April 25, 2024, 5:32 pm

Góp thêm góc nhìn sâu sắc về đường lối văn hóa, văn nghệ của Đảng

 

Không phải chỉ ở nước ta mà hầu hết các nước, nhất là các nước công nghiệp phát triển bước vào thời đại Cách mạng công nghiệp 4.0 đều lúng túng trước sự cần thiết phải định hướng lại hoặc điều chỉnh đường lối văn hóa, văn nghệ cho phù hợp với tình hình mới.

Với nước ta, do bước vào cơ chế thị trường chưa sâu, sự dịch chuyển không quá đột ngột, nhất là nhờ có nền văn hóa vững chắc mà Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đã kỳ công xây dựng ngay từ khi cách mạng còn non trẻ nên sự đứt gãy không đáng kể. Từ khi nước nhà thống nhất, đường lối văn hóa, văn nghệ của Đảng ta xứng đáng là ngọn đuốc “soi đường cho quốc dân”. Nhưng ngày hôm nay không thể chỉ ngồi một chỗ rồi lấy đó làm “kim chỉ nam” để ứng phó với những thay đổi cực lớn từ bên ngoài, mà phải chủ động nghiên cứu, tìm tòi, vận dụng một cách sáng tạo vào tình hình. Đáp ứng đòi hỏi ấy, chúng ta đã có nhiều tập sách chuyên luận, chuyên khảo, gần đây nhất có cuốn sách “Đường lối văn hóa, văn nghệ của Đảng-Lý luận, thực tiễn nghệ thuật” của Nguyễn Ngọc Thiện, do Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành.

Chuyên khảo chia làm hai phần, phần thứ nhất là “Đường lối văn hóa, văn nghệ của Đảng Cộng sản Việt Nam-sự nhất quán và phát triển” (180 trang), phần hai là “Tiểu luận và phê bình” (160 trang). Có thể coi phần I là điểm tựa lý thuyết thì phần II là sự ứng dụng, cụ thể hóa lý thuyết, quan điểm để có những trang nghiên cứu, phê bình khoa học, chặt chẽ, tinh tế. Ngay tên gọi cũng cho thấy phần đầu mang tính hàn lâm, nghiêm túc được quán triệt một cách nhất quán tư duy thực chứng, nói gì có chứng minh ấy, nêu luận điểm gì đều có giới thuyết rõ ràng và minh họa cụ thể. Trên cơ sở khái quát những vấn đề nổi bật, trọng điểm để tổng kết thực tiễn, nêu bật sự chỉ đạo thực hiện cùng giá trị lý luận và thực tế,... tác giả nêu lên một bài học mang tính phổ quát: Đường lối văn hóa của Đảng đã chèo lái con thuyền văn hóa Việt vững vàng trên biển nhân loại hướng về phía mặt trời nhân văn. Cách lập luận thuyết phục cùng sự liên hệ, liên tưởng đã khẳng định một cách mạnh mẽ đường lối văn hóa ấy thật sự là ánh sáng cho hôm nay.

Có thể thấy công trình có những đóng góp khoa học sau:

Một là, đưa ra một định nghĩa về “đường lối văn hóa, văn nghệ”. Thực ra trước nay, chúng ta vẫn nói nhiều nhưng hiểu một cách khoa học thì đúng là ở công trình này là chặt chẽ hơn cả. Đó là “bộ phận hợp thành hữu cơ của đường lối cách mạng nói chung, do Đảng Cộng sản Việt Nam đề ra, giữ vai trò lãnh đạo thực hiện các nhiệm vụ cách mạng trong từng giai đoạn lịch sử”. Không chỉ có vậy, công trình đi tìm “cơ sở khoa học và cơ sở thực tiễn của đường lối văn hóa, văn nghệ” cùng quá trình hình thành và phát triển. Như vậy, vấn đề được đẩy theo hướng triết học bản thể để bật ra bản chất. Trên ý tưởng đó, tác giả đi sâu tìm ra nền tảng khoa học, căn cứ thực tiễn, ý nghĩa lịch sử, những quan điểm cơ bản của tác phẩm mang tính mở đầu, mở đường rồi trở thành kinh điển là “Đề cương về văn hóa Việt Nam” (1943). Logic tất yếu với mạch lập luận ấy, tác giả triển khai nghiên cứu những đóng góp xuất sắc của các tác giả đồng thời là những nhà lãnh đạo kiệt xuất: Hồ Chí Minh, Lê Duẩn, Phạm Văn Đồng, Tố Hữu. Ý nghĩa vấn đề là không chỉ khẳng định tầm vóc lớn lao của các ý kiến đặc sắc, đúng đắn không chỉ với thực tiễn lịch sử mà còn đặc sắc, đúng đắn với cả bản chất, đặc trưng của văn hóa nghệ thuật.

Hai là, bên cạnh khẳng định thành tựu, tác giả khảng khái nêu ra những hạn chế, mặt trái khó tránh khỏi cần khắc phục. Ví như trong lãnh đạo sáng tác có quan điểm còn “giản đơn, thiển cận về vấn đề văn nghệ phục vụ chính trị dẫn tới chỗ coi nhẹ trách nhiệm cá nhân”. Đây là vấn đề thời sự, vì ở ngày hôm nay, chúng ta vẫn thấy ở một vài địa phương vẫn còn biểu hiện này. Hay vấn đề “mở cửa” được đặt ra rất cần thiết: “Còn dè dặt, thậm chí có nhiều mặc cảm, dị ứng trước những trường phái triết học, mỹ học, văn học, nghệ thuật từ các nước tư bản Âu Mỹ, chỉ nặng về phê phán những mặt tiêu cực, lạc lõng, bế tắc,... nhưng ít có sự khoan dung cởi mở cần thiết...”. Đây không chỉ đơn thuần là một nhận xét, còn là nêu vấn đề về trách nhiệm (cần phải nghiên cứu hệ thống, kỹ càng để tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại), về học thuật (phải học kỹ, tìm hiểu kỹ các trường phái thì mới cởi bỏ được cái “mặc cảm”, cái “dị ứng”...). Điều này cho thấy công trình được viết với thái độ trách nhiệm rất cao trước Đảng và văn hóa nước nhà.

Ba là, công trình rút ra 4 bài học xác đáng: Kiên trì chủ nghĩa Mác; đề cao quan điểm quần chúng; nâng cao trình độ lãnh đạo; coi trọng đề xuất lý luận, tổng kết thực tiễn. Từ đó công trình đưa ra 7 kiến nghị về quan điểm tư tưởng, về tổ chức và công tác cán bộ. Những kiến nghị này, trên nhiều cơ sở, quan điểm khác nhau có thể cần những sự phân tích, cân nhắc, phản biện, nhưng đặt trong cấu trúc, trong logic hệ vấn đề mà chuyên khảo tổ chức, thì đó là những kiến nghị khả thi.

Phần II “Tiểu luận và phê bình” chọn những vấn đề thiết thực, quan trọng nhất về văn hóa, văn nghệ thể hiện trong 17 bài tuyển. Tiêu biểu là những bài về tư tưởng văn nghệ Hồ Chí Minh, vai trò của lý luận phê bình văn nghệ chuyên nghiệp (về đội ngũ, về thể loại văn chương, về hình thức đấu tranh với những tư tưởng sai trái, lệch lạc,...). Cái đáng quý rất thời sự ở ngòi bút phê bình này là đề cao tranh luận, bàn bạc dân chủ, coi trọng tinh thần đối thoại cùng thứ văn phong rõ ràng, trong sáng, điềm đạm, mực thước.

Đây là công trình có giá trị tổng kết cả về lý thuyết và thực tiễn của một giai đoạn lịch sử trong việc thực hiện, triển khai đường lối văn hóa, văn nghệ của Đảng. Cuốn sách đáng quý cho người đọc hôm nay ở nhiều phương diện: Bám sát vào định hướng đường lối của Đảng; rèn luyện bản lĩnh chính trị hướng về nhân dân-cội nguồn của sáng tạo nghệ thuật; kế thừa cái truyền thống; tiếp thu cái mới bên ngoài trên cơ sở chọn lọc cái phù hợp.

 PGS, TS NGUYỄN THANH TÚ

Nguồn QĐND


Có thể bạn quan tâm