April 20, 2024, 7:32 pm

Hạnh phúc giữa đời thường

 

Ông tên là Và, họ và tên đầy đủ là Lý Văn Và, dân tộc Nùng. Vợ là Phạm Thị Tiến, ở bản Tiến Trung, xã Tiến Thắng, huyện Yên Thế (Bắc Giang). Chuyện nhà ông có nhiều cái đặc biệt. Tiến Trung là một bản nghèo hưởng chế độ 135 của chính phủ, nhà ông nghèo nhất bản, nghèo về vất chất nhưng lại “giầu” về tri thức vì ông có 5 người con thì có đến 4 con tốt nghiệp đại học, có công ăn việc làm ổn định.

Gặp được ông lấy tư liệu viết bài là cả một quá trình.

Lần thứ nhất, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Tiến Thắng điện thoại cho ông thì ông không có nhà. Không được việc nhưng tôi có được số điện thoại của ông. Tôi chủ động điện thoại cho ông mấy lần, lần thì ông bảo đang ở trên đồi, lần thì ông chối khéo: “Có gì đâu, anh viết làm gì, ở Yên Thế còn nhiều gia đình hơn nhà tôi ấy chứ”….  Cuối cùng, ông hẹn tiếp tôi vào…10 giờ trưa.

Ông nhỏ thó nước da đen bóng trông người rắn đanh như một cây lim. Đôi ba câu chuyện xã giao, biết cùng tuổi với tôi, ông hồ hởi rót đầy ra 2 chén rượu, loại chén hoa hồng từ ngày xưa, “cạch” với tôi rồi ực một hơi hết, tôi xin phép uống lai rai, và thế là ông nói…

 

Chuyện cổ tích giữa đời thường

Năm 1984, ông Và tốt nghiệp trường Trung cấp tài chính Hà Bắc, khoa kế toán. Ra trường về quê, bọn bạn cùng tuổi vợ con hết cả rồi, bố mẹ giục quá, lại thêm cô sơn nữ cùng bản hớp hồn, thế là ông lấy vợ, quên cả sự nghiệp mà mình đã dùi mài suốt 3 năm học.

Lấy vợ năm trước, năm sau có con, cố lấy một cậu ấm nhưng cố mãi đến lần thứ năm mới là con trai. Nhiều con, lo đủ cơm ăn cho chúng cũng là một việc không hề đơn giản. Giọng ông trầm hẳn xuống: “Mình sinh đẻ vỡ kế hoạch, đáng lý phải phạt chứ. Ấy dà! Thế mà chính phủ vẫn cho gạo ăn, con mình đi học vẫn được nhà trường tặng sách vở, bút mực, cả xe đạp nữa. Ấy dà! Chính phủ tốt quá”.

Trời phú cho ông và các con có được sức khỏe tốt, các con học giỏi, biết yêu thương nhau. Chúng cứ ăn mà lớn, chả bệnh gì, chỉ hắt hơi sổ mũi qua loa, mỗi năm một lớp, cuối năm học lại mang giấy khen về cho bố mẹ. Con lớn của ông là Lý Thị Quế, sinh năm 1986, học trường Dân tộc Nội trú tỉnh, năm lớp 11 được giải nhì môn Địa lý cấp tỉnh, năm lớp 12 được Huy chương vàng môn Tiếng Anh không biết trong kỳ thi gì ấy, ông chẳng nhớ. Tôi bảo “Muốn xem giấy chứng nhận” ông nói: “Cháu lấy chồng mang theo rồi”. Việc cháu Quế được huy chương vàng, anh Phó chủ tịch xã trước đó cũng đã nói với tôi.

Trong năm đứa con thì Quế hiếu học nhất. Nhà ông nghèo, một lần mượn được con trâu, bố bắt Quế nghỉ một buổi học ở nhà trông em để tranh thủ cầy cho kịp thời vụ. Bố cầy ở ruộng gần nhà cứ thấy tiếng con khóc, vội về nhà thì đã thấy Quế bỏ em ôm sách vở chạy đến trường, nghĩ mà vừa giận vừa thương con.

Năm học 2004-2005, Quế trúng tuyển vào trường Đại học Sư phạm I Hà Nội, khoa Tiếng Anh. Gian nan vất vả lại thêm bội phần. Trò chuyên cùng tôi, ông hồi tưởng lại thời gian nuôi con ăn học đại học, tất cả hiển hiện ra như mới ngày nào, ông bà quần quật với công việc, gặp việc gì làm việc ấy, bà lo việc đồng áng còn ông làm thuê lúc thì đẵn gỗ, cuốc hố trồng cây, khi thì phụ vữa phu hồ, buổi tối lại kéo cá thuê ở đập Cầu Rễ để lấy tiền nuôi con. Nhà ở gần đập, lại nhiều tuổi, thời thanh niên, ông đã từng tham gia lao động đào đắp đập nên thuộc từng gốc cây mô đá nơi lòng hồ. Ông Khang, chủ thầu đập Cầu Rễ và anh em trong tổ kéo cá thuê 5 người quý mến, tin tưởng bầu ông làm tổ trưởng, có ông hôm nào là hôm ấy kéo được nhiều cá và lưới không bị vướng mắc vật cản dưới lòng hồ.

Nhiều tuổi nhưng sức ông dẻo dai nhất, có lần liên tục một tuần đêm thức đến 11-12 giờ kéo cá, anh em trẻ không chịu nổi nghỉ hết, còn một mình, ông xin với ông Khang kéo vó tôm gần bờ, ông thức tiếp 3 đêm nữa, đêm cuối cùng mỏi quá, ngồi nghỉ trên bờ rồi ngủ thiếp đi lúc nào không biết chỉ tới khi có tiếng gà đánh thức ông mới bừng tỉnh dậy. Sau đợt đó, ông nghỉ hẳn một ngày chỉ để… ngủ. Ông ngủ suốt từ sáng hôm trước đến sáng hôm sau chỉ dậy ăn cơm rồi lại ngủ, đến nỗi vợ con tường ông làm sao hốt hoảng giục ông đi bệnh viện.

Chị Quế học đại học được 2 năm thì em Lý Thị Hương, sinh năm 1988, cũng vào học trường Đại học Công nghiệp Hà Nội. Cầm tờ giấy báo trúng tuyển đại học của con vui đấy mà sau niềm vui lại chất chứa âu lo. Để con vui vẻ và an tâm học tập, tiễn con đi, ông bà chỉ nói một câu: “Con cứ yên tâm học tập, tất cả đã có bố mẹ lo”. Lúc này, chị Quế ngoài thời gian học lại đi làm gia sư nên cùng có tiền thêm vào nuôi em cùng bố mẹ. Quế ra trường tốt nghiệp bằng khá được về trường THPT Tân Yên I dạy học, Hương tốt nghiệp đại học về quê công tác tại trường Mầm non xã nhà.

Năm học 2009-2010, cô con gái thứ 3 Lý Thị Hoan, sinh năm 1993, bước chân vào giảng đường trường Đại học Y Dược Thái Nguyên, học tập hai chị, Hoan tích cực học tập và được nhận học bổng của trường. Ra trường Hoan mở cửa hàng kinh doanh thuốc tại thị trấn Cao Thượng huyện Tân Yên.

Con gái thứ tư Lý Thị Huệ, sinh năm 1993, tốt nghiệp đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn khoa Đông Phương Học, làm cho một công ty du lịch ở thành phố Đà Nẵng. Anh con trai út của ông bà Lý Hoài Nam sinh năm 1998, khác với các anh chị, anh chọn con đường lập nghiệp bằng việc làm thợ. Với đôi bàn tay khéo léo và khiếu óc thẩm mỹ, anh học nghề cắt tóc làm đầu và hiện đang làm cho một cửa hàng ở Hà Nội.

 

Bát mồ hôi đổi lấy niềm vui

Trời nắng to, ngoài sân cô con gái thứ ba của ông bà, Lý Thị Hoan, đang tãi những lá cây thuốc được thái nhỏ ra phơi. Trò chuyện cùng tôi, Hoan cho biết, ngoài thuốc Tây, nhu cầu thị hiếu người dân bây giờ nhiều người thích chữa bệnh bằng thuốc Nam và Đông Y. Những vị thuốc ở đây có cây ở đất rừng Yên Thế không có mà cháu phải lặn lội lên tận vùng Lạng Sơn để đặt mua. Hoan đang gây dựng một vườn thuốc Nam tại vườn của nhà. Vừa giúp con phơi thuốc, ông Và vừa khoe các con thỉnh thoảng lại gửi sâm nhung về để cho bố mẹ tẩm bổ. Chúng bảo bố mẹ làm ít thôi, nghỉ ngơi tĩnh dưỡng tuổi già. Nhưng tôi ngồi chơi là ốm…

Bây giờ ông bà đã bước vào tuổi 60, nỗi lo cơm áo gạo tiền không còn như ngày nào, các con tốt nghiệp đại học bằng khá, giỏi, ra trường là có việc làm, đã trưởng thành như những cánh chim bay đi khắp mọi miền nhưng vẫn yêu thương nhau như cái thủa hàn vi, cái thủa em mặc lại áo quần, dùng sách giáo khoa của chị, cái thủa chị em đùm bọc nhau, bảo ban nhau có đồng lương thì chi tiêu chắt chiu để gửi tiền về thêm cho bố mẹ trả ngân hàng… Ngôi nhà nhỏ của những ngày nào luôn rộn rã tiếng cười. Với bản tính cần cù chịu khó, trung thực có uy tín trong bản, đầu năm 2018, ông được dân trong thôn bầu làm trưởng thôn. Miệng nói tay làm, ông đang góp phần đưa thôn từng bước chuyển mình xây dựng nông thôn mới.

Nguồn Văn nghệ số 49/2019

                                                                                           

 


Có thể bạn quan tâm