April 25, 2024, 1:19 pm

Hành trình giải cứu cái tôi

Vì sao chúng ta viết?” - câu hỏi tưởng chừng như dễ mà thật khó để trả lời. Trước khi đến với Hội nghị viết văn trẻ khóa X do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức tôi đã đặt ra rất nhiều câu hỏi mong muốn tìm ra câu trả lời tại Hội nghị lần này, nhưng viết vì điều gì thì quả thực tôi không hề nghĩ đến. Tôi đã rất băn khoăn, bởi tôi vốn là một kẻ tay ngang vì ngành nghề tôi theo học và lựa chọn làm việc không liên quan gì tới viết. Từ ngày bé, tôi đã rất thích đọc đi đọc lại những mẩu chuyện trong sách giáo khoa, mỗi lần viết bài tập làm văn tôi thường bỏ ra mười lăm phút đầu ngắm trời ngắm đất để “tìm nguồn cảm hứng” rồi mới viết.

Tôi thích học văn hơn toán và các môn tự nhiên khác. Tôi đã chọn khối C để thi đại học và khiến thầy giáo dạy môn sinh thấy buồn và tiếc cho tôi bởi tôi học môn của thầy rất khá. Tôi chọn thi trường Luật nhưng không đỗ và phải đi học lớp ôn thi “mười ba” và gặp được thầy GS.TS Lã Nhâm Thìn khi ấy là trưởng khoa văn của trường Đại học Sư phạm I Hà Nội. Tôi và nhiều bạn học cùng đã khóc khi nghe thầy giảng bài phân tích truyện ngắn Hai đứa trẻ của nhà văn Thạch Lam. Chừng đó liệu có đủ gọi là “manh nha” của việc tôi chọn đến với viết không?

Vẫn chưa đâu. Vì hồi sinh viên tôi có viết bài gửi cho báo trường nhưng không nhận được phản hồi. Tôi viết lớ ngớ và thô vì ngoài mạch cảm xúc tôi không có gì khác. Vài năm sau, được sự động viên từ một người anh viết văn lâu năm, tôi vẫn viết những truyện ngôn tình đăng lên một trang mạng và cũng có người theo dõi nhưng rồi được một thời gian tôi cũng bỏ. Mãi tới hai năm gần đây, tôi mới bắt đầu viết lại, sau những năm lăn lộn với đời, trải đủ những đắng cay, khổ đau, có lẽ từ đó mà tôi viết nhừ và khá hơn thời còn đi học. Lúc này, tôi không còn suy nghĩ viết để “giải cứu thế giới” nữa mà viết để giải cứu bản thân tôi ra khỏi những bức bách về tinh thần của chính mình.

Chính lúc này đây, tôi phải đặt ra câu hỏi cho chính tôi. Tôi viết vì gì? Viết vì nhu cầu phản ánh thực trạng đời sống hay viết với mục đích sáng tạo nghệ thuật và làm thế nào để dung hòa hai điều này với nhau. Tôi viết vì muốn tên tuổi lưu truyền hậu thế, đạt đỉnh vinh quang, sách viết ra bán chạy hay được vinh danh tại lễ trao giải văn học lớn nhất thế giới và liệu với sức lực và ý chí của tôi, tôi có đủ tài năng để “tạo ra tác phẩm xuất sắc nhất theo một định hướng lý tưởng trong lĩnh vực văn học” hay không. Hay tôi đừng mơ mộng viển vông nữa mà đơn giản tôi viết để thỏa mãn tôi trước, tôi viết để giải tỏa cái tôi của mình.

Sau khi suy nghĩ, thì tôi đưa ra bốn đáp án chính:

1. Viết trước hết bởi cái lòng nhân từ, bởi cái tâm của mình, thương cảm trước những số phận đau khổ, bất hạnh. Viết bởi không chịu nổi cái thói hư tật xấu, sự xấu xa hiểm ác của lòng người đang hiện diện mỗi ngày trong đời sống của chúng ta. Viết vì mong muốn cái ác phải bị trừng trị, mong muốn tất cả mọi người hướng tới điều thiện, hướng đến một xã hội nhân đạo, công bằng với tất cả mọi người. Hay chính là viết bởi “tâm viên ý mã” (tâm mình có thể bay nhảy tự do giữa thiên đường và địa ngục, tâm dễ xáo động và mất kiểm soát) như cổ ngữ của người Trung Hoa, thiên thần cũng là ta, ta cũng có thể trở thành ác quỷ trong phút chốc. Viết để giải tỏa tâm lý và tự dặn lòng mình phải sống sao cho đẹp đạo đẹp đời, để tâm mình luôn hướng thiện và là người sống có ích cho cuộc đời, cho xã hội. Nếu ở trường hợp này tính hiện thực nhiều nên yêu cầu người viết phải có sự hiểu biết và trải nghiệm thực tế thì mới có được tác phẩm hay.

2. Còn nếu viết vì ham danh lợi, nếu như không đạt được, người viết hẳn sẽ khốn khổ lắm và sẽ nhanh chóng thấy thất vọng về nghiệp viết và về bản thân mình. Có thể chấp niệm này cũng chính là một trong những lý do khiến nhiều người viết đi đến kết cuộc “bỏ bút”. Có một câu danh ngôn rằng: “Thất vọng là bởi không có chí, mà cũng bởi hy vọng quá cao không xứng đáng với lực mình, như thuyền nhỏ chở đầy, người yếu gánh nặng”. Với những tác giả quyết định đi đường dài với nghề viết thì phải thực sự đam mê và yêu nghề, cái sự yêu nó phải nhiều hơn cái đam mê, cộng thêm ý chí học hỏi và vững vàng trước sự khó khăn của cuộc sống cùng sự hà khắc của nghề nghiệp.

3. Viết vì mục đích kiếm sống. Nếu thực sự người viết có suy nghĩ viết là một công cụ để kiếm sống thì tôi thấy ngưỡng mộ và cũng xót xa cho họ lắm. Tiền nhuận bút chả được là bao, nhưng những đồng tiền ít ỏi đó lại là nguồn sống của họ. Lúc này viết thực sự với họ đã là một nghề, mà nghề nào không có cái khổ sở riêng, sự cạnh tranh là tất yếu. Trên thương trường cạnh tranh khốc liệt thì trên “thị trường văn học” (xin lỗi vì tôi phải dùng từ này, nó thô thiển nhưng lại đúng với người coi nó là nguồn sống) sự cạnh tranh với người viết càng khó khăn hơn nhiều lần. Lúc này, sản phẩm viết không phải cảm xúc tự nhiên mà phải theo chủ đề và phù hợp với yêu cầu của phía người cần. Người viết sẽ khó tránh khỏi sự sáo mòn và viết theo một khuôn mẫu nhất định, sự sáng tạo sẽ theo đó mà mất đi, dần dần cảm xúc của người viết sẽ trơ lì, họ sẽ chênh vênh giữa cái cũ cái mới, rất khó để tạo ra sự bứt phá về nghệ thuật.

4. Viết để thỏa mãn cảm xúc của cái tôi. Ở trường hợp này, người viết sẽ rất dễ thăng hoa trong cảm xúc cá nhân, có thể có đột phá về sự sáng tạo xảy ra nhưng rất ít. Người viết thường chủ quan và không xem trọng tính đại chúng nhiều, có thể vì mạch cảm xúc mà không trau chuốt được ngôn từ dễ dẫn đến sự tầm thường và dễ bị lãng quên. Người viết sẽ không tạo ra tác phẩm thường xuyên mà sẽ thất thường theo cảm xúc của mình. Nếu người viết thực sự muốn phát triển dài lâu thì rất cần sự tiết chế cảm xúc cũng như kiên trì theo đuổi và học hỏi, tiếp thu những cái mới, cái “ngoại biên”.

Từ câu hỏi 1. Vì sao chúng ta viết tôi xin dẫn sang câu hỏi 2. Vì sao văn trẻ không có đột phá, sáng tạo mới để làm rõ hơn nội dung của câu hỏi 1. Phải chăng nền văn học trẻ đang bị “ru ngủ”, phải chăng người viết trẻ bây giờ thiếu tài năng và sự liều lĩnh để bước qua “vùng an toàn” của chính mình khiến nhiều bạn trẻ đột ngột xuất hiện rồi biến mất trên văn đàn. Tôi cho rằng đó chỉ là một phần nhỏ. Tuổi trẻ là tuổi của sức sáng tạo, của sự khám phá cái mới và mong muốn khẳng định bản thân mình. Cái danh tác giả trẻ khiến họ chịu áp lực rất lớn từ sự kỳ vọng của các tiền bối và cũng có cả cái những cái nhìn hoài nghi của đồng nghiệp, trong khi người viết trẻ đang rất cần được động viên, chia sẻ và dìu dắt họ đi đúng hướng. Việc có một môi trường thuận lợi, khuyến khích cho sự phát triển của văn trẻ và giúp người viết trẻ có thể phát huy hết sức lực và tài năng của mình là việc làm hết sức cần thiết.

Cũng chung trong sự khó khăn của văn học trẻ, việc phát triển văn học trẻ ở miền núi, vùng sâu vùng xa cũng còn gặp rất nhiều khó khăn. Lúc này thì viết với họ có đơn giản như câu trả lời viết vì mục đích giải tỏa tinh thần thì có phần yếu và không phát triển được về lâu dài. Bởi đa số họ sống trong môi trường có điều kiện kinh tế khó khăn, địa hình trắc trở, việc tham gia tiếp xúc với các môi trường viết chuyên nghiệp với người viết trẻ ở miền núi rất hiếm. Việc in sách, ra sách với họ cũng rất khó có thể thực hiện giữa một thị trường sách quá rộng lớn và sự dùng dằng bởi thiếu kinh phí cá nhân để in ấn.

Vậy, giải pháp nào để giúp cho tác giả trẻ chúng ta có thể vượt qua mọi trở ngại đến từ cuộc sống để toàn tâm toàn ý vào viết? Theo ý kiến của tôi thì ngoài việc nhận được sự động viên và giúp đỡ kịp thời của những người đi trước, việc còn lại là sự cố gắng và nỗ lực của riêng mỗi cá nhân người viết. Trước khi viết, mỗi chúng ta phải xác nhận xem mình thực sự viết vì cái gì, mình đang đứng ở đâu, khả năng của mình tới chỗ nào. Tất nhiên mỗi người phải có ước mơ và một đích đến cho riêng mình. Nhưng để thực hiện được những điều cao xa thì trước tiên phải làm những việc vừa sức với mình, vừa đi vừa học hỏi và tiếp thu. Muốn đi dài đi lâu thì phải có sự chuẩn bị và sức lực phải dẻo dai, trên hết là ý chí cùng sự kiên trì với mục tiêu của mình.

Nguồn Văn nghệ số 27/2022


Có thể bạn quan tâm