April 19, 2024, 1:00 am

Gương đồng

Đêm cuối năm. Gió mùa đông bắc tràn về. Túp lều cá ông Chiến nằm cô độc, lạc lõng giữa cánh đồng mênh mông của làng Cổ Cò. Nó như trêu ngươi thách thức các cơn gió.

Đang phóng túng ào ào tràn qua mọi nơi, về đây gặp túp lều này, bước chân của gió như khựng lại. Cáu kỉnh bực mình, gió lớn, gió bé liền tập trung lại quây lấy túp lều thi nhau giật xoáy. Chúng lồng lộn rít lên. Hun hút. Vù vù. Mấy mảnh bạt che lều bị gió thổi bung mối buộc, quăng bên nọ, quật bên kia, đập vào nhau kêu phành phạch. Gió lách qua những khe hở chui vào trong lều, luồn vào da thịt như những kim châm buốt nhói.

Rét. Sao mà lại rét thế không biết? Mấy hôm nay nhiệt độ dễ chừng xuống đến ba, bốn độ C chứ chẳng bỡn. Rải thêm bó rơm lên những tấm ván làm ổ, ông Chiến cuộn mình trong chăn bông. Đầu ông trùm mũ len. Chân tay ông găng tất bịt kín mít. Cạnh đó, một gốc cây to tướng đang âm ỉ cháy. Thế mà người ông vẫn cứ run lên nhong nhóc. Có lúc, ông phải ngồi nhổm dậy, vừa trùm chăn, vừa hơ tay lên bếp lửa cho đỡ cóng. Người ta bảo khi trời rét chạy ấm hơn đi, đi ấm hơn đứng, đứng ấm hơn ngồi, ngồi ấm hơn nằm. Đêm tối thế này mà chạy với đi ở ngoài kia thì không được rồi. Gió thổi vù vù. Mưa rơi lất phất. Có hâm tỉ độ mới làm thế. Đứng ở trong lều cũng không hay lắm. Chỉ có ngồi trùm chăn sưởi là thượng sách. Mưa phùn, gió bấc, rét căm căm. Chẳng khác mấy cái thời ông còn ở chốt trên biên giới.

truyen du thi: guong dong hinh anh 1

Khu đầm này là khu trũng nhất của cánh đồng Cây Sung. Trước đây, hồi còn hợp tác xã nó là vùng chiêm trũng của làng, thuộc chân một cá một lúa. Sản lượng cả cá và lúa đều rất bấp bênh. Cá cũng kém mà lúa cũng chẳng được bao nhiêu. Khi khoán hộ, với phương châm “có gần có xa, có dễ có khó”, khu này được băm nhỏ chia đều. Ai cũng phải gánh lấy một mảnh. Thế là từ chân một lúa một cá bây giờ chỉ còn làm được một vụ lúa thôi. Năng suất cũng thấp lắm. Mùa mưa, ruộng bỏ hoang. Làm sao mà thả cá chung được vào khu này cơ chứ.

Trước tình hình đó, nhân dịp dồn điền đổi thửa, ông Chiến thương lượng với các hộ, đề xuất với xã khoanh bao khu này lại, giữ nước chỉ để nuôi thả cá. Các hộ có ruộng ở đây mừng rơn. Họ đổi ngay. Chẳng ai muốn ôm loại ruộng đầu thừa đuôi thẹo, vừa lầy thụt vừa cỏ năn cỏ lác mọc đầy này làm gì. Tống khứ của nợ này đi càng sớm càng tốt. Đến ruộng “bờ xôi ao mật” kia người ta còn bỏ để chạy chợ nữa là. Cá với chả mú. Làng Cổ Cò này đã có ai giàu được từ cá đâu? Mấy người đào ao, thả được vài vụ rồi, cuối cùng cũng phải lấp lại như cũ để làm vườn đó thôi. Cứ tưởng “thả cá gá bạc”, vậy mà cũng lỗ chỏng vó.

Mặc lời ra tiếng vào, mặc cho vợ con ngăn cản, ông Chiến vẫn quyết nhận thầu với xã. Ông đón ông Thắng, bạn ông, là kỹ sư thủy sản về ở hẳn nhà ông, giúp ông khâu quy hoạch, thiết kế hồ. Ông này trước cùng sư đoàn với ông. Ban hậu cần hẳn hoi nhé. Khi đó, Thắng là nhân viên tổng hợp ở trên ban, còn Chiến là tổ trưởng ở dưới tổ cá. Hàng tuần họ thường gặp nhau qua các buổi giao ban, trao đổi với nhau về công tác tăng gia của sư đoàn, trong đó có kỹ thuật nuôi thả cá. Ra quân, hai người cùng thi vào đại học thủy sản. Thắng đỗ tiếp tục đi học. Chiến trượt nên phải về quê. Xong đại học, Thắng được tỉnh nhận về công tác tại trung tâm khuyến nông, phụ trách mảng thủy sản. Rồi hai người đều lấy vợ, sinh con và yên bề gia thất. Vợ chồng Thắng đều là kỹ sư nông nghiệp. Họ say sưa với các chương trình dự án của tỉnh. Chiến bằng lòng với cuộc sống ở quê. Về với đời thường họ vẫn giữ liên hệ thân thiết với nhau. Họp hội đồng ngũ hàng năm hai người đều gặp nhau. Chiến Thắng ôm nhau cười hể hả, cùng nhau ôn lại những kỷ niệm năm tháng đời quân ngũ.

Theo chỉ đạo của Thắng, ông Chiến thuê người vật đất đắp bờ, nhổ sạch cỏ năn, cỏ lác. Bao nhiêu bờ con chia cắt ông cho phá bỏ hết. Thửa nào cao ông vượt đất hạ cấp xuống. Thửa nào trũng thì ông cho người bón vôi khử trùng, vệ sinh sạch sẽ. Tất cả nạo vét thống nhất một độ sâu. Gần năm mẫu mặt nước được chia làm hai khu. Khu thả cá thịt và khu ương cá giống, cá con. Xung quanh là bờ bao chắc chắn. Ông Chiến cho trồng chuối, trồng cả mấy cây sung các góc ao nữa. Chuối thì lấy ngắn nuôi dài. Đất mới đắp lên màu mỡ thế này chúng lớn nhanh lắm. Trồng năm trước, năm sau sẽ cho quả ngay. Trẻ trồng na, già trồng chuối. Các cụ đã dạy rồi. Còn sung thì sau này vừa lấy bóng mát cho ao, vừa lấy quả cho cá. Mỗi cây sung một bóng điện bảo vệ. Đêm đến, bật đèn lên tha hồ sáng. Kẻ trộm cũng phải gờm. Mất hơn tháng trời huy động anh em, người nhà thi công, công trình hồ cá của ông Chiến đã hình thành. Xong đâu đó, ông dẫn nguồn nước vào. Vừa lúc mùa mưa cũng tới. Đứng trên đỉnh gò Rùa nhìn xuống, hồ cá trông như một cái gương của cánh đồng Cây Sung.

Những ngày cải tạo ruộng làm hồ là những ngày ông Chiến vất vả nhất. Ngày, ông cùng mọi người lặn lội với công trình. Đêm, ông lại cùng ông Thắng nghiên cứu sách vở và lên mạng. Ông Thắng nhiệt tình chuyển giao kỹ thuật nuôi thả cá cho ông khá tỉ mỉ. Có nhiều đêm họ thức mãi tới tận khuya. Vừa tâm sự chuyện đời, chuyện lính vừa trao đổi với nhau về kỹ thuật nuôi thả cá. Càng nghiên cứu, học hỏi, ông Chiến càng ngộ ra nhiều điều về cá. Mỗi loài cá có một loại thức ăn và tập tính sinh hoạt khác nhau. Cả thời điểm thả và tầng sống của chúng nữa.

- Phải biết kết hợp thả các loại cá để tận dụng môi trường thức ăn - ông Thắng nói như tâm sự - Đồng thời, không để chúng làm ảnh hưởng lẫn nhau theo kiểu “cá lớn nuốt cá bé”. Ông hiểu câu thành ngữ này của các cụ chứ?

- Hiểu - ông Chiến gật gù đáp.

- Phải chú ý cả khâu phòng bệnh nữa - ông Thắng tiếp tục - Không được chủ quan. Phương châm là phòng bệnh hơn chữa bệnh. Chăm cá còn hơn cả chăm người đấy. Không chủ động với nó thì dễ thất bại lắm, ông ạ. Ông cứ nghe tôi, theo sách mà làm. Càng khó làm càng lãi lớn.

- Chả thế lại không ư - Ông Chiến nắm tay bạn nói - Ông là thầy giáo của tôi. Nhất định tôi phải theo ông và sách chứ.

Sau một thời gian, được ông Thắng hướng dẫn đầy đủ, tỉ mỉ, ông Chiến đã nắm khá chắc các công đoạn. Ông tiếp thu nhanh lắm. Đúng là có năng khiếu có khác. Thì từ bé ông Chiến đã mê cá rồi. Hồi trên biên giới, cứ ở đâu có suối, có hồ, có ông Chiến là thể nào đơn vị cũng có cá ăn. Sau đó, ông được rút từ chốt về bổ sung cho ban hậu cần, ở tổ chăn nuôi cá, phụ trách cả khu ao của sư đoàn. Ông gặp ông Thắng cũng từ cái duyên ấy. Dạo đó, ông làm theo bản năng, có được học hành gì đâu. Cả ông Thắng cũng thế. Mãi sau, Chiến mới được gửi theo một lớp tập huấn ngắn hạn về nuôi cá do địa phương tổ chức. Thắng vẫn làm tổng hợp trên ban. Đứng về kỹ thuật nuôi thả cá thì Chiến khi đó hơn hẳn Thắng. Thế nên, cá mú ao hồ anh luôn đạt chỉ tiêu sản lượng. Thắng tập hợp số liệu thống kê cũng vui lây cùng Chiến. Tổ tăng gia của Chiến luôn được biểu dương trước sư đoàn. Lần này, có hẳn gần năm mẫu ao hồ riêng, lại được Thắng, bạn chí cốt của ông, kỹ sư thủy sản, chuyên gia về cá, ăn dầm ở rề, cầm tay chỉ việc bảo sao mà ông không vững được chứ? Hai người vẫn như cặp bài trùng. Tên họ ghép lại đúng là Chiến Thắng rồi. Bây giờ, chỉ cần nhìn màu nước, cách cá bơi là ông Chiến biết cá no hay cá đói, bệnh tật của chúng ra sao và cách xử trí từng trường hợp cụ thể thế nào rồi. Đúng là có học có hơn. Ông Thắng rất yên tâm về sự khởi nghiệp của bạn mình. Bốn lăm tuổi đâu phải là muộn?

Ông Thắng có điện phải về cơ quan nhận nhiệm vụ mới. Mấy xã miền xuôi triển khai dự án về thủy sản trong chương trình xây dựng nông thôn mới rất cần có ông. Hôm chia tay, ông Thắng vỗ vai ông Chiến nói:

- Yên trí đi. Tôi vẫn theo dõi giúp đỡ ông. Có gì khó khăn cứ a-lô cho tôi. Có điều kiện thì tôi tạt về hướng dẫn ông cụ thể. Nếu không, thì ta xử lý qua mạng. Bây giờ, các bệnh viện họ còn khám và điều trị qua mạng được nữa là.

Ông Chiến gật đầu, nắm chặt tay ông Thắng:

- Tôi hiểu rồi. Ồng cứ về giúp họ đi. Đừng quên tôi là được. Có gì tôi sẽ gọi. Za-lô, “phây búc”, chụp ảnh, video hỏi ông là được chứ gì?

- Bác phải cố vấn cho vợ chồng em đến cùng đấy nha - bà Trang nói theo chồng - Chúng em lo lắm bác ạ.

- OK - ông Thắng đáp - Chả giúp ông bà thì giúp ai. Cứ thế nhé. Chúc ông bà thành công. Hẹn gặp lại.

Vợ chồng ông Chiến bịn rịn chia tay ông Thắng. Đàn cá đang ăn bơi lao xao mặt nước. Hình như chúng cảm nhận được cuộc chia tay này của họ. Sớm mai, cánh đồng Cây Sung gió mơn man mát rượi.

Chờ cho chiếc xe máy của ông Thắng khuất hẳn sau cuối cánh đồng, vợ chồng ông Chiến mới lên thuyền bơi ra giữa hồ cá. Ông Chiến cầm chèo. Bà Trang rải cỏ cho cá ăn. Khu cá ăn được quây riêng hình chữ nhật bằng những cây sào đấu nối nhau nổi trên mặt nước. Cách này được ông Thắng chỉ cho vợ chồng ông Chiến làm. Khi cho cá ăn, bơi thuyền quanh khu này thả cỏ vào trong để cá tập trung đến ăn. Nếu chúng ăn không hết thì vớt bỏ cuỗng, cẳng, lá thừa đổ lên bờ. Làm vậy nước sẽ không bị ô nhiễm. Đây vừa là kinh nghiệm thực tiễn vừa là lý thuyết sách vở. Thế nên, khu hồ cá của ông Chiến nước lúc nào cũng sạch. Chẳng như những hộ có ao trước đây cứ vứt bừa bãi cỏ xuống, cá ăn không hết, cỏ thừa, lá già ngâm mãi rồi thối rữa ra, hỏng hết cả ao. Môi trường sống bị ô nhiễm nặng, cá nào mà sống nổi.

Vừa bơi chèo, ông Chiến vừa nghĩ. Thật may cho mình có Thắng. Chính nó đã khuyến khích mình bước vào nghề cá. “Ông cứ mạnh dạn đầu tư đi. Tôi sẽ giúp ông về kỹ thuật. Đảm bảo thắng to đấy. Hồi trước ở đơn vị, cả tôi và ông có biết gì về cá mú đâu mà cũng làm được đó thôi. Bây giờ, tôi được học hành, ông có mặt nước, ta hợp tác với nhau dứt khoát là ổn”. Thế mà thành thật. Vụ cá đầu tiên năm ngoái khá ổn. Vụ này là vụ thứ hai dứt khoát hơn hẳn vụ trước. Nhìn cá ăn thì biết. Tết này sẽ tiếp tục thu hồi vốn và có lãi là cái chắc.

Phải nói rằng tay Thắng này thật chí lý. Nó bảo mình phải xác định rõ là ông chủ. Không được tự ti. Như thế mới có chí để mà phấn đấu. Tuy nhiên, ông phải nhớ cho chủ cá khác với chủ doanh nghiệp nha. Chủ doanh nghiệp xí nghiệp thì đối tượng của họ là vật tư, sản phẩm, là vô tri vô giác, là ở trong nhà, trong tầm tay, dễ quản lý. Còn ông, đối tượng của ông là những con cá đang bơi kia kìa. Chúng là những cơ thể sống, ở ngoài trời, chịu sự tác động rất lớn của thiên nhiên. Chỉ sơ sểnh một tí là đổ bể ngay. Chí lý. Rất chí lý. Mấy tay đào ao thả cá trong làng chưa chi đã vênh vang. Ra cái điều ta đây là ông chủ nhưng chẳng hiểu chó gì về nghề. Thế nên thất bại là phải. Còn mình, nhờ bạn, nhờ kinh nghiệm trong quân ngũ và kiến thức trên sách vở, trên mạng, mình đã cơ bản làm chủ được kỹ thuật. Nhất định sẽ thành công cho mà xem. Vừa nhìn đàn cá tranh nhau ăn ông Chiến vừa nghĩ vậy. Bất giác ông mỉm cười. Thì ra mình đã là ông chủ rồi đấy. Oách phết đấy chứ.

Nhưng mà đúng là giời đày. Nhà cao cửa rộng không ở, ông lại một thân một mình ra giữa đồng không mông quạnh này. Trong khi đó, vợ ông cũng thế. Một thân một mình bà ấy ở nhà. Hai đứa con ông đều đi học xa. Đứa đại học dưới Hà Nội. Đứa trường chuyên ở tỉnh. Hai cái cối xay tiền này xay khá nhiều tiền của vợ chồng ông. Cùng với đó, bao nhiêu tiền của ông đổ xuống cái hồ này nữa. Cũng may, ngân hàng cho ông vay đầu tư sản xuất theo dự án. Thời hạn và lãi xuất cũng hợp lý. Mặt khác, ông Thắng lại vẽ ra viễn cảnh hồ cá, khích lệ ông liên tục bắt ông phải động não. Không có ông ấy chưa chắc ông Chiến đã dám làm. Thích thì thích thật đấy nhưng đây là làm kinh tế, sai một li đi một dặm ngay. Hồi còn trong quân ngũ, dầu sao hệ thống ao đó, tiền của đó vẫn là của sư đoàn. Ông chỉ cùng anh em mang cơ bắp, sức lực ra làm thôi. Còn bây giờ là của ông, ông phải chịu trách nhiệm với chính mình. Lời ăn, lỗ chịu. Vì thế, vợ con ông lo lắm. Họ gàn ông đừng có phiêu lưu, mạo hiểm. Thế nhưng, ông vẫn quyết làm. Hồ cá đồng Cây Sung của ông đã ra đời.

Từ khi có hồ cá, cánh đồng này khác hẳn. Nước có chỗ chứa. Mưa không lo úng. Nắng không lo hạn. Khi nào hạn quá thì ông Chiến cho các hộ bơm nước từ hồ cá của mình lên. Làm vậy, sản lượng cá của ông sẽ bị ảnh hưởng đôi chút nhưng bù lại, các hộ có ruộng được tưới nước lại rất vui. Đủ nước, lúa sinh trưởng phát triển đều, năng suất cao. Ai cũng cảm ơn ông Chiến. Thì mình cũng từ người trồng lúa chuyển sang nên hiểu điều này quá đi chứ. Riêng lũ trẻ trâu thì khoái hơn ai hết. Thả trâu trên gò Rùa, chơi trận giả quanh khu miếu cổ, chán trò thì vào lều của ông chơi. Chúng còn lục lọi xem có cái gì ăn không để giải quyết cái đói. Củ khoai, củ sắn, nải chuối, cá kho… Thôi thì có gì cho được vào mồm là chúng tranh nhau đánh chén. Tính ông Chiến dễ dãi, yêu trẻ. Thấy chúng vậy ông càng vui. Ông còn chủ động lấy chia cho chúng nó. Chiều về, lũ trâu no lặc lè. Cả trâu và người ào xuống tắm ở hồ cá. Bơi lội, đùa giãy với nhau thỏa thích. Những đêm trăng, trai gái lấy bờ hồ làm nơi hò hẹn. Sau đó, từng nhóm, từng đôi kéo nhau đi dạo chơi trên cánh đồng hoặc lên khu gò Rùa tình tự.

Đêm về, đứng trên đỉnh gò Rùa nhìn xuống sẽ thấy khu hồ cá của ông Chiến được ánh trăng phản chiếu như một tấm gương lớn. Và thực sự, nó đã trở thành cái gương cho các cô gái làng Cổ Cò từ lâu rồi. Mỗi khi làm đồng về, các cô qua đó rửa chân tay, soi mình xuống mặt nước kiểm tra dung nhan sau một ngày cày cấy. Thế nên, người ta gọi hồ cá của ông Chiến là cái gương của cánh đồng Cây Sung. Đặc biệt, sau vụ cá đầu tiên năm ngoái thắng to, xã đã lấy ông là điển hình làm kinh tế cho mọi người học tập thì hồ cá Cây Sung này được gọi là tấm gương theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Mấy cụ trong tổ thơ của làng còn làm cả thơ về nó nữa. Ông Chiến cũng cảm thấy hãnh diện lắm. Công của ông bỏ ra đã được đền đáp phần nào.

Càng khuya càng rét ngọt. Ông Chiến cứ ngồi trùm chăn co ro. Nghe đài hết “Bạn hãy nói với chúng tôi” rồi “Đọc truyện đêm khuya”, cả chương trình dạy tiếng nước ngoài nữa mà ông vẫn không sao chợp mắt được. Phần vì rét, phần vì lo an toàn cho hồ cá. Cả đống tiền ở dưới nước kia, chỉ ít ngày nữa thôi sẽ thu về một món lớn. Không trông coi cẩn thận trộm nó bắt thì mất trắng. Leo cây tới ngày hái quả rồi, phải cố. Trong lều đài hát. Ngoài đồng, gió mùa đông bắc gào rít. Lắc rắc tiếng mưa rơi. Chẳng nghe thấy tiếng cá ăn đêm tùm tũm như mọi khi. Thì rét thế này cá nào còn đi ăn nữa? Trăng suông đầu tháng cũng mất tăm tự bao giờ. Đồng làng Cổ Cò tối om. Ánh sáng của những bóng điện trên cây sung quanh hồ và mấy bóng cắm ở giữa hồ nữa tỏa ra chẳng thấm gì với màn đêm đặc quánh, đen thui. Nhìn chúng yếu ớt run rẩy trong giá lạnh. Thi thoảng, ông Chiến nhoi đầu ra khỏi lều, dọi đèn pin quét một lượt lên mặt hồ. Mặt nước lấp loáng. Không động tĩnh gì. Ông Chiến lại tiếp tục co ro ngồi huơ tay bên bếp lửa.

Phía bên kia bờ đầm là gò Quy Sơn. Trên đỉnh gò cây si già cỡ vài trăm năm tuổi đen thẫm như cây nấm trong đêm. Dưới tán cây si ấy là ngôi miếu Ba Cô hoang tàn, lạnh lẽo. Thiêng lắm. Chỉ có lũ trẻ trâu là chẳng sợ gì cả. Chúng lấy cây si, chọn ngôi miếu cổ để chơi trò đuổi bắt, náu tìm, đánh trận giả. Chán trò chúng tụ tập ở lều cá xin ông nước uống, nghe ông kể chuyện. Ông kể chuyện hồi đánh nhau trên biên giới. Rồi chuyện về ngôi miếu Ba Cô. Cả những chuyện ma nữa. Ông Chiến có tài bịa chuyện và khiếu kể rất cuốn hút nên lũ trẻ thích lắm. Tuy vậy, ban ngày chúng háo hức táo tợn thế nhưng đêm về thì đứa nào đứa nấy đều sợ són đái. Ngay cả thằng Hiếu là trẻ trâu nghịch ngợm nhất làng, bày đủ trò ở khu miếu cổ cũng phải sợ. Một đêm, nó ra lều cá chơi với ông. Hai ông cháu ngồi bên hồ ngắm trăng suông mờ mờ ảo ảo. Nó mải mê nghe ông kể chuyện. Khuya, ông giục nó về. Nhìn sang khu gò Rùa, nó thấy bên đó cây si già và ngôi miếu cổ lù lù trong đêm với đủ các hình thù ma quái. Thằng Hiếu lắc đầu lè lưỡi:

- Cháu không về đâu. Ông cho cháu ngủ với ông đêm nay nha.

Ông Chiến cười cười nói với nó:

- Sợ rồi hả? Đúng là loại già dái non hột. Mày ngủ đây, mai mẹ mày lại mắng tao.

- Không sao đâu ông ạ. Để cháu điện về nói với mẹ cháu. Ông nói đỡ cháu một câu cho mẹ cháu tin nha.

Cả đêm ấy, nó rúc vào nách ông. Lần sau rủ nó, cấm thấy nó ra nữa.

Trong ánh lửa bập bùng, bóng ông Chiến in lên vách lều trông như con gấu đen. Chợt có tiếng sột soạt bên ngoài. Ông Chiến dỏng tai lên nghe ngóng. Tiếng sột soạt càng lúc càng to. Bật đèn pin dọi ra, qua khe cửa, ông giật mình. Một bóng người lù lù đứng ngay trước cửa lều. Theo phản xạ, ông vớ cây gậy.

- Ai?

Bóng đen không nói không rằng. Ông Chiến rọi đèn pin khắp người nó. Thì ra là thằng Tình rồ. Dựng cây gậy trở lại chỗ cũ, ông đằng hắng. Nó vẫn đứng như trời trồng, co ro trong gió rét. Ông Chiến mở cửa lều. Gió ào vào thổi bùng bếp than hồng. Những cục than gặp gió đỏ rực.

- Vào trong đi! Kẻo chết rét bây giờ.

Ông Chiến giục. Thằng Tình run rẩy cúi đầu bước vào lều. Nó sà ngay vào bếp lửa. Đầu tóc, mặt mũi nó ướt đẫm nước mưa. Ông Chiến lấy cái khăn bảo nó lau mặt. Hai tay nó run run cầm lấy rồi lóng nga lóng ngóng hơ cái khăn lên bếp lửa.

Bảo mày lau mặt, lau tóc cơ mà?

Ông Chiến nói. Thằng Tình nhe răng cười. Ánh mắt nó ngây dại. Ông Chiến đành cầm lại cái khăn lau cho nó. Xong xuôi, nó lí nhí:

- Cảm ơn!

- Ơn huệ gì. Sao không ở chợ cho đỡ gió? Ra giữa đồng này làm gì? Muốn chết rét hả?

Thằng Tình vẫn im lặng. Mắt nó hau háu nhìn vào cái nồi để ở góc lều. Ông Chiến biết ý, hỏi:

- Đói hả?

- Tình gật đầu.

- Cởi cái áo ướt ra tao hơ lửa cho. Mặc tạm cái này vào rồi ăn.

Với tay lấy cái áo bông bộ đội cũ ông Chiến đưa cho Tình. Nó lóng ngóng cởi thay. Rõ khổ. Ba chục tuổi đầu hóa rồ hóa dại chỉ vì thất tình. Đàn ông lấy chỗ đếch nào chả được vợ mà cứ đắm đuối với cái cô Mai Khanh ấy làm gì? Nó chả lấy mình thì mình lấy đứa khác. Thiếu gì gái đẹp. Mình là cái nơm. Úp đâu chả được cá. Hóa điên, hóa dại làm gì ra cho nó khổ cơ chứ. Cả làng này gọi mày là Tình rồ đấy. Biết chửa? Vừa thay áo cho Tình, ông Chiến vừa lẩm bẩm nói vậy. Tình ngúc ngoắc cái đầu cười dài dại. Mặc xong cái áo bông cho Tình, ông Chiến lấy cơm cho nó. Nó ngấu nghiến ăn.

Từ ngày phát hiện ra cái lều cá này, Tình thường xuyên đến đây. Thường thì nó qua đêm ở chợ ngủ trên những tấm phản mà ban ngày người ta dùng để bán thịt. Về lều cá này, Tình vừa được ấm, vừa được ăn, lại vừa được nói chuyện. Hình như chỉ có ông Chiến mới là chỗ để nó dốc bầu tâm sự. Còn những kẻ khác nó nói có ai nghe đâu. Thế nên, bao giờ cũng thế, cứ ăn xong là Tình bắt đầu huyên thuyên. Nó lẩm bẩm một mình. Chẳng biết cũng chẳng cần ông Chiến có nghe không nó vẫn cứ nói. Những câu chuyện chẳng đâu vào đâu. Thỉnh thoảng, ông Chiến cũng chêm vào đôi câu theo kiểu “ông nói gà bà nói vịt”. Được thể, thằng Tình lại càng nói. Chắc nó nghĩ ông Chiến là người “hiểu” nó. Nó cảm thấy bình an bên ông. Còn ông Chiến lại nghĩ nói chuyện với thằng dở người như nói với đầu gối vậy. Chẳng qua là nghịch nhĩ ông buột ra đôi câu thôi, chứ biết chuyện trò gì với nó. Thế mà vui đáo để. Từ lúc Tình rồ đến, không khí trong lều ấm hẳn lên. Cùng với tiếng gió thổi vù vù, tiếng mưa lắc rắc rơi là tiếng người thì thầm rủ rỉ trong đêm.

Đêm khuya thanh vắng, có Tình, ông Chiến như thêm một phụ tá, thêm một người bạn coi cá cùng. Lều cá có tiếng người, có ánh lửa, kẻ có ý định trộm cá cũng phải gờm. Chuyện chán, thằng Tình buông mình xuống, cuộn mình như con tôm trên ổ rơm. Loáng cái nó đã ngáy pho pho. Đúng là ông giời. Bắt nó khổ cái này thì lại cho nó sướng ở cái khác. Cứ vô tư như không. Chẳng quan tâm để ý đến sự đời, Tình thoải mái trùm chăn kín đầu kéo gỗ. Gió bên ngoài vẫn thổi vù vù. Mưa có vẻ nặng hơn. Rét lắm. Buốt thon thót. Đã quá nửa đêm rồi còn gì.

Nhìn Tình ngủ, ông Chiến lại nhớ đến hôm giỗ mẹ vợ mình. Hôm đó, ông Thắng cũng về dự. Ông phấn khởi giúp ông Chiến tiếp đãi họ hàng, bạn bè. Cỗ toàn cá là cá. “Sản phẩm của nhà tôi đấy. Mời các cụ, các ông, các bà thưởng thức”, ông Chiến hồ hởi nói với mọi người. Ai cũng khen cá béo, cá ngon. Vui nhất là trong bữa rượu đó, ông trưởng ban quản lý siêu thị Aloha Mall đã nhận bao tiêu toàn bộ hồ cá. “Ông cứ đánh bắt đi. Được mẻ nào tôi lấy tất mẻ đó cho. Giá cả thì vô tư đi. Chợ bao nhiêu, tôi trả ông bấy nhiêu”. Ông ta cầm chén rượu cụng chén với ông Chiến và nói. Ông Thắng đến bên cổ vũ: “Hàng chuẩn gin đấy sếp ạ. Tôi bảo đảm về mặt kỹ thuật, chất lượng. Cá sạch một trăm phần trăm luôn”. “Thì thế tôi mới ký hợp đồng chứ. Nếu không, còn lâu!”, ông trưởng ban siêu thị đáp. Phải nói là ông này lọc lõi tinh đời. Cá ở hồ ông Chiến ngon thì chỉ có nhất. Bằng chứng là bữa cỗ hôm nay đấy. Ba ông cạn chén với nhau rồi cùng cười ha hả. Bà Trang, vợ ông Chiến thấy vậy cũng lâng lâng.

Đang mải nghĩ, ông Chiến lại nghe thấy tiếng động ngoài cửa. Ngóc đầu dậy, ông nhẹ nhàng lắng tai nghe. Tay ông sờ vào cây gậy. Quái! Sao đêm nay mưa rét lại lắm tiếng động lạ vậy? Hết thằng Tình rồ đến giờ lại ai nữa đây? Đang định quát thì bóng đen lách cửa vào. Kẻ nào mà liều lĩnh vậy nhỉ?

- Ai?

Vừa quát, ông vừa bấm đèn pin soi vào mặt kẻ vừa tới. Đồng thời tay kia ông vung cây gậy lên. Bóng đen giơ tay lên đầu có vẻ chống đỡ. Tay còn lại nó khua loạn lên, miệng rối rít:

- Em! Em đây! Anh không nhận ra em à?

- Trang hả?

Nhận ra vợ mình, ông Chiến bỏ cây gậy xuống nói:

- Thế mà anh cứ tưởng kẻ trộm. Suýt nữa thì ăn cây gậy rồi đấy. Mà sao em lại ra vào giờ này?

- Rét quá, không ngủ được - Bà Trang nói - Em ra kiểm tra anh chứ sao? Anh vẫn chưa ngủ à?

- Chưa. Ngủ thế nào được. Còn phải trông cá.

Ông Chiến đáp lời vợ. Chợt nhớ ra điều gì, ông hỏi:

- Nhà cửa khóa chưa? Trộm mà biết thì gay. Nó vào khoắng sạch đấy. Cẩn thận, không giữ được trôn l…lại hở.

- Biết rồi! Ăn với chả nói. Em khóa kỹ rồi. Mà… anh… anh nằm… nằm với ai thế này?

Bà Trang giật mình, tròn mắt nhìn đống chăn lù lù hình người bên cạnh chồng. Lúc này, ông Chiến mới quay lại nhìn đống chăn. Tình rồ vẫn ngủ vô tư. Ba máu sáu cơn, bà Trang lao tới giật phăng tấm chăn lên. Tình rồ choàng mở mắt. Nó ú ớ hết nhìn bà Trang lại nhìn sang ông Chiến.

- Sao… Sao cái thằng rồ này lại ngủ ở đây?

- Rét quá! Ở chợ không chịu được, nó lên đây với anh - Ông Chiến thanh minh - Thi thoảng nó vẫn vậy.

- Giời ạ! Người hôi như tổ cú này mà anh cho nó ngủ chung à?

Bà Trang rền rĩ. Tình rồ lúc này mới ú ớ:

- Ăn… ăn nằm với nhau mà. Yêu lắm í.

- Rõ khổ. Nó đói. Nó rét. Nó mò đến đây. Anh cho nó ăn. Lau rửa qua loa cho nó rồi. Cũng không hôi lắm đâu. Xong thì nó lăn ra, chui vào chăn mà ngủ. Cũng biết rét đấy em ạ. Em bảo nó vậy, anh phải làm sao? Đuổi nó đi chắc? Thế nên, anh phải ngồi đây với nó đấy. Mà coi cá ngủ thế chó nào được. Hôm nào anh chả ngủ bù vào ban ngày.

Ông Chiến phân trần, nói một mạch như thanh minh. Bà Trang nghệt ra nhìn Tình rồ từ đầu đến chân. Nó co ro, hai tay ôm đầu gối, cười ngây dại. Đoạn, nó lại lăn khểnh ra, kéo chăn trùm kín đầu. Ông Chiến lôi vợ ngồi xuống mép ổ rơm. Tay ông chọc chọc vào gốc cây trên bếp lửa. Than gặp gió bùng lên, tàn tro nổ lép bép. Khuôn mặt bà Trang bắt ánh lửa ửng hồng. Thấy vậy, đôi mắt ông Chiến hấp háy.

- Sao? Có việc gì mà em phải lặn lội đêm hôm ra đây? Nhớ… nhớ lắm hả?

Bà Trang ngúng nguẩy:

- Nhớ? Nhớ cái phải gió í. Báu lắm à.

- Chứ lại không? Chắc rét quá… them… thèm chứ gì?

- Có mà thèm! Còn lâu nha - Bà Trang tiếp tục ngúng nguẩy.

Ông Chiến chẳng nói chẳng rằng, liền kéo vợ ngồi xuống bên cạnh. Bà Trang đưa mắt, lấy tay chỉ chỉ về phía Tình rồ. Nó trùm chăn kín đầu và đã ngáy pho pho trở lại.

- Giờ thì có pháo nổ ở đít nó cũng chẳng biết gì - Ông Chiến nói - Em yên tâm đi.

Từ ngày có hồ cá, vợ chồng ông Chiến như ông Ngâu và bà Ngâu vậy. Gần gũi nhau cứ phải lựa. Có đêm ông đảo về nhà gặp bà ân ái xong thì lại ra lều. Ngược lại, nhiều khi thèm ông quá, nửa đêm gà gáy bà lại mò ra lều với ông. Như đêm nay chẳng hạn. Lại có hôm họ ân ái với nhau giữa ban ngày ban mặt. Thì nhà chỉ có hai vợ chồng, có ai nữa đâu mà sợ. Sao phải hoãn cái sự sung sướng lại được cơ chứ? Đang độ hồi xuân, hừng hực thế, ai mà chịu được? Phải nói rằng đêm trăng hồ cá lãng mạn thật. Giữa đồng khuya vắng lặng, trăng sáng ngời ngời, ngồi trên thuyền bồng bềnh giữa hồ thì không còn gì bằng. Gió hạ mơn man. Làng quê yên ả. Cá đi ăn đêm tì tũm. Họ đã quấn lấy nhau, vật lộn ngay trong lòng thuyền. Mùi tanh của cá, mùi nồng của thức ăn cho cá, cả mùi bùn nữa… Tất cả quyện vào nhau rất hoang dại. Chao đảo. Chòng chành. Phấn khích. Ông Chiến chồm tới ngấu nghiến. Bà Trang hào hển, rên rỉ, ứ hự.

Chẳng kịp để bà Trang yên vị, ông Chiến vòng tay ôm vợ vào lòng.  Bà Trang luống cuống nhìn ông rồi lại nhìn đống chăn có thằng Tình rồ. Hiểu ý, ông Chiến vội nhìn ra cửa lều. Chiếc thuyền đang neo đậu ở đó. Ông chỉ chỉ về phía đó. Đang lúc bà Trang còn lưỡng lự, ông liền cầm tay bà lôi tuột đi. Họ hấp tấp trèo lên thuyền. Gió thông thốc thổi tới. Chiếc thuyền chòng chành chao đảo. Bà Trang lóng ngóng co rúm lại vì rét. Ông Chiến thấy vậy vội bế bà chạy phăm phăm vào trong mui thuyền. Sau đó thì mặc kệ gió mưa, hai người cuống cuồng cởi hết quần áo rồi quấn lấy nhau không biết trời đất là gì nữa. Xong việc, họ ôm lấy nhau nằm ngay trong khoang thuyền mãn nguyện.

- Này. Điện thoại anh để đâu mà em gọi mãi chẳng được thế?

Bà Trang xoay người nghển cổ trên ngực ông Chiến hỏi.

- Hết pin từ tối. Đã nạp đâu. Có việc gì cần kíp mà em phải gọi anh đêm hôm khuya khoắt vậy? Phải việc lúc nãy không?

- Nỡm ạ! Còn lâu nha.

- Thế việc gì?

- Có. Có việc thì em mới gọi anh. Chả có thì em gọi làm gì. Ông Trọng - trưởng ban quản lý siêu thị điện cho anh không được lại điện cho em. Ông ấy bảo ngày mai cần khoảng hai tạ cá, yêu cầu mình đánh gấp giao cho ông ấy.

- Thế hả? Theo lịch là mấy hôm nữa cơ mà?

- Thì thế - bà Trang đáp - Chắc có vụ gì quan trọng nên ông ấy cần gấp. Thế nên em mới phải ra báo anh chứ. Nếu không, rét thế này còn lâu.

Đến lúc này hai người mới cảm thấy lạnh. Bà Trang rùng mình. Hai hàm răng va vào nhau lập cập. Bà run lên ôm chặt lấy chồng. Ông Chiến tiếp tục đùa với vợ:

- Thì em chả lãi quá rồi còn gì. Vừa được việc lại vừa được… ấy lại còn?

Bà Trang đấm vào lưng chồng thùm thụp.

- Thế anh thì không chắc?

- Tất nhiên là có chứ - Ông Chiến ngóc đầu lên nói với vợ - Thôi, ta vào lều đi kẻo chết cóng bây giờ.

Hai người dìu nhau trở lại túp lều. Trong lều, Tình vẫn trùm chăn ngủ vô tư. Thì có bao giờ nó được ấm êm thế này đâu?

Ngồi đoạn, bà Trang nói với ông Chiến:

- Thôi, em phải về trông nhà. Anh nhớ việc lúc nãy đừng để lỡ với người ta. Làm ăn bây giờ là phải giữ chữ tín.

- Biết rồi. Em yên tâm đi. Sớm mai anh sẽ gọi cánh lưới đến đánh bắt. Trưa mai giao cá cho ông ấy là được chứ gì?

Kéo cái mũ áo mưa trùm kín đầu, bà Trang bật đèn pin bước ra khỏi lều. Ông Chiến nhìn theo vợ đến khi không còn thấy ánh đèn nữa mới lại tiếp tục ngồi co ro bên bếp lửa. Gió vẫn vù vù thổi. Mưa vẫn lắc rắc rơi. Đêm cuối năm đặc quánh. Cánh đồng làng tối om. Ánh điện và mặt nước hồ cá tạo thành một khoảng sáng nhờ nhờ trong đêm. Đúng là gương đồng có khác. Gió to. Sóng nước vỗ vào mạn thuyền nghe ì oạp. Vừa lúc đó có tiếng cá quẫy dưới gốc sung. Chẳng lẽ chúng lại vật đẻ vào giờ này? Nghĩ lại giây phút lúc nãy, ông Chiến mỉm cười một mình.

Nguồn DanViet


Có thể bạn quan tâm