April 18, 2024, 8:51 am

Gió Lào

Gió Lào thổi rạc bờ tre

Chỉ qua giọng nói đã nghe nhọc nhằn

(Nguyễn Bùi Vợi)

Quê tôi nhiều đặc sản, một trong những đặc sản được thiên nhiên ban tặng là gió Lào. Mỗi năm, vào đầu tháng tư dương lịch, gió Lào bắt đầu viếng thăm. Một ông khách không mời mà đến, ở lì mãi đến giữa tháng chín khi những luồng gió lạnh phương Bắc tràn xuống mới cuốn gói ra đi. Gió mỗi ngày mỗi mạnh, đỉnh điểm tháng năm tháng sáu, tạo thành những cơn lốc mạnh mang tên “bão Lào”. Thường, gió mang mát mẻ đến cho mọi người. Ông khách này lại mang theo cái nóng ghê người, đến độ “giống cái và giống đực không muốn đến gần nhau” (Nguyễn Tuân). Chúng lấy hết hơi nước còn sót lại trong không khí làm cho độ ẩm giảm xuống có khi chỉ còn ba chục phần trăm, đẩy nhiệt độ lên trên bốn mươi hai độ - nghĩa là cao hơn nhiệt độ trong cơ thể người. Thuở tôi còn nhỏ, việc chống cái nóng do gió Lào gây ra vô vàn khó khăn. Càng quạt càng nóng vì khi quạt phả hơi nóng trong không khí vào người, nhiệt độ trong không khí lại cao hơn nhiệt độ trong cơ thể. Bọn trẻ chúng tôi chỉ còn cách thả trâu xong xuống dầm dưới sông đến khi mặt trời sắp lặn mới lên dắt trâu về. Người lớn đi làm dùng áo tơi che nắng. Nhưng chẳng lẽ suốt ngày tắm sông hay làm đồng, nên vẫn bị cái nóng hành hạ, rôm sảy nổi lên khắp người, hết sức khó chịu. Nhờ tắm mưa dông mùa hè hay mưa ngâu mùa thu gửi đến rôm sảy mới lặn dần. Một cách làm giảm cái nóng ghê gớm do gió Lào gây ra là mỗi lần đi đâu về tu một cốc nước chanh đường hay chanh muối. Nước chanh đường ngon hơn nhưng chanh muối tốt hơn vì nó bổ sung lượng muối thiếu hụt khi ra nhiều mồ hôi. Nhớ những năm tám chín mươi thế kỷ trước, người ta đua nhau uống chanh đá. Giá chanh tăng vọt. Bao nhiêu vườn cây ăn quả biến thành vườn chanh. Khi chanh đá không được ưa chuộng nữa. Than ôi! Bao hoa quả đặc sản bị mất do đất và giống biến chất. “Cam Xã Đoài” là một ví dụ điển hình.

Có thời lưu hành thành ngữ “Gió Lào cát trắng”. Suốt một dải bờ biển bắc miền Trung hay hai bờ sông, những bãi cát chạy dài như vô tận. Mỗi mùa gió Lào thăm viếng, hạt cát bị nung nóng lấp lánh ánh thủy tinh. Thế mới nảy sinh câu thơ hay bậc nhất trong thi ca Việt Nam: “Chị ấy năm nay còn gánh thóc/ Dọc bờ sông trắng nắng chang chang…”. Khiêm tốn nhận rằng Xứ Nghệ quê tôi bãi cát ven sông dọc biển không lung linh bằng, nhưng ở cái xứ “Nắng hun đến cái diệp cày cũng cong” (Yến Thanh) này, bụi đỏ chẳng kém gì. Nhớ những năm bảy tám mươi thế kỷ trước, các con đường Thành Vinh chưa rải nhựa. Mỗi lần đi học gặp gió Lào, bụi đỏ bay tứ tung bám vào tóc vào má, rơi vào mắt, nhuộm hồng cả chiếc áo sơ mi trắng. Vì vậy Thành Vinh có biệt danh “Thành phố đỏ” theo cả nghĩa bóng (anh hùng) và nghĩa đen (bụi đỏ). Ngày nay, những con đường liên thôn cũng rải nhựa, hình ảnh đó, biệt danh đó lùi vào quá khứ.

Gắn bó với nhau từ thuở lọt lòng, lẽ nào không gắng tìm cho gió Lào một vài ưu điểm. Có phải vì cái nắng gió Lào không mà khoai lang quê tôi ngon bùi đến thế: “Khoai lang vàng Xứ Nghệ/ Càng nhai lại càng bùi” (Huy Cận). Ăn loại khoai này phải có bát nước chè xanh đi kèm, nếu không dễ bị nghẹn. Điều khẳng định sau hoàn toàn có cơ sở khoa học: Chính cái nắng gió Lào như thiêu như đốt đã kết tinh những giọt nước biển quê tôi thành những hạt muối trắng tinh, mặn mà.

Gió Lào đã góp một phần biến quê tôi thành vùng đất cằn đá sỏi, để cái nghèo đeo đẳng đời này sang đời khác, kiếp này sang kiếp khác. May thay, nó đã hun đúc nên con người quê tôi một tinh thần hay lam hay làm, cần cù, chịu thương chịu khó trong học tập và hăng say lao động. Cũng chính trên mảnh đất này đã sinh ra những thế hệ dũng cảm, kiên cường trong các cuộc chiến tranh giữ nước. Chẳng phải người xưa có câu: Hoan Diễn do tồn thập vạn binh đó sao?

Ngày còn nhỏ, tôi nghe loáng thoáng các thầy các cô Địa lý dạy rằng gió Lào từ phía tây thổi sang, khi qua dãy Trường Sơn bị lấy hết hơi nước nên đến ta chỉ còn hơi nóng. Bây giờ, đọc Internet, được giải thích cặn kẽ hơn. Theo Wikipedia Việt: “Hiện tượng foehn (phơn) chỉ việc gió sau khi vượt qua núi trở nên khô và nóng. Ở Việt Nam, hiện tượng foehn vào mùa gió Tây Nam thường được dân gian gọi là gió lào hoặc gió phơn Tây Nam. “Foehn” có nguồn gốc từ tiếng Đức, chỉ thứ gió ở vùng núi Alpes, nhờ nó khu vực Trung Âu được hưởng khí hậu ấm áp. Ở những vùng khác trên thế giới, hiện tượng foehn được gọi bằng những tên khác... Ở Việt Nam gọi là gió Lào. Nói chung, thường đặt tên cho gió này tùy theo tên địa phương nơi xảy ra”. Từ điển mở giải thích thêm: “Gió Lào hình thành từ vịnh Thái Lan, di chuyển theo hướng Tây Nam - Đông Bắc qua Campuchia và Lào. Khi tiếp cận với dãy núi Trường Sơn gió tăng tốc, vượt qua và tràn xuống vùng Bắc Trung Bộ và Trung Trung Bộ”. VnExpress cho biết: “Động lực chủ yếu sinh ra gió Lào là vùng áp suất nóng thường hình thành ở miền Hoa Nam, Trung Quốc, có khi trung tâm này nằm ngay đồng bằng Bắc Bộ. Vùng áp suất có tác dụng hút gió vượt qua dãy Trường Sơn. Vùng áp suất này càng sâu (nghĩa là áp suất trung tâm vùng áp thấp càng nhỏ) thì gió Lào càng thổi mạnh, và có trường hợp tỏa rộng ra Bắc Bộ, lên tới tận khu Việt Bắc”. Những nơi gió Lào thổi mạnh nhất dân gian thường gọi là “rốn gió Lào”. Thành phố Vinh hay thành phố Quảng Trị là những cái rốn như thế. Càng gần dãy Trường Sơn gió Lào càng yếu đi. Tôi nghiệm ra điều này khi mỗi mùa hè về Đức Thọ quê ngoại hay về Hương Sơn cố hương, gió Lào không thổi cuồn cuộn như ở Vinh hay Kỳ Anh, chỉ xào xạc trong lũy tre.

Ngày nay, gió Lào quê tôi có vẻ giảm đi. Mỗi năm chỉ khoảng vài ba tháng (do trục quay của trái đất có phần lệch đi chăng?). Các nhà cao tầng mọc lên tuy có làm tăng nhiệt độ “hiệu ứng nhà kính”, nhưng bù lại nó tạo ra những bức thành đồng chắn lại không cho gió Lào hoành hoành. Máy điều hòa có mặt khắp nơi (ở nhà, cơ quan, công xưởng, bệnh viện, trường học…) cũng là vũ khí hữu hiệu chống lại cái nóng như thiêu như đốt do gió Lào mang đến.

Vì khô và nóng, gió Lào còn là thủ phạm chính trong những vụ cháy rừng. Đây là một hiểm họa do gió Lào gây nên chưa thể nào khắc phục được một sớm một chiều, do lòng “tham, sân, si” trong một số người ngày càng tăng. Có lẽ hè 2019 vừa qua là năm gió Lào thổi mạnh với thời gian dài nhất trong vài chục năm nay. Suốt tháng sáu, gió Lào liên tục đổ lửa xuống Xứ Nghệ, không có lấy một giọt mưa. Chỉ một đốm lửa nhỏ do một người dân vô ý làm rơi đủ thiêu sạch rừng thông trên một ngọn núi (thuộc Xuân Hồng) trong dãy Hồng Lĩnh. Lửa cháy ba ngày ba đêm, nhờ một trận mưa dông bất ngờ đổ xuống mới tắt. Trên đường về quê ngoại, nhìn thấy cảnh tượng đau lòng ấy, liền òa khóc: “Ngước lên ngọn lửa phừng phừng/ Trái tim nửa đập nửa ngừng vì đau// Nghẹn ngào không thốt nổi câu/ Khóc than Ngàn Hống bạc đầu dòng Lam// Đêm qua mưa gió ngập tràn/ Lo chưa dịu bớt phần ngàn nỗi đau…”. Không chỉ cháy rừng thông Hồng Lĩnh, các rừng thông ở Thiên Nhẫn (Nam Đàn), núi Nầm (Hương Sơn) cũng lần lượt cháy.

Năm nay cuối tháng ba dương lịch, gió Lào đã ghé thăm…

Nguồn Văn nghệ số 15/2021


Có thể bạn quan tâm