý chí của mỗi người lính đảo. Trần Đăng Khoa rất tinh tế khi nhận ra điều này.

Đá san hô kê thành sân khấu

Vài tấm tôn chôn mấy cánh gà

Em đừng trách bọn chúng anh tạm bợ

Chẳng phông màn nào chịu nổi gió Trường Sa

            Chỉ qua mấy câu thơ mở đầu, tác giả đã đưa ta hoà nhập ngay với đời sống lính, ngôn ngữ lính và những khốc liệt của thiên nhiên ở nơi đây. Tuy nhiên, họ vẫn rất lạc quan, yêu đời, vượt lên mọi hoàn cảnh để làm chủ thiên nhiên. Và một trong những niềm vui của họ là ca hát. Họ kê đá san hô làm sân khấu, lấy tấm tôn làm cánh gà. Có lẽ không ở đâu có cái sân khấu kỳ dị như vậy. Ở đây, Trần Đăng Khoa đã cho chúng ta thấy sự sáng tạo của những người lính đảo khi phải sống xa đất liền. Không chỉ khó khăn, thiếu thốn, mà còn khắc nghiệt nữa. Câu thơ cuối trong khổ đầu bài thơ đã cho chúng ta hiểu điều này. “Chẳng phông màn nào chịu nổi gió Trường Sa”.

            Để đặc tả gió, Trần Đăng Khoa đưa ra một chi tiết thật đắt:

Gió rát mặt, đảo luôn thay hình dáng

Sỏi cát bay như lũ chim hoang

            Và như thế, gió bình thường cũng đã thành trận lốc. Gió rát mặt, sỏi và cát thì bay như lũ chim hoang. Câu thơ chỉ tả gió mà ta lại thấy được cả hòn đảo. Trường Sa là đảo cát. Hình dáng đảo thay đổi mỗi ngày theo sự bóp nặn của sóng và gió. Thiên nhiên khốc liệt đến mức: “Đến một cái gai cũng không sống được”. Cây cối không giữ được hình dáng, phải biến thành gai để chống chọi với thiên nhiên. Nhưng đã hoá thành gai rồi mà vẫn “không sống được”. Thế mà con người vẫn lẫm liệt sống. Không sức mạnh nào hay kẻ thù nào tiêu diệt được. Trong Đợi mưa trên đảo Sinh Tồn, Trần Đăng Khoa còn khẳng định: Chúng tôi như hòn đá ngàn năm, trong đập trái tim người / Như đá vững bền, như đá tốt tươi… Ở đây, trước thiên nhiên và kẻ thù tàn bạo, chúng tôi đã thành đá. Nhưng không phải đá đâu. Người đấy. Vì trong đá đang đập trái tim của một con người, nhờ thế, đá mới vững bền, đá mới tốt tươi. Bây giờ cũng vậy, những “chướng ngại vật” đó không hề cản được tinh thần lạc quan, yêu đời của các chiến sĩ. Họ vẫn hào hứng và bất chấp:

Cứ mặc nó. Nào hỡi các chiến hữu

            Ta bắt đầu thôi. Mây nước đã mở màn

            Hai câu thơ với nhịp ngắt đột ngột 3/5 và 4/5. Đúng là ngôn ngữ lính. Ngang tàng. Khoẻ khoắn. Đặc biệt câu đầu toàn thanh trắc. Câu sau, những chữ cuối, trước dấu chấm đều thanh bằng, mở ra một khoảng không gian bát ngát. Hoá ra các nghệ sĩ lính có đến hai sân khấu. Một sân khấu do họ tạo ra từ đời sống khắc nghiệt. Một sân khấu do ông giời dựng: Sân khấu là nước. Phông màn là mây: Mây nước đã mở màn. Người lính đang ở đảo, hay giữa cõi bồng lai đây? Chẳng có nhà hát nào kỳ vĩ được đến như thế. Vậy họ diễn gì?

Sân khấu lô nhô mấy chàng đầu trọc

Người xem ngổn ngang cũng rặt lính trọc đầu

Nước ngọt hiếm không lẽ dành gội tóc

Lính trẻ lính già đều trọc tếu như nhau

            Thật bất ngờ. Khi mây nước đã mở màn có nghĩa là buổi biểu diễn bắt đầu. Nhân vật chính của buổi biểu diễn mà người xem chờ đợi lại là hình ảnh “mấy chàng đầu trọc”. Phía dưới sân khấu là những người xem, lại cũng ngổn ngang “rặt lính trọc đầu”. Đọc đến đây, ta lại nhớ đến “đoàn binh không mọc tóc” trong bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng. Nếu như “đoàn binh” của Quang Dũng “không mọc tóc” vì bị sốt rét, tóc rụng, không mọc được thì những chàng lính đảo của Trần Đăng Khoa lại tự chủ động cạo “trọc đầu” để tiết kiệm nước ngọt gội đầu. Gội nước muối, tóc bết, rất ngứa, nhất là những người không phải ở miền biển. Thật xót xa khi tóc của các anh đang xanh đẹp thế mà phải cắt đi. Câu thơ mang tính hài hước song cũng chạm đến một thực tế rất vất vả, thiếu thốn của những người lính đảo những năm trước đây. Phải là một người đã kinh qua thực tế, đã cùng nếm trải những đắng ngọt với người lính đảo mới viết được những câu thơ chân thực đến thế. Mặc dù khó khăn nhưng các chàng lính đảo vẫn luôn tếu táo:               

Có lúc vui cứ gọi đùa sư cụ

Là bà con xa với Bụt đây mà

Thôi lặng yên nghe … có gì đang sóng sánh

Hóa ra là sư cụ hát tình ca

            Vì trọc đầu nên các chàng lính đảo thường trêu nhau là sư cụ - lại kiêu hãnh, tự khoe “bà con xa với Bụt”. Ta hãy xem các “sư cụ” hát gì?:           

Những giai điệu ngang tàng như gió biển

Nhưng lời ca toàn nhớ với thương thôi

Đêm buông xuống nhìn nhau không rõ nữa

Cứ ngỡ như vỏ ốc cất thành lời

Câu thơ trần trụi, hài hước, ta có thể bật cười, và ngay sau nụ cười, ta có thể ứa nước mắt vì thương cảm. Người lính không tu mà hoá tu. Giai điệu thì ngang tàng. Nhưng nội dung toàn những thương với nhớ. Nhớ em! Em nào? Một thế giới của yêu đương, rất lãng mạn, mà cũng rất cụ thể:

Rằng có đêm trăng dắt em đi dạo

Gương mặt em dịu dàng, hàng cây cũng tươi xinh

            Hoá ra đó chỉ là giấc mộng. Một giấc mơ khi đang thức. Còn sự thật lại không phải thế:

Mở mắt chung chiêng lưng trời sóng vỗ

Và tay mình lại nắm lấy tay mình…

            Rất bất ngờ và cũng rất thương cảm. Người lính càng vui, chúng ta càng thương họ đến bội phần, khi họ cất lên tiếng gọi của con tim tràn đầy sức sống:

Người yêu chúng anh ơi, các em ở phương nào

Tóc em ngắn hay dài có trời mà biết được

Những bóng dáng nào sẽ đến với chúng anh

Trông bốn phía chỉ âm u mây nước

            Câu thơ đã cho thấy khát khao yêu thương của những người lính đảo. Họ vẫn chờ, vẫn đợi, vẫn mơ tưởng đến những người con gái mà họ nghĩ rằng các em đang đến với họ.

Nào hát lên cho mây nước biết

Rằng chúng ta là những con người

Yêu em thủy chung hơn muối mặn

Dù thư tình chưa biết gửi cho ai

 

Nào hát lên cho đêm tối biết

Rằng tình yêu sáng trong ngực ta đây

Ta đứng vững giữa muôn trùng sóng gió

Tổ quốc Việt Nam bắt đầu ở nơi này…

            Hát cho mây nước biết, rồi cho đêm tối biết, chứ có em nào đâu. Rồi kiêu hãnh khẳng định: Rằng chúng ta là những con người! Ta là người chứ đâu phải gỗ đá vô tri. Người có khát vọng sống, khát vọng yêu đương, dù chỉ đơn giản nắm tay em đi dạo dưới hàng cây tình tự. Điều vô cùng bình thường, đơn giản mà ai cũng có, nhưng với người lính đảo, đó lại là mơ ước, là khát vọng vời vợi, khuất sau muôn trùng mây nước kia. Còn sự thật: Ta đứng vững giữa muôn trùng sóng gió - Tổ quốc Việt Nam bắt đầu ở nơi này…. Câu thơ thật kiêu hãnh. Sự kiêu hãnh giữa muôn trùng sóng gió. Sóng gió từ thiên nhiên khốc liệt. Sóng gió từ kẻ thù tàn bạo. Sóng gió muôn trùng. Nhưng ta đứng vững, trụ vững để đất nước vững chãi. Vì: Tổ Quốc Việt Nam bắt đầu ở nơi này. Ta chợt nhớ câu thơ của Trần Đăng Khoa viết năm 1976 khi anh lần đầu đặt chân lên Trường Sa: Anh ở đây cho đá hoang thành Tổ Quốc – Tổ Quốc ở nơi này có tên gọi Trường Sa. Ta cũng lại nhớ đến một chi tiết trong tiểu thuyết mini Đảo chìm, Trần Đăng Khoa mô tả vị Tư lệnh Hải Quân đánh xuồng vào đảo, thấy chàng lính trẻ cởi trần, bẩy từng phiến đá ở mép san hô lên đắp vào chân đảo, giữ cho cát không bị gió thổi bay. Khi vị tướng ngạc nhiên, anh lính bảo: “Dạ, chúng con đang buông neo để Tổ Quốc khỏi bị biến dạng và trôi dạt thôi ạ!”.

            Trần Đăng Khoa là thế. Trước đây, ở thời “thần đồng”, cậu bé giản dị, mộc mạc, giàu tình cảm xúc cảm, nhưng đơn giản, thường chỉ một chiều: thương bố mẹ, căm ghét giặc Mỹ, yêu bạn bè, yêu các con vật quanh nhà, từ chú trâu bị tật nguyền: “Thương con trâu mập mạp – Bom Mỹ phạt cụt đuôi – Đứng một mình ủ rũ – Chẳng có chi đuổi ruồi”, đến cây bưởi, chim muông, giàn trầu: “Trầu ơi hãy tỉnh lại – Mở mắt xanh ra nào – Lá nào muốn cho tao – Thì mày chìa ra nhé – Tay tao hái rất nhẹ - Không làm này đau đâu…”. Bây giờ thơ anh Khoa sâu sắc, đa dạng, đa chiều, ngay trong một bài thơ, một tình huống mà tiêu biểu là bài thơ  Lính đảo hát tình ca trên đảo: vừa bi thương, vừa khoẻ khoắn, kiêu hãnh, vừa hài hước, lãng mạn, lại đầy những bất ngờ. Bất ngờ đến cả khi kết:

Điệu tình ca cứ ngân lên chót vót

Bỗng bàng hoàng nhìn lại phía sau

Ngoài mép biển người đâu lên đông thế

Ồ, hóa ra toàn những… đá trọc đầu…

            Nghệ sĩ biểu diễn thì phải hướng về phía trước, phía khán giả. Ở đây họ còn nhìn lại cả phía sau. Và họ bàng hoàng, khi thuỷ triều rút, có bao nhiêu người lên nghe hát kia. Các em đấy. “Những bóng dáng nào đang đến với chúng anh?  Nhưng không: Ồ, hóa ra toàn những…đá trọc đầu…Lính trọc đầu, hát cho đá trọc đầu nghe. Tác giả đùa. Cánh lính cũng đang đùa. Nhưng chúng ta thì ứa nước mắt vì thương vì cảm phục.

            Bài thơ ra đời khi đất nước đã hòa bình được 7 năm và đến nay, dù đã 44 năm hòa bình, nhưng Trường Sa vẫn chưa bao giờ bình yên. Những người lính đảo vẫn ngày đêm sống và chiến đấu để gìn giữ từng vốc cát vốc biển. Cám ơn nhà thơ Trần Đăng Khoa đã khắc họa đời sống và tâm hồn của người lính nơi đầu sóng ngọn gió để chúng ta thêm yêu và vững niềm tin về những con người kiên cường anh dũng đang canh giữ một vùng lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc. ..

 

 

BOX

LÍNH ĐẢO HÁT TÌNH CA TRÊN ĐẢO

TRẦN ĐĂNG KHOA

 

Đá san hô kê thành sân khấu

            Vài tấm tôn chôn mấy cánh gà

            Em đừng trách bọn chúng anh tạm bợ

            Chẳng phông màn nào chịu nổi gió Trường Sa

 

Gió rát mặt, đảo luôn thay hình dáng

            Sỏi cát bay như lũ chim hoang

Cứ mặc nó. Nào hỡi các chiến hữu

            Ta bắt đầu thôi. Mây nước đã mở màn

 

Sân khấu lô nhô mấy chàng đầu trọc

Người xem ngổn ngang cũng rặt lính trọc đầu

Nước ngọt hiếm không lẽ dành gội tóc

Lính trẻ lính già đều trọc tếu như nhau

 

Có lúc vui cứ gọi đùa sư cụ

Là bà con xa với Bụt đây mà

Thôi lặng yên nghe … Có gì đang sóng sánh

Hóa ra là sư cụ hát tình ca

 

Những giai điệu ngang tàng như gió biển

            Nhưng lời ca toàn nhớ với thương thôi

            Đêm buông xuống nhìn nhau không rõ nữa

            Cứ ngỡ như vỏ ốc cất thành lời

 

            Rằng có đêm trăng dắt em đi dạo

            Gương mặt em dịu dàng, hàng cây cũng tươi xinh

            Mở mắt chung chiêng lưng trời sóng vỗ

            Và tay mình lại nắm lấy tay mình…

 

Người yêu chúng anh ơi, các em ở phương nào

            Tóc em ngắn hay dài có trời mà biết được

            Những bóng dáng nào đang đến với chúng anh

            Trông bốn phía chỉ âm u mây nước…

 

Nào hát lên cho mây nước biết

            Rằng chúng ta là những con người

            Yêu em thủy chung hơn muối mặn

            Dù thư tình chưa biết gửi cho ai

 

            Nào hát lên cho đêm tối biết

            Rằng tình yêu sáng trong ngực ta đây

            Ta đứng vững giữa muôn trùng sóng gió

            Tổ quốc Việt Nam bắt đầu ở nơi này…

 

Điệu tình ca cứ ngân lên chót vót

            Bỗng bàng hoàng nhìn lại phía sau

            Ngoài mép biển người đâu lên đông thế

            Ồ, hóa ra toàn những… đá trọc đầu…

                                                                                                            1982

 

 

 

 


Có thể bạn quan tâm