April 25, 2024, 12:55 pm

Giữ lửa Xiếc

Cuộc thi Tài năng Xiếc toàn quốc năm 2021 do Cục Nghệ thuật biểu diễn chủ trì, phối hợp với Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, Liên đoàn Xiếc Việt Nam, Trường trung cấp Nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Việt Nam tổ chức sẽ diễn ra từ ngày 22-29/4 tại Hà Nội. Cuộc thi được kỳ vọng, ngoài giúp ngành Xiếc Việt nhận ra “thực lực” của mình còn góp phần“thắp lửa” để vượt qua sức ép của nhiều loại hình nghệ thuật đương đại.

Tiêu chí chấm giải của Cuộc thi lần này là khuyến khích các tiết mục mang tính thử nghiệm, có sự sáng tạo độc đáo về nội dung và hình thức mới lạ. Bên cạnh đó là các tiêu chí cần có đối với một nghệ sĩ chuyên nghiệp: Diễn viên tham gia phải biểu diễn hoàn chỉnh tiết mục, có chất lượng nghệ thuật, đạt được độ chính xác cao ở những động tác phức tạp về kỹ thuật, kỹ xảo; nghệ thuật và phong cách biểu diễn mang tính chuyên nghiệp, có thẩm mỹ, gây được ấn tượng sâu sắc và cảm xúc tốt đẹp cho người xem….

Hoạt cảnh trong chương trình biểu diễn nghệ thuật À Ố Show

CUỘC TỔNG DUYỆT LỰC LƯỢNG

Năm 2018, sau nhiều năm vắng bóng, Liên hoan Xiếc trẻ toàn quốc đã trở lại tại Hà Nội, với sự góp mặt của 6 đơn vị  qua 25 tiết mục biểu diễn của 75 diễn viên và nhiều động vật tham dự. Liên hoan không chỉ nhanh chóng thu hút được sự quan tâm của công chúng yêu nghệ thuật thủ đô về những thay đổi về chất thông qua các tiết mục biểu diễn đột phá như: Xiếc thú tổng hợp, trò khéo tung hứng, đi cà kheo, xe đạp một bánh, xe đạp chồng người... còn cho thấy những gương mặt mới của làng Xiếc Việt Nam hiện đang theo học tại các cơ sở đào tạo nghệ thuật Xiếc trên toàn quốc. Liên hoan dù còn gặp nhiều khó khăn, song vẫn khá hùng hậu, chứ không rơi vào cảnh chợ chiều như nhiều người vẫn nghĩ, thậm chí họ đang nỗ lực để nghệ thuật Xiếc Việt Nam phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong xu thế hội nhập.

Bước sang mùa Liên hoan Xiếc trẻ toàn quốc năm 2021, quy mô của cuộc thi vẫn không có nhiều thay đổi, vẫn là sân chơi cho các nghệ sĩ Xiếc đang công tác tại các đơn vị nghệ thuật Xiếc công lập, ngoài công lập (đơn vị có tư cách pháp nhân, có thời gian hoạt động trong lĩnh vực biểu diễn nghệ thuật Xiếc liên tục từ 12 tháng trở lên tính đến thời điểm tham gia cuộc thi); sinh viên đang theo học tại các cơ sở đào tạo nghệ thuật Xiếc trên toàn quốc. Các tiết mục đăng ký dự thi thuộc các thể loại như: Huấn luyện thú, nhào lộn, tung hứng, thăng bằng, hài hước, ảo thuật… Đây vốn là những tiết mục nằm lòng của nhiều đơn vị nghệ thuật và không có gì đáng gọi là thách đố đối với các diễn viên trẻ. Tuy nhiên, để tạo sự khác biệt cho những mùa thi trước và tạo kịch tính cho người xem, một quy chế mới cho cuộc thi đã ra đời, với những đòi hỏi khắt khe hơn về kỹ năng, kỹ xảo biểu diễn. Theo đó, diễn viên phải thể hiện được các đặc trưng cơ bản của loại hình nghệ thuật Xiếc thông qua các tiết mục dự thi sao cho phong cách diễn mới lạ, mang tính thử nghiệm, có sự sáng tạo mới, độc đáo… Công bằng mà nói, đối với các đơn vị nghệ thuật tham gia liên hoan năm nay như: Liên đoàn Xiếc Việt Nam, Trường Trung cấp nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Việt Nam, Nhà hát Nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Hà Nội, Nhà hát Nghệ thuật Phương Nam, Đoàn Xiếc thuộc Trung tâm VHNT tỉnh Long An, những yêu cầu trên không quá khó. Vấn đề còn lại chính là những nỗ lực của diễn viên, vấn đề tâm lý khi bước vào kỳ liên hoan mà thôi. Tuy nhiên, nhìn vào những tên tuổi tham dự kỳ liên hoan, nhiều người đã không khỏi chạnh lòng, số đầu đơn vị tham gia vẫn dẫm chân tại chỗ, cho thấy tương lai của nghệ thuật Xiếc vẫn còn nhiều gian nan.

THẮP LỬA TÌNH YÊU NGHỆ THUẬT

Ghi nhận chung, đến thời điểm hiện tại, những công đoạn cuối cùng cho liên hoan Xiếc trẻ toàn quốc cũng đã được hoàn tất. Theo NSND Tống Toàn Thắng, Phó giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam. Cá nhân ông mong muốn cuộc thi phải là ngày hội thực sự của những người làm nghề... Trên thực tế, tại những đơn vị nghệ thuật vốn được xem là cánh chim đầu đàn của nghệ thuật Xiếc, việc sáng đèn thường xuyên hay dàn dựng những tiết mục biểu diễn mới chưa hẳn đã thuận lợi. Sự eo hẹp về kinh phí dành cho dàn dựng tiết mục mới, mức lương thụ hưởng của diễn viên hiện quá thấp đã khiến cho nghệ thuật Xiếc nhiều năm liền phải vật lộn với bài toán tồn tại thế nào và phát triển ra sao trước sức ép của nhiều loại hình nghệ thuật giải trí mới. Chưa kể việc thực hiện chủ trương tinh giảm, sáp nhập các đơn vị nghệ thuật tại các địa phương về một mối, đã biến nhiều đoàn nghệ thuật trở thành một chuyên ngành nhỏ, trong một cái tên chung “Đoàn nghệ thuật tỉnh A,B” nào đó. Sự sáp nhận này vô hình chung ngoài giảm đi mức đầu tư từ ngân sách (nếu có) còn khiến cho các nghệ sĩ, diễn viên không nhận được những điều kiện cơ sở vật chất cần thiết cho việc tập luyện, phát triển tài năng và nhiệt huyết cống hiến cũng bị giảm sút. Trong khi Xiếc là lĩnh vực nghệ thuật khó, khổ, nguy hiểm, tuổi nghề thấp nhưng lại đòi hỏi sự dẻo dai, thực sự tâm huyết với nghề mới có thể trụ lại được. Chưa kể, sự đãi ngộ đối với Xiếc lại được cào bằng như nhiều chuyên ngành khác. Theo nhiều trung tâm và các cơ sở đào tạo nghề Xiếc, với mức lương chung được áp dụng cho các đơn vị nghệ thuật công lập, mức khởi điểm chưa đến 3 triệu đồng/ diễn viên/ tháng quả thực không thể tuyển được học viên cho chuyên ngành Xiếc, chứ chưa nói đến việc giữ chân các tài năng. Đây cũng là lý do lý giải cho việc nhiều cơ sở đào tạo, nhiều đoàn nghệ thuật nhiều năm liền không có học viên, cũng như không tuyển được diễn viên Xiếc trẻ, khiến cho nhiều đoàn nghệ thuật buộc phải sử dụng diễn viên trung niên lấp chỗ trống. Và cái kết thì ai cũng biết, những tiết mục cũ luôn được diễn lại và nếu có mới thì cũng được dàn dựng theo hướng an toàn, không có nhiều yếu tố mạo hiểm, không tạo nên những hiệu ứng mạnh mẽ cho người xem. Chính vì vậy, sự kỳ vọng của công chúng yêu nghệ thuật về một Liên hoan Xiếc trẻ, sẽ tạo ra những xung lực mới cho nghệ thuật Xiếc hiện nay là hoàn toàn chính đáng. Theo Hiệu trưởng Trường Trung cấp Nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Việt Nam, Ngô Lê Thắng, đây chính là cơ hội cho các học sinh, diễn viên trẻ được khẳng định tài năng. Giải thưởng, danh hiệu và cơ hội được khẳng định mình sẽ giúp các em thêm yêu và gắn bó hơn với nghề.

TẠO ĐÀ CHO NHỮNG SÁNG TẠO

Liên hoan xiếc trẻ 2021 sẽ tôn vinh những tài năng Xiếc, truyền nhiệt huyết cho những người làm nghề và có ước mơ được trở thành diễn viên Xiếc có thêm những động lực mới. Song cũng là dịp để ngành Xiếc định vị lại chỗ đứng của mình trong đời sống nghệ thuật hiện nay. Trong khi các loại hình nghệ thuật khác như Chèo, Tuồng, hay Múa đã có những đổi mới căn bản theo hướng phục vụ nhu cầu khán giả, luôn tự đổi mới để bắt kịp xu hướng thưởng thức nghệ thuật trong nước và thế giới, thì Xiếc cũng không thể là ngoại lệ. Ghi nhận đời sống nghệ thuật xiếc gần đây đã cho thấy, Xiếc Việt đã có nhiều đổi mới, thông qua việc kết hợp nhiều loại hình nghệ thuật với nhau để cho ra đời những tác phẩm mới được công chung trong và ngoài nước ghi nhận.

Có thể kể đến Làng tôi của Liên đoàn Xiếc Việt Nam đã có thể đi biểu diễn 4 năm liền ở khắp châu Âu, hay Sông Trăng có chuyến lưu diễn 16 tháng liên tục tại 7 thành phố Tây Đức khiến khán giả Đức phải trầm trồ thám phục trước câu chuyện về cuộc sống của người Việt Nam được nghệ sĩ Xiếc chuyển thể qua ngôn ngữ của Xiếc. Xu hướng đi tìm thị hiếu của công chúng, phục vụ thị hiếu công chúng đã được các nghệ sĩ Xiếc tậm dụng một cách triệt để. Họ không còn diễn mãi những thứ mình đang có, mà chuyển sang diễn những thứ công chúng cần và hướng đến đối tượng phục vụ nhất đinh. Có thể điểm qua những tiết mục theo xu hướng này như Sơn Tinh, Thủy Tinh, Alibaba và 40 tên cướp dành cho các khán giả nhí dịp quốc tế thiếu nhi, hay phục vụ các em trong những dịp ngoại khóa.  Với khán giả lớn tuổi, đòi hỏi sự tinh tế cao hơn thì có À Ố Show, Cây gậy thần của Nhà hát Cải lương Việt Nam phối hợp Liên đoàn Xiếc Việt Nam thực hiện tại Rạp xiếc Trung ương, Hà Nội... đã thực sự đem đến cho Xiếc một diện mạo mới và một hướng đi mới trong sự kết hợp với nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống của Xiếc trong tương lai.

Quay trở lại với Liên hoan Xiếc trẻ diễn ra trong khoảng thời gian từ 22-27/4 tại tại Rạp Xiếc Trung ương, Hà Nội, Ban Tổ chức cũng như công chúng yêu nghệ thuật kỳ vọng sẽ có thêm những tiết mục mới, những gương mặt tài năng để tiếp tục bồi dưỡng các em trở thành những diễn viên giỏi về chuyên môn, tâm huyết với nghề. Và mặc dù là sân chơi của diễn viên trẻ, là nơi để các em cọ sát và tăng thêm nhiệt huyết với nghề, thì thiết nghĩ cũng là dịp để ngành Xiếc có thêm một lần nhìn lại chính mình. Để từ đó xây dựng chương trình hành động, định hướng dài hơi cho tương lai ngành xiếc. Đồng thời đề xuất những chính sách đãi ngộ và những điều kiện cần và đủ thế nào để nghệ sĩ Xiếc sống được bằng nghề, để các đơn vị nghệ thuật giữ chân được tài năng. Và hơn hết là giữ lửa cho nghệ thuật truyền thống.

Nguồn Văn nghệ số 17/2021


Có thể bạn quan tâm