March 29, 2024, 8:06 am

Góp phần nhận diện, hướng tới nâng cao chất lượng phê bình văn học, nghệ thuật

 

Ngày 5/12 vừa qua, tại thành phố Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc), Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương và Tỉnh ủy Vĩnh Phúc phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học toàn quốc với chủ đề: “Vai trò định hướng của phê bình trong hoạt động thực tiễn và sáng tạo văn học, nghệ thuật hiện nay”.

 

Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh Internet

Tham dự hội thảo có đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Ðảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; các đồng chí Nguyễn Thế Kỷ, Ủy viên Trung ương Ðảng, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương, Tổng Giám đốc Ðài Tiếng nói Việt Nam; Hoàng Thị Thúy Lan, Ủy viên Trung ương Ðảng, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc; nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch liên hiệp các Hội Văn học, nghệ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam… cùng gần 200 đại biểu là các nhà khoa học, nghiên cứu và văn nghệ sỹ cả nước.

Hội thảo là một trong những hoạt động khoa học quan trọng trong năm 2019 của Hội đồng lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương, được tiến hành vào thời điểm Đảng ta đang chỉ đạo tiến hành sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”, đồng thời tích cực chuẩn bị nội dung các Văn kiện trình Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

*

Xuất phát từ một thực tế đời của sống văn học, nghệ thuật hiện nay đang vận động hết sức phong phú, đa dạng, thậm chí phức tạp. Trong khi đó, công tác phê bình nói chung chưa nắm bắt kịp với sự phát triển đó, lại càng chưa thể hiện được vai trò định hướng vốn có của mình. Bức tranh phê bình lâu nay vẫn bị xem là có chiều hướng thoái trào. Những bài viết phê bình mang tính khoa học, khách quan đang dần thưa thớt… Đặc biệt, trong lĩnh vực sân khấu, âm nhạc, rất thiếu vắng bóng dáng những nhà phê bình chuyên nghiệp, trong khi phê bình “tay ngang” với xu hướng “khen là chính” lại xuất hiện ngày càng nhiều. Chính những điều này đã khiến những nhà chuyên môn không khỏi băn khoăn, trăn trở… Thực trạng này đã tạo ra khoảng cách ngày càng lớn giữa lý thuyết với thực tiễn sáng tạo. Hoạt động phê bình, nếu có, thì cũng đang rơi vào tình trạng trầm lắng, thiếu tinh thần đối thoại và tranh luận học thuật một cách công bằng, khoa học, trách nhiệm, bản lĩnh. Chính vì vậy mà Hội thảo này cũng là dịp để các nhà khoa học, nhà quản lý cũng như các văn nghệ sỹ, những người đang trực tiếp làm công việc sáng tạo nghệ thuật, cùng nhau chia sẻ, bàn thảo, phân tích, tìm hiểu nguyên nhân, đánh giá kỹ hơn vai trò của phê bình văn học, nghệ thuật trong thực tiễn và hoạt động sáng tạo hiện nay.

Hơn 70 tham luận, trong đó có hơn 10 ý kiến được trình bày tóm tắt tại hội thảo, thuộc các lĩnh vực khác nhau của đời sống văn học nghệ thuật, đã tập trung chỉ ra thực trạng của công tác lý luận, phê bình hiện nay. Đó là những bất cập trong công bố tác phẩm, chất lượng chuyên môn, đào tạo đội ngũ; việc thể chế hóa các chủ trương, chính sách của Ðảng và Nhà nước trong lĩnh vực này, và chế độ đãi ngộ với người làm công tác lý luận, phê bình... “Phê bình hiện nay không những yếu mà còn thiếu. Nhiều người còn cho rằng, phê bình luôn đi sau bởi chỉ khi có tác phẩm ra đời, phê bình mới thực hiện được chức năng của mình… Bên cạnh đó, việc viết phê bình để hướng bạn đọc đến những giá trị chân - thiện - mỹ cũng là câu chuyện khiến giới lý luận, phê bình đau đầu”, (Tiến sĩ Phan Đình Tân, Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương)

Trong bối cảnh đó, Hội thảo đã đặt ra mục tiêu nhận diện, đánh giá và lý giải thực trạng phê bình nói chung và ở từng loại hình nói riêng. Từ đó xác định vai trò định hướng của hoạt động phê bình văn học, nghệ thuật trong giai đoạn tới, đồng thời đề xuất những kiến nghị, giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển nền phê bình văn học, nghệ thuật nước nhà trong thời kỳ mới.

“Nên xây dựng hệ thống chuẩn giá trị thẩm mỹ để hạn chế và ngăn chặn sự loạn chuẩn hiện nay” (Nguyễn Trần Bé); “Trong giai đoạn hiện nay, công tác lý luận, phê bình sân khấu đã đối lập với văn hóa truyền thống của Việt Nam ở góc độ quan niệm đạo đức… mọi hoạt động xã hội thành hàng hóa, thì những người làm lý luận, phê bình sân khấu đã không có một hệ thống giá trị thẩm mỹ chuẩn để làm điểm tựa…” (Trần Trí Trắc); “Để chấn hưng công tác phê bình, trước hết những cơ quan có trách nhiệm với phê bình văn học cần tìm ra một hệ lý luận văn học nền tảng…” (Văn Chinh); “Thực tiễn phê bình đang thiếu vắng sự chuyên nghiệp, đặt ra vấn đề cần phải khắc phục tình trạng phê bình cực đoan, hời hợt” (Bùi Việt Thắng); “Thực trạng loại hình phê bình nghệ thuật điện ảnh đang thiếu, đến mức không có nhà phê bình điện ảnh thực sự” (Ngô Phương Lan)… là những ý kiến đáng lưu ý trong hội thảo này. Những quan điểm trên cũng đồng nhất với đánh giá của nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam. Với cương vị của một người vừa làm công việc sáng tác, vừa tham gia quản lý, nhà thơ Hữu Thỉnh sau khi đưa ra những quan điểm về mặt nhận thức đối với vai trò của hoạt động lý luận phê bình, cùng những đánh giá của ông về thực trạng của hoạt động này hiện nay, trong đó Thiếu và Yếu vẫn là hai vấn đề nổi cộm. Ông khẳng định: Để phát triển đội ngũ phê bình cần phải có chiến lược đào tạo bài bản, chuyên nghiệp và có quy hoạch.

 

“Thực tiễn đời sống sáng tác đang vận động nhanh chóng đặt ra yêu cầu các nhà phê bình cần tiếp tục dấn thân, tiếp tục rèn luyện bản lĩnh, dũng khí bảo vệ chân lý, bảo vệ cái hay, cái đẹp, kiên quyết đấu tranh, phê phán những biểu hiện lệch lạc, sai trái trên lĩnh vực văn học, nghệ thuật để góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, trên tinh thần khoa học và thuyết phục…”. Đó là khẳng định của đồng chí Võ Văn Thưởng trong phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo. Đồng chí Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương cũng nhấn mạnh, Ðảng và Nhà nước ta luôn dành sự quan tâm và tạo mọi điều kiện cho hoạt động lý luận, phê bình để góp phần vào sự phát triển của nền văn học nghệ thuật Việt Nam... Trong khi chờ đợi những bước chuyển về cơ chế, chính sách và điều kiện làm việc, đồng chí đề nghị các nhà phê bình tiếp tục nuôi dưỡng và truyền giữ ngọn lửa đam mê sáng tạo, phát huy trách nhiệm xã hội, trách nhiệm công dân của mình để từng bước gìn giữ và góp phần nâng cao tính chuyên nghiệp cũng như chất lượng của hoạt động phê bình văn học, nghệ thuật. “Nhiệm vụ nặng nề ấy đòi hỏi các nhà phê bình cần tiếp tục dấn thân, am hiểu sâu sắc hơn nữa về thực tiễn đời sống sáng tác đang vận động nhanh chóng, tiếp tục rèn luyện bản lĩnh, dũng khí bảo vệ chân lý, bảo vệ cái hay, cái đẹp, kiên quyết đấu tranh, phê phán những biểu hiện lệch lạc, sai trái trên lĩnh vực văn học, nghệ thuật để góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, trên tinh thần khoa học và thuyết phục” (Phát biểu chỉ đạo của đồng chí Võ Văn Thưởng)

*

Lĩnh hội chỉ đạo của Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, và tiếp thu các ý kiến tham luận tại hội thảo, Chủ tịch Hội đồng lý luận, phê bình văn học nghệ thuật Trung ương Nguyễn Thế Kỷ, trong kết luận hội thảo, đã đánh giá cao những kết quả đạt được từ hội thảo và nêu rõ, kết quả của Hội thảo sẽ là tài liệu tham khảo quan trọng cho các nhà nghiên cứu, phê bình, các văn nghệ sĩ trong hoạt động chuyên môn của mình; là cơ sở để lãnh đạo các cấp, các ngành liên quan đến văn học nghệ thuật tham khảo, ứng dụng trong thực tiễn; và cung cấp những cơ sở khoa học để Hội đồng lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương tư vấn cho Đảng và Nhà nước tiếp tục có những quyết sách trong lãnh đạo, chỉ đạo lĩnh vực văn học, nghệ thuật nói chung, phê bình văn học, nghệ thuật nói riêng…

PV


Có thể bạn quan tâm