April 20, 2024, 10:23 am

“Gõ cửa” Hội Nhà văn

Nhà số 9 Nguyễn Đình Chiểu nguyên là ngôi biệt thự 3 tầng. Nhà riêng của Phó Thủ tướng Huỳnh Tấn Phát. Năm 1989 Phó Thủ tướng quy tiên. Lúc ấy, trụ sở của Hội nhà văn ở 65 Nguyễn Du quá chật chội. Vì vậy, vào quãng năm 1992, Hội được chuyển về số 9. Nguyên thuỷ nhà này có cửa chính mở thẳng ra phố Nguyễn Đình Chiểu. Xung quanh là vườn cây. Phía đằng sau tọa lạc một nhà gạch cấp 4 dùng cho nhân viên phục vụ.

Khi Hội nhà văn về, nhà gạch ấy được dựng lên toà nhà 5 tầng. Ở gần như chính giữa toà nhà có cầu thang rộng đi thẳng từ sân lên tầng 2, nơi cả tầng có một hội trường nhỏ. Khéo xếp ghế thì ngồi được độ 100 người. Tiếng là nhà 5 tầng nhưng chiều dài và chiều ngang hẹp lắm. Gần giống với loại nhà cực mỏng ở những con phố cũ, mới cơi nới của Hà Nội những năm đầu thế kỷ 21. Cửa chính của biệt thự nằm ở bên trái được bịt lại nên cổng ra vào bây giờ dịch sang tay phải ở chính giữa nhìn vào cầu thang lên tầng 2 của nhà mỏng mà cao đến 5 tầng kia. Mười năm nay đến đây đôi khi tôi tự hỏi: Sao cầu thang lại nhìn thẳng ra phía cổng thế nhỉ? Chẳng biết có phù hợp với phong thuỷ không? Giữa toà biệt thự nằm ở bên tay trái gần một khoảng sân nhỏ, cả hai đều tỏ ra cũ kĩ vì mưa nắng không biết đâu là toà nhà trung tâm đây? – Một lối sắp đặt thường thấy ở những nơi được dùng làm công sở? Mặt tường nhà biệt thự sát với sân chỉ có cửa sổ. Không có cửa chính. Sao thế nhỉ? Muốn đi vào toà nhà phải vòng ra phía sau lặng lẽ qua một hẻm nhỏ để tiếp cận được cầu thang. Trước khi vào hẻm nhỏ đi qua khoảng trống giữa 2 nhà quanh năm lúc nào cũng bừa bộn những thùng giấy, xe đạp, xe máy…đủ cả. Lên đến tầng 3 mới là phòng của chủ tịch, phó chủ tịch. Gợi nhớ đến cách bố phòng và bài trí của một số cơ quan công tố và tình báo ở nước ngoài vì có điểm chung là lối vào nơi làm việc của lãnh đạo thường ở tận cùng phía trong.

Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam khóa X ra mắt

Từ Trần Nhân Tông đi vào qua số 1 rồi đến số 7 Nguyễn Đình Chiểu là trụ sở trực ban hình sự của cơ quan an ninh điều tra. Cửa lúc nào cũng đóng và thường vắng lặng một cách nghiêm cẩn. Tiếp đến số 9A, một toà nhà xây mới cao 6 tầng. Cửa kính sáng cong kanh. Biển đề Nha khoa thẩm mĩ. Nghe nói diện tích tòa nhà chuyên lo sắc đẹp cho con người này vốn nằm trong khuôn viên dinh thự ông Huỳnh Tấn Phát. Sau đó Mặt trận Tổ Quốc ra quyết định cho 1 trong những người phục vụ. Vì thế cách đây mấy năm, Hội của các nhà văn đứng bên nguyên kiện đòi lại. Toà quyết định bên nguyên thua kiện. Đi vài bước nữa thì đến số 9 của chúng ta. Nói là cổng nhưng thực ra không có cổng. Vì lúc nào cũng mở. Một cái cửa xếp di động bằng inok trắng tầm ngang trên thắt lưng luôn xếp lại ở bên trái. Một lối cổng ăn chắc mặc bền giống lối vào các xưởng thủ công làm mây tre. Hay là làm nón ở vùng đồng bằng Bắc bộ. Đi tiếp không thấy có số 11. Một toà nhà tân cổ giao duyên có biển đồng với phụ đề Hanoi Cheo Theatre. Phần nhiều thời gian cửa đóng như số 7 phía cửa bên kia cửa vào Hội nhà văn. Cùng một sự vắng lặng. Nhưng bên này không giống bên kia. Thương cho thi sỹ tài danh mà rất mực chân thành Trần Đăng Khoa nặng lòng với nó đã viết nên câu Một mình con đóng cả 3 vai chèo.

*

Sau Đại hội nhà văn lần thứ 10 độ một tháng, tôi có việc ghé vào thăm Hội của mình. Lần theo ngách vào đến được tầng 3 toà biệt thự. Nguyên Chủ tịch Hữu Thỉnh và Phó Chủ tịch Trần Đăng Khoa đi công tác vắng. Chủ tịch mới của Hội còn chưa thụ chức ở số 9 này. Trước sau nào thấy bóng người, lại nhớ hơn 10 năm gần đây, một năm một đôi lần tôi đến đây gõ cửa, lần nào ra mở, Hữu Thỉnh cũng giang rộng hai tay ra đón thật niềm nở, lập tức xếp tất cả công việc lại và lần nào ông ấy cũng say sưa đọc thơ suốt cả buổi gặp. Thơ mình. Thơ bạn. Chừng như bao giờ cũng muốn truyền cảm hứng cho người đối thoại tình yêu thi ca bất tận của mình. Ông đọc thơ tôi rất kỹ. Cả bài dở, bài hay. Có lần Hữu Thỉnh bảo. Chỉ cần đôi ba câu thế này của Nguyên cũng yên lòng. Lang thang mây trắng xứ Đoài. Chưa ra ngoài ngõ đã vài trăm năm… Hữu Thỉnh có thành tựu cả trong trường ca và đoản thi. Kể cả nhiều câu thơ hay có thể đứng độc lập. Kể như Thu hết mọi tiếng chuông thành một sắc áo vàng. Trường cảm xúc mạnh lắm. Ở tuổi gần 80, ông vừa in tập thơ Ghi chú sau mây. Cảm ơn người thi sỹ già suốt cuộc đời ông chỉ đi tìm lý do của hy vọng. Bởi vì ông viết Ghi chú sau mây không phải là gì khác mà chỉ là tình người tươi tốt ấy thôi. Đó là sự ghi chú sau những trải nghiệm đầy vinh quang và cay đắng đến mức tan chảy mình vào một cuộc văn chương mê đắm và sự ghi chú vào sau lưng cuộc đời còn nhiều ngang trái này. Ở đây không có sự khép lại một văn nghiệp vinh hiển. Vì sao lại thế? Là bởi vì khi trở về Bến cũ, ông trước sau vẫn là người mơ mộng.

Viển vông mãi, chán rồi, tôi quay về Bến thực

Tới bến rồi

Kéo lưới hóa ra Trăng.

Lần xuống tầng 1, rẽ sang trái vào góc ẩn mình chiếc thang máy cửa lúc nào cũng tôi tối để lên tầng 5 của toà nhà phía bên kia – nơi cư ngụ của Tạp chí Thơ. Có lẽ cùng với thang máy ở báo Văn nghệ, chiếc thang máy này hiền lành và chậm rãi nhất đất Hà Thành. Nó lắc lư đưa người lên xuống và có ý luôn luôn động viên. Rồi mọi việc đâu rồi có đó. Ta sẽ đến thôi mà. Và lần nào cũng đến thật. Tạp chí Thơ ở trên tầng 5. Đó là cơ quan duy nhất của Hội không có biển đề. Ở đầu hành lang đặt hai ghế mây cũ kĩ. Một dài. Một ngắn. Phía trên mặt ghế trải một cái gì đó giông giống chăn chiên Nam Định gấp lại. Có vẻ dùng hơi bị lâu rồi. Hoàn cảnh quá. Thấy ít có ai nỡ ngồi xuống. Tạp chí Thơ chỉ có 2 phòng. Có 1 phòng bị chiếc bể treo sát vách ngấm nước làm lở loét lớp da tường nham nhở vừa như chịu đựng, vừa như thách thức mấy năm trời đến 2019 mới được sửa chữa lại. Giờ lại thấy dăm mảng mốc tường. Dưới mảng tường sương gió ấy nhiều năm là bàn viết và ghế ngồi của một nhà thơ nổi tiếng từ Thời hoa đỏ cùng Nấm mộ và cây trầm. Kể từ tháng 1/2006 khi ban hành số 1 đến tháng 12/2020 nhang khói như thế cũng được 15 năm cho thi ca và văn nhân tài tử nước nhà. Ngày 8/12/2020, Hội nhà văn đã có thông báo chấm dứt hoạt động báo chí cho Tạp chí Thơ. Lại chạnh nghĩ đến An Nam Tạp chí của ông Tản Đà. Năm 1925, Tản Đà xin giấy. Năm 1926 được cấp phép. Nhưng Tản Đà không có 1 đồng xu dính túi. Ông phải vào tận Sa La ngoại vi thị xã Hà Đông thời đó heo hút như ở rừng, mượn tạm một nhà lá vách đất và thuê một tay trợ bút. Xong xuôi, Tản Đà đóng cửa lên Sơn Tây và Vĩnh Yên vay tiền. Vay mãi không được. Mãi sau trong bữa ăn tối do người đồng tỉnh là nghị viên làm thầu khoán mời, có người hiệp khách không biết tên biếu ông Tản Đà 100 đồng bạc Đông Dương và ông nghị viên kia cho mượn nhà riêng ở 50–52 phố Hàng Lọng làm tòa soạn. Trang trải mọi khoản, chỉ còn 2 đồng bạc. Phải lên tận Bắc Ninh, vay được 20 đồng lãi 15 phân cho An Nam tạp chí ra đời (1). Ấy vậy mà ông Tản Đà kiêu lắm. Một lần nhà văn Vũ Bằng chơi trèo muốn hội kiến bậc đàn anh. Bữa đó, Tản Đà vừa dùng rượu tối xong, cứ ngồi ì ra không thèm đứng dậy, nhìn Vũ Bằng một hồi như thằng ăn cắp rồi à lên một tiếng (2) … Một lần tụ họp khác, thấy có ông Tản Đà, Vũ Trọng Phụng vội đi mua 2 gói kẹo lạc vani mời: Mời cụ xơi kẹo lạc ạ. Tản Đà hỏi lại Ông bảo cái gì? - Dạ kẹo lạc vani giòn và thơm lắm. Tản Đà: Kẹo lạc? Ăn ra cái quái gì…!. Năm 1939 Nguyễn Tuân than thở: Hai người ấy giờ đã là ma cùng thở hơi thở cuối cùng ở xóm Cầu Mới Nhà số 71-73 (3). Chuyện làng văn như mới xảy ra ngày hôm qua mà đã một thế kỷ rồi. Khác hẳn với Tản Đà, ông Phó thường trực Tạp chí Thơ Ngô Thế Oanh lúc nào cũng khiêm nhường. Ông hành xử như một Đảng viên. Hồi 1971–1974 ở khu V, có lần tác giả Mảnh đất nuôi ta thành dũng sỹ đến lán trong rừng của ông để tuyên truyền Đảng cho quần chúng tích cực. Lớp cảm tình Đảng một thầy một trò đang trao đổi thì nghe tiếng là lạ phía dưới. Một con rắn hổ mang chúa đang vươn cổ. Anh em kéo ra. Con chúa ấy dài đến 2 mét. Cả đơn vị được một bữa liên hoan. Nhưng buổi học của quần chúng Oanh phải dừng lại. Ở Tạp chí Thơ, Ngô Thế Oanh thật thà và lặng lẽ như một dấu lặng đơn. Quanh năm tiếp đón đủ các hạng văn nhân tài tử cuả đất nước. Hạng nhất, hạng nhì và cả chưa xếp hạng cũng có nhiều… Vậy mà lúc nào và với bất kỳ ai ông ấy cũng pha trà rót nước rất cung kính và khiêm nhường. Ai cũng vui. Cũng ở đây, tôi được diện kiến và đối thoại với nhiều thi sỹ. Hữu Thỉnh, Bằng Việt, Vũ Quần Phương, Nguyễn Đức Mậu, Thanh Thảo, Anh Ngọc, Nguyễn Xuân Thâm, Nguyễn Hoa, Lê Thành Nghị, Mã Giang Lân, Nguyễn Quang Thiều, Trần Đăng Khoa, Nguyễn Trác, Trương Nam Hương, Tuyết Nga, Nguyễn Hữu Quý, Trương Đăng Dung, Mai Quỳnh Nam, Đặng Huy Giang, Trần Quang Quý, Mai Văn Phấn, Inrasara … Các nhà văn Đỗ Chu, Nguyễn Đình Chính, Bùi Bình Thi, Bùi Việt Thắng… Dịch giả Thúy Toàn, Lê Sơn, Phạm Thành Hưng… Tôi nhận ở họ lòng thương mến và sự chia sẻ ân tình của những người từ mọi nẻo đường của thời đại đến với thế giới văn chương để ngợi ca cuộc sống và những lý tưởng cao đẹp của con người. Bằng Việt từng để cho chúng tôi, thế hệ phần lớn thời gian trai trẻ sống ở trong rừng chiến tranh yêu mến bởi bộ tam đa Tình yêu và báo động, Bethoven và âm vang hai thế kỷ, Trở lại trái tim mình và nhất là Nghĩ lại về Pautopxki… Ông tâm sự trong một bài thơ dài vào giữa năm 2020 viết tặng tôi, có đoạn:

Chúng ta đọc Thomas More và Campanella trên ghế trường đại học

 Xã hội không tưởng dễ làm thôi và sạch sẽ vô cùng

… Nhưng rốt cuộc, vẫn không sao thoát được nỗi bận tâm trần thế tầm thường

Luân phiên trong mỗi kiếp người của tội ác và trừng phạt.

Tạp chí Thơ thăng trầm như thế cũng được 15 năm. Nhiều nhà thơ có tên tuổi của Việt Nam và thế giới đã được giới thiệu trang trọng. Nhiều người làm thơ trẻ đã được cưu mang. Nhiều tác phẩm lý luận phê bình tâm huyết đã được công bố trong một tạp chí khiêm nhường giống như chủ nhân của nó mà có lần tôi gọi là nhành cúc họa my trong trắng và trinh tiết giữa thời buổi nhốn nháo của nhiều loại sách báo lá cải của kinh tế thị trường còn mạnh mẽ hơn nhiều thời ông Tản Đà đang sống.

Nếu ta để ý toàn bộ thiết bị nội thất của Tạp chí Thơ cũng như của tất cả Hội nhà văn có lẽ đều từ thế kỷ trước, cũ kĩ và xấu xí. Ấy vậy mà hồi tháng 11/2020 ở một đại hội nhà văn cấp cơ sở có hai vấn đề chú ý. Một nhà văn nêu câu hỏi: Ai bảo vệ nhà văn?. Xem chừng muốn nhằm vào ông Chủ tịch Hội khi có vài tác phẩm dư luận đang rập rờn. Tôi cho rằng, có lẽ người bảo vệ nhà văn công tâm và hiệu quả nhất là công chúng bạn đọc và của chính nhà văn. Trong xã hội dân chủ có nền văn hóa cao thì khoảng cách giữa bạn đọc và nhà văn ngắn lại rất nhiều. Họ trở nên có quyền năng vô song tương hỗ  cho nhau. Văn Cao lỗi lạc có lần nói: Tôi làm được cái nào thì các bạn thương cho cái đó. Chữ Thương ấy thật tuyệt vời cho người viết văn.

Một nhà văn khác phê phán Chủ tịch Hội nhà văn xin kinh phí cho hoạt động của Hội, rằng điều đó có lỗi với thuế của nhân dân! Kể cũng bức xúc thật đấy nhỉ?. Nhiều nơi trên thế giới, nhà nước không cấp ngân sách cho nhà văn. Ở đấy, họ sống như những người thợ chữ tự do. Lại có nơi mỗi câu thơ hay được nhà vua thưởng cho một đồng equy vàng. Các thi sỹ đời Đường một phần lớn là tiến sỹ, làm quan và được hưởng phong tước kiến điền. Thôi thì muôn sự so bì làm sao được. Hỏi ra mới biết cả năm Hội nhà văn được cấp tất tần tật số tiền ngân sách vỏn vẹn chỉ là 4 tỷ đồng cho cả trả lương, làm báo, làm sách; Rồi điện nước, xăng xe... Chao ôi! Sao mà nhỏ vậy? Trong khi một công sở ở Hà Nội chỉ riêng tiền thuê nhân công vệ sinh, vận hành thang máy, điện nước và thỉnh thoảng bơm khí tươi vào tòa nhà đã tiêu hết gần 40 tỷ đồng ngân sách một năm… Nhiều nhà văn ốm đau thường xuyên và lâu dài như NXS, NHT, PNC, Tr.X… v.v. và v.v… anh em bạn văn đến thăm chỉ biết đi quanh giường bệnh. Với họ đâu có chuyện xâm phạm thuế của dân?. Gặp Nguyễn Huy Thiệp thời đang viết. Trò chuyện với hoa Thủy Tiên, chắc ông ấy sẽ nói: chỉ có … thôi!. Mẹcxi các ngài!. Ngày 15/1/2021 con trai Thiệp cúng mẹ 49 ngày. Thiệp nằm bất động trên giường. Chỉ để hở cái đầu trọc và đôi mắt u buồn. Có vài anh em văn nghệ đến. Bây giờ Thiệp chỉ ngày 3 bát cháo đặc và không còn lương y chăm sóc nữa. Khi chia tay Đào Hải Phong chảy nước mắt tiễn biệt. Khuôn mặt Thiệp xúc động lắm. Tôi hỏi nhỏ. Có dặn gì để tôi viết. Thiệp mấp máy ba bốn lần mà tôi không nghe rõ. Ghé sát vào ghép được 4 chữ rời nhau. Sống… đi… Thiệp… ơi.

Đúng là nhà văn phải có trách nhiệm với từng xu thuế của dân khi động vào ngân sách. Nhưng trách nhiệm của nhà văn, của những người cầm bút vô sản, của tác phẩm văn học đâu phải chỉ là thuế của dân. Nó còn cao hơn thế rất nhiều. Chế Lan Viên viết:

Đánh giá anh đâu phải mắt xếch của nhà phê bình hay mắt xanh người đẹp

Đánh giá anh giọt máu im lìm ngủ giữa Trường Sơn

Im lìm thế mà lắng nghe mọi điều anh viết

Xem khi máu đổ rồi thơ có cao hơn.

Dù lịch sử chiến tranh hay hòa bình, các nhà văn đều phải viết bằng máu của đời, máu cuả mình, theo ý nghĩa sâu sắc nhất của từ đó.

*

Bước vào tuần đầu của năm 2021, Triển lãm tranh Người thổi sáo của Nguyễn Quang Thiều, tân Chủ tịch Hội nhà văn, được khai mở ở 42 Yết Kiêu. Hà Nội. Ông bộc bạch: Tôi không phải là họa sỹ mà chỉ là kẻ bị màu sắc thống trị. 53 bức tranh. Đó không phải là tất cả những gì ông có. Nhưng tôi thích nhất bức Người thổi sáo 3. Màu sắc và bố cục của nó giống như những bức tranh vẽ trên kính ở tường và nóc những giáo đường thiên chúa cổ xưa ở Tây và Bắc Âu, nơi mà tôi đã nhiều lần cầu nguyện, khi bên ngoài mùa đông tuyết trắng bao phủ mà thiên chúa vô hình vẫn soi tỏ màu sắc và đường nét huyền diệu trong tĩnh lặng. Người tạo ra năm mươi ba bức tranh ấy hao hao giống một ông cố đạo già mà tôi từng gặp lang thang đi nhặt những số phận người khổ đau ở vùng Sơn Nam Thượng để mà ghép nên những hình vẽ con người kì dị trên mặt kính nhà thờ. Trên Vietnamnet, họa sĩ Đào Hải Phòng, người có biệt tài sử dụng gam vàng để thổn thức ánh đèn đêm của phố cổ Hà Nội, bảo rằng: Tranh Thiều có sự thống nhất về phong cách và ngay cả họa sĩ đã qua trường vẽ chưa chắc có được. Dưới góc nhìn của thi ca, tôi thấy dường như người vẽ đang cố gắng khuôn mình vào một bút pháp thể hiện mà chưa muốn phá cách. Đó là dấu hiệu của tuổi già. Tranh của Thiều đậm đà chất suy tưởng trong siêu thực. Tĩnh nhiều hơn động. Không hiểu sao tôi muốn có một cái gì đó giống như Gửi gió cho mây ngàn bay trong những bức tranh ấy. Ông tâm sự chủ đề bao trùm của phòng tranh là tìm đến sự thanh bình của cuộc sống. Có tiếng hỏi: kỳ vọng của ông trên cương vị Chủ tịch Hội nhà văn những năm tới là gì? – Đó là sự làm gần lại hơn giữa công chúng bạn đọc và các nhà văn. Lại có tiếng hỏi: vấn đề lớn nhất của văn chương hiện đại ở thời điểm này là gì? – Đó là một vấn đề lớn cần thời gian để  trả lời. Nhưng tôi nghĩ con đường của tân Chủ tịch có lẽ không giống với con đường đi tìm sự thanh bình trong màu sắc và đường nét của 53 bức tranh kia. Là bởi vì bây giờ ông có nhiều sứ mệnh, kể cả sứ mệnh đại diện cho lợi ích của tất cả những người cầm bút của thời đại chúng ta. Nhưng sứ mệnh cao cả nhất và khó khăn nhất của ông vẫn là sứ mệnh của một nhà văn.

*

Không nghi ngờ gì nữa; ở 65 Nguyễn Du. 51 Trần Hưng Đạo và từ 1992 ở số 9 Nguyễn Đình Chiểu, các thế hệ nhà văn kiệt xuất, những tinh hoa của thời đại chúng ta đã được chào đón. Họ đã đi qua suốt 4 cuộc chiến tranh lớn ở thế kỷ 20 trên các chiến hào đánh giặc giống như những người lính. Họ đau nỗi đau của nhân dân. Vui niềm vui của đất nước. Họ thắp sáng ngọn lửa của tình yêu tổ quốc. Soi tỏ đầy thuyết phục lương tâm và phẩm giá của người Việt Nam. Chế Lan Viên có lần nói: Câu thơ nằm giữa bể sóng không yên và hạt muối chói ngời. Giữa hai mặt đối lập và thống nhất kia chếnh choáng câu thơ nằm ở giữa.

Gõ cửa Hội nhà văn, tôi cứ nghĩ ngôi nhà số 9 ấy không phải đứng giữa 2 sự đóng cửa mà nó cũng giống như câu thơ nằm ở giữa hai mặt đối lập kia – giữa cái giới hạn và cái vô cùng, cái đời thường và cái siêu thực, cái cao cả và cái thấp hèn, cái nông cạn và cái ẩn sâu, cái ào ạt và cái tinh lọc, cái dữ dội và cái bình yên của cõi người làm kiếp nhà văn.

Ngày 4-5/1/2021 Nội các văn chương Nguyễn Quang Thiều nhóm họp để phân vai các vị thượng thư, có nhiều quyết định mới. Nhưng mới nhất có lẽ là có thêm hai giải thưởng mới hàng năm – giải nhà văn trẻ và giải văn học thiếu nhi nhằm mục đích giáo dục nhân tính cho các công dân tương lai của đất nước và tạo ra một thế hệ mới cho văn chương nước nhà.

Gõ cửa Hội Nhà văn, tôi muốn cảm ơn tất cả bằng đoạn thơ sau đây của P.Nêruđa:

Với các anh, với tất cả mọi người

Tôi xin nói: không thể nào cảm tạ

Không gì rót cho đầy lên tất cả

Những cốc kia tinh khiết vô ngần

Không có gì chứa nổi cả vầng dương

Trên cờ xí của mùa xuân bách thắng

Không có gì như tâm hồn thầm lặng của các anh.

Nguồn Văn nghệ số 9/2021

_________

1. Tản Đà - Giấc mộng lớn - Tuyển tập Tản Đà - Nxb Hội Nhà văn - 2002 - Trang 303, 304.

2. Vũ Bằng - Bốn mươi năm nói láo - Nxb Hội Nhà văn - 2015 - Trang 51.

3. Nguyễn Tuân - Tuyển tập Tập 3 - Nxb Văn học - 1998 - Trang 147.


Có thể bạn quan tâm