March 28, 2024, 11:21 pm

Hạnh phúc luôn xa vời

 

Tập truyện dầy 234 trang gồm 20 truyện ngắn. Mỗi câu chuyện có một hoàn cảnh, không gian, thời gian, số phận khác nhau nhưng những người phụ nữ này đều giống nhau ở một điểm là nỗi khắc khoải, khát khao hạnh phúc và một hạnh phúc luôn xa vời, không trọn vẹn. Tất cả tạo nên một thế giới phong phú về cuộc đời. Điều đó không chỉ cho người đọc sự cảm nhận đầy đủ góc cạnh về thế giới nhân vật của tác giả mà còn thấy được vốn sống, sự trải nghiệm, khám phá không biết mệt mỏi của nữ nhà văn trẻ Nguyễn Thị Mai Phương.

Trong Giấc trưa có người mẹ nông dân tần tảo, thương con, chăm chút, luôn hy vọng dẫu xa vời vào tương lai của con gái. Các con gái của mẹ trong đó “chị” an nhiên, đơn giản, khát vọng yêu, khát vọng hạnh phúc, chịu thương chịu khó nhưng cuối cùng cũng không có hạnh phúc thực sự; “em” tốt bụng, có học, muốn thay đổi cuộc đời, cầu vọng hạnh phúc nhưng hiện thực cuộc sống khắc nghiệt không dễ tạo dựng một hạnh phúc như ước mong.

Trong Cỏ Mã Linh, cuộc đời của người phụ nữ gắn với những năm tháng chờ đợi, mà chờ đợi ai? - “Đã 20 năm bà luôn chờ hết chuyến tàu trong ngày mới thôi”. Bà chờ tầu? Chờ một ai đó? Chờ Cỏ Mã Linh thứ vô chi vô giác nhưng ám ảnh tận cùng tâm khảm bà? Để rồi cứ thế những chuyến tầu đi qua một cách vô vọng, xót xa. Không tuyệt vọng, bà vẫn bền bỉ, khát khao chờ đợi trong mông lung, hư ảo. Bất chấp mọi lời khuyên, mọi sự đàm tiếu, mọi sự ngờ vực… người phụ nữ vẫn đợi. Bà sống trong hy vọng, thực và ảo đan xen… Để rồi, cuối cùng sự hồi âm tình yêu của bà với người yêu đầu đời cùng với lời hứa sẽ mang về tặng bà Cỏ Mã Linh đã không thành hiện thực. Tình yêu không trọn vẹn nhưng cách dẫn dắt và kết thúc chuyện lại cho ta thấy tình yêu và khát vọng yêu luôn có hình hài và mầu sắc riêng của nó.

Đến thăm Bạch Đào, câu chuyện của người phụ nữ bắt đầu từ câu chuyện riêng tư trở thành câu chuyện thời đại. Thời đại cả dân tộc cùng chung một lý tưởng vì độc lập tự do! Họ cùng vượt qua những hy sinh, thiệt thòi hướng tới một ngày mai hạnh phúc. Niềm hy vọng khôn nguôi nhưng điều đó không bao giờ đến. Chú Đào trồng cho bà Tảo “Cây đào kiếm được từ chiến trường”, “Mùa hoa đầu tiên thì chú Đào và bố anh được về phép”, “Mùa hè năm ấy cây đào héo khô và chết. Chỉ một tháng sau có giấy báo tử chú Đào”, “Cô Liễu chạy đến ôm bà Tảo khóc nói cô đang có mang với chú Đào”… Mỗi người phụ nữ đều có những éo le riêng, bất hạnh riêng nhưng giống nhau là không ai có hạnh phúc.

 Ngày mai thoạt đầu tưởng nhân vật chính là anh – chàng – chồng nhưng thực chất là người phụ nữ - vợ - nàng. Sự bất hạnh của người phụ nữ khi người chồng gia trưởng, thờ ơ đến tàn nhẫn, bàng quan tới mức không cần để ý đến nỗi niềm của vợ con. Chàng mặc định hạnh phúc là hiển nhiên, là tự có sẵn cũng như sự có mặt của vợ con trên đời này, bổn phận của vợ là chăm bẵm, còn nhận hưởng là tùy chồng ban phát. Cũng bởi thế mà nàng từ khát khao đến chịu đựng, nhẫn nhục, hy sinh, cắn rứt, bất lực, bất mãn, tủi hờn, tuyệt vọng… mà chàng không hay biết, không cần biết.

Trong Bóng nước xa xăm nói về hạnh phúc của phụ nữ bằng cách nói gián tiếp về sự kiếm tìm hạnh phúc của người đàn ông. Hạnh phúc như một sự tìm kiếm có lúc nắm được lại rơi rớt. Một hành trình được mất, huyễn hoặc xa xăm. Chàng rời xa nhà đến nơi xa lạ, hoang vắng để tìm lại sự tĩnh lặng, yên ổn cho tâm hồn mình. Chàng thấm thía qua việc cô gái đến trong mơ vồn vã, cầu cứu, ám ảnh khôn nguôi. Câu chuyện chiến tranh, câu chuyện cuộc đời, câu chuyện tình người cứ chập chờn ám ảnh. Để rồi qua đó thông điệp tác giả đưa ra cái thực là tình thân, là gia đình, là đạo lý, là trách nhiệm, là sự hiếu nghĩa. Đó cũng chính là cái gốc của con người, của cuộc đời, của hạnh phúc.

Có thể nói hai mươi truyện ngắn trong Cỏ Mã Linh là những khắc khoải về người phụ nữ, về nỗi khát khao hạnh phúc, về những bất hạnh của họ từ trong gia đình đến ngoài xã hội. Họ có thể ở nhiều hoàn cảnh và thời đại khác nhau nhưng đều giống nhau là sự thiếu hụt, chênh vênh chưa đâu bù đắp được. Họ trở thành nhân vật gây nhiều ám ảnh trong truyện ngắn Nguyễn Thị Mai Phương… Văn phong giản dị mà nhiều tầng ý nghĩa, lối kể chuyện không vội vàng mà dồn nén. Tính hiện thực trong tác phẩm thể hiện ở sự tiêu biểu về cảnh huống, con người, cuộc đời tới mức khi đọc người ta muốn tặc lưỡi “Đời là vậy!”. Thông điệp bật ra sau mỗi truyện thường bất ngờ, sâu sắc. Tính chất kỳ ảo dân gian làm cho câu chuyện thêm hấp dẫn, hình tượng nhân vật trở nên thực hư huyễn hoặc “Ai không ngủ được sẽ nhìn thấy ngôi nhà bà Khế như cái đèn lồng treo bên bến sông phủ mờ sương khói” (Cỏ Mã Linh); “Khi anh và Minh thi đỗ đại học thì Tết đó cây bạch đào trổ hoa tầng tầng lớp lớp trắng muốt” (Đến thăm bạch đào)… Thông điệp mỗi truyện ngắn mà nữ nhà văn trẻ gửi gắm qua tác phẩm nhẹ nhàng mà có tính nhân văn sâu sắc “Không có những giấc trưa như thế tôi sẽ chết, chết từ lâu rồi” (Giấc trưa) - hạnh phúc là giấc mơ dẫu cho giấc mơ thì không có thực hoàn toàn; “Bà ngồi lặng lẽ lòng như vỡ tràn thành trăm ngàn con nước… Mỗi cuối đông, những vạt cỏ lại bừng sáng kể về mối tình xưa… Người ta gọi cỏ ấy là cỏ Khế” (Cỏ Mã Linh) - tình yêu diễn thái là có thực nhưng tình yêu sống mãi cũng là có thực; “Sự tái sinh luôn nằm trong những yêu thương” (Đến thăm Bạch Đào). 

Có một sự lao động sáng tạo miệt mài và thầm lặng, có một thế giới văn chương không ồn ào mà mạnh mẽ, có một mô típ hình tượng nghệ thuật gần gũi mà mới lạ… đó là những điều tôi muốn nói về nữ nhà văn trẻ Nguyễn Thị Mai Phương. Qua Cỏ Mã Linh chúng ta thêm thấy rõ rằng, văn chương là thứ không ai đòi ai bắt, không ai xin ai cho, tự nó phôi thai, tích kết, quẫy đạp đòi ra đời khi mà nhà văn đích thực là cái tổ sinh sống của nó…

Nguồn Văn nghệ số 10/2020


Có thể bạn quan tâm