April 16, 2024, 1:37 pm

Góp thêm đôi điều về việc làm bài nghị luận văn học

Liên tiếp trong 3 số 23, 24, 25, từ ngày 6/6/2020 đến ngày 20/6/2020, báo Văn nghệ đã giới thiệu ba bài viết của Ts. Trần Hinh, giảng viên khoa Văn học, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) về kỹ năng đọc hiểu văn bản, kỹ năng viết bài nghị luận xã hội, và kỹ năng viết bài nghị luận văn học trong bài thi môn Văn THPT sắp tới. Đây là ba bài viết nghiêm túc, vừa mang tính khoa học và tính sư phạm, có tác dụng thiết thực cho giáo viên và học sinh trong việc ôn luyện cho kỳ thi đã cận kề. Xin được nối lời tác giả, góp thêm đôi điều về việc làm bài nghị luận văn học, vốn là phần quan trọng nhất của bài thi môn Văn.

Trước hết, muốn làm tốt bài nghị luận văn học, học sinh cần có được 3 điều sau đây:

1. Phải có kiến thức văn học để làm bài (tức là phải nắm chắc tác phẩm mà đề bài đề cập đến).

2. Phải có phương hướng để làm bài (tức là phải xác định đúng yêu cầu mà đề bài đòi hỏi: hỏi về điều gì của tác phẩm: nội dung, nghệ thuật hay toàn bộ giá trị; nội dung gì, nghệ thuật gì; có so sánh với tác phẩm khác không,… nhằm làm bài đúng đề, không xa đề, lạc đề).

3. Phải có sáng tạo trong cách làm bài (bài phải có “chất văn”, mang lối viết của riêng mình, cảm xúc của mình).

Để có được điều 1, thực ra không khó lắm. Học sinh chỉ cần nắm chắc kiến thức cơ bản của tác phẩm, từ kiến thức cơ bản đó mà gợi nhớ đến những kiến thức cần thiết mà đề bài yêu cầu phải có trong bài làm. Kiến thức cơ bản bao gồm đề tài, chủ đề tạo nên nội dung ý nghĩa tác phẩm; còn nỗi lòng và tài năng-phong cách tác giả sẽ làm nên đặc sắc nghệ thuật của tác phẩm. Hai điều này có khi hòa nhập vào nhau trong những “từ khóa” về tác phẩm ấy. Ví như, ở bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng, thì kiến thức cơ bản được gói trọn trong các cụm từ cảm hứng lãng mạn tinh thần bi tráng. Đó là vẻ đẹp độc đáo của bài thơ, cũng là sắc diện nổi bật của người lính Tây Tiến.

Nhưng để có được điều 2 lại không đơn giản chút nào, bởi học sinh phải biết cách tư duy nhằm tìm ra phương hướng đúng để làm bài. Mỗi tác phẩm văn học đều có thể có nhiều đề khác nhau, và học sinh phải xác định đúng yêu cầu mà đề bài đòi hỏi. Trong thực tế, có học sinh nắm được tác phẩm, thuộc kiến thức văn học, nhưng bài làm vẫn xa đề, thậm chí lạc đề, là do chưa xác định đúng yêu cầu của đề bài. Thành ra, việc xác định yêu cầu của đề bài chính là vấn đề then chốt, quyết định chất lượng bài làm. Để xác định đúng yêu cầu của bài làm, cần phải tìm hiểu kĩ đề bài. Thử khảo sát một đề bài thuộc dạng phổ biến thường gặp khi ra đề về bài thơ Tây Tiến:

“Vẻ đẹp độc đáo đồng thời cũng là đặc sắc bao trùm bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng là cảm hứng lãng mạn và tinh thần bi tráng.

Hãy giải thích vì sao có điều đó và phân tích bài thơ để làm sáng tỏ.”

Đề bài có 2 phần: câu trên nêu vấn đề của bài thơ, cũng chính là vấn đề cần được làm sáng tỏ trong bài làm; vấn đề đó được quy tụ trong cụm từ cảm hứng lãng mạn tinh thần bi tráng; câu dưới là “lệnh” của đề, cũng chính là yêu cầu của đề bài: giải thích vì sao có điều đóphân tích bài thơ để làm sáng tỏ điều đó. Như vậy, yêu cầu của đề bài gồm 2 phần nối tiếp nhau: 1) Giải thích vì sao bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng có cảm hứng lãng mạn và tinh thần bi tráng; 2) Phân tích bài thơ để làm sáng tỏ cảm hứng lãng mạn và tinh thần bi tráng đó. (hai điều này đã làm nên vẻ đẹp độc đáo của bài thơ). Cần chú ý 3 chữ “vì sao có” để xác định đúng điều cần giải thích: không phải giải thích cái cảm hứng lãng mạn và tinh thần bi tráng mà là giải thích vì sao bài thơ Tây Tiến lại có được cảm hứng lãng mạn và tinh thần bi tráng đó (dĩ nhiên, khi đã học Tây Tiến của Quang Dũng thì học sinh cũng đã hiểu được hai khái niệm này trong thơ).

Xem thế, mới thấy việc xác định đúng yêu cầu của đề bài là cần thiết và quan trọng như thế nào. Nhưng đây chỉ mới là xác định yêu cầu về mặt nội dung của bài làm. Còn có yêu cầu về mặt thể văn và cách viết nữa. Theo “lệnh” của đề bài trên đây (câu dưới) thì thể văn của bài làm phải là giải thích – phân tích – chứng minh, cách viết cần khúc chiết rõ ràng, kết hợp nhuần nhị giữa lý luận và thi liệu trong một hệ thống lập luận chặt chẽ.

Xác định đúng yêu cầu của đề bài còn giúp học sinh nhanh chóng tìm ra một bố cục hợp lý cho bài làm cũng như chọn được những dẫn chứng trong bài thơ Tây Tiến để làm sáng tỏ cho bài viết của mình. Theo hai yêu cầu nối tiếp nhau trên đây, bố cục của bài cũng sẽ gồm hai phần giải thíchchứng minh tương ứng; còn những câu thơ được chọn phải là những câu tiêu biểu cho cảm hứng lãng mạn tinh thần bi tráng của bài thơ. Như vậy, bài làm sẽ xoáy vào những yêu cầu mà đề đòi hỏi, không thể xa đề, lạc đề được.

Cuối cùng, để có được điều 3, tức có sáng tạo trong cách làm bài, có thêm “chất văn” trong bài nghị luận văn học lâu nay thường được viết một cách khô khan, học sinh phải viết như thế nào? Theo tôi, cách tốt nhất, các em nên viết một cách tự nhiên thoải mái theo cảm xúc của chính mình, theo lối viết của riêng mình, không bị gò gẫm, phụ thuộc vào bất cứ lối viết của ai khác. Viết như vậy là thật với lòng mình, với con người mình. Chỉ như vậy thì khi cảm xúc trào dâng, bài viết mới thăng hoa được.

Nguồn Văn nghệ số 31/2020


Có thể bạn quan tâm