April 19, 2024, 3:55 pm

Giữa biển cả

Truyện có rất ít tình tiết và lời thoại. Ðây có thể xem như là bản thu hoạch suy tưởng của tác giả về nỗi cô đơn của con người trước biển cả. Nhưng con người dù mất nhiều thời gian với hải trình dằng dặc để có thể đắm chìm vào thiên nhiên hoang dã, rốt cuộc vẫn dính líu với những kẻ khác mình. Rốt cuộc, điều theo đuổi mình nhiều nhất là gương mặt kẻ khác chứ không phải nội tâm của chính mình.

Xê dịch nhiều, trải nghiệm nhiều, nhà văn Tiến Ðạt trở lại với một truyện ngắn thật khoáng đạt nhưng cũng đầy chiều kích nội tâm.

Người giới thiệu Trần Nhã Thụy

Chim rã cánh, chẳng quay đầu kịp lại,

Anh thở riêng mình, biển cả, lặng thinh. 

Minh họa: Đặng Tiến 

Cuối cùng, anh cũng đặt chân đến hải đảo xa sau bốn mươi tám giờ lênh đênh trên biển cả. Anh từng nhiều lần theo những con tàu lớn nhỏ trên các hải trình, đa phần chuyến đi diễn ra trong ngày, dành cho lữ khách. Hải trình xa nhất, anh đặt chân đến cụm ba đảo của Địa Trung Hải. Kiến trúc của ba pháo thủ thời chiến tranh La Mã xây dựng chủ yếu chống đám cướp biển không làm anh choáng ngợp bằng bức tượng của mỹ nhân được nhà điêu khắc đại tài sáng tạo có đôi mắt buồn xa vắng, một nỗi buồn mà anh chưa bao giờ bắt gặp trong các mỹ nhân anh từng bắt gặp trong hành trình lang bạt.

Bức tượng của mỹ nhân được đặt ở vị trí trang trọng nhất, cao nhất của ba hòn đảo, cùng nhìn về hướng đại dương. Qua thuyết minh của anh bạn thổ địa, chính vị lãnh chúa từng một thời cai quản si mê cô gái nô lệ bị bắt từ một chiến tàu. Cô gái sau này trở thành bà lãnh chúa sống trong quyền uy nhung lụa nhưng chẳng bao giờ nở nụ cười với chồng. Cô có thói quen lúc bình minh và hoàng hôn tự mình đi lên ngọn hải đăng nhìn về phía biển. Nơi ấy, cô sống trong hồi tưởng chuỗi ngày tươi đẹp và bão giông trên chiến thuyền cùng với anh chiến binh lãng tử có tài huýt sáo miệng những lời thơ du dương. Tiếng huýt sáo của anh trở thành tiếng kèn xung trận khi giáp chiến, tạo nên nhiều chiến công.

Hải trình lần này, trong trong danh sách có vị chính khách trẻ đang lên. Anh loáng thoáng nhìn thấy vị trên các phương tiện đại chúng. Cảm giác của anh là con đường quan lộ của vị chính khách còn đi xa hơn nữa. Chính khách ra đảo vì công vụ. Còn anh ra đảo vì thương vụ, nhưng thương vụ không tính phần lời lãi đặc thù kinh tế. Anh nhập đoàn với tâm thế khác, của riêng mình. Anh có ước vọng trong đời đặt chân hải đảo xa xôi ấy, thở được hơi thở của chính mình trên hải giới. Có nhiều thứ trong đời mà khi nhìn lại những đốm tóc bạc trên đầu mình anh thấy còn dang dở, nhiều thất bại mà cho dù có cố đến mức nào thì cũng chẳng bao giờ vượt qua, nhưng ước vọng đến hải đảo xa, anh biết chắc mình sẽ thực hiện được. Điều ấy, như niềm khao khát, đam mê, mà cũng ám ảnh anh - lữ khách đã quen với bước chân qua các cung đường mịt mù. Những cung đường chỉ riêng mình. Hơn ai hết, dù trong đám đông tung hô và chiến thắng, tiệc tùng rượu ngon gái đẹp, trong cung bậc ái tình tưởng chừng chạm thiên đường, anh vẫn nhận ra mình đang làm lữ khách.


Có thể bạn quan tâm