April 26, 2024, 12:57 am

Gươm thiêng

1.

Mới đầu Giêng năm Mậu Tuất (1418), quan nội hầu giám binh Mã Kỳ, tên tướng văn vũ kiêm toàn trấn giữ thành Tây Giai và bảo hộ một dải đồn trú từ nam Thanh đến bắc Nghệ của quân Minh khởi hai cánh thủy bộ, hơn một vạn tên đã vào đến địa phận của nghĩa quân Lam Sơn ở vùng rừng núi Lạc Thủy.

 

Minh họa của LÊ TRÍ DŨNG

 

Thám mã tiền phương của nghĩa quân báo tin dữ lên Bình Định Vương Lê Lợi. Ngài và bộ tham mưu không quá đường đột, liền sẵn sàng nghênh chiến. Điều quyết tử là, trận đánh mở đầu cho đại nghiệp cứu nước cần phải thắng với những công huân vóc vạc nhằm tạo thanh thế lâu dài. Các nghĩa sĩ đều trần vai, vung gươm múa giáo thề trước chủ tướng: quyết đánh và quyết thắng.

Nhưng quân thủy bộ giặc đông như kiến cỏ với hơn một vạn tên, toàn là tinh binh đã từng lâm trận hàng chục lần từ thời chúng chống nhau với quân tướng của Hồ Quý Ly và hai vua nhà Hậu Trần. Bên nghĩa quân chỉ có một ngàn tướng sỹ. Một ngàn người tuy có dũng khí tràn trề nhưng đa phần chưa quen trận mạc.

Bình Định Vương, sau khi phủ dụ, biểu dương khí quân xong liền đi đến quyết định, giặc có hơn một vạn tên nhưng vì đi đường xa, leo trèo đồi núi hiểm trở nên sức lực đã quá mệt mỏi; nghĩa quân chỉ có hơn một ngàn người nhưng là quân được nuôi dưỡng rèn luyện bấy lâu, chỉ mong được diễu võ dương oai để thỏa chí trai, để vì nghĩa cả, quyết lập công to.

Bình Định Vương quyết kế đánh mai phục, lấy đoản binh thắng trường trận, lấy hư hư thực thực làm phương án tác chiến, lấy bất ngờ làm thế áp đảo để khiến quân giặc không kịp trở tay.

Chàng trai trẻ Lê Thạch, cháu gọi Bình Định Vương bằng chú được ngài trao cho gươm Thuận Thiên, báu vật của ngài và cử làm tiên phong đi chặn giặc và nhử chúng vào thế trận mai phục của quân ta. Lê Thạch nhận gươm rưng rưng nước mắt trước sự ủy thác lớn lao, mệnh hệ đến sự mất còn của sự nghiệp Đại Định mà hội thề Lũng Nhai đã thấu đến trời đất, chư thần của Đại Việt.

Cả đêm trên chiến tuyến đợi giặc, vị tướng tiên phong trẻ tuổi nhất của nghĩa quân không hề chợp mắt. Trong chàng, câu chuyện về gươm thiêng lại thêm một lần được hiển hiện như một thiên huyền thoại tuyệt vời…

2.

Sau khi được người bạn ngư phủ Lê Thận trong hương Lam Sơn dâng thanh sắt lạ có hằn nét chữ Thuận Thiên, Lê Lợi mừng lắm. Ngài thức suốt mấy đêm suy tính cách thức rèn thanh sắt đó thành gươm báu để hưng lòng dân, mưu cuộc đại nghĩa đánh giặc Ngô, khôi phục nền tự chủ cho Đại Việt. Ngài tính mãi không ra, bởi có bao nhiêu thợ giỏi, bao nhiêu thức giả Việt tộc đã bị giặc bắt sạch nhẵn đưa về phương bắc. Một bữa, bà Ngọc Lữ, người vợ tao khang của ngài dâng trà sáng, thấy dung nhan chồng phờ phạc liền hỏi dò tâm tư, ngài không dối vợ chuyện nan khó. Ngọc Lữ liền nhận lấy việc tìm thợ rèn gươm báu cho ngài. Lê Lợi cả mừng.

Sở dĩ, Ngọc Lữ dám hứa lo liệu cáng đáng đại sự này là vì hồi quân Ngô mới sang, có lần đưa thuyền xuôi sông Lường xuống ngã ba Bông rồi ngược sông Mã về thành Tây Giai cất hàng nhu yếu cho cả hương Lam Sơn, bà đã tận thấy trong cuộc bố ráp của giặc ở chợ Vĩnh Ninh, chợ lớn nhất ở đô thành, một người thợ rèn có tiếng trong vùng đã may mắn được những người dân tốt bụng bọc lót trốn thoát.

Nhớ là vậy nhưng tìm lại người thợ hiếm hoi ấy sau hơn mười năm trời chẳng khác nào tìm kim đáy bể. Ngọc Lữ không nản, bà cùng một đầy tớ nữ có sức khỏe trong nhà tên là Lam Thu cải trang thành người đi bán rong thổ cẩm xuống thành Tây Giai với niềm hy vọng tâm linh, trời đã trao thanh sắt lạ Thuận Thiên cho Lê Lợi thì trong cõi nước Nam chưa thể tuyệt người biết rèn sắt báu ấy thành gươm thiêng!

Tìm kiếm mãi rồi đến một ngày, thầy trò Ngọc Lữ đã gặp được người thợ rèn mong ước. Đó chính là người đã thoát hiểm cuộc bố ráp của giặc hơn mười năm trước. Người thợ lúc này đã trọng tuổi, sức lực không còn mấy nỗi lại luôn lo sợ bị giặc phát hiện… nhưng khi được nghe Ngọc Lữ kể về thanh sắt lạ, cụ trở nên khỏe mạnh khác thường. Cụ bảo con cháu chuẩn bị đồ lề mà cụ chôn giấu bấy lâu nay cùng đứa cháu đích tôn theo Ngọc Lữ lên miền ngược Lam Sơn.

Để tránh tai mắt giặc và các đồn canh của chúng, Ngọc Lữ phải xin cụ già cho ngày nghỉ đêm đi, cắt các lối xuyên rừng là chính nên chỉ mất hai ngày ba đêm đoàn bộ hành đã về đến trang Lam Sơn, chót ngót phía bìa tây hẻo lánh của huyện Lỗi Dương.

Lê Lợi thắp hương ở nhà học, bái lạy tổ tiên, xin âm đức tiền nhân phù hộ cho người thợ rèn già rèn được thần kiếm.

Việc rèn gươm báu được bí mật đưa vào động Chiêu Nghi.

Trương Lôi, Trương Chiến, hai đầy tớ thủ túc cầm đao bảo vệ vòng trong. Lê Thận, ngư phủ đánh cá trên sông Lường cùng người cháu trai của ngài là Lê Thạch cảnh giới vòng ngoài. Ông lão thợ rèn tôi thép ngày đầu thấy hai chữ Thuận Thiên hồng rực lên trong lửa đã mừng thầm. Nhưng những ngày tôi tiếp theo, thanh sắt tuy vẫn đỏ rực, vẫn lấp lánh chữ Thuận Thiên nhưng khi cho vào nước làm lạnh thì lại nguyên hình như cũ, đập búa không núng…

Một lần cô đầy tớ Lam Thu được sai mang cơm rượu vào động Chiêu Nghi cho ông cháu cụ già thợ rèn. Tại đó, cô nghe câu chuyện cụ kể cho đứa cháu đích tôn về một người rèn gươm thời thượng cổ. Ông này cả một đời rèn gươm nhưng chỉ rèn được những thanh gươm bình thường. Ông ta phẫn chí, dốc hết cơ nghiệp tìm sắt quí, mua than hiếm, tầm sư giỏi, tầm sách hay để quyết rèn cho được một thanh gươm báu, thứ gươm có thể chém sắt như bùn, có thể lấy đầu đối thủ không dính máu.

Vật liệu đã như ý, trai giới bảy ngày rồi biện lễ cầu trời lạy đất để tỏ hết lòng thành, ông thợ bắt đầu công việc rèn gươm. Rèn một ngày không được, rèn tiếp hai ngày, ba ngày… Sắt nung đỏ rực, nhúng vào nước sôi sùng sục nhưng khi gươm rèn xong, đem ra chém sắt, sắt trơ như… sắt, còn lưỡi gươm thì quăn mẻ hàng tấc.

Lại nổi lửa bằng than quí, sắt đưa vào lò vẫn rực sáng, bắn ra tia xanh nhưng gươm mới ra lò vẫn không thể chém đứt được sắt. Người vợ của ông thợ hết lòng với công việc của chồng, từ lo than lửa đến phục vụ việc cơm rượu, từ mừng vui khi sắt nung phát tia lửa xanh đến thở dài não ruột khi gươm ra lò chỉ đủ sắc chặt được tre, gỗ tầm thường.

Đến ngày thứ bảy, người vợ tắm rửa xông hương, mặc y phục mới, trang sức cẩn thận đến quì xuống trước mặt chồng mà thưa rằng: “Nhà ạ, bấy lâu nay nhà đã dốc lòng để quyết rèn gươm báu, tôi thấy mọi thứ thiên khí, địa khí đều vuông vắn bời bời, thế mà việc rèn gươm không được như ý, tôi nghĩ, hay là trong thiên khí, địa khí vẫn còn thiếu cái phần nhân khí chăng?”.

Người chồng chưa kịp giải thích thì người vợ đã gieo mình vào lò than. Hai thanh sắt bỗng rực lên rồi xanh lét tựa ánh chớp. Quả nhiên người chồng đã rèn thành công thanh gươm mà khi chém sắt, cứ phăng phăng như phạt các chà tre gai mọc rậm…

Nghe câu chuyện từ Lam Thu, bà Ngọc Lữ tự nhủ lòng, nếu để rèn được gươm Thuận Thiên mưu nghiệp Đại định cho dân cho nước thì mình đâu có tiếc gì thân. Nghĩ vậy nhưng bà không nói cho chồng hay mà âm thầm lên nhà học khấn vái, âm thầm chuẩn bị các thứ sau khi mệnh hệ.

Rồi vào một ngày, Ngọc Lữ dậy từ lúc cuối canh ba, làm bữa sáng cho chồng con xong thì bà vào buồng, ngồi ngây người ngắm chồng và con trai đang say giấc. Hai con người mà bà yêu quí hơn cả cái thân mình ôm nhau nằm ngủ mới cốt nhục hòa quyện, phụ tử tình thân làm sao! Bà lại tự nhủ, ta quên cái thân mình vì gươm Thuận Thiên cũng là vì hai con người này đây!

Tiếng gà gáy đầu hồi tư, Ngọc Lữ quệt nước mắt khóc thầm và đi lùi, mở nhẹ cửa lách ra ngoài. Bí mật rời cổng trang viên Lam Sơn, khi ra rừng, bà vừa đi vừa chạy chỉ mong sao đến động Chiêu Nghi khi ông cháu cụ già làng Rị đã nổi lửa đốt lò.

Đến gần động, Ngọc Lữ bất giác dừng lại vì cảnh vật hôm đó giống hệt như cái  hồi mới lấy nhau, Lê Lợi cùng bà đi rừng, cả hai trông thấy cây xoan đào tỏa bóng hình chiếc lọng ba tầng trong ánh dương buổi sáng kỳ thú đến mê hồn! Bỗng tiếng đe búa từ trong động dội ra khiến Ngọc Lữ vội men theo lối mòn đi nhanh lên động.

Bà cung kính chào hỏi và mời ông cháu người thợ rèn nghỉ tay dùng bữa sáng.

Ông lão tỏ ra bực bội một cách khác thường.

Ngọc Lữ bày xong mâm cơm rượu dò hỏi:

- Thưa cụ, công việc chắc không được như ý?

Ông lão:

- Già đã hết lòng, không biết là còn thiếu thần khí hay là cái thanh sắt này chỉ là một thứ vô dụng.

Ngọc Lữ:

- Cụ ơi, cụ cho phép cháu mạo muội thưa vài lời nữ nhi thường tình chốn quê quệch, được không cụ?

- Già đang nghe nhà bác đây mà.

- Thưa cụ, theo thiển nghĩ của cháu, hay là việc rèn gươm Thuận Thiên còn thiếu khí thiêng nào nữa chăng?

Ông lão ngước nhìn Ngọc Lữ, lúc này cụ mới nhận ra, bà chủ trẻ ăn vận trang trọng khác hẳn những lần đến trước. Ánh mắt của bà cũng thăm thẳm những điều trắc ẩn lo toan nhìn vào thanh sắt chưa thành hình hài gươm báu. Ông lão cho thanh sắt vào lò và giục đứa cháu đích tôn, thổi bễ.

Lửa phù phù bùng lên!

Những ánh ngời xanh tóe ra từ hai má thanh sắt. Cụ ngoái nhìn Ngọc Lữ, nói:

- Thiếu nhân khí! Đúng là còn thiếu nhân khí!

Ngọc Lữ can đảm thưa:

- Xin cụ, cụ cho phép cháu được vì thứ còn thiếu ấy.

Cụ già tỏ ý mừng rỡ, gật gật đầu:

- Thế thì đúng là lời nguyện cầu của già đã cảm được lòng trời đất rồi, các ngài đã ban cho già nhân khí!

Sau câu nói của ông cụ, lửa trong lò rèn lại bùng lên từng ngọn mới. Đứa cháu đích tôn của cụ như đoán được ý của nội càng nhanh tay “thổi” bễ hơn.

Ngọc Lữ hướng về phía núi Mục Sơn dường như để tạ ân các đấng sinh thành và vĩnh biệt chồng con.

Nàng vái ông lão thợ rèn và…

Ông lão liền ném búa nói như quát:

- Khoan đã!

Ngọc Lữ dừng.

Ông lão bảo tiếp với nàng:

- Bà chủ trẻ lui xa cho năm thước!

Ngọc Lữ vội lùi.

Khi bà dừng, ông lão rèn gươm vẫn nói:

- Xa thêm hai thước nữa!

Ngọc Lữ làm theo.

Ông lão gật đầu và giục đứa cháu:

- Thổi bễ mạnh nữa cho ông đi!

Đứa cháu đưa nhanh hai nhịp tay thoăn thoắt.

Ngọn lửa bùng lên màu sáng xanh …

Ông lão cho thanh sắt vào.

Ngọc Lữ liền lao đến thực hiện định mệnh nhưng ông lão đưa tay ngăn lại và nói:

- Phương cách rèn gươm của già không những phải thuận thiên khí, địa khí, nhân khí mà còn cần thêm cả thạch khí. Trước khi quên mình cho gươm báu ra lò, già muốn bà chủ trẻ đi tìm cho già một tảng đá vừa sức bê nhưng phải là loại đá xanh, rắn ngang với gang, với sắt. Bà chủ gia ân đi tìm ngay thạch khí  để kịp hòa hợp với thiên khí, địa khí cùng nhân khí!

Ngọc Lữ vái ông lão ba vái rồi đi tìm tảng đá xanh.

Khi bà tìm được tảng đá vừa ý mang về chỗ rèn gươm thì thấy ông lão đang tôi thanh sắt trong cái chậu sành lớn.

Nước trong chậu sùng sục sôi lên, hơi bốc mù mịt.

Ông lão rút thanh sắt ra, Ngọc Lữ không tin ở mắt mình nữa. Đó là hình hài một thanh gươm, nước thép xanh màu lá mạ.

Ông lão thợ rèn nhón tay lên mai nhổ một sợi tóc và thổi nhẹ nó vào lưỡi gươm, sợi tóc đứt làm hai.

Cụ lại nhổ tiếp mấy sợi tóc nữa, vo vo chúng lại, ném nhẹ vào lưỡi gươm.

Những mụn tóc bị đứt vụn bay theo làn gió rừng đang thổi vào cửa động

Cụ nói với Ngọc Lữ:

- Xong rồi!

Ngọc Lữ vô cùng ngạc nhiên, muốn hỏi ông lão rèn gươm một lời mà không biết phải bắt đầu từ đâu.

Ông lão nhắc lại cái từ “xong rồi” và cười lớn nói bằng giọng thân thiện như người cha nói với con cái trong nhà:

- Có phúc là có phần cháu ơi! Cháu có tấm lòng liệt nữ quên mình đấy! Nhưng mà việc lớn xong rồi! Lại đây! Lại đây mà xem gươm báu!

Ngọc Lữ bổ đến bên người thợ rèn già, bà rân rấn nước mắt vì sung sướng và cảm động. Bà nói:

- Thưa cụ, cháu chỉ biết tạ ân cụ, muôn lời tạ ân cụ cũng không… - Giọng Ngọc Lữ nghẹn lại.

Ông lão vẫn cười và trở lại cách xưng hô chủ khách:

- Thôi nào! Già đã nói có phúc là có phần rồi mà! - Ánh mắt hoạt hẳn lên, ông lão rèn gươm đưa thanh gươm cho Ngọc Lữ cười, nói tiếp - Bà chủ trẻ, tôi già rồi sức lực chỉ đủ rèn gươm chứ không còn có thể vung gươm tham gia nghĩa lớn đại định thiên hạ được nữa - Ông lão lại cười nói lời động viên - Già xem ra, bà chủ có sức vóc hơn hẳn đám nữ nhi thường tình, hãy thử dùng gươm Thuận Thiên chém vào tảng đá kia, coi nó mềm rắn đến đâu!

Ngọc Lữ:

- Cháu xin tạ ơn cụ nhưng thực lòng cháu không dám…

Ông lão cười độ lượng nói:

- Bà chủ dám nhảy vào lửa làm nhân khí để cho thiên khí, địa khí đắc dụng, sao lại không dám chém đá thử gươm?

Ngọc Lữ thành thực kể với ông cháu người thợ rèn gươm về câu chuyện nàng nghe từ cô đầy tớ Lam Thu. Với nàng, nếu gươm Thuận Thiên giúp Lê Lợi làm nên đại nghiệp thì nàng chẳng một li lai tiếc cái thân mình!

Ông lão thợ rèn vuốt râu, thốt lên:

- Ra thế!

Rồi ông lão cũng chẳng giấu, câu chuyện ông kể với đứa cháu đích tôn hôm trước, chẳng qua là một trong muôn thuyết về nghề rèn gươm, cứ qua mỗi thời lại có thêm những thêu dệt cho thành chí sự, chí nhân, chí dị. Lúc sáng sớm, khi thấy Ngọc Lữ đến với vẻ khác lạ, cụ đã linh cảm rằng, bà dám tỏ rõ khí tiết như vợ người rèn gươm cổ xưa. Thế nên, cụ đã làm phép thử và biết mình đã linh cảm đúng.

Sau đó, ông lão chìa hai bàn tay nhăn nheo đầy vết sẹo, vết nám nói với Ngọc Lữ về cái nghề rèn gươm, tấm lòng chưa đủ mà còn nhờ ở hai bàn tay, nhờ ở những linh cảm mà không phải lúc nào cũng được trời đất thần phật phù độ cho. Cụ tiết lộ thiên cơ tại sao lại đến sáng này mới rèn được gươm Thuận Thiên. Đó là lúc đêm phúc thần sông Lương Giang báo mộng, phải hòa bột đá núi Mục Sơn với nước sông Lường mà tôi sắt nung đỏ thì mới rèn được thứ  thép cứng và dẻo đủ  sắc để chặt sắt  như chém vào bùn...

Có tiếng ngựa hý vang lên.

Phía chân núi dưới lối lên động Chiêu Nghi, ba người đàn ông cưỡi ngựa rầm rập phi đến. Tất cả dừng cương nhảy phắt xuống ngựa

Là Lê Lợi cùng Trương Chiến, Trương Lôi dến. Tiếng Lê Lợi gào to:

- Ngọc Lữ, nhà có trên ấy không?

Ngọc Lữ vừa chạy ra chỗ thoáng vừa có thể cho chồng nhìn thấy, vừa đáp:

- Tôi đây, nhà ơi!

Khi Lê Lợi và hai đệ tử lên đến nơi thì Ngọc Lữ quì bên cạnh ông lão rèn gươm dâng thanh Thuận Thiên.

Lê Lợi thoạt nhìn đã biết được kiếm báu, ngài bái lạy ông lão nhưng người thợ già cười chỉ vào tảng đá nói:

- Bà chủ trẻ chuẩn bị để ông chủ thử gươm đấy! Nào! Xin ông ra tay!

Ngọc Lữ trao gươm cho chồng và nói rõ hòn đá ấy ở đâu ra.

Lê Lợi cả mừng, ngài lại vái ông lão rèn gươm và lấy hết sức binh sinh chém vào tảng đá. Tảng đá đứt làm đôi không hề vương một hạt bụi. Chỗ vết chém đứt sắc ngọt phẳng chăn chắn tựa như đã được mài mịn.

Lưỡi gươm Thuận Thiên không bị hề hấn gì.

Một cơn gió rừng thổi qua, lá cây tao tác rụng.

Lê Lợi hiếu kỳ đưa gươm lên “đón”. Những chiếc lá đi qua lưỡi gươm đều tách thành hai mảnh.

Lê Lợi và Ngọc Lữ muốn rước ông lão rèn gươm về trang Lam Sơn nhưng cụ cứ một mực nói, thích ở chỗ động Chiêu Nghi thoáng đãng ít bữa cho lại sức rồi tính đường trở về bản quán. Vợ chồng Lê Lợi năn nỉ mấy cũng không được nên đành phải chiều lòng.

Một đêm trăng thanh gió mát, trước khung cảnh nơi cửa động Chiêu Nghi yên ắng, thanh bình, ông lão dặn lại cho đứa cháu đích tôn bằng hết những ngón nghề rèn đúc cho đến lúc đứa cháu chìm vào giấc ngủ.

Sáng ra, đứa cháu đích tôn không thấy ông nội mình đâu mà chỉ thấy một đống đất to tựa cái gò ở bên phải cửa động. Cậu chàng hiểu rằng, ông nội mình đã hóa và mối rừng đã đùn lên lấp kín thi hài bằng một cái gò lớn.

Cậu thợ rèn trẻ tuổi này sau thành người rèn đúc khí giới có tiếng hạng nhất trong nghĩa quân Lam Sơn…

3.

Ngày 13 tháng Giêng năm Mậu Tuất, mười lăm ngàn quân giặc do đích thân Mã Kỳ làm tổng súy, có quan văn Sơn Thọ làm mưu sĩ ào át tấn công vào thế trận của nghĩa quân. Lê Thạch ra khiêu chiến nhử giặc. Giặc trúng kế mai phục, quân tiên phong của vị tướng trẻ gồm một trăm chàng trai anh tuấn, nhanh nhẹn tháo vát, biến ảo trong rừng như hổ, báo, như trăn gió, mãng xà đánh quật lại, gươm báu trong tay vị chiến tướng uy vũ Lê Thạch đã mở đường cho hai cánh vu hồi giáp chiến, chém ba ngàn năm trăm thủ của quân Ngô. Mã Kỳ và Sơn Thọ kinh hoàng vội vã tháo lui về thành Tây Giai cố thủ.

Đó là chiến công đầu tiên mở đầu cuộc kháng chiến chống giặc Ngô mười năm giành lại đất nước. Đó cũng là sức mạnh kỳ bí của gươm thiêng Thuận Thiên.

Nguồn Văn nghệ số 1+2/2021


Có thể bạn quan tâm