April 26, 2024, 3:03 am

Hành trình 24 năm đi tìm “Danh phận người thầy”

Đó là cô giáo Nguyễn Thị Ngọc – giáo viên trường Trung học cơ sở (THCS) An Thượng – Hoài Đức - Hà Nội, thí sinh nhiều tuổi nhất trúng tuyển trong kỳ thi viên chức giáo dục của Hà Nội năm 2020, có “thâm niên”… 24 năm là giáo viên hợp đồng.

Ước mơ xanh

 Tôi gặp cô Ngọc trong Hội nghị trao quyết định viên chức giáo dục của huyện Hoài Đức. Là người nhiều tuổi nhất trúng tuyển, trong niềm vui sướng vỡ òa tột cùng, Ngọc kể cho tôi nghe về hành trình 24 năm mang “thân phận hợp đồng”, những đen đủi của số phận, đã có lúc muốn buông bỏ, và sự kiên trì theo đuổi… để bây giờ chính thức có được “danh phận người thầy”.

Sinh năm 1974 trong một gia đình có 8 người con, Ngọc là út. Đông con nhưng bố mẹ cô cho các con ăn học tử tế nên nhiều người thành đạt, trong số đó có 3 chị làm nghề giáo. Bố cô là một nhà nho và muốn con gái út cũng theo chân các chị, làm thầy, điều đó cũng trùng với ước mơ xanh của Ngọc. Thấy các em nhỏ khao khát học tiếng Anh, trong khi địa phương chưa đưa chương trình Tiếng Anh vào dạy cấp THCS, sau khi tốt nghiệp phổ thông, Ngọc thi vào Cao đẳng sư phạm chuyên ngành Tiếng Anh. Năm 1996 cô tốt nghiệp, về giảng dạy tại trường THCS Dương Liễu (huyện Hoài Đức - Hà Tây).

Ngọc nói: “Có lẽ “vận đen” đến với em từ lúc chập chững bước chân vào nghề chị ạ”. Và cô cho biết: những năm trước, giáo sinh sư phạm ra trường, phân công về các trường giảng dạy, sau đó 2 năm thì được xét hết tập sự. Năm ấy, môn Tiếng Anh quá mới mẻ trong các trường THCS ở vùng nông thôn Hà Tây nên không được xét. Dù dạy hợp đồng nhưng được đứng trên bục giảng, thực hiện ước mơ, Ngọc rất vui, đem tâm huyết “cháy” hết mình cùng học trò.

Long đong “thân phận hợp đồng”:

Tháng 3/1998, kỳ thi viên chức giáo dục đầu tiên của tỉnh Hà Tây được tổ chức. Lúc đó, khái niệm “thi viên chức” còn quá mới mẻ, với suy nghĩ “chẳng thi lần này thì lần khác”, Ngọc đã không nộp hồ sơ. Ngờ đâu đã để tuột mất cơ hội khỏi tay mà phải 24 năm sau mới lại có được. Sau kỳ thi viên chức đó, ngôi trường Ngọc đang dạy có biên chế mới, cô bị điều chuyển đến một trường Tiểu học, đến hết năm đó thì bị cắt hợp đồng.

Kết quả thi viên chức năm 1998 được bảo lưu, 3 năm sau vẫn hạ điểm, giáo viên đỗ đợt 2, đợt 3 được biên chế về các trường nên Ngọc không có cơ hội hợp đồng nữa. Ngọc tiếp tục 2 lần thi viên chức môn Tiếng Anh, nhưng các cháu ra trường sau đa số bằng khá giỏi, thế hệ của cô toàn bằng trung bình, xét cả điểm hồ sơ thì rất khó chen chân. Cô quyết định lấy chồng, sinh con… Càng ngậm ngùi khi các bạn học cùng khóa có người làm hiệu trưởng, hiệu phó, còn mình vẫn long đong. Nhiều lúc cô thấy tủi thân, nhưng vì yêu nghề nên vẫn cố đi dạy thay chế độ nghỉ thai sản của đồng nghiệp, để thỏa đam mê, cũng là để kiếm tiền nuôi con, cùng chồng nuôi bố mẹ già, lo lắng cho gia đình.

Trong quá trình dạy “lấp chỗ trống” thay cho đồng nghiệp, thấy môn ngoại ngữ khó khăn quá, mà môn âm nhạc thiếu rất nhiều, không muốn rời bục giảng, Ngọc quyết định thi lại và học sư phạm âm nhạc. Năm 2007 vừa dạy Tiếng Anh hợp đồng thay người nghỉ chế độ thai sản, vừa đi học sư phạm âm nhạc, lại bị “vỡ kế hoạch” mang bầu đứa thứ ba, gian nan vất vả. Sau hai năm miệt mài theo đuổi học hành, cầm giấy chứng nhận tốt nghiệp sư phạm âm nhạc loại giỏi, cứ hy vọng sẽ “đắt hàng”, nhưng không ngờ, năm đó sư phạm âm nhạc ra trường ồ ạt. Thế là lại “cạnh tranh” từ đầu. 

Kỷ thi viên chức năm 2009, Ngọc một mình mò mẫm vào Hữu Bằng (huyện Thạch Thất) mua hồ sơ. Khi mang nộp thì Ban tổ chức không nhận với lý do chỉ có chứng nhận tốt nghiệp tạm thời. (Trong khi các môn khác vẫn nhận giấy chứng nhận tạm thời, riêng môn âm nhạc tiểu học thì không). Thất vọng!

Năm 2011, Hà Nội xét tuyển viên chức giáo dục (không thi tuyển), Ngọc nộp hồ sơ ở huyện Phú Xuyên. Khi xem kết quả thông báo điểm thấy đứng đầu bảng, không ngờ sau thời gian phúc khảo, người đứng sau vượt trên Ngọc 0,25 điểm. Thất vọng tràn trề! Lại những ngày đi dạy hợp đồng chắp nối, những tháng mong ngóng sẽ tổ chức thi viên chức, để biết đâu, cơ hội sẽ mỉm cười…

Năm 2013, Hà Nội lại thi viên chức giáo dục. Lúc này Ngọc đang dạy hợp đồng tại hai trường Tiểu học, cô nộp hồ sơ dự thi mà chẳng tự tin, bởi nghe mọi người nói chạy chọt này nọ hết XYZ. Thông tin “vỉa hè” đó khiến cô chán nản nên mặc dù vẫn làm bài thi, nhưng đến ngày phải nộp bảng điểm thì không nộp, (vì nghĩ có nộp cũng không đỗ). Sau đợt thi đó, 2 trường Ngọc đang hợp đồng có giáo viên biên chế mới về, cô lại lang thang dạy hợp đồng thời vụ, miễn sao được thực hiện ước mơ cháy bỏng là tiếp tục đứng lớp. Cứ mỗi lần hết thời gian giáo viên nghỉ thai sản 6 tháng, cô chẳng biết đi đâu tiếp theo…

Mặc dù rất yêu nghề và bao năm kiên trì theo đuổi, nhưng đến lúc này Ngọc vẫn phải nhìn thẳng vào sự thật: Có lẽ mình không có duyên với nghề dạy học chăng? Thôi chấp nhận ở nhà tính việc khác.

Chật vật mưu sinh để giữ nghề

Sau khi có ý định “buông” khỏi nghề dạy học, cô quyết định mở cửa hàng cho thuê trang phục biểu diễn. Sang lĩnh vực mới, khó khăn lại chồng chất khó khăn: một mình chẳng đủ vốn, Ngọc rủ thêm 3 người nữa chung nhau. Cũng may có một cửa hàng ở Mai Dịch vốn quen biết từ trước đã vui lòng hợp tác cho cô thuê lại đồ mang về cho khách. Một thời gian khi đã quen khách, Ngọc sang Ninh Hiệp mua vải về, thuê người may. Tích tiểu thành đại, cửa hàng của cô đã có các mẫu mã phong phú, thậm chí có những đơn hàng đặt may rồi xuất đi các địa phương khác trong nước.

Các cụ nói con gái tuổi Giáp Dần vất vả thật không sai. Mở cửa hàng được 3 năm, người chung vốn “giở chứng” đòi tách. Đó là thời kỳ long đong nhất: vốn liếng, đồ cho thuê đều chia 4. Để giữ khách quen, không ít lần hai vợ chồng phải chạy ra Mai Dịch thuê và cho khách thuê lại, lỗ tiền xăng và công đi lại. Đã có những hôm xong ca gia sư, Ngọc phải nhận thêm làm giúp việc theo giờ … miễn sao kiếm đồng tiền chân chính và cùng chồng lo cho gia đình, nuôi nấng các con ăn học. Nhìn các bạn đồng môn quần là áo lượt, xách cặp lên lớp mà tủi thân vô cùng.

Nhưng cái nghiệp “gõ đầu trẻ” vẫn chưa hết. Năm 2015, có người bạn đang dạy THCS Đan Phượng gọi điện “Chị có đi dạy thay giáo viên nhạc trường em nghỉ thai sản không”. Vẫn còn đau đáu với nghề, Ngọc nhận lời luôn. Được trở lại bục giảng, Ngọc thấy quá vui sướng và nghĩ: thôi cứ biết đâu hay đến đấy, sang năm lại tính tiếp. Tháng 11 năm đấy, Hà Nội lại thi viên chức giáo dục. Cô quyết định nộp hồ sơ về Tiểu học Nam Sơn (Sóc Sơn).

Ngọc rưng rưng kể lại: “Em không bao giờ quên cái hôm đi nộp hồ sơ ở Sóc Sơn chị ạ. Sáng hôm đấy dạy xong 3 tiết ở Đan Phượng, em phóng xe chạy thẳng lên đê Chèm rồi qua cầu Thăng Long thì gặp mưa to. Mưa tạt vào mắt cay xè, mưa không thể đi nổi mà vẫn cứ đi vì sợ không kịp giờ nộp. Sang đến nơi là 11 giờ. Mình là người cuối cùng… Hôm đi thi, em cũng rất hy vọng vì đợt này chỉ yêu cầu soạn giáo án, xử lý tình huống và hướng dẫn bình thường thôi (không phải thi luật), còn 1 nửa là điểm hồ sơ. Em hy vọng mình có bằng giỏi sẽ được cộng thêm 2 điểm. Khi báo điểm trên cổng thông tin điện tử của huyện Sóc Sơn, em thấy mình đỗ thứ 2 (lấy 2 chỉ tiêu), sướng quá, gọi điện thông báo cho chị gái… Nhưng sau 1 tuần phúc khảo, mình lại xuống thứ ba. Em như rơi xuống một cái hố với tâm trạng rỗng tuếch. Buồn chán! Thất vọng quá chị ơi!”

Lau vội những giọt nước mắt vì xúc động, Ngọc kể tiếp:

“…Sau cú đó, em vẫn tiếp tục dạy tại THCS Đan Phượng đến hết năm. Để có thêm thu nhập, buổi sáng em đi dạy, buổi chiều đi trông 1 đứa trẻ ở Cầu Giấy từ 14 giờ đến 18 giờ mới về, lương mỗi tháng kiếm thêm được 2 triệu nữa…. Chị thấy có xót xa không?

…Trong thời gian đi làm gia sư, em có kèm cho con nhà chị Hiệu trưởng THCS Di Trạch môn Tiếng Anh, biết khả năng của em nên khi trường thiếu giáo viên, chị ấy đặt vấn đề hợp đồng em. Vậy là em vừa dạy Tiếng Anh ở THCS Di Trạch, dạy thay giáo viên nghỉ thai sản ở một trường THCS khác, chiều lại dạy thay giáo viên nghỉ thai sản ở một trường Tiểu học nữa. Cửa hàng ngày một phát triển nên cuộc sống cũng tạm ổn. Đó là thời gian em thu nhập cao nhất bằng nghề của mình kể từ khi ra trường…”

Hết năm học đó, do không xin lại được hợp đồng nên Ngọc quyết định ở nhà chuyên tâm vào kinh doanh. Khi quyết định chia tay với nghề cho thanh thản, cô đã rút toàn bộ tiền đã đóng bảo hiểm xã hội.

Một cái kết có hậu

Nhưng rồi cái nghiệp gõ đầu trẻ vẫn không thể dứt ra được. Tháng 1 năm 2019, trường THCS Đức Thượng mời cô dạy hợp đồng. Tháng 4 năm đó, lại có đợt thi viên chức giáo dục. Ngọc cũng nản, định không thi nữa, nhưng mọi người động viên, cô lại nộp hồ sơ.

Ngọc hài hước: “ Em thi đỗ lần này như định mệnh ấy chị ạ. Ngày cuối cùng nộp hồ sơ, em lên phòng nội vụ còn đúng 1 tờ đơn cuối, em xin và ghi rồi nộp vào THCS An Thượng. Hồ sơ nộp tháng 4 - 2019 thì tháng 8, em xin về hợp đồng tại THCS An Thượng làm giáo viên nhạc đúng vị trí mà em sẽ dự tuyển. Năm nay thi 2 vòng: Vòng 1 là kiến thức luật và Tiếng Anh trên máy, qua vòng 1 sẽ được thi vòng 2 là kiến thức chuyên môn. Cũng may có bằng Tiếng Anh nên sau vòng 1, em là thí sinh duy nhất còn lại của môn nhạc THCS đủ điều kiện dự thi vòng 2. Nghĩ có lẽ vận may đến rồi chăng, nên em lại miệt mài ôn chuyên môn, nhiều ngày tập soạn bài, ôn kiến thức. Đã nhiều lần thất vọng rồi nên sau khi thi xong, em cũng chẳng buồn xem điểm nữa.

…Em không bao giờ quên cảm xúc lúc 5 giờ chiều hôm 21/11/2019, đứa bạn em xem kết quả và thông báo điểm. Niềm vui vỡ òa. Mừng quá! Đi từ cầu thang xuống sân trường, gặp ai cũng nắm tay “em đỗ rồi”. Đến khi đi làm hồ sơ mà nước mắt tuôn rơi. Đứa con dâu cô Hiền (bạn học phổ thông cùng em) cũng nộp hồ sơ đỗ viên chức đợt này. Ồ! Hóa ra mình “đồng trang lứa” với các cháu đáng tuổi con mình! Nhưng cũng được an ủi: Vậy là tâm nguyện của bố mẹ ước ao lúc còn sống nay đã thành. Vậy là sau 24 năm kiên trì, ước mơ vào nghề giáo của mình được thực hiện…”

Thay cho lời kết

Hơn 40 tuổi, 3 đứa con trong đó đứa lớn đã vào đại học, 24 năm kiên trì theo nghề, cô Ngọc đã tìm được “danh phận người thầy”, một tấm gương “vì sự học ngày nay” của con trẻ. Nhìn nét mặt rạng ngời của cô giáo Ngọc khi nhận quyết định mà tôi có nhiều cảm xúc đan xen. Mừng cho cô đã đạt được ước mơ; tôi cũng khâm phục ý chí và lòng yêu nghề, đam mê với nghề dạy học của cô giáo. Hy vọng, bằng ngọn lửa đam mê ấy, cô giáo Ngọc sẽ tiếp thêm nhiệt huyết cho học trò, đem hết sức mình để cống hiến. Đó là một cái kết viên mãn của cô giáo Nguyễn Thị Ngọc – giáo viên trường THCS An Thượng – Hoài Đức - Hà Nội.


Có thể bạn quan tâm