April 18, 2024, 4:20 pm

Hành trình của đam mê

 

Từ ngày 1 đến 5 tháng 10 năm 2019, tại 29 Hàng Bài, Hà Nội diễn ra triển lãm tranh lần thứ 2 của họa sĩ A Sáng với tên gọi “Miền A Sáng 2”. Để có được triển lãm lần thứ 2 này là kết quả của sự lao động nghệ thuật hăng say và nghiêm túc của họa sĩ. Xuất hiện trong giới hội họa chưa lâu và vẫn cảm nhận được sự học hỏi từ các họa sĩ đàn anh đi trước nhưng A Sáng đã tạo cho mình một con đường riêng, không bị trùng lặp và trộn lẫn. Đó là điều vô cùng quan trọng đối với người nghệ sĩ sáng tạo.

Tôi quen biết A Sáng cũng gần 20 năm, từ khi anh mới từ vùng núi Cao Bằng xuống Hà Nội lập nghiệp. Hồi đấy chúng tôi đều mới bước chân vào báo Văn nghệ. Khi đó A Sáng làm họa sĩ trình bày báo cho tờ phụ san Văn nghệ Trẻ. Ngoài việc dàn trang trình bày báo, còn phải đi đặt minh họa truyện ngắn nên anh được làm quen với khá nhiều họa sĩ. Tôi và A Sáng có may mắn được gần và chơi thân với họa sĩ Thành Chương, lúc này ông đang làm họa sĩ trình bày cho báo Văn nghệ, anh em chúng tôi vẫn gọi là Văn nghệ già. Có thể nói đây là một điều vô cùng may mắn cho sự nghiệp sáng tác hội họa của A Sáng về sau này. Hồi đó A Sáng đang còn nghèo, chẳng có tiền mua họa phẩm về để vẽ cho thỏa niềm yêu thích của mình. Thỉnh thoảng ki cóp được chút tiền để mua toan, mua màu, rồi vẽ được dăm bảy bức, anh lại mời họa sĩ Thành Chương, và tôi đi ké đến nhà xem những bức tranh mới ra lò. Có thể nói luôn, khi đó tranh anh vẽ chẳng có gì để bận tâm, bởi chưa có sự định hình rõ nét, giống như cậu học trò đang đi học vẽ. Họa sĩ Thành Chương thì vốn là người thẳng thắn, không góp ý thì thôi chứ đã góp ý thì đến nơi đến chốn. Cứ mỗi lần họa sĩ Thành Chương góp ý anh như bị một gáo nước lạnh để tỉnh thêm ra. Cứ như vậy A Sáng lặng lẽ, cặm cụi vẽ và cũng chẳng dám mời họa sĩ Thành Chương đến thẩm định tranh nữa, bởi anh biết mình vẫn chưa vượt qua được cái ngưỡng đó. Lâu lâu, cảm thấy có bức nào ưng ý, anh mới chụp ảnh rồi lại đem khoe với họa sĩ Thành Chương. Nhưng kết quả vẫn khiến cho anh buồn. Sau đó anh đi khỏi báo Văn nghệ và lao vào công việc viết báo. Thú thực lúc đó tôi đã nghĩ anh sinh ra là để viết báo chứ không phải vẽ tranh... Và công việc làm báo cũng đã đem lại cho anh thu nhập, tên tuổi trong làng báo. Anh đi và say sưa với vòng quay đó, nên cũng không có thời gian để nghĩ tới việc vẽ vời…

Rồi một ngày, anh khoe những bức tranh trên facebook, những người đã từng quen biết và có quá trình theo dõi cái sự vẽ tranh của A Sáng cảm thấy có gì đó thay đổi. Những bức tranh của anh ở thời kỳ này tuy chưa được đẹp nhưng chớm hình thành một ngôn ngữ riêng. Một thời gian dài anh đều đặn đưa tranh lên facebook cho mọi người xem nhưng mãi vẫn chưa thấy gì bứt phá. Đã có họa sĩ nói với tôi rằng, có lẽ A Sáng chỉ vẽ được đến thế và chỉ viết báo là hợp. Bản thân tôi đôi khi cũng có nghĩ như vậy, nhưng tôi cảm kích bởi sự say mê với công việc vẽ tranh của anh. Tranh không đẹp cũng chẳng sao, xem như nó là một thú vui để mình được giải tỏa tinh thần, giải tỏa năng lượng.

A Sáng đam mê hội họa, khổ công với toan với màu, rồi đến một ngày trời thương. Anh em bè bạn bất ngờ với những bức tranh anh đưa lên facebook quãng sau này. Thành thực mà nói nếu không có yếu tố tài năng mà ta gọi là trời cho thì cũng rất khó cho người làm sáng tạo định hình, tạo dấu ấn. Bởi không ít người cũng chăm chỉ với màu với toan, thời gian dành cho nó còn nhiều hơn anh, nhưng cả đời vẫn không tạo được dấu ấn trong lòng công chúng. Tôi thực sự ấn tượng với A Sáng ở hai mảng tranh mà anh hay vẽ, đó là tranh thiền và tranh về đề tài miền núi. Đề tài miền núi thì dễ hiểu, bởi nó là tuổi thơ, là tình yêu, là kí ức của anh với vùng quê Cao Bằng đầy thơ mộng, như là chất kích thích khả năng sáng tạo. Còn về mảng tranh thiền thì tôi chưa lý giải được, bởi anh cũng không phải là người có xu hướng tu thiền và tìm hiểu tôn giáo nhiều, thôi thì âu cũng là cái duyên trời cho. Bây giờ thì tranh của anh đã được công chúng biết đến và tìm mua nhiều. Không chỉ trong nước, mà công chúng, nhà sưu tập nước ngoài cũng đến hỏi mua. Giờ đến xưởng vẽ của anh tôi bị ngợp bởi tranh pháo và toan màu la liệt. Có lần anh tâm sự muốn nghỉ công việc làm báo để chuyên tâm vào việc vẽ tranh. Lúc đó tuy không nói ra nhưng tôi hoàn toàn đồng ý. Dẫu rằng với công việc viết báo, A Sáng là người có khả năng và bản lĩnh, có thu nhập tốt, tuy nhiên hình như anh phải bắt đầu lựa chọn cho mình một con đường khác. Con đường đó có thể sẽ còn nhiều gian truân nhưng nó sẽ tạo cho anh một đời sống khác trong bản thể, trong cuộc sống thường ngày và trong sáng tạo. Chẳng hiểu sao tôi tin vào điều đó và tôi muốn anh làm như vậy. Tôi vẫn luôn nghĩ, với người nghệ sĩ phải biết lựa chọn cho mình một con đường rất riêng, anh ta không thể đòi hỏi quá nhiều thứ một lúc, thậm chí anh ta phải biết hy sinh, chấp nhận sự cô độc sáng tạo để tìm con đường của riêng mình. Tôi muốn A Sáng phải quyết liệt hơn, mạnh mẽ hơn, điên rồ hơn, cô đơn hơn và cả vật vã đau đớn hơn để dấn thân vào một “Miền A Sáng” khác. Sở dĩ nói như vậy bởi tôi tin trong con người anh còn điều gì đó chưa phát tiết hết mà chính bản thân anh cũng không biết được điều đó.  

Tranh của A Sáng ngày hôm nay không quá chăm chú vào kĩ thuật, không bị nệ quá vào sách vở, bài bản, thậm chí tôi vẫn cảm thấy có chút ngây ngô trong nét vẽ, nhưng rõ ràng anh đã thăng hoa để tạo cho mình một phong cách, điều này không phải dễ có và ai cũng làm được. A Sáng đã làm chủ được mầu sắc một cách nhuần nhuyễn, làm chủ được thần thái bức tranh, tạo ra một câu chuyện, để có thể dẫn dắt người xem vào thế giới riêng của mình. Phần lớn tranh A Sáng đang vẽ có chiều sâu tình cảm. Anh có một đời sống nội tâm, một sự cảm thụ riêng về thế giới xung quanh. Khi loạt tranh thiền của anh vừa vẽ xong, tôi vô cùng ấn tượng với một bức tranh mà anh đặt tên là Cha và con. Thú thực tôi không thích lắm với việc đặt tên cho bức tranh. Bởi tôi nghĩ một bức tranh đẹp là do cảm xúc ta nhìn vào nó, mầu sắc đó, bố cục đó, nét vẽ đó làm ta rung động, chứ không phải sự định hướng của họa sĩ đối với người xem. Hãy để mỗi người xem tranh tạo ra cho mình một hình dung khác, thế giới khác của riêng họ. Tôi có nói với A Sáng rằng tôi rất thích bức Cha và con, anh cũng nói đó là bức tranh anh cảm thấy thăng hoa khi vẽ. Năm 2016, A Sáng tổ chức triển lãm tranh với cái tên “Miền A Sáng”. Anh đã rất đúng khi lấy cái tên triển lãm ấy là “Miền A Sáng”, bởi hình như đó chính là một khung trời riêng, một miền đất riêng mà anh đã tạo ra. Miền đất ấy có thể chưa thực sự hấp dẫn, chưa thực sự mầu mỡ nhưng đó là miền đất của riêng anh, chí ít anh cũng đã dựng được một túp lều cho mình trên miền đất ấy và gắn biển A Sáng. Đối với người làm công việc sáng tạo, chưa bàn chuyện hay dở, đẹp xấu, thì điều quan trọng nhất là hãy tạo cho mình một con đường riêng để không bị trộn lẫn vào đám đông. Nếu người nghệ sĩ quá hăng say với đám đông, lăn xả vào nó thì trước sau cũng tự kết liễu mình.

Sau triển lãm “Miền A Sáng”, bức tranh Cha và con vẫn còn nguyên. Thực lòng tôi muốn hỏi mua bức tranh đó từ rất lâu nhưng không dám nói, vì tôi vẫn biết giá một bức tranh đâu có hề rẻ mà túi tiền của mình thì có hạn, nói ra đôi khi làm bạn khó xử cũng nên. Nhưng rồi tôi cũng quyết liều đặt vấn đề với anh rằng muốn mua bức tranh đó. Không ngờ anh bán cho tôi ngay. Tôi vẫn biết anh thích bức tranh và bán cho tôi trên tinh thần bạn bè, vừa bán vừa cho là chính. Bức tranh Cha và con giờ đây đang được treo trang trọng trong nhà tôi. Tôi yêu mầu sắc bức tranh. Tôi yêu tinh thần toát lên từ bức tranh. Tôi yêu bức tranh đó vì những câu chuyện mà tôi đã từng tưởng tượng ra khi ngồi ngắm nó. Tôi yêu những đường nét mềm mại trong nét vẽ vừa tạo cảm giác ngây ngô nhưng lại như một triết lý, một hàm ý của họa sĩ. Tôi yêu vì đó là bức tranh của một người bạn, khi ngắm nhìn nó khiến tôi nhớ về những ngày tháng bạn bè rong duổi. A Sáng đã học hỏi về nghề từ nhiều họa sĩ đàn anh đi trước, đăc biệt là họa sĩ Thành Chương. Nhưng A Sáng là người học trò giỏi khi biết học hỏi để không bị lặp lại mà đã tìm ra cho mình con đường riêng. Đã có lúc tôi lại thấy lo rằng anh lại đang lặp chính mình khi quá say sưa vào sự thành công vừa hé mở nhưng thật may là hình như gần đây anh cũng nhận ra điều đó để mà biến hóa để vượt thoát chính mình.

Tranh của A Sáng có mầu sắc riêng, đường nét riêng, bố cục riêng, thế giới quan riêng, lối kể chuyện và dẫn dụ riêng. Tất cả điều đó đã tạo nên Miền A Sáng. Đó chính là sự thành công của người nghệ sĩ sáng tạo. Mong rằng anh sẽ làm cho Miền A Sáng trở nên đẹp đẽ hơn.

 


Có thể bạn quan tâm