April 20, 2024, 1:42 pm

Hào hùng và đau thương. Và…

Năm nay kỷ niệm 50 năm chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”, trận đánh có tính chất quyết định đưa đến thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Trận Điện Biên Phủ kết thúc thắng lợi kháng chiến chống Pháp cũng đã 68 năm. Nhìn lại những sự kiện đó để thấy rõ hơn về những thử thách cam go mà dân tộc ta phải đối mặt, để thấy sự vĩ đại và những giá trị đáng tự hào của dân tộc.

Những ai đã học hỏi và hiểu biết lịch sử một cách nghiêm túc, hẳn phải biết rằng, sau năm 1945, trước âm mưu tái chiếm của thực dân Pháp và hỗ trợ của can thiệp Mỹ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã làm hết sức mình để tránh đi một cuộc chiến tranh. Tránh đi cho nhân dân, cho đất nước khỏi bị hy sinh tàn phá. Chúng ta đã nhân nhượng hết bước này đến bước khác, thậm chí chấp nhận cả Việt Nam nằm trong khối Liên hiệp Pháp. Song diều hâu chỉ muốn ăn thịt. Chúng ta muốn sống thì phải đứng lên. Vì độc lập gắn liền với quyền sống, quyền được làm người, quyền được mưu cầu hạnh phúc. Với người Việt Nam, từ ngàn đời nay, chân lý là “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” và lẽ sống là “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Vì thế mà trường tồn non sông gấm vóc và nòi giống Lạc Hồng.

Cách mạng nào cũng có sai lầm, có hiện tượng cực đoan, cực tả. Cải cách ruộng đất là một ví dụ đau xót. Nhưng bản chất cách mạng là nhân văn, hòa hợp; là tất cả mọi tầng, mọi giới chứ không phải riêng giai cấp vô sản. Điều đó, thể hiện rõ trong văn kiện hội nghị Trung ương 8 vào tháng 5/1941, thành lập Việt Minh, mặt trận đoàn kết toàn dân chuẩn bị Tổng Khởi nghĩa: “Trong lúc này quyền lợi của bộ phận, của giai cấp, phải đặt dưới sự sinh tử, tồn vong của quốc gia, của dân tộc. Trong lúc này, nếu không giải quyết được vấn đề dân tộc giải phóng, không đòi được độc lập, tự do cho toàn thể dân tộc thì chẳng những toàn thể quốc gia dân tộc còn chịu mãi kiếp ngựa trâu, mà quyền lợi của bộ phận, giai cấp đến vạn năm cũng không đòi lại được”. Vì bản chất nhân văn, đoàn kết của cách mạng mà từ vua Bảo Đại, đến các thượng thư như Bùi Bằng Đoàn, Phan Kế Toại... cũng như các trí thức lớn du học và thành danh ở Pháp, là con em đại địa chủ, phong kiến đều được mời về tham gia chính phủ và các cấp, các ngành trong bộ máy cách mạng.

Lịch sử là như vậy. Lịch sử không nằm trong sự hoang truyền. 

Tôi đã thấy những người yêu nước là đồng đội của tôi đã ngã xuống. Tôi đã nghe kể về những người yêu nước, gánh một gánh gạo tiếp tế cho Điện Biên Phủ, đi hàng trăm cây số, tự lo ăn, không suy suyển một hạt gạo quân lương. Họ là những người im lặng, không có cơ hội để tranh luận lại, và chắc chắn sẽ không tranh luận đối với những ai đòi xét lại lịch sử.

Lịch sử chỉ có một sự thật là: Với ý đồ đánh sập hậu phương Miền Bắc, chặn nguồn tiếp tế cho chiến trường Miền Nam; đánh sập ý chí, quyết tâm chống Mỹ của người Việt Nam bằng cuộc chiến tranh tổng lực của không quân và hải quân, đế quốc Mỹ đã tạo dựng sự kiện “Vịnh Bắc Bộ” để lấy cớ tiến hành cuộc chiến tranh phá hoại bắt đầu từ ngày 5/8/1964. Cao điểm của cuộc chiến tranh này là Chiến dịch Linebacker II, tiến hành cuộc tập kích chiến lược bằng B52 vào Hà Nội trong 12 ngày đêm cuối tháng Chạp năm 1972. Chiến dịch này còn có một nguyên nhân trực tiếp từ Hội nghị Pa-ri, hòng “đưa Hà Nội trở về thời kỳ đồ đá”, buộc Việt Nam phải ký vào bản Hiệp định với những điều khoản vô lý của họ.

Không chỉ có binh pháp Tôn Tử dạy phải “biết địch, biết ta”. Hàng nghìn năm đánh giặc đã cho nhân dân ta những bài học xương máu, những kinh nghiệm quý giá, một nền nghệ thuật quân sự đỉnh cao. Từ đầu năm 1968, Bác Hồ đã nhận định: “Sớm muộn đế quốc Mỹ cũng sẽ đưa B52 ra ném bom Hà Nội rồi có thua nó mới chịu thua... Mỹ nhất định thua, nhưng nó chỉ chịu thua sau khi thua trên bầu trời Hà Nội”. Trước đó, bộ đội ta dưới sự chỉ huy của Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp đã chuẩn bị khí tài và các điều kiện để đánh B52, đã cử một số đơn vị vào Khu Bốn và chiến trường để đánh B52 rút kinh nghiệm. Từ tháng 5/1972, Bộ Tổng Tư lệnh, Cục Tác chiến và Quân chủng Phòng không – Không quân đã đặt vấn đề: “Tỷ lệ B-52 bị bắn rơi mức độ nào thì Nhà Trắng rung chuyển, mức độ nào thì Mỹ không chịu nổi, phải thua?”. Và các phương án được đưa ra, sau này thực tế cục diện cuộc chiến đã chứng minh là khá chính xác.

Vào giai đoạn ấy, B52 được Mỹ khoe khoang là “siêu pháo đài bay bất khả xâm phạm”, là con “ngáo ộp” đe dọa cả thế giới. Trong 12 ngày đêm tháng Chạp 1972, Mỹ đã huy động 197 chiếc trên tổng số 400 chiếc B52 Mỹ hiện có. Quân dân ta đã bắn rơi 81 máy bay, trong đó có 34 chiếc B52. Đó là những ngày hào hùng “pháo đài bay rụng đỏ mặt hồ”, nhưng cũng là những ngày đau thương. Ngày 26/12, phố Khâm Thiên đổ nát, 287 người dân bị giết hại trong đêm. Bệnh viện Bạch Mai bị san phẳng, 30 bác sĩ, y tá và 1 bệnh nhân bị chết.  Chúng không đẩy được Việt Nam về thời kỳ đồ đá như tuyên bố, nhưng đã gieo tang tóc và sức phá hoại khủng khiếp. Tôi được nghe nhà báo Thép Mới kể rằng, ngày 25/12, ông đến khách sạn Thống Nhất trên đường Tràng Tiền để gặp một số khách và nhà báo nước ngoài. Đó là ngày thứ 7 Hà Nội và các thành phố lớn phải hứng chịu những trận mưa bom không ngớt. Có một ông khách vừa sợ hãi, vừa lo lắng cho ta thốt lên “Bom B52 ném thế thì Hà Nội sập hết, còn gì! Hà Nội phải làm thế nào?”  Một nữ tự vệ là nhân viên phục vụ khách sạn đã trả lời: “Nhà cửa có thể sập nhưng có một thứ không sập được, đó là con người. Con người có thể chết nhưng phẩm giá không chết được”!

Nhà báo mừng quá, ghi nhớ câu này và đưa thành tít cho bài xã luận Hà Nội, thủ đô của phẩm giá con người. Bài xã luận được đăng trên báo Nhân Dân số ra ngày 26/12/1972, làm thức dậy một sức mạnh tinh thần to lớn trong những ngày đó, góp phần làm nên chiến thắng “Hà Nội-Điên Biên Phủ trên không”. Trên trang 2 báo Nhân Dân, số ra ngày 29/12/1972, mục “Viết tại chỗ về Hà Nội - Điện Biên Phủ” có đoạn: “Sớm nay, khi tờ báo này đến tay bạn đọc, Hà Nội đã trải qua đêm thứ 10 của một cuộc chiến đấu oai hùng sẽ ghi trong lịch sử… Chúng ta đang sống trong những ngày mang một ý nghĩa lịch sử sâu xa. Cũng như nhiều sự kiện lịch sử, ý nghĩa đó, bản thân những người đang làm nên lịch sử nhiều khi chưa lường hết được. Có người nói: “Hà Nội đang thắng một trận Điện Biên Phủ trên không”. Mỗi chiếc B52 mà chúng ta tiêu diệt, phải chăng là một thứ cứ điểm Điện Biên Phủ? Xin mượn ý đó để đặt tên cho mục này là “Viết tại chỗ về Hà Nội – Điện Biên Phủ”.

Tôi tin chắc rằng, cảm giác về chiến thắng B52 trên bầu trời Hà Nội mang tầm vóc, ý nghĩa của chiến thắng Điện Biên 1954, đã xuất hiện trong nhiều trái tim người Việt Nam, nhất là những người có kinh nghiệm trận mạc. Nhạc sĩ Phạm Tuyên: Đêm 26/12/1972, Hà Nội, Hải Phòng, Thái Nguyên… thắng lớn. Trong không khí hồ hởi, ngay sáng hôm sau 27/12, tại phòng giao ban của Đài Tiếng nói Việt Nam, Tổng Giám đốc Trần Lâm thông báo: “Đêm qua bộ đội ta bắn rơi 8 chiếc B-52. Riêng Hà Nội diệt 5 chiếc. Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã biểu dương các đơn vị lập công và ra lời kêu gọi: “Các đơn vị hãy bắn rơi nhiều B52 hơn nữa, hãy giáng cho không quân Mỹ một đòn “Điện Biên Phủ” ngay trên bầu trời Hà Nội, thủ đô thân yêu của chúng ta”. Lời kêu gọi của Đại tướng đã gọi cho nhạc sĩ những ca từ của bài hát “Hà Nội - Điện Biên Phủ”, trong đó có những câu: “B52 tan xác cháy sáng bầu trời. Hào khí Thăng Long ánh lên ngời ngời. Rồng ta lao vút... Một trận Điện Biên nay sẽ vùi mộng xâm lăng. Hà Nội ơi!”... 

Lịch sử là như vậy. Những sáng tạo, những chiến công lớn đều từ nhân dân mà ra. Con người Việt Nam có những phẩm chất, những giá trị đặc biệt, không thể không tự hào. Mắc Na-ma-ra sau này trong cuộc tiếp xúc với Đại tướng Võ Nguyên Giáp, đã nhận ra, Mỹ thua Việt Nam là thua về văn hóa. Vậy mà đến nay đây đó vẫn có người đòi xem xét lại cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước (?). Hậu thế, nhất là những người cầm bút, không thể coi lịch sử là thứ “đáng lẽ không phải thế”. Bất cứ cuộc chiến tranh nào thì nhân dân cũng là người chịu hy sinh, gian khổ nhiều nhất. Phải khẳng định rằng, nhân dân chịu hy sinh, gian khổ nhiều nhất chứ không phải là người chiến bại trong những cuộc chiến tranh chính nghĩa. Tôi có thể nói điều này, vì mẹ tôi đến nay vẫn nhức nhối những vì những vết thương chiến tranh khi nhiều người con, người cháu ra trận đã không về, vì tôi đã là người cầm súng trong những ngày chiến tranh ác liệt ấy. Mẹ tôi đau thương nhưng bà không bao giờ coi mình là người chiến bại, không nhờ người khác thương vay khóc mướn.

Nhà thơ Nguyễn Sĩ Đại

Nguồn Văn nghệ số 52/2022


Có thể bạn quan tâm