April 20, 2024, 9:14 pm

Góp phần giải mã một cuộc chiến đã lùi xa

 

40 năm trước, cuộc chiến tranh tranh bảo vệ biên giới phía Bắc Việt Nam bùng nổ (1979), và suốt 30 năm sau ngày cuộc chiến này kết thúc (1989), vì nhiều lý do mà sự kiện bi hùng đó không được trình bày một cách đầy đủ trong các sách giáo khoa Lịch sử, trong những công trình nghiên cứu và cả trên các phương tiện truyền thông đại chúng.

Suốt một thời gian dài, cả Trung Quốc và Việt Nam dường như không muốn nhắc đến cuộc chiến này. Mối quan  hệ giữa hai nước cũng đã được bình thường hóa vào năm 1991. Tuy nhiên, 40 năm cũng là một thời gian đủ dài để cả hai bên có điều kiện nhìn lại sự kiện này một cách khoa học, đầy đủ, chân thực để tìm ra phương thức xử lý tối ưu các vấn đề do lịch sử để lại. Dù nhìn bất cứ góc độ nào thì cuộc tấn công của 60 vạn quân Trung Quốc vào Việt Nam cũng đã gây ra sự tổn thất to lớn về người và của cho nhân dân Việt Nan. Với bản chất cốt lõi đó, đây là một sự kiện quan trọng, cần có vị trí xứng đáng trong các bộ lịch sử của dân tộc, các chương trình sách giáo khoa và các phương thức giáo dục lịch sử khác.

Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc (1979-1989) - Góc nhìn báo chí sẽ cung cấp cho bạn đọc cái nhìn toàn cảnh, đa chiều, bằng nhiều góc độ khác nhau của những cây bút có nghề, đến từ nhiều cơ quan báo chí uy tín với bạn đọc. Thời gian trong cuốn sách cũng không chỉ giới hạn trong 10 năm (1979-1989), mà đã có cái nhìn khách quan hơn, bởi độ lùi xa của thời gian và sự trung thực của lịch sử, sau hơn 30 năm kết thúc cuộc chiến. Xét về không gian phản ánh trong các tác phẩm, cuốn sách cũng không chỉ giới hạn trong mặt trận Lạng Sơn, mà cả 6 tỉnh biên giới phía Bắc; thậm chí là địa bàn trong cả nước và vấn đề quan hệ quốc tế, liên quan đến cuộc chiến này.

Những tác phẩm báo chí được tuyển chọn đưa vào cuốn sách này không chỉ có con số, hay thông tin tổng hợp về nhân vật, sự kiện xung quanh cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới (1979-1989) mà hầu hết đều có những vấn đề của lịch sử. Ở một số bài viết, các tác giả đồng thời cũng là những nhà nghiên cứu, đã cũng cấp cho bạn đọc những “góc khuất” của sự kiện, đằng sau số phận nhân vật, và những nội dung mang tính chất giải mã những bí ẩn của lịch sử. Tiêu chí mà cuốn sách hướng tới là chính là từ góc nhìn đa chiều và khách quan sẽ góp phần giải mã một cuộc chiến đã lùi xa bằng góc nhìn báo chí. Từ việc khát quát những nét nổi bật về bối cảnh của cuộc chiến, sự chi phối bởi các nước lớn trong quan hệ quốc tế, thái độ và cách hành xử đã tác động đến sự bùng nổ và trong cả suốt diễn biến phức tạp của cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc của Việt Nam. Điều quan trọng mà các bài viết trong cuốn sách này giúp người đọc nhận thức sâu sắc hơn về lịch sử để không ngộ nhận và bị động về tương lai.

40 năm qua, thế giới có nhiều biến đổi và trong những năm gần đây lại càng có nhiều diễn biến phức tạp và khó lường. Quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc đã được bình thường hóa và đang trong quá trình phát triển trên tất cả các lĩnh vực dù còn có nhiều trở ngại cần từng bước vượt qua. Vậy nên giá trị lớn nhất của cuốn sách này là rút ra những bài học cho cả thế hệ người Việt Nam hôm nay và mai sau là luôn phải tăng cường đoàn kết để xây dựng đất nước giàu mạnh và độc lập, tự chủ về kinh tế đủ sức đối phó với mọi tình huống trong một thế giới luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ.

Cuốn sách sách không có giá bán, vì không nhằm mục đích kinh doanh, mà chỉ góp phần tri ân với các đồng đội CCB đã từng trực tiếp tham gia cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc, và làm quà tặng cho thân nhân các gia đình Liệt sĩ, Thương binh đã hy sinh tuổi thanh xuân và xương máu để bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc.

Và cuối cùng, như tiêu đề của cuốn sách là Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc (1979-1989) – Góc nhìn báo chí, nhóm biên soạn xem đây như là một món quà nhỏ chào mừng kỷ niệm Ngày báo chí Cách mạng Việt Nam 21/6/2019.

Nguồn Văn nghệ số 26/2019


Có thể bạn quan tâm