April 20, 2024, 2:50 pm

Giữa vòng vây núi

Giời đất trong cơn trở dạ, sáng tối vần vụ, quằn quại, vạn vật phấp phỏng, run rẩy chờ đợi nhát chổi của giời.

Ngọn gió lạnh buốt khởi đầu cho cơn cuồng nộ lướt qua.

Rào… rào…rào...

Bắt đầu là những giọt nước mắt từ cao xanh nặng nhọc thả xuống.

Tiếp theo đến nước đổ, gió quất.

Trong gió, trong mưa, trong loằng ngoằng sấm sét, những viên đá lạnh buốt thi nhau ném ràn rạt xuống mặt đất.

Giữa òa vỡ của đất trời là òa vỡ của lòng người.

Minh họa của LÊ TRÍ DŨNG

Trong căn buồng kín như cái hang bịt lỗ, bố mẹ chồng Sé hả hê, đau đớn hòa quyện, lặng chìm.

Trong buồng mình, Sé vừa tung hê theo mưa, theo gió, vừa dìm mình trong đau buốt, khổ ải.

Chơi vơi, vùng vẫy, sinh sôi, tàn lụi của ba con người cứ trồi lên, ngụp xuống trong biển đêm mù mịt. 

Trời lặng đột ngột. Sự đến, đi của cơn giông nhanh như trận lũ ống.

Chí… chí… chí… Lũ chuột nhắt trong gió trong mưa hồn một nơi xác một nơi đã bắt đầu đùa rỡn với số phận.

Ngoao… ngoao… Con mèo qua cơn sợ hãi, bản năng hồi phục, nó rên lên báo hiệu sự tồn tại của mình.

Gâu… gâu… gâu… Tiếng chó cắn ma dai nhách lại thúc vào đêm, thúc vào phận sự.

Cạch cạch…

Cục cục…

E hèm…

Khùng khục…

Những tiếng động ở buồng bên báo hiệu sự sốt ruột, lo lắng.

Sé nén đau gượng dậy, những bước chân nặng nhọc đưa cô về phía rừng thảo quả, nơi cô tin người chung da, chung thịt đang vùi mình vào rượu, vào đêm.

Xá vừa qua khỏi cửa rừng thì cơn giông ập tới. Ngưng đọng, dồn nén của mấy tháng nắng nóng được ông giời mở cửa, gió, mưa, sấm sét tha hồ đổ xuống.

Xá cuống cuồng như chạy lũ, cũng may anh vừa chạm vào cửa lán coi thảo quả nhà mình thì cơn mưa đá cũng vừa ập tới.

Xá lập cập mở cửa, lập cập trốn tránh cơn phẫn nộ của giời, song đầu óc không dứt nổi ý nghĩ cay độc về những người đẩy mình ra giông gió bão bùng.

Sau vùi dập tơi bời là trống rỗng, hoang vắng.

Xá mệt mỏi thắp đèn, mệt mỏi quờ tay vớ lấy chai rượu tu từng ngụm, từng ngụm. Cơn say giống như thanh thép trong lò chuyển dần cái nóng vào trong, da thịt lạnh dần, chân tay mềm lả, rã rời, anh khó nhọc chìm vào biển đêm.

Sé lần mò được đến lán coi thảo quả thì đã quá nửa đêm. Trong ánh sáng tù mù của ngọn đèn dầu, bừa bộn, cẩu thả nửa như phơi ra, nửa nhờ bóng đêm khuất che, chìm lấp. Sé nôn nao như người trúng gió, cô mệt mỏi khơi lên ngọn lửa, mệt mỏi thắp đuốc, ra lạch nước lấy một nắm lá dấu rửa sạch, giã nhỏ đắp lên trán chồng.

Trời yên, rừng lặng.

Sé bỏ ra ngoài, lặng lẽ cắm rễ trên tảng đá hình con thuyền úp trước lán, muôn ý nghĩ bươn bả qua trăng, qua gió, từng lát ngày, lát đời néo vào nhau nhũng nhẵng trong cái đầu trống rỗng, đau khổ.

Sé bất hòa với gia đình nhà chồng từ buổi đầu tiên về làm dâu. Đêm đó mùi vị của lần đầu chồng vợ còn đang nồng nàn, quấn quýt thì hơi khói, hơi lửa xộc vào lôi Sé dậy. Vô tư, Sé kéo Xá dậy theo. Việc Sé bắt người đàn ông là chồng mình cùng dậy, cùng làm bếp đã động vào cái trật tự cố hữu của cộng đồng người Hà Nhì ở đất này song chưa đến nỗi là cái gai trong mắt mẹ chồng. Đến lúc Sé bắt Xá rửa bát, vác nước, mang cám cho lợn ăn thì mẹ chồng cô không chịu nổi, những cái “nào là” đầy uy quyền tuôn ra như vỡ đập.

Nào là người phụ nữ ngoài việc luôn chân luôn tay từ sớm tới tối còn phải gánh vác hầu hết mọi công việc của gia đình.

Nào là vợ phải hầu hạ chồng từ bát cơm tới chậu nước nóng rửa tay, rửa chân.

Nào là đàn bà không được ăn chung mâm, chung bát khi trong nhà có khách...

Sé chạy từ hết ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Từ trước tới giờ Sé vô tư, đơn giản. Theo Sé, hạnh phúc càng trải rộng, càng san sẻ càng nhận được nhiều chứ đâu phải gói gọn trong những cái “nào là” đầy vô lý. Sé liếc nhìn Xá, cô thấy chồng điềm nhiên cùng bố uống rượu, điềm nhiên chọc đũa vào bát thức ăn thừa từ ngày hôm trước nấu lại. Nỗi bực dọc cuộn lên trong lòng. Thì ra cả chục năm ăn cơm Nhà nước, được thổi vào đầu bao nhiêu chữ nghĩa song dòng máu “thống trị” phụ nữ vẫn không phai nhạt trong Xá! Thì ra ở cái nơi xa mặt trời này, đặc quyền đặc lợi cho cánh đàn ông vẫn đường hoàng chui vào nhấm nháp trong cái vỏ luật tục, trong sự khổ ải, âm thầm chịu đựng của những người phụ nữ! Thì ra trong luật tục, ngoài những khoảng sáng để duy trì cuộc sống, duy trì nền văn hóa của mình vẫn còn khá nhiều khoảng tối để trói buộc con người, biến con người thành nô lệ tự nguyện…

Con ngựa bướng bỉnh gõ móng trong đầu Sé cồm cộp, những “nào là” cô nhận được từ mười mấy năm ăn học trùm lên những “nào là” của mẹ chồng rồi trào ra như nồi cơm no lửa.

Lửa trong bếp tắt ngấm nhưng ngọn lửa ấm ức vẫn ngấm ngầm chứa chất trong lòng người. Nhất là với Sé. Sé đau. Đau lắm. Sé và Xá học cùng một trường, bén duyên từ chớm tuổi mười sáu, giời cho, người vun hai người không dứt được nhau. Theo chính sách cả hai thuộc dạng ưu tiên đặc biệt. Học giỏi, lại có ba điểm rưỡi cộng vào thi trường nào mà chẳng đỗ. Mà nếu không đỗ đi chăng nữa thì không huyện gọi cũng tỉnh gọi, người Hà Nhì có mấy ai vượt khỏi vòng vây núi non để ra tới dòng sông như cô và Xá. Con người cũng như con nước, đã chảy được rồi là chảy mãi, không ra tới biển rộng thì cũng được hòa vào suối to sông cả, ngờ đâu hoàn cảnh đẩy đưa, Xá là con một, bố mẹ Xá già cả, cần phải sớm tối ở bên, nhà Xá có nương thảo quả đi nửa ngày chưa hết… Xá buộc Sé phải lựa chọn, không cõng được bố mẹ và nương thảo quả theo cùng thì phải trở về quê. Sé theo Xá, chuyện học hành nhường chỗ cho chuyện vợ chồng, nương rẫy.

Từ bài học buổi đầu tiên trong nhà chồng Sé đã cố không vượt quá giới hạn, cố không vượt qua bức tường luật tục, đã làm cho bố mẹ chồng đỡ đổ mồ hôi, đỡ trắng đêm vì nương, vì ruộng… Vất vả, cực nhọc, mất mát Sé không sợ; xét nét của người già, vô lý trong khoảng tối của luật tục Sé đành chịu; nhưng còn Xá, Xá đã mười hai năm ăn học, đã hiểu Sé như đất hiểu nước, cây hiểu rừng, vậy mà trước những “nào là” vô lý đổ vào Sé, Xá vẫn nhơn nhơn chấp nhận, vẫn lừ khừ như cái mo nang trôi sấp trên suối thì còn ra làm sao nữa. Bất hòa vốn mầm mống từ cố chấp, bướng bỉnh, lửa chạm lửa, lời chạm lời, mưa nắng, giông gió sụt sùi, dai dẳng làm cho cả năm qua nhà cửa Sé luôn thành nồi cơm sôi trên bếp.

Cuộc hành trình ra khỏi mặt đất của Xá vừa cực nhọc, vừa lý thú. Mê tỉnh đè nhau. Giời đất lùng nhùng. Xá thấy mình đang chui vào giữa bãi đùm đũm, nằm im cũng gai, động cựa cũng gai, bỗng bầu trời xẻ một đường sáng lóa, Xá như quả trái pháo vọt lên. Đột nhiên một chiếc lá màu đỏ quay tít trước mắt. Chiếc lá hút Xá như nam châm hút sắt. Nặng nề, nhẹ bẫng, đau đớn, đê mê trộn nhau như mèn mén trộn cơm. Lại đột nhiên, chiếc lá bị hút tụt vào chảo lửa, Xá chới với lao theo. Không biết thiên đường, địa ngục ở chốn nào, chỉ thấy toàn thân bị rang khô trên lửa bỏng.

Xá quờ tay. Cái ấm nhôm lạnh toát dứt Xá ra khỏi cơn mơ. Một bụng nước no căng khiến người ngợm Xá như ruộng hạn gặp mưa rào, ruột gan hân hoan sôi réo.

Men rượu trong người đã nhạt, đầu óc váng vất như phải cảm, sự trống rỗng khủng khiếp rộng dần khiến Xá chơi vơi, anh lảo đảo bám vào vách lán lần ra cửa. Trước mắt anh, trong nhạt nhòa sáng tối tảng đá đầu hồi mọc thêm một hình người. Đá chết lặng, người chết lặng, lòng Xá cồn lên day dứt, ân hận, anh lảo đảo chui sâu vào rừng.

Một ngày mới bắt đầu.

Nhìn thấy cái lán trống huếch trống hoác Sé cố nén tiếng thở dài. Nhắm mắt cô cũng thấy rõ cái dáng liêu xiêu, đôi mắt rực lửa của mẹ chồng, cái dáng nằm co quắp trong buồng của chồng. Bịt tai Sé cũng nghe rõ tiếng tí tách của ngọn lửa, tiếng lợn rền rĩ đòi ăn... Rồi một ngày sẽ đi qua. Rồi một đời sẽ đi qua. Lửa giận nổi lên, Sé phăm phăm đi như lao về làng. Đến nhà, nhìn thấy cánh cửa đóng im ỉm, cái địu treo ở cửa chất đầy quần áo, Sé biết mình đang là cái chài rách mất chóp vất cạnh đường, là cái gai đang được nhổ ra khỏi mắt người nhà chồng, cô thẫn thờ gỡ chiếc địu, thẫn thờ ngược dốc.

Con dốc từ nhà chồng lên con đường dẫn ra thị trấn bằng cả con đường hai chục năm Sé đã trải. Đau khổ, tủi nhục, hẫng hụt, mất hết phương hướng cuộn lên trong cái cơ thể mỏng manh khiến những giọt nước mắt trào ra khỏi cơ thể Sé như nước tràn phai.

Sé đang nặng nhọc nhấc từng bước chân thì phía sau cô tiếng tù và rúc lên từng hồi. Cùng với tiếng tù và là tiếng hú hét thất thanh, hốt hoảng, phút chốc cả làng Hà Nhì bé nhỏ náo động bởi những âm thanh báo hiệu trong làng có người sắp về với tiên tổ. Linh cảm thấy điều không lành, Sé quẳng vội địu quần áo rồi tất tả quay trở lại. Tới chỗ hai con dốc gặp nhau cô chạm phải một tốp người đang khênh một cái cáng trần, trên cáng là thân xác tả tơi của Xá. Sé tối tăm mặt mũi rồi từ từ khuỵu xuống.

*

Tại nhà Sé lễ bói ma cho Xá diễn ra trang nghiêm, bí hiểm. Thầy cúng “Pú mò” vừa cúng, vừa gập lá cỏ gianh làm ba đặt lên mặt bàn. Mọi người hồi hộp chờ đợi. Theo lời khấn thiêng liêng của thầy, lá cỏ gianh quay tít rồi dừng lại, ba góc nhọn của lá gianh, một góc chỉ ra phía dòng suối có tảng đá thiêng của làng, một chỉ vào Sé, một chỉ vào mẹ chồng Sé. Sợ hãi, mẹ chồng Sé rồi Sé đổi hướng! Vẫn vậy. Đổi nữa… Đổi nữa… Dẫu có chạy, có nấp vào chỗ nào hai đầu nhọn của lá gianh vẫn cứ nhằm vào hai người mà dồn, mà đuổi.

- Ma rừng Lẹ khà nhí đã bắt hồn, bắt vía thằng Xá rồi. Mẹ thằng Xá và vợ nó phải cùng ta đến chỗ tảng đá thiêng nhờ thần rừng bắt ma thôi.

 Những âm thanh rè rè ma quái phát ra từ miệng thầy cúng làm mọi người rụng rời. Ở cái bản Hà Nhì ướp lưu cữu trong mây, trong gió này Lẹ khà nhí là mây đen gieo rắc nỗi kinh hoàng. Quá nhiều người thợ săn, người có việc buộc phải đi rừng vào đêm trăng sáng mà không tránh cửa rừng đã gặp Lẹ khà nhí.  Những ai vô phúc gặp Lẹ khà nhí không ném vội cái áo cho hồn ma trú ngụ đều bị đôi bàn chân to như hai tầu chuối đầy lông lá dẫm lên. Bàn chân ấy nếu không làm cho người bị hại hồn vía lên trời thì cũng phải nằm nát giường, nát chiếu. Xá không tránh cửa rừng, không cởi áo ném cho Lẹ khà nhí trú nên đã không thoát khỏi bàn chân khủng khiếp của ma rừng. Khi một người đi rừng sớm phát hiện ra thì Xá đã mặt mũi tím bầm, chân tay cứng ngắc, hồn vía lúc chạy lên trời, lúc chui xuống đất. Xá được đưa về nhà, thầy cúng Pú mò đã chỉ ra con ma làm hại Xá, chỉ cho hai người là Sé và mẹ chồng Sé theo thầy đến nơi bắt ma. Ý thầy là ý trời, cả họ không ai dám cưỡng, dẫu Sé và mẹ chồng đang trong hoàn cảnh trớ trêu.

Đêm cúng ma.

Sé rưng rưng cởi bộ quần áo Xá đang mặc, gấp lại, ủ vào người rồi cùng mẹ chồng cõng đồ cúng lẽo đẽo đi theo cây đuốc pơ mu cháy rừng rực trên tay thầy cúng. Ba người đến được chỗ hòn đá thiêng to như mái nhà chìa ra trên bãi đá. Sé cùng mẹ chồng dọn dẹp sạch sẽ cỏ cây, lá khô quanh tảng đá rồi lấy con lợn trong gùi mang ra máng nước mổ. Mặc dù mang tiếng thạo việc nhưng từ bé Sé chưa bao giờ nghĩ đến việc tự mình mổ lợn, mổ trâu nên mấy cái chân lợn lúc ở trong tay cô, lúc đạp chới với như đứa trẻ hờn mẹ. Sự vụng về của Sé khiến cho bà mẹ chồng mủi lòng, lòng bao dung, vị tha trỗi dậy, bà tỉ mỉ dạy bảo con dâu thực hiện phận sự của mình.

Mâm cúng đã bầy xong. Thầy cúng lặng lẽ trải tấm vải, lấy bộ quần áo của người ốm ra đặt lên, châm lửa cho đống củi bùng cháy rồi bắt đầu cúng. Bài cúng như sợi dây thiêng nối từ đời này sang đời khác khiến cho cả hai mẹ con Sé cùng đắm chìm trong đau khổ, day dứt. Mẹ chồng Sé nhìn trộm cái dáng rũ rượi của con dâu, bà lén tay lau nước mắt, thở dài.

- Con ơi, một đêm một ngày qua dài như cả một đời người. Cái được, cái mất của những lần mặt trời đi qua phơi ra,chập chờn như củi, như lửa, như mâm cỗ cúng trước mặt.

- Con ơi! Mẹ, biết bắt con chấp nhận cái dòng chảy phận sự vây hãm con người xứ này bao đời là không nên. Mẹ biết, đồng thuận với cái khoảng tối lạc hậu chảy dọc nhiều đời là không phải. Những lời rỉa rói như nhát dao chém nước phát ra từ mẹ đâu chỉ làm con đau, nhưng trong khuôn khổ đất trời này mẹ làm khác đi thì chính mẹ cũng bị cuốn trôi cùng rác rưởi. Con ơi, con hãy hiểu cho lòng già này…”.

 Cũng như mẹ chồng, Sé ngồi lặng như tảng đá nhưng trong lòng lại đang trong vòng xoáy của vực thuồng luồng.

- Mẹ ơi, sự đời nó đơn giản như bầu trời hết mưa, lại nắng. Bốn mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông cứ đến vòng quay thì lặp lại, chỉ có con ngưòi làm cho nó rối rắm, phức tạp lên thôi.

-  Mẹ ơi, tám tuổi con mồ côi cả cha lẫn mẹ, chín tuổi lẽo đẽo theo cô giáo ra trường nội trú huyện, số bữa cơm tập thể nhiều gấp đôi bữa cơm ăn ở nhà mình.

- Mẹ ơi, với dòng suối vừa đi vừa cộng thêm dài rộng con vô tư sống, vô tư nghĩ, con không muốn con người cứ tự làm khổ nhau, vậy mà… Để mọi người hiểu cho lòng mình khó quá mẹ ơi!....

Trong lúc lễ cúng sắp đến lúc cao trào. Cạnh thầy con dao dính tiết gà, tiết lợn hết xám lại rực hồng như đang tôi trong lửa thì ở nhà Xá tỉnh táo như chưa hề bị con bệnh hành hạ. Nhìn thấy bố quỳ mọp trước hòn đá thiêng ở góc nhà lầm rầm khấn vái lòng Xá se thắt nỗi niềm thương cảm. Từ khi biết làm người hầu như Xá chưa làm trái ý bố mẹ. Mà có cái gì để mà trái. Trong gia đình người Hà Nhì, con trai, đàn ông thường được nhận đặc ân nhiều hơn đàn bà, con gái. Xá là con một, thương yêu của bố mẹ không dồn vào Xá  thì dồn vào ai. Trong vòng tay yêu thương của bố mẹ cùng chiều chuộng của luật tục, Xá như con gà sống được vỗ béo, khắc ăn, khắc lớn, khắc học hành, yêu đương. Xá cưới vợ, bức tường luật tục dựng lên; tư tưởng “trọng nam khinh nữ” lăm lăm cuốn vào vòng xoáy làm cho hai vợ chồng ngớ người. Mẹ Xá bảo: “Cây có gốc, có ngọn, người có lý có lối, một đời thế, ngàn đời thế, làm khác là người tan, nhà tan.”. Sé cãi: “Luật tục gì thì cũng phải theo giời theo đất, giời đất sáng tối rõ ràng sao cứ phải bẻ cong đi để mọi người cùng khổ mẹ ạ”. Bố Xá bảo: “Nề nếp là cây chuối bóc áo, cái gai trồi ra không đâm vào da thịt thì cũng đâm vào mắt, người nhà không nhổ thì người ngoài cũng nhổ.”. Sé được bầu làm Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ xã, hội họp, vận động tối ngày. Bố Xá bảo: “Cơm nhà việc làng rồi nón cũng chẳng có mà đội.”. Sé cãi: “Mười mấy năm ăn học, ngâm trong ao, người mục, kiến thức mục, không làm trăng, làm sao được thì cũng phải bày những điều học được ra để cho mình, cho mọi người biết đúng sai rõ ràng phải không ạ.

Những đốp chát ấy, lời không chạm lời, lửa không chạm lửa, song những hòn than đỏ cứ nhằm vào lòng Xá mà vùi, mà cháy. Xá biết Sé thương chồng, thương bố mẹ. Không thương, không yêu Sé đã không cắn răng cặm cụi làm mọi công việc trong nhà, cắn răng hứng chịu những ngọn gió lạnh buốt từ bố, từ mẹ, từ những lời đàm tiếu của người trong họ ngoài làng. Xá biết mẹ thương Sé. Là người cũng mồ côi mẹ từ nhỏ, đi làm dâu chưa tới tuổi mười lăm. Bơ vơ, khổ cực đã từng, có cô con dâu duy nhất, lại cùng hoàn cảnh không thương thì thương ai. Nhưng cũng như bao người phụ nữ Hà Nhì, suốt đời mẹ chỉ chăm chắm đến phận sự. Phận sự là bát nước rót cả đời không đầy, nhưng không thể không rót. Ngựa phải có yên, có cương, suối phải chảy theo dòng. Mẹ thế. Trước mẹ thế. Khắp bản này đều thế thì con dâu mẹ cũng phải thế. Mây, mái, tre pheo gì đi nữa mà những đốt không nối nhau thì không thể thành cây, thành búi. Cả đời làm dâu, mẹ chưa dám quyết đáp điều gì, việc dạy con dâu mẹ phải giành lấy. Mẹ đã mang đời làm dâu của mẹ ra làm khuôn rồi nhồi Sé vào như nhồi thịt vào ruột non làm lạp xường. Dao chém cây, cây đổ, dao chém nước, nước cứ chảy, Sé bướng bỉnh, Sé kéo rào ngược dòng, và ái ngại thay, cái gì Sé đưa ra cũng đúng, cũng được. Bát nước là Sé mỗi lúc một đầy thì quyền lực, nề nếp mẹ vun vén mỗi ngày một vơi. Rồi sóng gió nổi lên. Rồi tĩnh hay động, lặng gió hay giông bão gì cũng đổ vào Xá, bắt Xá làm quan tòa. Những căng thẳng, nhẫn nhịn không đầu, không cuối làm Xá ngày ngày vật vờ như con nghiện đói thuốc.

Cho đến hôm qua, trong lúc Sé tung tẩy họp hành trên huyện thì con trâu đực tế thần làng giao cho nhà Xá nuôi từ lễ hội Khu chà già đã đuổi theo trâu cái. Trâu cái, ngoài việc trốn được cuộc hoan lạc bất đắc dĩ còn làm cho trâu đực mờ mắt, sa xuống cái hố sâu hoắm trên rừng làm nhà Xá phải mổ thịt. Đang mùa vụ, công việc kéo hết người khỏe lên nương, ra rừng, làng còn toàn người cầm con dao không đặng nói gì đến chuyện mổ trâu, mang thịt xuống chợ. Mọi việc cuống quýt như chạy lũ. Con trâu mổ ra, cái gì mang về ăn, treo gác bếp được thì mang, cái gì không mang được thì đành để lại, cuối cùng con trâu mộng đáng giá bẩy tám triệu thành một giàn thịt xám ngoét, lủng lẳng trên bếp. “Cây đổ dồn nhát”, đang lúc mệt nhọc, tiếc của, bực dọc đầy ứ cả nhà thì cái “của quý” của con trâu thờ thần đang luộc  trên bếp no nước, no lửa cựa quậy trong cái xoong nhỏ rồi nổ bung lên làm cho mẹ Xá bị bỏng khắp mặt. Nỗi đau thể xác, nỗi ấm ức cả năm trời dồn nén được dịp òa vỡ, bà đùng đùng lôi hết những thứ che da che thịt Sé tống vào cái gùi rồi treo lên trước cửa. Sé về, nhìn thấy dấu hiệu của sự ruồng bỏ của nhà chồng, lòng Sé sôi lên, Sé lôi Xá từ gác xuống buộc phải rõ ngày, rõ đêm; Sé vớ lấy con dao quắm bập mạnh vào bậu cửa thề độc. Ngọn đuốc đang rừng rực lại dúi vào rừng lau mùa hanh, Xá gầm lên, Sé thành cái bù nhìn cho Xá tập võ.

Ở chỗ tảng đá thiêng.

Bài cúng đã tới hồi cao trào. Thầy cúng hú lên những tiếng thật dài. Vừa hú thầy vừa đung đưa chiếc vòng bạc, vừa chạy quanh mâm cúng, đống lửa, rót rượu vào các bát trên mâm, sau đó toàn thân lên đồng, ngất ngưởng.

Không khí rùng rợn, ma quái. Sé rùng mình, trước mắt cô một đàn kiến càng to như ngón tay cái sà vào mâm cúng, chỉ một lát sau những hàm răng đói khát của chúng đã xơi sạch xôi, lợn, gà, rượu. Ăn uống no nê xong chúng kéo nhau khênh bộ quần áo của Xá chạy vào rừng. Sé hét lên kinh hãi rồi sấp ngửa đuổi theo cái áo.

Mẹ Xá thấy con dâu đầu tóc rã rượi chới với chạy vào rừng liền vội vã đuổi theo. Hai mẹ con như hai người điên đuổi nhau. Tiếng hét gọi: “Con ơi!”, “Mẹ ơi!”, “Anh Xá ơi!” vang động cả khu rừng.

Khi mẹ Xá đã bắt được Sé, hai mẹ con đang ôm nhau khóc thì trời đổ mưa rào. Những giọt mưa thi nhau quất xuống mặt đất như vãi sỏi làm cho cả đất trời chìm trong mưa, trong gió.

Nguồn Văn nghệ số 34/2020


Có thể bạn quan tâm