April 26, 2024, 4:25 am

Hai bộ sách đang dạy bỗng nhiên… biến mất

Những ngày này, khi giáo viên tiểu học cả nước tất bật với việc nghe các nhà xuất bản giới thiệu bộ sách lớp 2 mới, thì một số giáo viên các tỉnh năm ngoái lỡ lựa chọn bộ sách Vì sự dân chủ và bình đẳng trong giáo dục và Cùng học để phát triển năng lực của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đang rơi vào trạng thái hoang mang cực độ...

Hệ lụy từ việc hai bộ sách bỗng nhiên âm thầm biến mất!

Thầy H.V.P, Phó Hiệu trưởng một trường tiểu học tại huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An than thở: “Năm học 2019-2020, chúng tôi được Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam giới thiệu 4 bộ sách giáo khoa dành cho học sinh lớp 1. Các tác giả, báo cáo viên đại diện cho các bộ sách này đều là những thầy cô có tên tuổi trong giáo dục nước nhà đã phân tích, chỉ ra điểm hay, điểm mới của bộ sách mà mình biên soạn. Sau khi nghiên cứu kĩ, tất cả các trường Tiểu học trên địa bàn huyện chúng tôi quyết định lựa chọn môn Tiếng Việt của bộ sách Vì sự dân chủ và bình đẳng trong giáo dục do Gs Lê Phương Nga làm chủ biên. Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam cũng đã tổ chức tập huấn cho chúng tôi về cách thức sử dụng. Lúc đầu, do mới nên mọi thứ cũng gặp nhiều khó khăn, nhưng đến thời điểm này, giáo viên và học sinh đã quen với sách, mọi thứ đang được triển khai khá tốt. Tuy nhiên, trong lần giới thiệu sách lần này, chúng tôi rất ngỡ ngàng khi không hề có sách Tiếng Việt lớp 2 bộ Vì sự dân chủ và bình đẳng trong giáo dục. Điều này đẩy chúng tôi vào hàng núi khó khăn trước mắt. Nếu chuyển sang bộ sách mới, giáo viên và học sinh sẽ lại phải làm quen lại từ đầu, giáo viên năm ngoái tập huấn để dạy lớp 1, năm nay chuyển sang dạy bộ khác mà không được tập huấn thì sẽ dạy thế nào?… Chúng tôi có đặt câu hỏi này ở buổi giới thiệu sách lớp 2 mới nhưng không nhận được câu trả lời thỏa đáng”

Ở một diễn biến khác, cô giáo M.H, giáo viên tiểu học đang công tác trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn cho biết “Năm ngoái, tỉnh tôi phần lớn lựa chọn bộ sách Cùng học và phát triển năng lực, một trong 4 bộ sách của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam. Năm nay nghe nói bộ sách này “biến mất”, chúng tôi lo lắng cho học sinh của mình, liệu đường phát triển năng lực của học sinh chúng tôi có bị … đứt gãy giữa chừng không?”

Một phụ huynh ở tỉnh Bắc Kạn cũng hết sức băn khoăn: “Chúng tôi được nhà trường giới thiệu về bộ sách mà nhà trường lựa chọn giảng dạy cho con chúng tôi. Đó là bộ sách do Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam tổ chức biên soạn và phát hành. Chúng tôi chưa kịp vui mừng vì chủ trương năm nay học sinh sẽ không viết vào sách giáo khoa như các năm trước, sách giáo khoa có thể tái sử dụng cho con em của mình, như vậy chúng tôi sẽ bớt được một phần chi phí mua sách giáo khoa thì năm nay bỗng nhiên nghe các thầy cô thông báo năm tới sẽ không trường nào dùng bộ sách năm nay đang học nữa, vì Nhà xuất bản không tiếp tục tổ chức biên soạn và phát hành bộ sách này. Như vậy đứa thứ hai nhà tôi năm nay vào lớp 1 vẫn sẽ phải mua một bộ sách mới, lại tốn không ít tiền cho sách giáo khoa...”.

Tại sao hai bộ sách biến mất?

Theo Quyết định phê duyệt Danh mục Sách Giáo khoa lớp 2 sử dụng trong cơ sở giáo dục phổ thông, được Bộ trưởng Bộ giáo dục & Đào tạo Phùng Xuân Nhạ ký ngày 09/02/2021 thì chỉ có ba bộ sách: Cánh Diều, Kết nối tri thức với cuộc sốngChân trời sáng tạo được phê duyệt sử dụng trong năm học tới (2021-2022). Như vậy có thể khẳng định chắc chắn, 2 bộ sách Vì sự dân chủ và bình đẳng trong giáo dục Cùng học để phát triển năng lực sẽ không còn tồn tại trong các nhà trường.

Tìm hiểu về vấn đề này, chúng tôi được biết, tác giả của cả hai bộ sách đều là những nhà giáo ưu tú, những người có trình độ khoa học và nhiều kinh nghiệm trong biên soạn chương trình và sách giáo khoa. Sản phẩm của họ làm ra, thông qua hai bộ sách ở lớp 1 là những sản phẩm có chất lượng và được nhiều trường lựa chọn. Vậy can cớ gì họ không tiếp tục làm lớp 2 mà đẩy giáo viên, phụ huynh và học sinh vào thế khó?

Câu trả lời là … tiền. Năm học 2019-2020, với 4 bộ sách Kết nối tri thức và cuộc sống, Chân trời sáng tạo, Cùng học và phát triển năng lực, Vì sự dân chủ và bình đẳng trong giáo dục, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam tự tin là sẽ “bóp chết” Cánh Diều, bộ sách xã hội hóa đầu tiên và duy nhất, ngay từ trong “trứng nước”. Dù giáo viên chọn bộ nào thì tiền cũng vào túi Nhà xuất bản Giáo dục.

Khi các bộ sách được lựa chọn, thị phần của bộ Cánh Diều chiếm gần 40% trên cả nước. Điều đó đồng nghĩa với việc 4 bộ sách của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam chỉ chiếm hơn 60% thị phần, và hai bộ sách nói trên, mỗi bộ chỉ đạt trên dưới 10% thị phần.

Một chuyên gia kinh tế cho rằng, nếu tiếp tục phát triển hai bộ sách này, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam càng làm càng lỗ. Để cắt lỗ thì cách tốt nhất là tự mình bóp chết sản phẩm của mình. Chúng tôi cho rằng, nếu như một cơ sở sản xuất, sản xuất hàng hóa và bán không như mong muốn, họ hoàn toàn có thể dừng việc sản xuất và kinh doanh mặt hàng đó. Tuy nhiên, sách giáo khoa là một loại hàng hóa đặc biệt, không thể muốn thì làm, không muốn thì bỏ. Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam bóp chết sản phẩm của mình, nhưng người gánh chịu hậu quả của việc làm này lại là giáo viên học sinh và cả phụ huynh nữa. Sẽ ra sao khi niềm tin của giáo viên và phụ huynh đối với Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam cạn dần?

Ai phải chịu trách nhiệm về việc này?

Hai bộ sách bỗng nhiên biến mất, giáo viên, phụ huynh hoang mang. Hàng núi khó khăn đang bày ra trước mặt. Ai sẽ phải chịu trách nhiệm về việc này? Câu trả lời đương nhiên là Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam. Họ đã gây lãng phí lớn về tiền bạc của phụ huynh, công sức của giáo viên và đặc biệt là niềm tin vào sự nghiệp đổi mới giáo dục, về chủ trương một chương trình nhiều bộ sách giáo khoa… Nhưng dư luận cho rằng, Nhà xuất bản cũng là một đơn vị kinh doanh, họ có quyền cắt bỏ sản phẩm của mình nếu nó không mang lại lợi nhuận. Vấn đề là vai trò của Bộ Giáo dục & Đào tạo ở đâu trong chuyện này? Tại sao Bộ không hề có động thái nào khi hai bộ sách biến mất? Có phải Bộ giáo dục & Đào tạo đang “ngó lơ” cho “con cưng” của mình muốn làm gì thì làm?

Nguồn Văn nghệ số 11/2021


Có thể bạn quan tâm