March 29, 2024, 4:23 am

Hằng số và biến số để quy tụ tài năng

Trí thức là tầng lớp người dù đạo đức và tài năng khác nhau, phẩm chất và cống hiến xã hội không giống nhau, nhưng tất cả họ đều có một lý tưởng chung: phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Vì vậy, có thể nói: Trí thức là linh hồn của văn hóa dân tộc.

Trong hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước, giới trí thức khoa học, văn hóa đóng vai trò hết sức quan trọng trong sự nghiệp bảo vệ và chấn hưng đất nước. Không phải ngẫu nhiên mà nhà bác học Lê Quý Đôn đã quả quyết: “Phi trí bất hưng”. Để giúp trí thức văn nghệ sỹ thực hiện ba điều cốt lõi “đức, tài, công”, cũng là 3 nhiệm vụ lâu dài, các nhà hoạch định chính sách, các tổ chức hữu quan về văn hóa, văn nghệ và đội ngũ các nhà văn hóa, văn nghệ sĩ cần lấy việc quy tụ tài năng làm trọng, mà việc phát hiện, sử dụng, bảo vệ hiền năng là những hằng số, còn việc xây dựng cơ chế, chính sách, tổ chức, đãi ngộ, chế độ nhuận bút, kinh phí đầu tư sáng tác… được coi là những biến số, bởi chúng cần được thay đổi tùy theo giai đoạn lịch sử.

 

Để giúp trí thức văn nghệ sỹ thực hiện ba điều cốt lõi “đức, tài, công”, cần lấy việc quy tụ tài năng làm trọng, mà việc phát hiện, sử dụng, bảo vệ hiền năng là những hằng số, còn việc xây dựng cơ chế, chính sách, tổ chức, đãi ngộ… được coi là những biến số…

 

Không phải ai cũng có thể phát hiện tài năng, phải là người hữu đức, hữu tài mới có sức cảm hóa, thu hút người tài. Thời phong kiến, các vua đời Nguyễn rất quan tâm đến việc chiêu tập hiền tài. Vua Minh Mạng lo lắng khi nhân tài chưa được quy tụ đã hỏi các đình thần “Trẫm lo chấn hưng văn giáo mà sao nhân tài ít thế?”. Tự Đức viết: “Nhân tài là cội gốc để làm chính sự, muốn chỉnh lý chính sự tất phải cần nhân tài”. Trước đó vua Thiệu Trị đã ban hành dụ: “Cần tìm người ẩn dật, sơ sót người hiền ở chốn thôn quê”. Đủ biết việc cai trị dân thời nào cũng vậy, đều lấy việc dùng hiền tài làm gốc. Thời hiện đại, Thủ tướng Phạm Văn Đồng là nhà lãnh đạo cấp cao có ý thường trực phát hiện tài năng. Đến với giới trí thức văn nghệ sỹ, ông thường nhắc đến đầu tiên là phải tạo cho từng người có cái gì đó riêng, một cá tính sáng tạo, một bản lĩnh nghệ thuật, một phong cách độc đáo, bởi nghệ thuật không phải là sự sản xuất hàng loạt… Vào những năm 60 (thế kỷ XX), trên Tạp chí Văn học thấy đăng bài viết về tập thơ Hương cây - Bếp lửa của hai tác giả Lưu Quang Vũ và Bằng Việt được nhà phê bình Hoài Thanh - người vốn rất cẩn trọng trong những vấn đề quan hệ giữa chính trị và văn nghệ - phát hiện và khen ngợi. Những việc làm và lời động viên của hai nhà thơ lớn Tố Hữu và Xuân Diệu về tài thơ thần đồng Trần Đăng Khoa đã làm cho nhiều người trong giới ngỡ ngàng, việc gì mà các nhà văn bậc thầy lại đi quan tâm những hiện tượng nhỏ nhặt (!?). Về sau, cả ba nhà văn đều trở thành những tài năng thực sự. Việc công bố truyện ngắn Tướng về hưu của Nguyễn Huy Thiệp vào năm 1987 do báo Văn nghệ thời đó phát hiện là một hiện tượng đáng được biểu dương (xem thêm bài Chúng tôi in Nguyễn Huy Thiệp của Ngô Ngọc Bội, số 13 ngày 29 tháng 3 năm 2008). Việc làm này có ý nghĩa kép: vừa cho đăng kịp thời một tác phẩm mới, với giọng điệu lạ lẫm, phản ánh một hiện tượng cập nhật trong xã hội thời kì đầu đổi mới, vừa chứng tỏ bản lĩnh của những người duyệt bài trong ban biên tập.

Sử dụng nhân tài trong văn nghệ chủ yếu không phải là sắp xếp thứ bậc, “chỗ ngồi” trong các cơ quan quản lý Đảng, Nhà nước, Hội sáng tạo, mà chính là tạo điều kiện vật chất, môi trường văn hóa để văn nghệ sĩ tự do sáng tạo. Tác phẩm và Tác phẩm vừa là lý tưởng nghề nghiệp, vừa là câu trả lời chính xác của từng nhà văn nghệ trước xã hội và công chúng. Nguyễn Đình Thi là nhà văn nổi tiếng ở trong nước và cả ở nước ngoài, được bạn đọc, bạn nghe hâm mộ không chỉ vì ông là Chủ tịch Hội Nhà văn nhiều khoá, mà là nhờ những trang tiểu thuyết về cách mạng và kháng chiến, những vở kịch gây tranh luận: Con nai đen, Nguyễn Trãi ở Đông Quan, những bài thơ về đất nước của những người áo vải, những ca khúc Diệt phát xít, Người Hà Nội...

Có nhiều chuyện bàn về môi trường văn hóa trong sáng tạo nghệ thuật. Ở đây, tôi xin nêu hai điểm về ứng xử đối với trí thức, văn nghệ sỹ: Tình và Lý, công bằng xã hội. Nói đến quy luật của văn nghệ, cố Tổng bí thư Lê Duẩn đã coi là quy luật của tình cảm. Việc ứng xử đối với từng cá nhân trí thức, văn nghệ sỹ cũng nên xuất phát từ tình cảm, rồi từ đó mới thuyết phục được bằng . Có khi lý chưa thật thông, nhưng với lòng thành, đức khiêm, tình cảm chân thành, lương tâm trong sáng thì sự việc dễ dẫn đến kết quả. Đồng chí Hà Huy Giáp, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng nhiều khóa, Thứ trưởng Bộ Giáo dục, trong tập hồi ký Đời tôi, những điều nghe thấy và sống có kể lại rằng: vào năm 1963, trước lúc nhận nhiệm vụ mới, chức Bí thư Đảng đoàn Văn hóa, Thứ trưởng văn hóa, ông được Bác Hồ mời đến trao nhiệm vụ, một trong những điều Bác dặn, ông nhớ nhất là câu: “Gặp nhà giáo, chú có thể gặp tập thể, gặp văn nghệ sĩ, chú gặp riêng từng người một. Đối với văn nghệ sĩ phải có tình trước mới đưa họ vào lý… Văn nghệ sĩ góp phần rất nhiều vào việc đào tạo con người”.

Nghệ sĩ có tâm lý khác, thường hoạt động theo tâm trạng. Ngược lại, nhà lãnh đạo chính trị, nhà quản lý văn hóa cần dành thì giờ cho trí thức và cảm thụ thẩm mỹ, không nên làm thay chức năng của nhà phê bình, thậm chí nên tránh những việc làm, lời nói gây sức ép cho số phận tác phẩm khi tác phẩm đang ở trong hoàn cảnh đánh giá còn khác nhau. Ở các Hội đồng lý luận văn nghệ Trung ương, Hội đồng giải thưởng quốc gia, Hội đồng chức danh khoa học, danh hiệu giáo dục, nghệ thuật, y học… cũng cần được thay đổi, cải tổ để đạt mục tiêu công bằng xã hội đối với tài năng, tài năng không bị bỏ sót. Các chuẩn mực bình bầu cũng cần được cân nhắc, có thay đổi theo giai đoạn, có tính đến tính lịch sử của vấn đề, của đối tượng được bình xét, đặc biệt phải tính đến hiệu quả xã hội. Trong khoa học, văn hóa và các lĩnh vực sáng tạo, các tài năng không phủ định lẫn nhau. Ở đó có đủ chỗ cho mọi người, miễn họ có tài năng. Các nhà tổ chức, các cơ quan Đảng và Nhà nước, Hội sáng tạo chính là “bà đỡ” cho những hiền tài.

Nói chuyện bảo vệ tài năng trí thức, tôi xin ôn lại hai hiện tượng xảy ra trong lĩnh vực giáo dục, văn hóa. Giáo sư Ngụy Như Kon Tum là một trong không nhiều trí thức yêu nước đã được đào tạo tại các trường đại học danh tiếng ở Pháp, được Bác Hồ mới về nước tham gia cách mạng và kháng chiến. Hòa bình lập lại, sau khi tiếp quản Thủ đô, Đảng và Nhà nước nghĩ ngay đến việc đào tạo đội ngũ trí thức mới cho sự nghiệp khôi phục kinh tế và chấn hưng văn hóa. Giáo sư được cấp thẩm quyền ký quyết định làm hiệu trưởng đầu tiên của trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (bấy giờ cả miền Bắc chỉ có năm trường Đại học). Trong vị trí công tác mới của mình, giáo sư đã dốc lòng với công việc, sống giản dị, được đội ngũ giáo sư, giảng viên và sinh viên tin yêu, trọng thị. Thế mà giữa lúc thực tiễn đất nước còn nhiều phức tạp, thế giới có nhiều biến động… một số người nhân danh tổ chức này nọ đã có ý thay đổi chức vụ của giáo sư. Biết được tin đó, Bác Hồ chỉ thị cho Bộ Giáo dục kiên quyết bảo vệ vị trí công tác của giáo sư, tạo mọi điều kiện giúp đỡ giáo sư hoàn thành nhiệm vụ giữa những tháng năm đất nước còn bị chia cắt, trí thức, văn nghệ sĩ miền Nam hướng lòng tin về miền Bắc.

Chúng tôi đã có nhiều năm làm việc với nhà lý luận Hà Xuân Trường lúc đó là Thứ trưởng Văn hóa, về sau là Trưởng ban Văn hóa Văn nghệ Trung ương. Ngay từ năm 1965, ông đã có những kiến giải về thế giới quan thông thoáng hơn so với lý thuyết ở một số giáo trình đại học… Với logic của phương pháp mở, với thái độ quý trọng tài năng, Hà Xuân Trường viết nhiều lời tôn vinh tài năng kiệt xuất của nhà triết học Trần Đức Thảo “người Cộng sản ngoài Đảng” với giọng văn đầy xúc động. Trong bài viết Trần Đức Thảo - người tư duy không biết mệt, ông đánh giá cao trí thức uyên bác về nhiều mặt của nhà mac-xít chân chính trong đó có vấn đề con người, nhằm bảo vệ bản chất nhân văn của chủ nghĩa Mác…

Ở thế kỷ XXI, loài người đang chung sống không dễ dàng với những quy luật phát triển mới như: cổng thông tin, toàn cầu hóa, kinh tế thị trường, kinh tế tri thức… Tất cả những vấn đề to lớn đó đòi hỏi các nhà hoạch định chính sách vĩ mô phải chú ý hàng đầu đến con người và nguồn nhân lực. Các văn kiện Đại hội Đảng lần thứ VIII cho đến XIII đều lấy con người và nguồn nhân lực là một trong ba khâu đột phá đi vào công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Trí thức, văn nghệ sĩ là một bộ phận của nguồn lực đó. Nếu chúng ta vận dụng khéo những hằng số và biến số trong quy tụ tài năng, trí thức, văn nghệ sĩ thì những đóng góp của họ sẽ làm giàu trí tuệ Việt Nam, bản sắc dân tộc Việt Nam - cơ sở và tiền đề của sự hội nhập quốc tế.

Nguồn Văn nghệ số 35+36/2021

 


Có thể bạn quan tâm