March 29, 2024, 8:50 am

Haruki Murakami: Không viết tiểu thuyết sẽ không giết tôi

“Bậc thầy kể chuyện” nổi tiếng nhất thế giới – Haruki Muraki trong tác phẩm mới, đã nói về việc tìm ra tiếng nói, sự độc đáo trong sáng tạo và lí do tại sao ông chưa bao giờ bị… “bí ý tưởng” trong 40 năm cầm bút viết tiểu thuyết.

Sau khi Lắng nghe gió hát giành được giải thưởng văn học cho các nhà văn mới, một người bạn học cấp ba đã ghé vào quán cà phê nhạc jazz của tôi để nhận xét về cuốn sách này. Anh ta khịt mũi và rồi nói rằng: “Nếu nó đơn giản như vậy, thì tôi cũng có thể viết một cuốn tiểu thuyết.” Tất nhiên là tôi đã có khó chịu một chút, nhưng tôi cũng hiểu ý đồ của anh, rằng “Gã này có thể không hề xuất sắc. Ai cũng viết được một cái gì đó tương tự như thế.” Do đó tất cả những gì tôi làm lúc đó là ngồi và rồi đọc lại cuốn tiểu thuyết ấy. Rõ ràng là nó không có ngôn từ phức tạp, cụm từ rối rắm, phong cách thanh lịch. Tôi đã bỏ qua tất cả điều đó khi viết. Tuy nhiên tôi chưa bao giờ nghe đến người bạn cùng lớp đó có viết một cuốn tiểu thuyết. Có lẽ anh ta nghĩ mình không cần phải viết trong một thế giới mà những cuốn sách như là của tôi lại được ghi nhận. Nếu đúng như vậy, nó đã cho thấy khả năng phán đoán rất tốt từ phía anh ấy.

Tuy nhiên, khi nhìn lại, tôi thấy rằng đối với một nhà văn đầy khát vọng, viết “một cái gì đó đơn giản” có thể không hẳn giản dị như vậy. Thật là dễ dàng để nghĩ và nói về việc loại bỏ tâm trí khỏi những thứ không cần thiết, nhưng để làm được điều đó thì lại rất khó. Tôi nghĩ tôi đã thành công làm được điều đó bởi lẽ tôi chưa bao giờ bị ám ảnh phải trở thành một nhà văn, vì vậy tôi đã không bị cản trở.

Nếu thực sự có điều gì đó nguyên bản về cuốn sách này, tôi nghĩ là nó bắt nguồn từ các nguyên tắc tự do. Tôi vừa bước sang tuổi 29, không có lí do nào khiến tôi thấy như mình đang viết một cuốn tiểu thuyết! Tôi chưa bao giờ lên kế hoạch để trở thành một nhà văn và cũng chưa bao giờ suy nghĩ nghiêm túc về loại hình văn chương mà tôi nên viết, điều đó có nghĩa là tôi không có ràng buộc cụ thể nào. Tôi muốn viết một cái gì đó phản ánh những gì tôi đang cảm thấy vào thời điểm đó. Không cần phải tự ý thức. Trên thực tế, viết rất vui - nó cho tôi cảm giác tự do và rất tự nhiên.

Tôi nghĩ (hoặc hi vọng) rằng khả năng cảm thụ tự do và tự nhiên ấy sẽ là trọng tâm tiểu thuyết của tôi. Đó là điều đã thúc đẩy tôi viết. Tôi tin rằng có một niềm vui tự phát nằm ở gốc rễ của mọi biểu hiện sáng tạo.

Có lẽ có một xung lực thuần túy mang theo hình thức và phong cách riêng của sự giản đơn. Hình thức và phong cách viết, theo cách nghĩ đó, khác xa với sự giả tạo. Một người xuất chúng có thể sử dụng từng phần trong trí thông minh của mình để phát triển hình thức và phong cách viết. Họ có thể vẽ sơ đồ từng bước, nhưng nếu thiếu xung lực tự nhiên, người ta rất dễ thất bại và hoặc nếu không thất bại, thì thứ tạo ra sẽ không tồn tại được thật lâu dài. Nó sẽ giống như một cái cây cao mà rễ thì không bám sâu vào trong nền đất: nếu mưa quá ít nó sẽ mất sức và rồi khô héo, trong khi nếu mưa quá to nó sẽ cuốn đi theo lớp đất mặt.

Đây hoàn toàn là ý kiến ​​của tôi, nhưng nếu bạn muốn thể hiện bản thân một cách tự do nhất có thể, có lẽ bạn không nên bắt đầu bằng cách tự hỏi "Tôi đang tìm kiếm điều gì?" Thay vào đó thì bạn nên hỏi "Tôi sẽ là ai nếu tôi không tìm kiếm bất cứ điều gì?" và rồi sau đó cố gắng hình dung khía cạnh đó của mình. Câu hỏi "Tôi đang tìm kiếm điều gì?" sẽ luôn dẫn ta đến những vấn đề nặng nề. Cuộc thảo luận nếu càng nặng nề, thì sự tự do sẽ càng lùi xa và bước chân ta sẽ càng chậm chạp. Động tác càng chậm, văn xuôi càng kém sinh động.

Khi điều đó xảy ra, tác phẩm của ta sẽ không quyến rũ được bất kỳ ai - thậm chí là cả chính mình. Ngược lại, nếu không cố tìm kiếm bất cứ điều gì, thì ta sẽ lại nhẹ nhàng và rồi tự do như một con bướm. Tất cả những gì phải làm là mở rộng bàn tay và để nó bay. Lời nói của ta sẽ trôi chảy hơn, một cách dễ dàng. Mọi người thường không quan tâm đến việc thể hiện bản thân - họ chỉ cần sống cuộc sống của họ. Tuy nhiên, bất chấp điều đó, ta muốn nói gì trong những dòng chữ?

Tôi đã viết tiểu thuyết hơn 40 năm; nhưng chưa bao giờ có những trải nghiệm kiểu như là "bí ý tưởng". Nghe có vẻ như tôi thừa tài năng, nhưng lí do thực lại đơn giản hơn: Tôi không bao giờ viết trừ khi mình thực sự muốn, trừ khi khát khao viết lách quá lớn nổi dậy trong tôi. Khi tôi cảm thấy thứ mong muốn đó, tôi sẽ ngồi xuống và rồi viết ra. Và khi tôi không cảm thấy điều đó, tôi sẽ chuyển sang dịch thuật. Vì dịch thuật là một hoạt động mang tính kĩ thuật xét về bản chất, nên tôi có thể theo đuổi nó hàng ngày, hoàn toàn tách biệt với các mong muốn sáng tạo của tôi; đồng thời nó cũng là cách trau dồi những kĩ năng viết. Nếu có tâm trạng, tôi cũng có thể chuyển sang viết luận. Không viết tiểu thuyết sẽ không giết tôi.

Tuy nhiên, sau một thời gian, mong muốn viết bắt đầu tăng lên. Tôi có thể cảm thấy những khát khao ấy tích tụ trong mình, giống như mưa xuân tan chảy vào một con đập. Và rồi một ngày khi tôi không thể chịu thêm áp lực đó nữa, thì tôi ngồi xuống và bắt đầu viết. Lo lắng về việc các biên tập viên đang rất sốt ruột chờ đợi bản thảo sẽ không ảnh hưởng lên tôi, bởi lẽ tôi luôn không hứa hẹn bất cứ điều gì, vì vậy không có hạn chót. Kết quả là “bí ý tưởng” và tôi thường là những người xa lạ. Như bạn có thể mong đợi, điều đó làm cho cuộc sống của tôi hạnh phúc hơn nhiều.

Khi tôi nghĩ về "sự độc đáo", tôi như được đưa trở lại những ngày thơ ấu của mình. Tôi có thể thấy mình trong phòng ngồi trước chiếc đài bán dẫn nhỏ, lần đầu nghe được Beach Boys hay The Beatles. "Ồ!" Tôi nghĩ. "Cái này thật tuyệt! Tôi chưa bao giờ nghe thứ nhạc nào giống hệt như này!” Tôi rất cảm động. Cứ như thể âm nhạc của họ đã mở ra một cánh cửa mới trong tâm hồn tôi, và luồng không khí tôi chưa từng hít một cách tự nhiên đã tràn vào phổi. Tôi cảm thấy một sự an lành sâu sắc, gần với tự nhiên. Được giải phóng khỏi những ràng buộc của thực tại, cứ như thể chân tôi đã rời khỏi đất. Đối với tôi, điều này là cảm giác “độc đáo”: thuần khiết và thật giản đơn.

Nếu có thể, tôi muốn độc giả của tôi tận hưởng cảm xúc tương tự khi họ đọc sách mà tôi viết ra. Tôi muốn mở một cửa sổ trong tâm hồn họ và để không khí trong lành tràn vào. Đây là điều tôi nghĩ đến và hy vọng khi tôi viết - thuần túy và thật đơn giản.

ĐOÀN ANH TUẤN

Nguồn VNQĐ


Có thể bạn quan tâm