March 29, 2024, 9:38 pm

Hào Vũ với tiểu thuyết Mảnh khăn trắng muốt

 

Hào Vũ  là “dân” A.6 ngày nào, vừa cho ra đời tiểu thuyết Mảnh khăn trắn muốt (2 tập – Nxb Quân đội Nhân dân, 2018). A.6 là mật danh của Văn nghệ Miền (thuộc Cục Chính trị Quân Giải phóng miền Nam) thời kỳ Kháng chiến chống Mỹ, nơi những gương mặt thành danh như: Trọng Ân, Doãn Sáu, Văn Lê, Chí Thiện, Trần Ninh Hồ, Trần Mạnh Hảo, Phùng Khắc Bắc, Thái Vượng, Lê Văn Vọng, Xuân An, Trùng Khánh, Hào Vũ, Nguyên Nam, Nguyễn Ngọc Mộc, Hoàng Đình Quang, Vũ Hòa… từng có mặt và “tu nghiệp”một thời!

Mảnh khăn trắng muốt là tiểu thuyết viết về chiến tranh và người lính. Cụ thể hơn, viết về chiến tranh thời chống Mỹ và người lính Cụ Hồ những ngày chưa xa. Bối cảnh chiến trường mà tiểu thuyết đề cập tới hình như rất ít được nhắc đến trong sáng tác (kể cả sáng tác của những nhà văn áo lính từng viết về đề tài chiến tranh những năm qua). Đó là thời điểm lực lượng ta bị “đánh bật” lên mãi vùng giáp ranh Việt Nam – Cămpuchia. Họ vừa phải chiến đấu để bảo tồn lực lượng, vừa có trách nhiệm tránh cho người dân hai bên biên giới những thiệt hại tổn thất. Lực lượng ta lúc đó được người dân hai nước Việt Nam và cả Cămpuchia cưu mang, giúp đỡ rất nhiều, nhất là về chỗ trú chân và lương thực, thực phẩm, thuốc men. Vào thời điểm ấy mọi ngả đường tiếp tế của ta đều bị đối phương phong tỏa. Có thời gian cả một trung đoàn phải rút sang nước bạn vì không đủ cả súng đạn để chiến đấu. Đạn cho súng AK, chỉ được phép bắn phát một chứ không được bắn liên thanh. Đạn B.40 để bắn xe tăng càng hiếm hơn… Với người lính trận cái quan trọng nhất là súng đạn; súng đạn mà cũng cạn kiệt như vậy thì đánh đấm làm sao? Ấy là chưa kể những khó khăn chồng chất về lương thực, thực phẩm, thuốc men. Làm thế nào để đểvượt qua những con lộ chi chít họng súng kẻ thù, những trảng cỏ trống hoang mà trên đầu trực thăng địch ve vè bay lượn và những cánh rừng mịt mờ chất độc hoá học… Công tác tư tưởng chính trị (trong đó có báo chí văn nghệ) trở nên vô cùng quan trọng nhắm động viên bộ đội và nhân dân giữ vững ý chí và tinh thần chiến đấu. Bộ Tư lệnh Miền, cao hơn là Trung ương cục nhận định như vậy. Trên cái nền ấy các nhân vật của cuốn tiểu thuyết lần lượt xuất hiện, xuất hiện sống động.

Đó là những người lính nhập ngũ khi miền Bắc có lệnh tổng động viên, cụ thể là những chiến sĩ thuộc Tiểu đoàn 296 mà anh em quen gọi một cách trìu mến là “Tiểu đoàn Hải Phòng”. Qua câu chuyện của Hà, một thanh niên thành phố Hoa phượng đỏ đi bộ ròng rã nửa năm “sáu tháng trời đêm nghỉ ngày đi” mới vào được chiến trường, mà chiến trường lại đang trong tình thế khó khăn ấy!… Và với công việc là một người đưa tin viết bài cho một tờ tin của trung đoàn, Hà đã kể ra một cách chân thật và sinh động những câu chuyện của anh, của đơn vị anh

Đơn vị của anh toàn “lính trẻ măng” (là thế nên tiểu thuyết có tựa là Mảnh khăn trắng muốt chăng?) vừa mới được đưa vào chiến trường. Bài học đầu tiên khi các chàng lính trẻ từ miền Bắc đến chiến trường đồng bằng sông Cửu Long được các “cựu binh” “truyền dạy”, không phải là cách thức tác chiến mà là dạy về… giới tính. Cũng như Hà một thiếu niên vừa rời ghế nhà trường còn chưa biết cổ tay con gái tròn hay dẹt, còn hiểu mơ hồ về cái dây suchiêng ẩn hiện sau làn áo mỏng của cô giáo chủ nhiệm lớp, họ chưa đủ lớn để hiểu chuyện quan hệ giới tính. Cũng chưa ai chỉ dạy. Họ chưa biết gì về cơ thể mình đến nỗi nhiều người mắc chứng bệnh “thiếu đàn bà” phải sang chợ biên giới mua thuốc “lang băm”. Họ ngờ nghệch trong việc nam nữ; họ chỉ được dạy kỹ thuật xạ kích, bắn máy bay lên thẳng, đánh xe tăng, đánh tàu chiến, chống càn… Nhiều chàng trai mới qua tuổi 17, vậy mà đã trưởng thành, chiến đấu trong đội hình của bộ đội địa phương như một người lính thiện chiến, có người trở thành du kích xã, ấp với tài gài lựu đạn, đánh du kích, bắn máy bay trực thăng sành sỏi. Có người trở thành cán bộ cấp tiểu trung đoàn, lại có người được điều động ra Bắc đi học.

Hào Vũ là người trong cuộc, nhưng trong tiểu thuyết của anh ít thấy có những chương “tả trận” khốc liệt và hùng tráng; bề thế và bài bản, nhưng lại có những đoạn, những chi tiết thật sinh động như nói về việc nấu cơm, ăn cơn ở chiến trường. Nấu thật đơn giản: Ngâm gạo, sau đó gói vào khăn ướt, đào hố chôn xuống đất, lấy rơm củi đốt bên trên. Lửa tàn là có cơm ăn. Ăn không cần bát mà cuốn lá cây thành những cái bù đài… Rồi cảnh ngủ hầm, đi chợ vùng biên, học tiếng Miên; rồi những tối bạn bè thời đi học ngoài Bắc gặp nhau, nam nữ tâm sự với nhau trong đêm vắng một cách vụng về (không phải vụng trộm) và những lần chép tằng bài thơ Biển (của nhà thơ Xuân Diệu) cho bạn. Lại có những đoạn tả nói về một đơn vị thương binh bị mất liên lạc, bị “bỏ quên” giữa mênh mông trời nước thật thương cảm mà cũng thật đáng cảm phục về sự can trường của những người lính năm xưa

Tôi nghĩ, Mảnh khăn trắng muốt không chỉ là cuốn sách có giá trị viết về những năm tháng chiến tranh đặc biệt, tại một vùng đất đặc biệt mà còn là tác phẩm quý viết về tình bạn chiến đấu, tình đoàn kết, tình bạn thủy chung giữa quân đội và nhân dân hai nước Việt Nam – Campuchia anh em,

Đọc Mảnh khăn trắng muốt, dõi theo nhân vật Hà (nhân vật chính của tiểu thuyết) tôi thấy như hiển hiện những năm tháng tuổi trẻ  của nhà văn Hào Vũ, người con của đất cảng Hải Phòng trên chiến trường miền Nam những thời khắc rất khó khăn, ác liệt - ác liệt khó khăn một cách âm thầm!

Nguồn Văn nghệ số 40/2018


Có thể bạn quan tâm