April 23, 2024, 10:20 pm

Hành trình tri ân

 

Đêm đầu tiên chúng tôi dừng chân ở Quảng Trị. Nhà khách Tỉnh đội vừa nguội nắng, anh bác sĩ già nhất đoàn bước xuống xe quay nhìn về phá thành cổ, phía ấy ráng chiều vẫn hồng hồng. Anh nói khẽ: “thế mà đã gần nửa thế kỷ…”. Chúng tôi nhìn anh không ai nói thêm gì. Tôi biết anh đang nhớ một thời làm bác sĩ quân y nơi tuyến lửa. Tất cả chúng tôi đây gần hai mươi bác sĩ đã về hưu ai cũng có một cuộc đời làm lính, một cuộc đời gắn bó với thương bệnh binh và núi rừng chiến trận. Bây giờ là giữa tháng tư. Chúng tôi đang đi tìm lại tuổi trẻ của đời mình. Nơi chúng tôi đến là chiến trường Tây Nguyên ngày xưa, nơi mà rất nhiều bác sĩ ở đây đã sống thời trẻ trai và trưởng thành. Chúng tôi đi về vùng đất đã từng lửa khói đạn bom, chúng tôi về đây tìm lại chính mình, một hành trình tháng tư 1975.

Để có cuộc hành quân toàn thày thuốc áo xanh này, chúng tôi phải chuẩn bị tới nửa năm.

Để có cuộc hành quân toàn thày thuốc áo xanh này, chúng tôi phải chuẩn bị tới nửa năm. Từ nguyện vọng tâm tưởng của những người chiến sĩ quân y khóa 67 đến hiên thực phải mất 6 tháng trời. Chúng tôi đã từng gặp xin ý kiến thủ trưởng cũ của mình là trung tướng Khuất Duy Tiến. Phải trình bày và được Bộ Tư lệnh Quân đoàn 3 chấp nhận kế hoạch. Chúng tôi từng bàn đi bàn lại với Bộ Tư lệnh Sư đoàn 320 về thứ tự triển khai như một trận đánh lớn… Đại Tá Khuất Duy Hoan đã giúp triển khai phương án ban đầu và theo suốt quá trình “thực hành tác chiến.” 

Ở Quảng Trị khó ngủ quá. Chúng tôi thức và hát với nhau khe khẽ những bài hát năm xưa từng hát lúc lên đường vào chiến trường. Có những bài hát lâu lắm bây giờ mới hát. “Miền nam kêu gọi ta vượt Trường sơn bay vọng ra, ôi tiếng quê hương như thúc giục lòng chúng ta…” . Nhóm các bác sĩ nữ thì hát “Trăng đã về khuya sao buông lấp lánh…”. Bỗng có một giọng nữ Quảng Trị cất lên “Hai mươi sáu năm rồi… Quảng Trị ơi, đẹp lắm hôm nay đẹp lắm, cờ đỏ tung trời. Mẹ ơi đồn giặc đã tan bốt Đông Hà - La Vang - Quảng Trị không còn bóng giặc chúng con đã về đây…”. Chúng tôi quay lại, thì ra bác sĩ Nguyễn Bích Hà. Nước mắt chị ngân ngẫn. Tất cả im lặng nghe chị hát. Hà hát mà như khóc. Chị đang gọi về nơi mẹ đã sinh ra chị, nơi ấy Triệu Phong, một vùng đất anh hùng.

Lớp khóa 67 quân y chúng tôi ngày ấy, nay tuổi xêm xêm bảy mươi, chung một tâm nguyện làm một việc gì đó tri ân đồng bào vùng kháng chiến xưa kia… Từ đó mà gom lại với nhau dưới mái nhà chung “Quân Y và những người bạn”. Sáng hôm sau xe rời Đông Hà lên đường. Qua cầu Dakrông, qua A Sầu, A Lưới để vào Tây Nguyên. Nhớ một năm trước, tại nơi này, chúng tôi đã 2 ngày đêm ở cùng với đồng bào Vân Kiều, khám bệnh, phát thuốc cho những ông bà già và cả những thiếu nữ mắt trong như nước suối, mà sao cứ quặn thắt trong lòng… Trước mắt chúng tôi hiện ra hình ảnh những thiếu nữ Vân Kiều gùi đạn gùi gạo ra chiến trường, những bản làng nhường từng củ sắn, mớ rau cho bộ đội những năm đánh Mỹ… Ngồi khám bệnh cho họ mà thấy đồng bào với mình sao khác nhau nhiều quá. Chiến tranh đã lùi xa gần nửa thế kỷ mà đồng bào cách mạng vẫn khổ thế này ư?... 

Chúng tôi thấy mình như có lỗi, tự nhủ lòng phải đi nữa, đi đến khi nào không thể đi được nữa thì mới thôi. Đi để tri ân. Đi để trả nợ đồng bào… Cả đoàn không một người nào thích dùng chữ “từ thiện”, bởi tất cả đều là những người lính từng được đồng bào cưu mang, chia sẻ không chỉ bằng cơm gạo mà bằng cả máu của mình... Giờ đây, bằng những chuyến đi như thế này, là chúng tôi đang làm trong sạch lại đời mình. Chúng tôi hiểu rằng trả ơn nhân dân không bao giờ nổi… Vậy nên đi là để tri ân với đồng bào. Làm nghề Y, chúng tôi hiểu, tri ân sẽ làm lòng mình trong sáng lên.

Chiều ngày thứ 2 đoàn đến Tây Nguyên. Từ lúc qua đèo Lò so lòng ai cũng bâng khuâng. Sắp qua Đak Pet, qua Plei kần, qua ngã ba cửa khẩu Bờ Y, nơi mà khi xưa vẫn gọi là Ngã ba Đông Dương. Nắng bỗng xanh lên vì nương rẫy lên xanh. Xe đưa chúng tôi qua Đak To, Tân Cảnh lúc chiều buông. Một bác sĩ trong đoàn kêu lên: “Các bạn ơi nhìn bên tay phải kìa, nhìn đồi Charlie và Den Ta kìa…”. Cả xe quay nhìn dãy núi có những mỏm đầu bạc trắng. Trong tôi hiện về mùa khô năm 1972 ác liệt. Chúng tôi đã phá toang phòng tuyến tây sông Pô cô để quân ta đánh vào Kon Tum làm nên chiến thắng cao nguyên mùa hè đỏ lửa. Tôi thầm nhớ, thầm gọi những cái tên đồng đội. Thầm nhớ những tên buôn, tên làng ở Sa Thầy có những cây Pơ lang cổ thụ dưới chân Chư Mom ray… Bất giác tôi lâm nhẩm lời hát: “Đường lên Chư mom ray, gặp mây bay con nhớ tóc bác, Đường cắt rừng khuya nhìn sao sáng con thấy bác cười. Bác Hồ ơi…”. Ngày ấy đơn vị tôi ai cũng thuộc bài hát này, bài hát có tên Nhớ Bác trên đường đi chiếm lĩnh

Có tiếng chuông điện thoại reo, thì ra anh bạn Khuất Duy Hoan, nguyên Phó Tư lệnh quân đoàn 3, cũng là phó đoàn của chúng tôi, đi tiền trạm, đang ở sư đoàn 320 gọi. Hoan cho biết xe thuốc, xe chở hơn 2 tấn quà và đồ thiết bị khám bệnh đã tới an toàn. Bạn nói trong tiếng cười: “Chỉ lo sao cho các cụ bác sĩ khỏe mạnh để còn đuổi cái ma cho buôn làng…”. Hoan cười, tiếng cười của một chỉ huy dạn dĩ chiến trận mà hiền như nước chảy…

Chúng tôi đến Pleiku lúc hoàng hôn buông sau dãy núi Chư rông ràng, mặt trời chìm về phía Đức Cơ. Đêm nay ngủ ở nhà khách sư đoàn. Ngay cổng vào là nhà tưởng niệm liệt sĩ sư đoàn. Bốn bức tường đá lanh ghi tên14 ngàn liệt sĩ của sư đoàn 320... Đâu là tên anh họ tôi? Đâu là tên bạn tôi?... Chiến tranh lùi xa quá rồi mà đất nước tôi vẫn còn bao nhiêu những vết thương chưa kịp liền da, cứ đến những ngày này là lại day dứt mãi...

Tôi ngồi rà lại kế hoạch mà đồng chí phó Chủ nhiệm Chính trị Sư đoan vừa trao đổi. Đồng chí Bác sĩ Chủ nhiệm quân Y cứ như một trưởng dự án y học của tôi ở Hà Nội. Anh kĩ lưỡng chi li tới từng chuyến xe, từng bàn khám bệnh. Các anh đã đi tiền trạm dưới buôn làng, lo cho đoàn nơi nghỉ trưa chu đáo trong cái nóng mùa khô Tây Nguyên... Vậy là ngày mai tôi sẽ trở về nơi mình đã có 3 năm trời chiến đấu. Ngày mai tôi sẽ gặp lại những đồng bào đã cưu mang mình trong những ngày đói cơm thiếu thuốc. Ngày mai tôi sẽ đi tìm mảnh nương cà đắng, tìm con suối làng Dịt thân thương thuở nào… Ngày mai tôi cũng sẽ tới vùng đất mà bạn tôi, những sinh viên Y Khoa Việt Bắc năm xưa nằm lại không về…

*

14/ 4/2019

Trời chưa sáng các bác sĩ đã dậy. Tiếng ve Tây Nguyên bùng lên như báo thức lúc 5 giờ sáng. Kì lạ quá. Đúng ngày này của 44 năm trước chúng tôi cùng đại quân sau mười ngày hành quân từ Cheo Reo đã về đến Chơn Thành. Từ đây chúng tôi vào trận cuối ở hướng tây bắc Sài Gòn. Hôm nay tôi và bạn tôi lại trở về vùng đất ngày ấy đã ra đi. 

Xe rẽ về Đức Cơ. Ở ngã ba Hàm Rồng còn sót lại những bông hoa Dã Quỳ cuối mùa. Tôi cố tìm một ngôi nhà sàn mà không thấy, cố tìm một già làng đóng khố như người dẫn đường cho chúng tôi ngày xưa mà chỉ là dĩ vãng. Chỉ còn đây những cánh rừng cao su và rừng cà phê xanh hun hút, không còn thấy lồ ô hay rừng già, mà chỉ còn vài cánh rừng khộp từ phía Chư Bồ chạy ra cửa khẩu Lệ Thanh. Ngày đầu tiên chúng tôi khám bệnh cho đồng bào làng K”La. Khi đoàn đến, những bàn khám bệnh mà các đồng chí quân y sư đoàn và địa phương đã chuẩn bị kĩ lưỡng, chợt thấy băn khoăn, thấy mình như có lỗi... Chúng tôi đi trả ơn cơ mà. Thế mà lại được đón tiếp như khách quý. Tôi thấy sống mũi mình cay cay…

Bác sĩ Bằng Đình, già nhất đoàn, là người có bệnh nhân ngồi sớm nhất. Tôi nhìn sang người đàn anh đáng kính của mình thấy khóe mắt rung rung. Anh đang hỏi bệnh cho một phế binh của phía bên kia. Hai người đàn ông, hai người lính đều đã già, nhìn nhau, thì thầm trao đổi cách chữa bệnh… Khi người đàn ông từng là người ở phía bên kia ấy quay trở ra rồi mà bác sĩ Bằng Đình vẫn bâng khuâng. 

Nơi chúng tôi khám bệnh cho đồng bào đây vốn kề ngay sở chỉ huy cũ của Sư đoàn tôi năm 1972-1973. Trưa hôm ấy trong bữa cơm tại hiện trường, Khuất Duy Hoan ghé tai tôi: “Mày ơi, chỗ này chính là chỗ ngày xưa tổ chức hội diễn Văn nghệ Sư đoàn 320 đấy…” – “Tao nhớ ra rồi, hôm ấy bọn tao còn được nhà thơ sư đoàn Khuất Quang Thụy cho một nhúm thuốc đồng bào...”.

Tôi ngước ra ngoài rừng cà phê. Nắng vàng ươm, nắng hắt màu xanh lên giời có những túm mây tròn như cái nón trắng bông treo lơ lửng trên trời Đức Cơ .

Trong những bệnh nhân đồng bào K”La đến khám bệnh và nhận quà của đoàn hôm đó, gồm 252 người. Đồng bào không còn đóng khố cởi trần như ngày xưa, nhưng nhìn những bàn chân đen đúa và những bàn tay sứt sẹo của họ, nhìn khuôn mặt hốc hác vì bệnh dạ dày, bệnh phổi vì bụi đất, bệnh lị vì nước nôi thiểu thốn, những đứa trẻ suy dinh dưỡng… mà thấy thật đau lòng. Chiến tranh lùi xa quá rồi mà nỗi thèm cái chữ, thèm cái hát như trong ti vi vẫn hiện hữu thường trực tại những buôn làng... Chúng tôi trao túi quà cho họ mà tay mình cũng run run. Run vì thấy mình có lỗi, vì thấy mình nhỏ bé quá trong bể đời yêu thương đồng loại… Ngày xưa đồng bào khổ lắm. Sinh con ra rồi con chết bệnh cũng chỉ biết nói con ma nó bắt đi là đi thôi. Không có, không biết dùng thuốc... Những năm bộ đội về đánh Mỹ, đồng bào Tây Nguyên mới biết là chỉ có bác sĩ mới diệt được ma thôi. Nhưng bác sĩ thì ít, lâu lâu mới về… còn ma thì nhiều hơn bác sĩ…

Đêm ấy chúng tôi nghỉ lại ở Chư Ty. Tôi và Khuất Duy Hoan không ngủ. Chúng tôi đi bộ ra nhà bia Chư Bồ. Nén nhang lặng lẽ đỏ, và trong đêm chúng tôi lại nghe thấy tiếng ve bùng lên trong rừng cao su hệt như hơn bốn mươi nắm trước. Cả hai chúng tôi đều im lặng. Đêm Đức Cơ nhiều ngôi sao màu Ba zan quá…

 

15/ 4/2019

Ngày thứ 2 đoàn về xã Ya Lang. Từ lúc xe rẽ vào xã, tôi đã bồi hồi. Ya Lang với tôi không có xa lạ gì. Chỉ là lâu quá không về thôi. Tôi bảo với các bác sĩ trong đoàn đây là làng Dịt. Nói đến làng Dịt lính B3 ai mà chả nhớ thời cắm cờ hiệp định 1973. Ngày ấy nơi đây đã từng có nhà Hòa Hợp, mái nhà chung nơi hai bên Quân Giải phóng và quân lực VNCH lập nên để gặp gỡ trao đổi với nhau về biện pháp thực hiện hòa bình. Thế rồi chuyện Hòa Hợp không thành, làng Dịt trở thành tuyến đầu của sư đoàn 320 suốt những năm 1973-1975…

Hôm nay bên các bàn khám bệnh của đoan, tôi hồi hộp chờ xem có ai nhận ra đoàn trưởng Đinh Ngọc không? Các bạn gái cùng lớp 67 ngày xưa nhấm nháy với vợ tôi – Bác sĩ Kim Minh ngồi bàn bên rằng, để ý xem có đồng bào nào giống "bác sĩ chồng" không? Nắng lổ đổ trên những lô cao su, cà phê. Các bác sĩ D24 của sư đoàn rất quen với khám bệnh cho đồng bào, hướng dẫn bà con vào từng bàn. Có điều gì đó thật khác hôm nay trong lồng ngực tôi, như thể có tiếng gọi. Đồng đội tôi gọi tôi, rằng mày hãy nhớ mà nắm lấy bàn tay đen đúa của bà con làng Dịt nhé...

Hôm nay chúng tôi khám bệnh, phát thuốc và biếu quà với 258 người của Ya Lang. Tôi cứ tiếc, giá mà chúng tôi có được nhiều tiền hơn nữa, giá mà chúng tôi có thêm thuốc, thêm đường, thêm muối, thêm sữa để chia sẻ với bà con... Nhưng chúng tôi cũng tạm hài lòng khi thấy các đồng chí chỉ huy sư đoàn 320 theo dõi giúp đỡ và chỉ đạo sít sao. Giữa trưa, Khuất Duy Hoan mang cho tôi ca nước trà đun bằng lá chè rừng làng Dịt. Trưa ấy tôi và vợ tôi ra gốc cây Kơ nia chụp một kiểu ảnh. Đứng dưới gốc cây, mặt lấm tấm những hạt nước mưa ve Tây Nguyên mà thấy xốn xang nhớ về thời trai trẻ của mình.

Tây nguyên ai một lần qua đó

Suốt cuộc đời nghĩ lại vẫn thương nhau. 

Tôi lặng lẽ nhìn những người dân Ya Lang cầm túi thuốc ra về với cặp mắt tràn trề hy vọng rồi sẽ đẩy lùi cơn bệnh mà thật rưng rưng. Cuộc đời chúng tôi ba bốn mươi năm khám chữa bệnh, nhưng mấy khi và mấy ai biết nhìn thật lâu phía sau lưng người bệnh ra về… Cuộc sống bộn bề nơi thị thành và các bệnh viện lớn làm chúng tôi chai lì cảm xúc rồi chăng? Chưa bao giờ tôi nhìn rõ gót chân người bệnh bước trên đất đỏ có những vết nứt chân chim giống mẹ tôi ngày xưa tảo tần nơi quê nghèo miền bắc để nuôi tôi. Khi chúng tôi kê đơn, gói thuốc cho họ, họ run run đỡ bằng cả hai tay… Có cảm giác chúng tôi đang là người ban ơn với chính những người mà người lính chiến chúng tôi phải trả ơn họ… Tây Nguyên ơi, chúng tôi nợ đồng bào cả một thời trai trẻ của mình. 

Khi chúng tôi thu dọn đồ đạc để lên xe trở về PleiKu thì có những bà mẹ già đến đặt vào tay chúng tôi những bắp ngô luộc còn nóng hổi. Có đứa trẻ gầy guộc buộc con chim sâu trên cổ tay đem tặng cho tôi. Tôi bảo bé, hãy để con chim sống với rừng Tây Nguyên, sống với Giàng, với Dịt Le, Dịt zông Dịt Phàng em ạ. Nó cười rồi chay đi… Xe ra đường 14, tôi ngước lên đỉnh Chư Ga Ra. Ngày còn là y tá của c9 d9 sư đoàn 320, chúng tôi từng chốt trên ngọn núi kia…

Đêm chia tay ở Tây Nguyên, bên ché rượu cần, chúng tôi hát cùng các chiến sĩ đại đoàn Đồng Bằng. Đoàn nhận được lời thăm hỏi của tư lệnh quân đoàn 3. Còn riêng tôi lại một lần được sống với sư đoàn cũ của mình trong chuyến tri ân về với đồng bào nơi xưa kia từng chiến đấu.

Xe lại qua Kon Tum ngược về phía bắc. Vậy kết thúc một tuần chúng tôi, những người lính Quân Y 67 và những người bạn được ở bên nhau trong một hành trình đầy ý nghĩa. Những người bác sĩ đã già nhưng vẫn gợi lên trong tôi tình yêu và niềm cảm phục. Đó là các anh Bằng Đình, Quang Hải Dương, Tiến 198, Bích Hà Triệu Phong, là bác sĩ Trang, bác sĩ Minh Thìn, bác sĩ Thanh Hương, bác sĩ Hồng Lê, bác sĩ Thủy và Kim Minh, các anh các chị các em Kỹ thuật viên tận tình đẹp người đẹp nết, các em lái xe chu đáo nhiệt tình, cả những người đã đón tiếp và yêu quí chúng tôi trên suốt hành trình vất vả. Nhớ bạn tôi Khuất Duy Hoan, nhớ thượng tá Vĩnh, nhớ bác sĩ chủ nhiệm quân y sư đoàn 320 tên Nam, nhớ những chiến sĩ sư đoàn đã giúp đỡ chúng tôi suốt những ngày về với Đức Cơ. Và trên hết, tôi nhớ, tôi biết ơn đồng bào Tây Nguyên mãi mãi yêu quý của mình…

  Nguồn Văn nghệ số 21/2019


Có thể bạn quan tâm