April 20, 2024, 1:12 am

Hà Tĩnh những ngày “nhà đóng cửa, đường khóa chốt”

Đại dịch Covid-19, “Kẻ thù giấu mặt” đang trở thành mối nguy cơ cho nhân dân thành phố Hà Tĩnh. Từ khi có một ổ dịch bùng phát trên địa bàn, theo mệnh lệnh khẩn thiết của Ban chỉ đạo phòng chống dịch tỉnh Hà Tĩnh, thành phố đã nhanh chóng thực hiện phương án “Giãn cách xã hội”. Các “điểm nút” ra vào thành phố đều được “khóa chốt” cẩn thận. Nhiều tổ chức kinh doanh, dịch vụ và khu vui chơi giải trí tạm ngừng hoạt động. Thành phố Hà Tĩnh sống trong không khí “nhà cách ly nhà, tổ cách ly tổ, phường cách ly phường” với tinh thần đề cao cảnh giác với mầm bệnh nguy hiểm đang gieo rắc.

“Cái sảy nảy cái ung”

“Cái sảy” bắt đầu từ đôi vợ chồng ông M làm ăn từ Bình Dương về, nhân ngày giỗ cha mình. Theo lệ thường, dầu đi đâu, ở đâu với nghĩa sinh thành ông vẫn không quên ngày thiêng liêng đó. Năm nay cũng vậy, vợ chồng ông đã chuẩn bị chu đáo hành trang cho cuộc hồi hương đặc biệt. Nhưng thực đen đủi cho ông M, vì ông đã mang mầm bệnh Covid-19 đeo đẳng trong mình mà ông đâu biết. Ông M vốn là một chủ doanh nghiệp tư nhân, chuyên kinh doanh bất động sản và xây dựng, khá năng động và thành đạt. Ông cũng là một người hào hiệp, giao lưu rộng và lắm bạn bè thân hữu. Khi đại dịch Covid-19 bùng phát lần này, tỉnh Hà Tĩnh đã ra thông báo sớm “Vì sức khỏe của chính mình và cộng đồng, những người con quê hương xa xứ tạm gác về quê trong dịp này”. Nhưng có lẽ ông M chưa nghe lời khuyến cáo ấy, nên vẫn hồn nhiên như nàng Mỵ Châu trong câu chuyện Mỵ Châu -  Trọng Thủy, đã vô tình “rắc lỗng ngỗng” cho “giặc” lần dấu....

Ngày 30/5/2021, vợ chồng ông M hạ cánh sân bay Vinh, rồi điện thoại người nhà đưa xe riêng ra đón. Về tới thôn Đoài Thịnh, xã Thạch Trung (Thành phố Hà Tĩnh) cả hai người đã trình diện trạm y tế xã để khai báo lịch trình, sức khỏe và cam kết “cách ly tại nhà”.

Tưởng mọi việc sẽ đầm ấm yên hòa, khi ngày giỗ cha mình với vài ba mâm cỗ cùng một số người là anh em nội tộc, bạn bè chí thiết quây quần. Việc “đại sự” xong xuôi, vợ chồng ông M dành thời gian, đi thăm hỏi nhiều nơi trên địa bàn Hà Tĩnh. Đặc biệt thư giãn bãi tắm biển thuộc khu du lịch Xuân Hải (Lộc Hà). Hai ngày sau, cả hai vợ chồng ông, đột ngột lên cơn sốt, ho và khó thở. Vợ chồng ông M tá hóa đi xét nghiệm, mới hay cả hai người đã nhiễm SARS COV 2. Khi biết mình bị “Kẻ thù giấu mặt” này tấn công, ông M mới sực nhớ ra rằng  trước ngày về, ông có làm việc một đối tác từ Hà Nội vào, người đó đã bị nhiễm Covid-19 trước ông và hiện đang nằm viện. Nhưng bây giờ biết thì đã muộn, ông M đã vô tình gieo mầm bệnh cho biết bao người khác, bắt đầu là những người thân nhất đã tiếp xúc gần với vợ chồng ông. Hai ngày sau, trong họ hàng nội thân của ông có hai người nhiễm ngay SARS COV 2 (một cụ già trên tuổi chín mươi tuổi và một cậu con trai bà xấp xỉ tuổi năm mươi). Thật tội nghiệp, C là một cán bộ ở Bệnh viện đa khoa Hà Tĩnh (trú tại phường Nguyễn Du), cháu A mới mười ba tuổi (trú ở Phường Bắc Hà) chỉ vì tắm trong hồ nước ngọt du lịch Xuân Hải, hai ngày sau đã lên cơn sốt nặng rồi ho khạc liên tục. Gia đình đưa đi khám và xét nghiệm, thì phải nhập viện điều trị ngay vì đã bị nhiễm Covid-19. Chuyện chưa hết, khi hai chàng thanh niên trẻ khỏe ở huyện Hương Sơn xuống biển. Sau một chuyến tang bồng du biển, Covid đã theo về tận ngõ, làm cả vùng quê náo loạn. Đúng như lời khuyến cáo “Kẻ thù giấu mặt chẳng chừa ai”. “Cái sảy nảy cái ung” từ sự lơ là thiếu cảnh giác của đôi vợ chồng ông M.

“Nội bất xuẩt, ngoại bất nhập”

Người dân thành phố Hà Tĩnh rất nhạy cảm về thông tin, và dự đoán thế nào địa bàn này sớm muộn cũng bị “phong tỏa”, nhất là sau khi biết thành phố này “Một ngày có ba người nhiễm Covid”. Họ lại càng sợ hơn, khi dịch mới này xuất hiện với loài vi rút “biến chủng mới” phát tán nhanh, có nguy cơn hơn đợt dịch cũ. Càng sợ hãi, họ càng phải đề cao cảnh giác. Thế là, nhiều nhà đổ xô đi chợ, đến các siêu thị, cửa hàng, đại lý, mua lương thực, thực phẩm, thuốc men dự trữ. Đặc biệt có người mua luôn cả mấy hộp khẩu trang to đùng, để đeo vào khi tiếp xúc với người khác. Thế rồi, chuyện “cách ly xã hội” đã từng bước triển khai. Bắt đầu từ khu chợ “Vườn ươm Thị xã”, rồi “phong tỏa hẹp” phường Nguyễn Du, những địa chỉ mà người bệnh đã tiếp xúc với nhiều người...

Đúng 7 giờ sáng ngày 8/6/202, Bệnh viện đa khoa Hà Tĩnh chính thức bị “phong tỏa” vì có một cán bộ trong đơn vị bị nhiễm SARS COV 2. Tin này, đã nhanh như tia chớp trên hệ thông tin truyền thông và mạng xã hội, khiến nhiều người sửng sốt bàng hoàng, bởi đây là bệnh viện lớn nhất tỉnh Hà Tĩnh. Giờ bị phong tỏa, ai có dịp chứng kiển mới thấy mủi lòng khi nhìn những bệnh nhân vừa lủi thủi tay nách, tay ôm đến bệnh viện khám và điều trị, thì bảo vệ đứng trước cổng ngăn lại. Họ khóc, họ van nài nhưng rồi cuối cùng cũng phải chấp nhận trở về trong nỗi đau bệnh tật và nỗi buồn vì đại dịch.

Điện thoại cho bác sĩ Hoàng Quang Trung, giám đốc bệnh viện để hỏi thăm tình hình và sức khỏe anh C vừa bị nhiễm Covid. Cú điện thoại đúng vào lúc cuộc truy vết dịch đã hoàn tất, nên bác sĩ Trung vui vẻ cho biết: Toàn bộ cán bộ công nhân viên trong cơ quan vừa được xét nghiệm xong, không có trường hợp nào dương tính. Riêng anh C đã chuyển kịp thời ra bệnh viện trung ương điều trị, hiện nay sức khỏe đang chuyển biến tốt. Do vậy, việc “phong tỏa” sẽ được “giải tỏa” sớm để đón bệnh nhân. Tất nhiên, việc phun hóa chất khử khuẩn và việc tổ chức khám sàng lọc bệnh nhân bệnh viện phải rất chặt chẽ và khoa học.

Vậy là chỉ một ngày sau khi bị “phong tỏa”, Bệnh viện đa khoa Hà Tĩnh lại được tiếp tục trở lại hoạt động. Song niềm vui chưa được bao lâu thì đúng 12 giờ trưa ngày 8/6/2021, thực hiện chỉ thị 16-CP-TTg của Thủ tướng, Ban chỉ đạo phòng chống dịch tỉnh Hà Tĩnh, đã ban bố lệnh “Giãn cách xã hội” toàn bộ thành phố Hà Tĩnh, gồm 15 xã, phường với tổng số 25.516 hộ gia đình, 103.546 nhân khẩu. Thực hiện nguyên tắc “gia đình cách ly với gia đình, thôn cách ly với thôn, xã/ phường cách ly với xã phường”. Mọi người dân thành phố Hà Tĩnh đều ở nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp cần thiết như mua lương thực, thực phẩm, thuốc men, đưa người đi cấp cứu hoặc làm việc tại công ty, nhà máy. Thực hiện giữ khoảng cách tối thiểu 2 m khi giao tiếp, không tập trung quá 2 người, bên ngoài công sở, trường học, bệnh viện và ở nơi công cộng… 

Khi tiếng loa thông tin lưu động vang lên khẩn thiết trên toàn địa bàn thành phố Hà Tĩnh, công bố rành rọt nội dung “Giãn cách xã hội” và cảnh báo với đồng bào về sự nguy hiểm của đại dịch Covid-19 đang bùng phát, thì mọi người lúc này đã “ai ở yên nhà nấy” rồi. Những con đường giao thông, lối rẽ vào thành phố với 83 “điểm nút” đã được “khóa chốt an toàn”. Cảnh sát giao thông đã đứng canh giữ ở các trục đường xuyên ngày, thâu đêm. Ngày giãn cách đầu tiên, một số người dân ở huyện Cẩm Xuyên, Lộc Hà do chưa nắm được thông tin thành phố Hà Tĩnh đang thực hiện “giãn cách xã hội” nên vẫn chạy xe máy, mang quà đến thăm người thân, hoặc đưa rau, đưa cá vào chợ thành phố bán. Khi đến các điểm chốt đường giao thông, họ thật sự sửng sốt. Cảnh sát giao thông đã ôn tồn giải thích cho họ hiểu thành phố “nội bất xuất, ngoại bất nhập” vì đang có đại dịch bùng phát. Nghe vậy, họ càng thương cảm hơn với những người đang nằm trong “vòng vây” và cảm thông, chia sẽ với lực lượng công an đang làm nhiệm vụ.

 Từ ngày thực hiện nghiêm túc lệnh “phong tỏa”, có cảm giác cả thành phố Hà Tĩnh như có lốc biển đang rập rình ập tới. Nắng hạ vẫn vàng, hoa bằng lăng vẫn tím dọc các con đường, nhưng cả thành phố vắng lặng hẳn. Từ  đại lộ Phan Đình Phùng, Trần Phú đến đường lớn Nguyễn Công Trứ, Hải Thượng Lãn Ông, mọi hoạt động như hàng ăn, quán cà phê, quán cắt tóc và nhiều dịch vụ khác đều đóng cửa. Những người có thói quen thể dục bằng xe đạp, đành phải chuyển sang hình thức “vươn vai, uốn lưng” trong khung cửa nhà mình, và tìm đến những hình thức giải trí khác như đọc sách, nghe nhạc, xem truyền hình, tự tìm kiếm những điều bổ ích nhất qua mạng; thăm hỏi nói chuyện với bạn bè và người thân qua điện thoại...

“Những tấm lá chắn” ngăn dịch 

Ông Nguyễn Trọng Hiếu, Chủ tịch UBND thành phố Hà Tĩnh cho biết: “Muốn khống chế và đẩy lùi đại dịch Covid-19 nhanh nhất, hiệu quả nhất, thành phố đã xúc tiến “Những việc cần làm ngay”, đó là tạo địa điểm cách ly cho những người là F1 khi đã được phát hiện trên địa bàn. Đẩy mạnh công tác lấy mẫu xét nghiệm cho người dân trong vùng phong tỏa. Kêu gọi tất cả mọi người tự giác đến trạm y tế phường xã khai báo khi biết mình đã tiếp xúc với đối tượng bị nhiễm, hoặc đi từ nơi địa phương đang có dịch về... Hiện nay thành phố Hà Tĩnh đã trưng dụng 2 trạm y tế của phường Thạch Linh, làm khu cách ly tập trung với quy mô 100 giường. Từ ngày địa bàn thành phố Hà Tĩnh phát sinh dịch bệnh đã có gần 30 người tới cách ly tại hai địa điểm này.

Với tinh thần “Chống dịch như chống giặc”, từ tỉnh tới thành phố, từ thành phố đến phường, xã, mọi ngành mọi cấp đều nỗ lực vào cuộc. Hàng trăm cán bộ chiến sĩ quân khu Bốn đã hăm hở lên đường đi vào “điểm nóng” phun hóa chất khử trùng, làm sạch môi trường. Những ngày cao điểm này, cả ngành y tế Hà Tĩnh dường như không có một đêm ngủ trọn giấc. Tất cả vì sức khỏe nhân dân, tất cả vì thành phố thân yêu. Sở Y tế Hà Tĩnh chỉ đạo quyết liệt, bài bản và khoa học, Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hà Tĩnh nỗ lực truy vết đến cùng đường đi của mầm bệnh mới. Ngay từ đêm đầu phong tỏa thành phố, “đội quân áo trắng” đã kịp thời có mặt tại các thôn, phường để lấy mẫu xét nghiệm cho hàng trăm hộ gia đình. Đợt xét nghiệm lần thứ nhất được tổ chức vào đêm 8/6/2021, với hình thức mỗi gia đình có một người đại diện. Đêm hôm đó, tại hội quán khu phố 3 Phường Bắc Hà, tôi đã tận mắt chứng kiến cuộc xét nghiệm thực sự nghiêm túc, đông đảo nhưng rất trật tự. Hầu như ai cũng có mặt sớm. Khi nghe tổ trưởng liên gia thông báo, ai cũng tự giác rửa tay sát khuẩn, đeo khẩu trang, lặng lẽ ngồi đúng vị trí khi tổ làm nhiệm vụ gọi tới tên mình. Dưới ánh đèn neon rực sáng, một dãy bàn ghế được đặt hàng ngang trước sân rộng, có năm y bác sĩ, được bọc kín thân từ đầu đến thân một khối đồ bảo hộ màu xanh, trông giống như “phi hành gia” lái tàu vũ trụ. Mặc dầu quạt điện bật hết cỡ để hỗ trợ gió mát, nhưng người họ mồ hôi vẫn túa ra và ngộp thở. Tôi nhận ra bác sĩ Minh Đức nhờ đôi mắt và giọng nói. Anh Đức cho biết: “Suốt cả tuần nay anh và đồng nghiệp phải làm việc xuyên ngày xuyên đêm, chỉ gặp mặt vợ con qua điện thoại. Do thiếu ngủ nên người khá mệt mỏi, nhưng anh vẫn cảm thấy vui vì được dấn thân vào cuộc chiến đấu với “Kẻ thù giấu mặt” này”…

Lời tâm sự của bác sĩ Minh Đức khiến tôi rất cảm kích. Họ thực sự là “đội quân cảm tử” trong tình huống này. Nhờ vậy, chỉ sau hai ngày, đợt lấy mẫu xét nghiệm đầu tiên với hàng trăm người tham gia đã hoàn tất. Rồi đến Cuộc xét nghiệm “đại trà” lần thứ hai, với hàng ngàn người tham gia trong khí thế sục sôi của toàn thành phố Hà Tĩnh cũng đã đã kết thúc…

Dạo một vòng quanh thành phố Hà Tĩnh vốn nhộn nhịp thường ngày. Cả thành phố giờ vắng vẻ đến hoang vu sau khi khóa chốt. Nhưng đằng sau sự vắng vẻ đó là một cuộc chiến âm thầm của người dân và chính quyền. Rõ ràng là cuộc chiến với đại dịch Covid-19, đang còn nhiều gian nan và thách thức, nhưng với sự chỉ đạo sát sao, sự tận tâm của các lực lượng chức năng, của các bác sĩ, và cả sự ủng hộ tuyệt đối của người dân Hà Tĩnh, chúng ta có thể tin rằng thắng lợi đang đến gần, khi thành phố Hà Tĩnh đã tìm cho mình một chiến lược “phòng ngự và phản công” thiết thực, phù hợp và hiệu quả nhất.

Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ


Có thể bạn quan tâm